- Nửa đầu năm 2024, ngành thủy sản phục hồi với mức tăng nhẹ 6.8% YoY nhờ nhu cầu cải thiện. Mức tăng của ngành tôm và cá tra chủ yếu nhờ sản lượng tăng trong khi giá bán vẫn thấp hơn cùng kỳ do sự cạnh tranh quyết liệt trong khi nhu cầu các thị trường còn yếu. Trong nửa cuối năm 2024 (2H2024), VDSC kỳ vọng ngành thủy sản sẽ nối tiếp đà tăng trưởng trong nửa đầu 2024 (1H2024) nhờ sự phục hồi ở thị trường Mỹ và Nhật nhiều hơn các thị trường khác.
- Ngành cá tra 1H2024 đã tăng nhẹ 5% YoY nhờ sản lượng tăng 17% YoY. Triển vọng trong 2H2024 tập trung ở mức tăng sản lượng nhờ giá bán cá tra cạnh tranh hơn các loại cá khác. Giá bán cá tra kỳ vọng tăng dần trong nửa cuối 2024 ở tất cả thị trường nhờ mùa cao điểm, tuy nhiên mức tăng sẽ không mạnh do nền kinh tế các nước còn yếu và kỳ vọng khởi sắc trong năm 2025 sau khi Fed dự kiến cắt lãi suất vào tháng 9.
- Ngành tôm 1H2024 cũng tăng nhẹ 6% YoY, tuy nhiên, gía trị xuất khẩu trong 1H2024 của tôm thẻ chỉ tăng 3% YoY, đạt 1.1 tỷ USD và tôm sú đạt 199 triệu USD (-10% YoY). Triển vọng tăng trưởng 2H2024 cũng tập trung ở mức tăng sản lượng khi mức độ cạnh tranh với Ecuador và Ấn độ còn cao. Giá bán tôm cũng kỳ vọng tăng dần ở các thị trường với thị trường Nhật kỳ vọng cải thiện sớm hơn nhờ (1) tỷ giá đồng Yên/USD mạnh lên khi Fed cắt lãi suất và (2) mức cạnh tranh về giá thấp.
- Biên gộp kỳ vọng tăng cao trong 2H2024 ở các doanh nghiệp có tỷ lệ tự chủ nguồn tôm/cá nguyên liệu cao như VHC, ANV và FMC nhờ chi phí nông sản đầu vào duy trì mức thấp trong khi giá bán kỳ vọng tăng dần ở hầu hết các thị trường. Ngoài ra, giá cá/tôm nguyên liệu kỳ vọng tương đương 1H2024 cũng hỗ trợ phần nào biên gộp của các doanh nghiệp có tỷ lệ tự chủ thấp hơn nào.
- Chi phí cước vận chuyển quốc tế đến các thị trường chính kỳ vọng giảm trong 2H2024 nhờ số lượng tàu mới về của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam hỗ trợ cải thiện biên ròng của các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu theo giá CFR hoặc cải thiện giá bán đối với doanh nghiệp xuất khẩu theo giá FOB (nhờ giảm chia sẻ chi phí với người mua) trong 2H2024.
Giá trị xuất khẩu ngành thủy sản dự kiến tăng dần đến tháng 10 trước khi quay đầu giảm
Mặc dù giá trị xuất khẩu thủy sản thế giới ước tính theo FAO giảm nhẹ 2% YoY trong năm 2024, tuy nhiên, ngành thủy sản Việt Nam đã thể hiện sự phục hồi nhẹ 6.8% YoY trong 6T2024 nhờ sản lượng xuất khẩu tăng trưởng. Trong đó, ngành cá tra đã tăng nhẹ 5% YoY và ngành tôm tăng 6% YoY.
