Không có sự bất ngờ nào xuất hiện sau phiên Stopping volume trên chỉ số VN-Index, thị trường vẫn giữ được mốc hỗ trợ quan trọng 1,200 nhưng ranh giới rất mong manh. Nhiều ngày giảm giá chiếm áp đảo số ngày tăng giá là đặc điểm điển hình cho thị trường con gấu. Các điểm mua breakout nền giá đa phần bị thất bại là dấu hiệu cảnh báo rõ ràng nhất cho các trader vẫn còn đặt quá nhiều hy vọng tăng giá cho thị trường.
HÀNH ĐỘNG GIÁ HÔM NAY
Chỉ số VN-Index kết thúc tuần giao dịch đầy biến động bằng ngày giảm giá gần 1% với khối lượng giao dịch lớn phiên hôm trước. Vì thị trường đã xác nhận vào “Xu hướng giảm giá” nên chúng ta không cần phải đếm các ngày phân phối. Chỉ số VN-Index có tuần giảm điểm mạnh nhất 2.5% tính từ khi thị trường chung đạt đỉnh vào cuối tháng 8 và đóng cửa dưới MA10 tuần.
HNX-Index cũng quay đầu giảm điểm -0.46% sau khi có phiên tạo đáy mới vào ngày thứ 5 vừa rồi. Các cổ phiếu Blue chip nhất là nhóm bank bị bán mạnh trong tuần vừa qua đã đẩy chỉ số VN30 có tuần giảm giá mạnh gần 3%.
Các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng trải qua tuần giao dịch tệ hại khi hầu hết các cổ phiếu đều đóng cửa ở mức thấp nhất tuần và mức giảm đều từ 2%-6%. Ngành ngân hàng vẫn không thể trở thành trụ đỡ chính cho thị trường, ngược lại ngành này trở thành “quả tạ” khiến chỉ số VN-Index giảm điểm mạnh nhất trong thời gian qua.
Ngành chứng khoán, thép cũng không khấm khá gì hơn, hầu hết các cổ phiếu đều đang giao dịch nằm dưới đường trung bình di động MA200 ngày đang dốc xuống. Các cổ phiếu đang ở trong giai đoạn 4 hoặc giai đoạn 1 và đây không phải là giai đoạn kiếm tiền dễ dàng của các nhà giao dịch theo sau xu hướng. Hãy chờ đợi các cổ phiếu bước vào giai đoạn 2 tăng giá, đây mới chính là thời điểm vàng để trader đi săn mồi.
Việc chỉ số thị trường chung đang giao dịch dưới MA50 ngày đang cảnh báo cho nhiều nhà đầu tư cần phải cẩn trọng. Một thị trường con gấu sẽ cuốn trôi hết các tài sản, tiền bạc mà bạn khó khăn kiếm được trước đây. Vì vậy, hãy tôn trọng thị trường và đừng bén mảng đến cổ phiếu nếu thị trường chưa trở lại xu hướng tăng giá.
Cá nhân tôi vẫn giữ nguyên quan điểm, nếu chỉ số VN-Index chưa vượt được cây nến ngày 19/9 hay tối thiếu đóng cửa trên MA50 ngày thì Xu hướng hiện tại của thị trường vẫn là Downtrend. Thị trường có thể sẽ giảm về lại đáy tháng 7.2022 để rủ bỏ các tay chơi yếu trước khi quay trở lại tăng giá. Khu vực 1,140 – 1,160 điểm chính là cứ điểm quan trọng mà VN-Index không được xuyên thủng, nếu như điều đó xảy ra thì hãy tìm kiếm Đợt nỗ lực hồi phục.
Độ rộng thị trường tiếp tục bị thu hẹp, chưa có dấu hiệu cải thiện nào xuất hiện. Số lượng cổ phiếu nằm trên MA50 ngày sụt giảm mạnh, giờ đây chỉ còn bằng 1/2 so với số lượng cổ phiếu nằm dưới MA50 ngày, dấu hiệu của một thị trường con gấu đang trở nên rõ ràng.
Danh sách cổ phiếu vượt đỉnh 52 tuần tụt dốc không phanh, chỉ còn lại vỏn vẹn 2 cổ phiếu tham gia vào danh sách này.
“CHỮ THẬP CHẾT CHÓC” ĐANG XUẤT HIỆN TRÊN CỔ PHIẾU NGÀNH ĐIỆN TÁI TẠO.
