GIAO DỊCH MUA CỔ PHIẾU CỦA NGƯỜI NỘI BỘ VÀ CÁCH VẬN DỤNG ĐỂ TÌM MUASIÊU CỔ PHIẾU

“Những người nội bộ có thể bán cổ phiếu của họ với bất kỳ lý do nào, nhưng họ mua chúng chỉ bởi một lý do duy nhất: họ nghĩ rằng giá cổ phiếu sẽ tăng” (Peter Lynch).

Tôi chắc rằng bạn đã nghe về những trích dẫn tương tự từ nhiều người khác nhau. Bởi vì những người nội bộ là những cá nhân có kiến thức sâu rộng về công ty của họ và sự năng động của ngành, chúng ta phải xem xét các giao dịch mua bán cổ phiếu của họ một cách thật nghiêm túc. Nhưng như bạn sẽ thấy, có nhiều thứ để bàn về giao dịch mua của người nội bộ hơn là chỉ nhìn vào hồ sơ. Vâng, giám đốc điều hành bán cổ phiếu của họ vì nhiều lý do khác nhau bao gồm kế hoạch tài chính, đa dạng hóa tài sản, nghỉ hưu, tài trợ từ thiện, v.v. Tuy nhiên, trong HẦU HẾT các trường hợp, họ mua cổ phiếu chỉ vì một lý do duy nhất: họ tin rằng giá cổ phiếu sẽ tăng trong tương lai. Việc mua vào của họ phát đi một tín hiệu rằng có thể có một yếu tố xúc tắc lớn về cơ bản ở đâu đó phía chân trời mà chúng ta không nhìn ra.
Khi xem lại lịch sử sự nghiệp giao dịch của tôi, người nội bộ mua vào hóa ra lại là một kiểu câu thần chú kép đối với các siêu cổ phiếu. Xem lại các số liệu lưu trữ đã ủng hộ niềm tin từ lâu của tôi rằng người nội bộ mua không chỉ là một chỉ báo cho sự thành công về mặt cơ bản trong tương lai ở cấp độ công ty, mà nó còn thúc đẩy và nâng cao đáng kể niềm tin của các nhà đầu tư vào cổ phiếu. Sự tin tưởng này cuối cùng chuyển thành sự tin tưởng mạnh mẽ rằng lợi nhuận hay EPS của công ty sẽ tăng cao hơn, kết quả là thúc đẩy giá cổ phiếu tăng cao hơn nhiều.
Mục tiêu của chúng tôi là tìm kiếm các giao dịch mua cổ phiếu trên thị trường mở của các giám đốc điều hành cấp cao hoặc các giám đốc điều hành. Tôi thấy rằng việc mua nội bộ có hiệu quả nhất khi nó diễn ra trong thời gian cổ phiếu đang xây dựng một nền giá dài hoặc ngay sau cú phá vỡ đầu tiên khỏi nền giá dài này. Nếu một cổ phiếu đang leo lên khỏi nền giá của nó và những người nội bộ vẫn tiếp tục vật lộn với việc mua cổ phiếu ở các mức giá cao hơn trên thị trường mở thì có một cơ hội tốt để cho những điều ngoạn mục xảy ra. Chẳng hạn, người nội bộ của cổ phiếu TRMM (một trong những cổ phiếu chiến thắng lớn nhất của tôi) đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ khi họ mua vào ở mức 0,25 đô la, sau đó là 0,5 đô la, sau đó là 0,75 đô la, v.v … họ mua lên đến mức gúa 12 đô la! Cổ phiếu này cuối cùng đã tạo đỉnh ở mức 27 đô la. Đó là mức lợi nhuận 10.800% trong vòng 2 năm.
Do các khoản trợ cấp quyền chọn cổ phiếu, các giám đốc điều hành đã có cổ phần đáng kể trong công ty của họ. Chỉ đến khi họ nhẩy vào thị trường mở để mua BỔ SUNG cổ phiếu bằng tiền RIÊNG của mình, bạn mới nên bắt đầu chú ý. Chúng ta muốn thấy quy mô của các giao dịch mua là lớn so với mức lương điều hành. Ví dụ, một giao dịch mua nội bộ nhỏ trị giá 9.000 đô la có thể có ý nghĩa nếu mức lương điều hành của người đó chỉ là 70.000 đô la. Một cú mua như vậy có thể là quan trọng, đặc biệt là nếu người nội bộ khác theo sau. Bất kể quy mô mua nội bộ thế nào, cứ lần nào thấy một người nội bộ mua cổ phiếu vốn hoá nhỏ là tôi chắc chắn chú ý và bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về cổ phiếu này.
Vẫn theo cùng ý tưởng như trên, khi thấy một tổ chức hoặc cá nhân có giá trị (tài sản) ròng cao nộp một biểu mẫu mới 13D/13G lên uỷ ban chứng khoán thì đây thường là một dấu hiệu rất tích cực. Biểu 13d/g là những tài liệu cần thiết về mặt pháp lý cho thấy một cá nhân hiện nắm giữ từ 5% cổ phiếu của công ty trở lên. Về lý thuyết, bất cứ ai mua một lượng cổ phần lớn như vậy đều có những thông tin mà nhà đầu tư bình thường không được biết.
Tuy nhiên bạn cũng phải cẩn thận với việc người nội bộ mua vào, không phải lúc nào giao dịch mua nội bộ cũng có hàm ý tốt:
