Ngành thủy sản – Kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2024

  • Xuất khẩu cá tra T8/2024 tăng nhẹ 2% YoY, đạt 174 triệu USD nhờ sản lượng duy trì tăng trưởng (+6% YoY) trong khi giá bán trung bình toàn ngành vẫn thấp hơn cùng kỳ 4%. Mức tăng trưởng toàn ngành chậm lại trong tháng 8 do mức nền thấp của sản lượng xuất khẩu không còn. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu tại thị trường Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng 2 chữ số với mức tăng lần lượt 24% và 19% YoY.

  • Giá trị xuất khẩu cá tra kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng về giá và lượng trong những tháng cuối năm. Giá bán dự kiến sẽ tăng trưởng nhờ (1) mùa lễ hội, (2) mức nền thấp 2023 và (3) giá cá tra tăng dần theo các loại cá khác. Sản lượng tăng trưởng do (1) tỷ lệ hàng tồn kho bán lẻ F&B/doanh số bán lẻ F&B tại Mỹ duy trì mức thấp hơn trung bình 5 năm và (2) sản lượng nhập khẩu cá fillet của Mỹ 7T/2024 vẫn thấp hơn cùng kỳ cho thấy lượng hàng tồn kho không quá cao và (3) giá cá tra ở mức thấp hơn các loại cá khác.

  • Giá trị xuất khẩu tôm T8/2024 đạt 358 triệu USD (+8% YoY), trong đó tôm thẻ đạt 267 triệu USD (+7% YoY), tôm sú đạt 42 triệu USD (-5% YoY) và tôm khác (chủ yếu tôm hùm) đạt 48 triệu USD (+25% YoY). Sản lượng xuất khẩu tôm thẻ/tôm sú đều tăng trưởng lần lượt 12%/5% trong khi giá bán vẫn còn thấp hơn cùng kỳ 4% và 9%.

  • Về ngành cá tra, doanh nghiệp VHC được hưởng lợi nhiều hơn ANV nhờ giá bán tại thị trường Mỹ (thị trường chính của VHC) kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng trong khi giá bán tại thị trường Trung Quốc (thị trường chính của ANV) vẫn chưa hồi phục. Về ngành tôm, tuy thị trường Nhật (thị trường chính của FMC) tăng trưởng chậm lại nhưng chúng tôi nhận thấy sự tăng trưởng sản lượng tại thị trường Mỹ và Anh, (chiếm tổng 40% doanh thu của FMC) sẽ giúp tổng sản lượng xuất khẩu cải thiện.

Xuất khẩu cá tra T8/2024 tăng trưởng chậm lại…

Xuất khẩu cá tra T8/2024 tăng nhẹ 2% YoY, đạt 174 triệu USD nhờ sản lượng duy trì tăng trưởng (+6% YoY) trong khi giá bán trung bình toàn ngành vẫn thấp hơn cùng kỳ 4%. Mức tăng trưởng toàn ngành chậm lại trong tháng 8 khi mức nền thấp của sản lượng xuất khẩu không còn.

…nhưng sản lượng xuất khẩu cá tra T8/2024 tại thị trường Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng hai chữ số

Tuy sản lượng toàn ngành tăng trưởng thấp nhưng sản lượng xuất khẩu tại thị trường Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng 2 chữ số với mức tăng lần lượt 24% và 19% YoY (hình 3).

Về thị trường Trung Quốc, sản lượng tiêu thụ vẫn tăng trưởng trong khi giá bán phá đáy do nền kinh tế tại thị trường này còn yếu và chưa chấp nhận trả mức giá cao.

Về thị trường EU, cá tra đang phải cạnh tranh về giá với cá gốc Nga (cá tuyết, cá minh thái gốc Nga) do nguồn cung tăng khi không thể xuất qua Mỹ.

Sản phẩm cá biển (cá tuyết, cá minh thái) được ưa chuộng tại EU với thị phần sản lượng nhập khẩu ước tính chiếm 40% tổng sản lượng nhập khẩu và 22% giá trị năm 2023.

Giá bán cá tra T8/2024 tại các thị trường có sự phân hóa

Giá bán tại thị trường Mỹ đã đi ngang trong T8/2024 nhưng tăng 6% YoY nhờ mức nền thấp năm 2023 trong khi giá bán tại thị trường Trung Quốc và EU vẫn liên tục giảm và chưa có dấu hiệu dừng. Giá bán tại 2 thị trường Trung Quốc và EU đều giảm lần lượt 14% và 9% YoY.

Giá trị xuất khẩu toàn ngành lũy kế 8T/2024 đạt 1.279 triệu USD (+7% YoY) chủ yếu nhờ sự tăng trưởng sản lượng 17% YoY đến từ mức tăng mạnh mẽ ở thị trường Mỹ (+41% YoY) và thị trường Trung Quốc (+11%) trong khi EU chỉ tăng nhẹ 3% YoY. Giá bán trung bình 8T/2024 của các thị trường vẫn duy trì ở mức thấp hơn cùng kỳ.