Con sóng thần năng lượng tái tạo đã tăng trong gần 2 năm qua kéo theo nhiều cổ phiếu điện tăng giá vài lần từ đáy Covid 2020. Nhà đầu tư kỳ vọng với nhiều dự án điện tái tạo được chấp thuận bởi Chính phủ sẽ giúp các doanh nghiệp điện này ăn nên làm ra trong thập kỷ “năng lượng xanh” sắp tới. Tuy nhiên cho đến hiện tại, dường như nút thắt về khung giá điện đối với dự án điện tái tạo chưa kịp COD sau tháng 11.2021 chưa được gỡ bỏ.
Rắc rối xảy ra khi vừa mới đây Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản phản hồi với Bộ Công Thương và cho rằng đề xuất mà Bộ đưa ra về cơ chế đối với các dự điện gió, điện mặt trời là không khả thi với thị trường Việt Nam. Bốn lý do chính: (1) thời gian kéo dài, (2) khung giá điện là không hồi tố, (3) phức tạp trong việc xác định sản lượng điện trong năm và không có cơ quan thẩm quyền nào xác định được số liệu trong giai đoạn này, (4) khó để đàm phán và sản lượng.
Hiện tại, EVN đã đưa ra 2 phương án để xử lý: (1) thanh toán theo giá điện giao ngay, không vượt quá khung giá phát điện theo luật Bộ Công Thương đã phê duyệt; (2) EVN không chấp nhận đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện của các dự án điện tái tạo này.
=> Như vậy đối với các doanh nghiệp còn lượng lớn dự án điện tái tạo chưa đàm phán giá điện, có thể đây là dấu chấm hết cho các dự án này nếu không chấp nhận bán điện cho EVN với “giá rẻ”. Khấu hao của các nhà máy điện là vấn đề lớn khiến lợi nhuận có thể bị sụt giảm đi kèm bối cảnh giá bán điện không được tốt.
Nhìn trên đồ thị giá của các doanh nghiệp có lượng lớn điện tái tạo như GEG, PC1, HDG đều có vẻ “khá xấu”. Cụ thể cổ phiếu GEG sau khi breakout thất bại mẫu hình Chiếc Cốc tay cầm hình thành trong 14 tuần đã xuất hiện liên tục nhiều phiên giảm điểm mạnh với khối lượng lớn. Các đợt hồi phục trở lại MA50 ngày sau khi đánh mất đường trung bình di động này đều đi kèm với khối lượng thấp. Cổ phiếu có hai lần hồi phục vượt qua MA50 ngày nhưng sau đó nhanh chóng giảm điểm, xuyên thủng MA200 ngày và đồng thời xuất hiện sự kiện “Chữ thập chết chóc” – MA50 ngày cắt xuống MA200 ngày vào ngày 5.9.2022
Cổ phiếu PC1 cũng thất bại trong việc phá vỡ nền giá và hình thành mẫu hình “Bát rượu độc của thần chết” vào giữa tháng 6.2022. Cổ phiếu có đợt tăng giá quá nhanh bên phần mạn phải của mẫu hình với 5 tuần tăng giá liên tiếp từ đáy, đợt tăng giá bên mạn phải không chậm lại mà còn quá gấp gáp khiến lượng cung treo lơ lửng trên đầu được hình thành bởi những người mua mắc bẫy giá cao vào đầu tháng 4 chưa kịp bị loại bỏ.
Cổ phiếu đang trong quá trình xây lại phần mạn phải nền giá và đang neo tại khu vực MA200 ngày. Hãy chú ý đợt tăng gần đây của cổ phiếu PC1 là khá “hỗn loạn” khi cổ phiếu tăng giá được 1-2 phiên thì theo sau đó là các phiên giảm liên tiếp. Các đợt điều chỉnh trở nên sâu hơn qua mỗi lần thị trường giản là dấu hiệu của một cổ phiếu bị suy yếu, cổ phiếu có nhiều phiên giảm mạnh với khối lượng lớn chứng tỏ lượng cung bán ra còn khá nhiều.
(Còn tiếp)
Tham gia Team Nhà đầu tư CANSLIM để đọc chi tiết bản tin hoặc tham gia lớp Trend trader, Zalo liên hệ: 0977.697.420