– Thỉnh thoảng giám đốc điều hành sẽ thực hiện các giao dịch mua nhỏ với cổ phiếu của họ trên thị trường mở nhằm cố gắng thúc đẩy niềm tin vào cổ phiếu này. Nếu công ty ổn định và cổ phiếu đang xây dựng một nền giá vững chắc, một bằng chứng mua có thể là một thông điệp tinh tế gửi đến các cổ đông nắm giữ dài hạn để họ tiếp tục nắm giữ cổ phiếu. Đối với các công ty đang trong tình trạng hỗn loạn, bằng chứng mua có lẽ không phải là phản ánh của sự thay đổi về mặt cơ bản ở tương lai bên trong công ty. Bằng chứng mua này có thể chỉ là một phương tiện để bơm giá cổ phiếu. Thông lệ này là phổ biến đối với các công ty có cổ phiếu đang giao dịch dưới ngưỡng giá tối thiểu NYSE hoặc NASDAQ. Nếu một cổ phiếu của công ty bị hủy niêm yết, người nội bộ sẽ làm mọi cách để thao túng đẩy giá cổ phiếu của họ lên cao hơn.
– Cẩn thận với các giao dịch mua trên thị trường mở ở mức giá khác biệt đáng kể so với giá thị trường hiện tại. Đây có thể là giao dịch mua từ khá lâu trước đây. Tôi không chắc làm thế nào hoặc tại sao điều này xảy ra, nhưng nó vẫn xảy ra. Hãy xem ngày và giá để đảm bảo họ “xếp hàng”.
– Hãy coi chừng các giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu cho bên uỷ thác, chuyển nhượng trong gia đình và các bên liên quan. Nhiều lần, khi một giám đốc điều hành chuyển nhượng cổ phiếu cho một bên liên quan, thoạt nhìn có thể là mua hoặc bán. Nếu bạn kiểm tra việc nộp hồ sơ thực tế, thông thường trong đơn sẽ nêu rõ liệu có hay không có một giao dịch với các bên liên quan.
– Hãy coi chừng với giao dịch mua sau một thảm họa. Khi một công ty thông báo thông tin xấu như kiểu lợi nhuận kém, cổ phiếu của công ty có thể rơi xuống vực. Một vài ngày sau, bạn có thể thấy các giao dịch mua của người nội bộ được nộp lên uỷ ban chứng khoán. Thông thường kiểu mua như vậy là tiền đề cho các vị thế thua lỗ trong trung hạn. Giám đốc điều hành chắc chắn KHÔNG là những nhà giao dịch. Sau một cú rơi lớn, họ có thể thấy “giá trị” trong cổ phiếu của họ và họ đang mua cổ phiếu để nắm giữ “rất dài hạn”. Cũng có thể là tình hình trong công ty rất nghiêm trọng đến nỗi các giao dịch mua là một mưu đồ trong quan hệ công chúng. Đừng để tài khoản của bạn bị rơi theo nó.
– Các nhà đầu tư nghiệp dư luôn hào hứng với việc mua lại cổ phiếu của công ty. Thật không may, mua lại cổ phiếu hiếm khi chỉ ra sự vượt trội trong tương lai. Trong thực tế, mua lại cổ phiếu có thể báo hiệu chính xác điều ngược lại. Thời kỳ hoạt động mua lại cổ phiếu của công ty lớn nhất trong lịch sử diễn ra trong năm 2007 khi dường như mọi công ty trong S&P 500 đều tuyên bố mua lại lượng cổ phiếu khổng lồ. Một năm sau đó, nhiều cổ phiếu trong số này đã giảm 80% trở lên. Lý do mà tôi khuyên các bạn không nên hào hứng với giao dịch mua lại cổ phiếu của công ty là vì các công ty hầu như không bao giờ mua lại cổ phiếu của họ ở vùng đáy. Tương tự như vậy, hoạt động sáp nhập cũng không bao giờ xảy ra ở vùng đáy. Hoạt động sáp nhập hầu như luôn xảy ra ở một đỉnh chu kỳ lớn. Các công ty niêm yết đăng ký mua lại cổ phiếu không phải là một lý do để chúng ta tham gia mua cổ phiếu đó.
– Điều cuối cùng tôi muốn nhắc nhở cho bạn là có thể có một khoảng cách đáng kể về thời gian từ khi người nội bộ mua đến cú di chuyển có thể xảy ra ở cổ phiếu đó. Người nội bộ thường mua vì một chất xúc tác có thể không xuất hiện trong vòng vài quý. Bởi lý do này nên tốt nhất là bạn hãy kiên nhẫn và ngồi chờ đợi bên ngoài cho đến khi đồ thị của cổ phiếu bắt đầu phát ra các tín hiệu mua thích hợp.
Mặc dù giao dịch mua nội bộ có thể cung cấp năng lượng đáng kể cho siêu cổ phiếu, nhưng chiến lược này chỉ phát huy hiệu quả khi kết hợp với các nguyên tắc cơ bản thiết yếu khác có thể chứng tỏ rằng giao dịch mua nội bộ là một dấu hiệu đáng tin cậy về sự tăng giá cổ phiếu trong tương lai. Tôi sẽ không bao giờ mua một cổ phiếu đơn giản chỉ vì nó có người nội bộ mua mà không đi kèm các dấu hiệu cơ bản khác. Tôi lướt qua từng đơn đăng ký mua nội bộ mỗi tối và tôi có thể nói với bạn rằng 90% các cổ phiếu này không vượt trội so với thị trường. Chỉ khi được kết hợp với các yếu tố cần thiết khác thì phép thuật mới hiệu nghiệm.
Bài viết được cung cấp bởi anh:
Khuc Ngoc Tuyen (Mr.) Broker SSI – Tran Hung Dao
SSI – Securities Services – Retail Brokerage – Tư vấn đầu tư – Hỗ trợ mở tài khoản giao dịch chứng khoán.
10th Floor, CapitalTower, 109 Tran Hung Dao, Hoan Kiem , Ha Noi, Viet Nam
Mobile: 098.959.1288| Fax: (+84 -24) 3941 3385 | Email: [email protected]

Trả lời