Thép dẹt – Dư địa tăng trưởng của phân khúc cho sản xuất công nghiệp

  • Theo nghiên cứu của Market Research Future, giá trị thị trường thép dẹt toàn cầu 2023 đạt 484 tỷ USD, và dự kiến đạt 817 tỷ USD năm 2032 (tương đương tốc độ tăng trưởng kép CAGR đạt 6% trong giai đoạn 2024-2032). Xu hướng công nghiệp hóa, sử dụng rộng rãi thiết bị cơ khí, ô tô và xây dựng cũng như tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng là những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng thị trường thép dẹt trong giai đoạn này. Trong đó, thị trường Bắc Mỹ, Châu Á và Châu Âu là thị trường tiêu thụ chủ đạo – nơi tập trung trung tâm sản xuất (manufacturing hub) ô tô và thiết bị gia dụng, máy móc.
  • Thị trường thép dẹt Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của chu kỳ phát triển, khi nguyên liệu đầu vào (HRC) vẫn đang phải nhập khẩu, đặc biệt là cho các mác thép chất lượng cao; 2/ Các công ty tôn mạ trong nước chưa sản xuất được các mác thép dẹt cho thiết bị gia dụng, thiết bị công nghiệp (với biên lợi nhuận cao hơn). Tuy nhiên các nhà sản xuất nội địa bắt đầu nhận thấy tiềm năng của lĩnh vực này và có kế hoạch đầu tư cụ thể với: 1/ HPG và Khu liên hợp Dung Quất 02 (DQ02) với mục tiêu sản xuất các mác thép chất lượng cao, 2/ Một số doanh nghiệp tôn mạ đầu ngành (NKG, GDA) đang chuẩn bị đầu tư nhà máy thép dẹt với quy mô lớn và mở rộng phân khúc sản phẩm sang thép cho sản xuất công nghiệp.

Tiềm năng tăng trưởng mảng thép dẹt từ sản xuất công nghiệp

Trong chuỗi giá trị của ngành thép, sản phẩm hạ nguồn có thể được chia làm 02 loại: thép dài và thép dẹt. Thép dài (thép cuộn, thép thanh) ứng dụng nhiều trong lĩnh vực xây dựng, sẽ phụ thuộc nhiều vào chu kỳ kinh tế. Trong khi đó thép dẹt thì ứng dụng nhiều vào sản xuất công nghiệp (máy móc, thiết bị gia dụng, oto, đóng tàu…) và ít bị ảnh hưởng hơn so với thép dài. Theo dữ liệu về tiêu thụ thép của Trung Quốc (quốc gia đang phát triển, có mức tiêu thụ thép lớn nhất trên thế giới), thép ứng dụng cho sản xuất công nghiệp chiếm 40% tổng sản lượng tiêu thụ, cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này với các nhà sản xuất thép.

Theo nghiên cứu của Market Research Future, giá trị thị trường thép dẹt toàn cầu 2023 đạt 484 tỷ USD, và dự kiến đạt 817 tỷ USD năm 2032 (tương đương tốc độ tăng trưởng kép CAGR đạt 6% trong giai đoạn 2024-2032). Xu hướng công nghiệp hóa, sử dụng rộng rãi thiết bị cơ khí, ô tô và xây dựng cũng như tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng là những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng thị trường thép dẹt trong giai đoạn này. Trong đó, thị trường Bắc Mỹ, Châu Á và Châu Âu là thị trường tiêu thụ chủ đạo – nơi tập trung trung tâm sản xuất (manufacturing hub) ô tô và thiết bị gia dụng, máy móc.

Các công ty có thị phần lớn nhất trong ngành có thể kể đến gồm: ArcelorMittal, POSCO, Jiangsu Shagang Group, ChinaSteel, NIPPON Steel,… Theo Market Research Future, xu hướng chung của các nhà sản xuất thép dẹt gồm : 1/ Đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển để mở rộng dòng sản phẩm và tăng nhu cầu của thị trường, 2/ Tối ưu chi phí sản xuất bằng cách lập nhà máy tại các quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam). 

Triển vọng thị trường thép dẹt Việt Nam – Nhiều dư địa phát triển

Thị trường thép dẹt Việt Nam, theo đánh giá của chúng tôi, vẫn đang trong giai đoạn đầu của chu kỳ phát triển, với: 1/ Nguyên liệu đầu vào (HRC) vẫn đang phải nhập khẩu (năm 2023, tổng lượng nhập khẩu HRC là 9.64 triệu tấn), trong khi các nhà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là cho các mác thép chất lượng cao; 2/ Các công ty tôn mạ trong nước mới đang tập trung vào các sản phẩm cho lĩnh vực xây dựng (tôn mạ, ống thép) trong khi chưa sản xuất được các mác thép dẹt cho thiết bị gia dụng, thiết bị công nghiệp (với biên lợi nhuận cao hơn).

Với thị trường tôn mạ cho sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp FDI gồm POSCO và CVSC (liên doanh China Steel – Nippon Steel) vẫn đang thống lĩnh thị trường với sản phẩm chính là thép cán nguội (CRC). Tuy nhiên các nhà sản xuất nội địa bắt đầu nhận thấy tiềm năng của lĩnh vực này và có kế hoạch đầu tư cụ thể, như:

  • Hòa Phát với Khu liên hợp Dung Quất 02 (DQ02) có công suất thiết kế đạt 5.6 triệu tấn HRC/năm, chia làm 02 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 01 có công suất đạt 2.8 triệu tấn/năm, dự kiến bắt đầu sản xuất kiểm thử trong quý 4/24 và bắt đầu đi vào hoạt động từ quý 1/25. Ngoài các mác thép cho thép xây dựng, công ty sẽ đầu tư để sản xuất các mác thép chất lượng cao, phục vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp, thiết bị gia dụng, ô tô.
  • Một số doanh nghiệp tôn mạ đầu ngành (NKG, GDA) đang chuẩn bị đầu tư nhà máy thép dẹt với quy mô lớn và dự kiến đưa vào hoạt động vào giai đoạn 2026-2027; họ mở rộng đầu tư, ngoài từ kì vọng thị trường thép hồi phục, còn mục tiêu mở rộng phân khúc sản phẩm sang thép cho sản xuất công nghiệp. Chúng tôi lưu ý một số thách thức mà các nhà sản xuất thép sẽ cần lưu ý khi muốn mở rộng sang lĩnh vực này, gồm mức đầu tư cao (bảng 01) và quá trình để khách hàng (các công ty sản xuất) kiểm chứng chất lượng sản phẩm.

Nguồn VDSC (link gốc)

Trả lời