Giá trị xuất khẩu cá tra kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm

Trong những tháng còn lại của năm 2024, chúng tôi kỳ vọng giá trị xuất khẩu cá tra kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng. Giá bán dự kiến sẽ tăng trưởng nhờ (1) mùa lễ hội, (2) mức nền thấp 2023 và (3) giá cá tra tăng dần theo các loại cá khác. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu toàn ngành khó tăng cao khi mức nền thấp sẽ không còn. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng sản lượng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và Mỹ tăng trưởng mạnh sẽ giúp duy trì đà tăng của toàn ngành.

  • Sản lượng thị trường Mỹ kỳ vọng tăng do (1) tỷ lệ hàng tồn kho bán lẻ F&B/doanh số bán lẻ F&B tại Mỹ duy trì mức thấp hơn trung bình 5 năm (hình 6), (2) sản lượng nhập khẩu cá fillet của Mỹ 7T/2024 vẫn thấp hơn cùng kỳ cho thấy lượng hàng tồn kho không quá cao (theo nhật ký chuyên viên – ngành thủy sản ngày 08/09/2024) và (3) giá cá tra ở mức thấp hơn các loại cá khác tạo ra lợi thế cạnh tranh.
  • Còn sản lượng tại thị trường Trung Quốc cải thiện nhờ (1) mùa lễ hội và (2) giá cá tra thấp hơn giá cá rô phi và (3) kinh tế tốt dần sau khi ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) giảm 50 điểm cơ bản tỷ lệ dữ trữ bắt buộc và hạ 30 điểm cơ bản lãi suất cho khoản vay trung hạn để kích cầu kinh tế.

Giá cá nguyên liệu tăng dần do lượng hàng tồn kho giảm kỳ vọng không ảnh hưởng quá nhiều đến VHC

Giá cá nguyên liệu đã quay đầu tăng trở lại khi mức tồn kho cá nguyên liệu giảm dần. Mức giảm của tồn kho cá nguyên liệu do sản lượng cá tra xuất khẩu tăng nhanh hơn sản lượng cá tra thu hoạch do mùa mưa khiến cho sản lượng thu hoạch giảm.

Tồn kho cá nguyên liệu dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong tháng 9 sẽ áp lực lên đà tăng giá cá nguyên liệu đến tháng 10 trước khi sản lượng xuất khẩu giảm dần.

Tuy nhiên, biên gộp của VHC sẽ không ảnh hưởng quá nhiều khi giá bán trung bình đang tăng nhờ giá bán tăng dần ở thị trường Mỹ sẽ hỗ trợ phần nào đà tăng trở lại của cá nguyên liệu. Đối với ANV, do tỷ lệ tự chủ cá nguyên liệu là 100% nên mức thay đổi của giá cá nguyên liệu không ảnh hưởng quá nhiều đến đầu vào của doanh nghiệp.

Giá trị xuất khẩu của VHC và ANV tăng trưởng trái chiều trong tháng 8/2024

Do VHC có tỷ trọng thị trường xuất khẩu chính tại Mỹ (chiếm 50% sản lượng xuất khẩu) trong khi ANV có xuất khẩu chính qua thị trường Trung Quốc (chiếm 40% tổng sản lượng) nên giá trị xuất khẩu có sự tăng trưởng trái chiều giữa 2 doanh nghiệp.

  • Đối với VHC, giá trị xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ 32% YoY nhờ sản lượng xuất khẩu tăng 35% YoY và chỉ thấp hơn sản lượng T4/2022 nhờ nhu cầu nhập khẩu tại Mỹ tăng cao đến từ việc duy trì giá bán cá tra thấp hơn các loại cá khác.
  • Đối với ANV, sau mức tăng trưởng mạnh mẽ (+72% YoY) về giá trị trong T7/2024 do mức nền thấp của sản lượng xuất khẩu thấp, giá trị xuất khẩu của ANV trong T8/2024 đã quay đầu giảm 2% YoY do sản lượng chỉ còn tăng trưởng 4% YoY. Bên cạnh, giá bán trung bình vẫn chưa hồi phục do giá bán tại thị trường TQ giảm mạnh.

Ngành tôm tháng 8/2024 vẫn duy trì đà tăng trưởng…

Giá trị xuất khẩu tôm T8/2024 đạt 358 triệu USD (+8% YoY), trong đó tôm thẻ đạt 267 triệu USD (+7% YoY), tôm sú đạt 42 triệu USD (-5% YoY) và tôm khác (chủ yếu tôm hùm) đạt 48 triệu USD (+25% YoY).

Xét về cơ cấu thị trường xuất khẩu tôm thẻ, giá trị xuất khẩu sang thị trường Nhật đã quay đầu giảm 6%YoY, trong khi thị trường Mỹ và Anh duy trì đà tăng trưởng lần lượt 9%/ 20% YoY. Sản lượng xuất khẩu tôm thẻ/tôm sú đều tăng trưởng lần lượt 12%/5% trong khi giá bán vẫn còn thấp hơn cùng kỳ 4% và 9%.