Với mục tiêu tăng trưởng toàn ngành cá tra là 7% YoY và ngành tôm là 17% YoY thì kỳ vọng nửa cuối có sự bứt phá mạnh mẽ. Giá trị xuất khẩu thủy sản thường tăng dần đến hết tháng 10 trước khi quay đầu giảm. Ngoại trừ năm 2022 có sự tăng trưởng cao ở nửa đầu năm do lệnh trừng phạt đối với thủy sản Nga nên dẫn đến sự dư thừa hàng tồn kho dẫn đến mức giảm trong nửa cuối. Tuy nhiên, năm nay mức hàng tồn kho tại Mỹ không còn quá cao. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng ngành thủy sản khởi sắc trong Q3.
Xuất khẩu cá tra nửa đầu năm 2024 hồi phục nhẹ +5% so với cùng kỳ
Theo số liệu của Agromonitor, xuất khẩu trong tổng 6 tháng đầu năm của cá tra đạt 920 triệu USD (+5% YoY) với sự hỗ trợ từ mức tăng sản lượng của tất cả thị trường, nổi bật nhất là tại thị trường Mỹ (+41% YoY).
Xuất khẩu tháng 6/2024 cũng cho thấy tín hiệu tăng trưởng tích cực với mức tăng 13% YoY, đạt 163 triệu USD. Tuy sản lượng tăng trưởng nhưng giá bán vẫn duy trì ở mức thấp so với cùng kỳ ở tất cả thị trường.
Ngành cá tra kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng trong nửa cuối ở thị trường Mỹ nhiều hơn
Về thị trường Mỹ
- Mặc dù sản lượng nhập khẩu 5T2024 tại thị trường Mỹ vẫn còn thấp hơn cùng kỳ 4% (bảng 1), thị phần sản lượng cá tra lại tăng trưởng nhờ duy trì ở mức giá thấp hơn các loại cá khác. Trong top 15 loại cá fillet xuất vào Mỹ thì giá bán cá tra trung bình 5T2024 của Việt Nam là thấp nhất. Giá bán cá tra nhập khẩu của Mỹ trong tháng 5/2024 hiện thấp hơn cá rô phi 55% và cá minh thái 21%. Bên cạnh đó, giá bán cá tra chỉ có mức giảm thua mỗi cá Tuyết và cá Minh thái khi có sự giảm giá 15% YTD và 19% YoY. Cá Tuyết và cá Minh Thái giảm chủ yếu do lệnh cấm nhập khẩu cá gốc Nga của Mỹ khiến cho nguồn cung dư thừa dẫn đến giá giảm.
- VDSC kỳ vọng thị trường Mỹ sẽ duy trì đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024 khi (1) giá bán ở mức thấp và (2) tỷ lệ tồn kho/doanh thu giảm do doanh thu bán lẻ F&B cải thiện dần (+1% YTD). Ngoài ra, với mức giá bán đang tăng dần theo tháng thì khả năng Q4 sẽ có mức giá tăng trưởng nhờ mức nền thấp năm ngoái sẽ hỗ trợ phần nào đà tăng giá trị xuất khẩu.
Về thị trường Trung Quốc và EU
- Nền kinh tế của thị trường Trung Quốc vẫn còn yếu do sự yếu kém của thị trường bất động sản và tâm lý người tiêu dùng còn ở mức thấp. Vì vậy, áp lực cạnh tranh về giá cao còn rất cao. Hiện nay, cá gốc Nga (cá tuyết, cá Minh Thái) không thể xuất qua Mỹ nên Nga đẩy mạnh xuất khẩu qua Châu Á cụ thể là Mỹ và Nhật và với mức giá giảm sâu thì việc tăng giá bán cá tra là khó. Chính vì vậy, chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng trong 2H2024 chủ yếu nhờ vào sản lượng nhờ mức giá cá tra ở mức thấp.
- Thị trường EU cũng tương tự thị trường Trung Quốc khi mức độ cạnh tranh cao về giá còn cao. Tuy nhiên, việc cắt lãi suất của ECB và mùa lễ hội cuối năm sẽ giúp xuất khẩu cá tra phần nào cải thiện so với 1H2024.
