Tình trạng thiếu hụt cao su còn kéo dài đến năm 2026, DPR và PHR hưởng lợi khi giá neo cao

Đầu tháng 10, giá cao su tiếp tục đà tăng và lập đỉnh sau 13 năm và đạt 73.6 triệu đồng/ tấn (RSS3) (+96.7%YoY, +10.3%MoM). Nguyên nhân chủ yếu đến từ thiếu hụt nguồn cung tại các khu vực sản xuất chính ở Đông Nam Á. VDSC cho rằng xu hướng giá cao su thế giới kỳ vọng sẽ duy trì ở mức cao khi nguồn cung được dự báo vẫn còn thiếu hụt; tình trạng thiếu hụt dự báo có thể kéo dài sang 1H2025.

Đối với thị trường Việt Nam, sản lượng năm 2024 được dự báo chỉ giảm nhẹ 3.5% do các vùng trồng cao su ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Giá cao su được kỳ vọng sẽ tiếp tục neo giữ ở mức cao (trên $1,600/ tấn) và phản ứng theo tình trạng cung cầu của ngành cao su thế giới.

VDSC cho rằng mảng kinh doanh cốt lõi của DPR và PHR dự kiến sẽ được hưởng lợi. Trong đó, doanh thu và LNST quý 3/2024 của PHR lần lượt là 497 tỷ đồng và 120 tỷ đồng, với doanh thu từ cao su đạt 484 tỷ đồng (+88%YoY). Doanh thu và LNST Q3/2024 của DPR ước đạt 358 tỷ đồng và 60 tỷ đồng, doanh thu từ mảng cao su đóng góp 313 tỷ đồng (+34%YoY).

Giá cao su dự báo duy trì ở mức cao vì thiếu hụt nguồn cung.

Đầu tháng 10, giá cao su tiếp tục đà tăng và lập đỉnh sau 13 năm và đạt 73.6 triệu đồng/tấn (RSS3) (+96.7%YoY, +10.3%MoM). Nguyên nhân chủ yếu đến từ thiếu hụt nguồn cung tại các khu vực sản xuất chính ở Đông Nam Á vì:

1/Tình hình mưa lớn kéo dài, bão và lũ lụt xảy ra tại Thái Lan, quốc gia cung ứng cao su lớn nhất thế giới,

2/ Điều kiện khí hậu kém thuận lợi trong giai đoạn pha El Nino chuyển sang pha La Nina cùng với bệnh rụng lá động tiêu cực đến sản lượng và chất lượng mủ cao su,

3/ Ảnh hưởng của bão Yagi làm gián đoạn quá trình thu hoạch vào mùa cao điểm.

Theo dự báo của IRI, hiện tượng La Nina có khả năng xuất hiện từ tháng 9 đến tháng 11 (71%) và được dự báo sẽ kéo dài đến khoảng tháng 1 – tháng 3 năm 2025.

Theo dữ liệu lịch sử giai đoạn 2015 – 2023, hiện tượng La Nina gây mưa bão ảnh hưởng đến nguồn cung cao su tự nhiên của các khu vực Đông Nam Á (Việt Nam, Thái Lan, Malaysia,…) dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung và thúc đẩy đà tăng giá trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, sản lượng năm nay được cho rằng chỉ mới bước vào chu kỳ giảm và tình trạng thiếu hụt nguồn cung được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài sang cả năm 2025 và 2026 khi:

1/ Nắng nóng dự báo sẽ kéo dài làm ảnh hưởng đến cây cao su thay lá non và bệnh phổi lá, làm giảm sản lượng cho mủ,

2/ Dự kiến nguồn cung cao su sẽ giảm đi khi Thái Lan – quốc gia chiếm 33% sản lượng thế giới – sẽ cắt giảm diện tích đất trồng cao su trong 20 năm tới,

3/ Những vùng trồng mới dự kiến sẽ bắt đầu vào kỳ thu hoạch vào 2027 – 2028. Do đó,  giá mủ cao su trong thời gian tới dự báo có thể sẽ neo ở mức cao trong giai đoạn 2024 – 2026.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ cao su dự kiến sẽ duy trì và có thể nhích tăng nhẹ trong năm tới, nhờ vào sự phục hồi sản xuất của các thị trường tiêu thụ chính (Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan), đặc biệt các sản phẩm từ cao su như lốp xe và găng tay.

Theo dự báo của ANRPC, tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể kéo dài tới năm 2028 và thị trường toàn cầu được dự báo sẽ thiếu hụt khoảng 600,000 – 800,000 tấn cao su/năm.

Thị trường cao su Việt Nam – sản lượng dự báo giảm nhẹ

Bình quân giá xuất khẩu cao su Việt Nam tháng 8 có sự chậm lại so với tháng 7/2024, đạt mức $1,641/ tấn.

Tính trong 8T2024, sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 1.1 triệu tấn, tương đương giảm 8.92% về lượng và tăng 6.17% về giá so với cùng kỳ 2023.

Nhìn chung, diện tích trồng cao su của Việt Nam chủ yếu phân bổ nhiều ở khu vực Đông Nam Bộ (60%) và ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, chỉ ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới.

Do đó, sản lượng cao su ở Việt Nam cho năm 2024 chỉ giảm nhẹ 3.5% do ảnh hưởng của mưa bão đến quá trình khai thác mủ tại các khu vực miền Bắc.

Về giá, chúng tôi cho rằng giá cao su sẽ tiếp tục neo giữ ở mức cao (trên $1,600/ tấn) và phản ứng theo tình trạng cung cầu của ngành cao su thế giới.

Tác động tăng giá cao su lên biên lợi nhuận của một số mã cổ phiếu

Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp như DPR và PHR sẽ được hưởng lợi, khi các mảng kinh doanh chính tiếp tục củng cố, chủ yếu nhờ vào giá cao su được duy trì ở mức cao so với cùng kỳ.

Trong khi đó sản lượng tiêu thụ nhiều khả năng sẽ đạt được kết hoạch do PHR và DPR duy trì nguồn cầu ổn định với các đối tác ở các thị trường chính (Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu) và vùng trồng của hai doanh nghiệp này không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi yếu tố thời tiết.

Theo ước tính của chúng tôi, doanh thu và LNST quý 3/2024 của PHR lần lượt là 497 tỷ đồng (+10% YoY, +83% QoQ) và 120 tỷ đồng (-1% YoY, +65% QoQ), với doanh thu từ cao su chiếm 97% tổng doanh thu (484 tỷ đồng, +88%YoY).

Ước tính cho năm 2024, doanh thu và LNST của PHR ước đạt 1,753 tỷ đồng (+29.7% YoY) và LNST 651 tỷ đồng (5,08% YoY), trong đó doanh thu riêng mảng cao su đạt 1,521 tỷ đồng (+48%YoY, biên GPM mảng cao su đạt 31%).

Đối với DPR, doanh thu và LNST Q3/2024 ước đạt 358 tỷ đồng (+25% YoY,+54% QoQ) và 60 tỷ đồng (+61% YoY, -18% QoQ); với doanh thu từ mảng cao su đóng góp 313 tỷ đồng (+34%YoY).

Cho cả năm 2024, doanh thu và LNST của DPR ước đạt 1.162 tỷ đồng (+11.6%YoY) và 286 tỷ đồng (38.1% YoY), trong đó doanh thu từ mảng cao su ước đạt 954 tỷ đồng (+23.5%YoY, biên GPM mảng cao su đạt 24%).

Trả lời