…nhưng giá bán vẫn còn thấp cùng kỳ

Giá bán tôm thẻ T8/2024 của các thị trường Mỹ và Nhật vẫn chưa khả quan khi quay đầu giảm so với tháng trước trong khi giá bán tại thị trường Anh đã tăng trở lại. Tuy nhiên, giá bán tôm thẻ của các thị trường chính vẫn thấp hơn cùng kỳ.

Giá bán tôm sú T8/2024 cũng chưa tích cực khi chỉ có thị trường Nhật tăng so với tháng trước trong khi các thị trường khác quay đầu năm. Tuy nhiên, giá bán tôm sú tại các thị trường chính vẫn duy trì ở mức thấp hơn cùng kỳ.

Giá tôm nguyên liệu theo tháng tăng/giảm trái chiều giữa tôm thẻ và tôm sú

Giá tôm thẻ nguyên liệu T8/2024 hiện thấp hơn cùng kỳ 3% sẽ hỗ trợ duy trì biên gộp so với quý trước khi giá xuất khẩu vẫn còn yếu. Tuy nhiên, giá tôm thẻ nguyên liệu đã tăng so với tháng trước.  

Trong khi đó, giá tôm sú nguyên liệu T8/2024 quay đầu giảm so với tháng trước nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ 13% tạo ra áp lực lên biên gộp các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu tôm sú cao như CMX (chiếm 65% tổng lượng tôm xuất khẩu).

Bên cạnh đó, tình hình mưa nhiều khiến tôm dễ bị bệnh và giảm nguồn cung tôm chất lượng sẽ khiến giá tôm nguyên liệu sẽ tăng dần đến tháng 10 trước khi mùa lễ hội đi qua tại Mỹ. Giá tôm nguyên liệu tăng sẽ ảnh hưởng đến đà tăng biên gộp của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng FMC với tỷ lệ tự chủ 30% tôm nguyên liệu sẽ ít bị ảnh hưởng hơn các doanh nghiệp khác.

Động lực thúc đẩy đà tăng ngành tôm những tháng cuối năm vẫn đến từ đà tăng sản lượng trong khi giá bán khó tăng cao

Nhìn chung, động lực tăng trưởng chính của ngành tôm trong những tháng cuối năm vẫn đến từ tăng trưởng sản lượng trong khi giá bán sẽ có sự hồi phục nhẹ nhờ Fed cắt lãi suất và mùa lễ hội. Tuy nhiên, giá bán sẽ khó tăng cao do mức độ cạnh tranh giữa các cường quốc Ecuador, Indonesia vẫn còn cao.

  • Tại thị trường Mỹ, mặc dù Việt Nam chiếm được thị phần nhờ Ecuador và Indonesia bị giảm thị phần. Nguyên nhân do Ecuador phải đặt cọc 10.58% tiền mặt và Indonesia bị áp biên độ chống bán phá giá là 6.3% khi xuất khẩu vào nước này (Việt Nam thì có 31 doanh nghiệp không bị áp thuế chống bán phá giá). Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải duy trì mức giá bán thấp để cạnh tranh với các cường quốc này khi biên độ chống bán giá và khoản đặt cọc không tạo ra khoảng cách quá lớn về giá. Giá bán trung bình 7T2024 của tôm nguyên liệu Việt Nam tại Mỹ đã giảm 19% YoY nhưng vẫn cao hơn giá của Ecuador và Indonesia lần lượt 40% và 26%.
  • Tại thị trường Nhật, mặc dù tỷ giá JPY/VND đã tăng trở lại gần đây nhờ Ngân hàng Nhật tăng lãi suất. Tuy nhiên, thị trường Nhật cần có thời gian thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, trong ngắn hạn khả năng thỏa hiệp về tăng giá bán sẽ gặp khó khăn nhưng giá tôm quy đổi theo JPY tại Nhật giảm sẽ là cú hích cho thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cũng như duy trì đà tăng trưởng giá trị xuất khẩu.
  • Tại thị trường Anh, giá trị xuất khẩu kỳ vọng tăng trưởng cao khi giá bán đã thu hẹp đà giảm so với cùng kỳ trong khi sản lượng tăng dần theo tháng và duy trì đà tăng trưởng cao trong 2 tháng gần đây. Ngoài ra, việc ngân hàng trung ương Anh giảm lãi suất 25 điểm cơ bản đầu tháng 8 cũng hỗ trợ mạnh mẽ cho nhu cầu tiêu thụ những tháng cuối năm.

Đối với FMC, tuy thị trường chính tại Nhật (chiếm 34% tổng giá trị xuất khẩu) tăng trưởng chậm lại nhưng chúng tôi nhận thấy sự tăng trưởng sản lượng tại thị trường Mỹ và Anh, (chiếm tổng 40% doanh thu của FMC) sẽ giúp tổng sản lượng xuất khẩu cải thiện

Theo VDSC, link gốc

Trả lời