Giá cá nguyên liệu trong 2H2024 kỳ vọng ít biến động
Giá cá nguyên liệu trong 2H2024 kỳ vọng tương đương 1H2024 do (1) mức tồn kho của cá tra giảm dần sẽ tăng giá cá nguyên liệu nhưng (2) giá thức ăn thủy sản và giá cá giống giảm kìm hãm đà tăng.
Giá thức ăn giảm do giá nông sản giảm. Giá đậu nành tháng 6 đã giảm 26% YoY. Bên cạnh đó, chúng tôi dự kiến giá đậu nành sẽ chưa tăng mạnh trở lại do USDA (bộ nông nghiệp Hoa kỳ) dự báo nguồn cung đậu nành tại Mỹ năm 2024 tăng 8%, đạt 4.8 tỷ giạ và tại Brazil đạt 169 triệu tấn (+4% YoY).
Ngành tôm vẫn chưa hồi phục mạnh mẽ trong 1H2024
Theo số liệu của Agromonitor, xuất khẩu trong 1H2024 của ngành tôm vẫn chưa cải thiện mạnh mẽ với mức tăng nhẹ 6% YoY đạt 1.6 tỷ USD. Tuy nhiên, gía trị xuất khẩu trong 1H2024 của tôm thẻ chỉ tăng 3% YoY, đạt 1.1 tỷ USD và tôm sú đạt 199 triệu USD (-10% YoY).
Trong đó, xuất khẩu tôm thẻ chỉ có sự tăng trưởng nhẹ ở thị trường Nhật (+2% YoY), Anh (+9% YoY) trong khi Mỹ vẫn chưa hồi phục và Trung Quốc giảm 2% YoY. Xuất khẩu tôm sú có sự tăng trưởng ở EU (+8% YoY) trong khi Nhật đi ngang và Trung Quốc và Mỹ vẫn cải thiện.
Giá trị xuất khẩu thấp hơn cùng kỳ chủ yếu do giá bán vẫn chưa hồi phục trong khi nhu cầu tiêu thụ cải thiện. Sản lượng tôm thẻ và tôm sú đều có sự tăng trưởng lần lượt 12% và 2% trong khi giá bán trung bình giảm lần lượt 8% và 11% YoY.
Giá bán các loại tôm vẫn duy trì ở mức thấp so với cùng kỳ
Giá bán trung bình các loại tôm thẻ và tôm sú vẫn còn thấp hơn cùng kỳ tại tất cả thị trường chính. Đối với giá tôm thẻ đã có sự cải thiện dần theo tháng ở tất cả thị trường chính trừ Trung Quốc. Đối với giá bán tôm sú, tất cả các thị trường chính ngoại trừ EU đều có sự giảm dần theo tháng, tuy nhiên, thị trường Mỹ vẫn duy trì được giá bán tương đương cùng kỳ trong tháng 6/2024.
Ngành tôm nửa cuối 2024 trông chờ vào đà tăng sản lượng ở thị trường Nhật
Về triển vọng thị trường
- Do sự cạnh tranh gay gắt về giá của các đối thủ Ecuador và Ấn Độ, ngành tôm kỳ vọng hưởng lợi đối với các doanh nghiệp tập trung xuất khẩu ở thị trường Nhật, nơi có nhu cầu tiêu thụ tôm chế biến cao và đòi hỏi sản phẩm có cùng size, mẫu mã đẹp và tiện lợi mà Ecuador và Ấn độ chưa thể sản xuất số lượng lớn.
- Giá bán của Ecuador có mức rẻ hơn Việt Nam nhờ giá tôm nguyên liệu thường thấp hơn 1-2 USD/kg (tương đương thấp hơn 50% theo giá tháng 6/2024) (hình 23). Giá tôm nguyên liệu rẻ nhờ vị trí địa lý của Ecuador gần nguồn cung đậu tương (Brazil) và bột cá (Peru). Tỷ lệ bột cá và đậu tương thường chiếm 60% thức ăn chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi lại chiếm 60-70% giá vốn tôm thẻ. Ngoài ra, nguồn nước sạch hơn, con giống tốt hơn và mật độ thả nuôi thấp cũng giúp tỷ lệ nuôi thành công cao hơn Việt Nam.
- Thị trường Mỹ và Trung Quốc khó tăng cao do 2 thị trường này là 2 thị trường trọng điểm của Ecuador nên mức cạnh tranh sẽ cao hơn ở Nhật. Giá trị xuất khẩu tháng 5/2024 của Ecuador là tháng cao kỷ lục từ trước đến nay (hình 24). Mặc dù Ecuador bị áp thuế chống bán phá giá sơ bộ 10,58% trong khi Việt Nam có 31 doanh nghiệp không bị áp thuế, nhưng giá bán tôm nguyên liệu chênh lệch 50% và vị trí Ecuador ở gần Mỹ hơn Việt Nam nên giá bán cạnh tranh.
Về giá bán tại các thị trường, giá bán tôm cũng kỳ vọng tăng dần ở các thị trường nhờ mùa lễ hội và Fed cắt lãi suất. Tuy nhiên, thị trường Nhật kỳ vọng cải thiện sớm hơn nhờ (1) tỷ giá đồng Yên/USD mạnh lên sau khi Fed cắt lãi suất và (2) mức cạnh tranh về giá thấp.
Về giá tôm nguyên liệu
Giá tôm thẻ nguyên liệu đã quay đầu giảm trong tháng 6 và cao hơn cùng kỳ 5% YoY nhưng giá bán tại các thị trường chính tăng dần theo tháng kỳ vọng cải thiện biên gộp cho các doanh nghiệp tôm trong 2H2024. Trong khi đó, các doanh nghiệp có tỷ trọng tôm sú cao vẫn khó khăn do giá tôm sú nguyên liệu có mức tăng cao hơn cùng kỳ 14% trong khi giá bán tôm sú vẫn còn duy trì mức thấp ở tất cả thị trường ngoại trừ EU. Từ đó, biên gộp của các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu tôm sú cao ở các thị trường ngoài EU sẽ khó tăng cao.
Nhìn chung, giá tôm nguyên liệu trong 2H2024 kỳ vọng tương đương cùng kỳ do sản lượng xuất khẩu tăng cao do mùa vụ chính sẽ khiến lượng hàng tồn kho giảm dần và đẩy giá tôm nguyên liệu tăng. Tuy nhiên, giá thức ăn giảm kỳ vọng giảm giá tôm nguyên liệu. Từ đó, giá tôm nguyên liệu trong 2H2024 kỳ vọng ít biến động so với 1H2024. Diễn biến giá tôm nguyên liệu sẽ tăng trong Q3/2024 khi nhu cầu cao cho mùa lễ hội và giảm dần trong Q4/2024.
Tổng kết lại, kỳ vọng tăng trưởng trong nửa cuối 2024 cho ngành thủy sản tập trung ở sản lượng tăng nhờ duy trì ở mức giá bán thấp. Đối với ngành cá tra, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra có tỷ trọng doanh thu tại Mỹ cao như VHC sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Trong khi ngành tôm, các doanh nghiệp tỷ trọng xuất khẩu qua Nhật cao như FMC sẽ vẫn duy trì được đà tăng trưởng
- Biên gộp kỳ vọng cải thiện dần ở các doanh nghiệp thủy sản trong 2H2024 nhờ giá bán kỳ vọng tăng dần ở hầu hết các thị trường trong khi giá cá/tôm nguyên liệu kỳ vọng tương 1H2024 khi giá thức ăn giảm và nhu cầu xuất khẩu tăng. Ngoài ra, các doanh nghiệp có tỷ lệ tự chủ nguồn tôm/cá nguyên liệu cao như VHC, ANV và FMC sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ chi phí thức ăn giảm.
- Chi phí cước vận chuyển quốc tế đến các thị trường chính kỳ vọng giảm trong 2H2024 nhờ số lượng tàu mới về của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam hỗ trợ cải thiện biên ròng của các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu theo giá CFR hoặc cải thiện giá bán đối với doanh nghiệp xuất khẩu theo giá FOB (nhờ giảm chia sẻ chi phí với người mua) trong 2H2024.