Bộ Công Thương ngày 24/11/2024 ban hành kết quả ra soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá đối với thép phẳng sơn phủ màu xuất xứ từ Hàn Quốc và Trung Quốc (vụ việc ER01.AD04)
✅Quyết định này gia hạn thêm 5 năm thuế CBPG với một số sản phẩm thép phẳng sơn phủ màu nhập khẩu vào Việt Nam từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Thời gian gia hạn đến 23/10/2029.
✅Thuế suất thuế CBPG áp dụng trong khoảng 2.56% đến 34.27% tùy vào mức độ phá giá của từng công ty.
🎯Đánh giá: quyết định này duy trì bảo vệ cho các nhà sản xuất thép phủ màu trong nước, tiêu biểu là HSG, NKG, GDA và HPG.
🎯Lưu ý: tác động theo hướng không làm gia tăng cạnh tranh so với tình hình hiện tại.
Elibok Team cho rằng tác động của thuế chống bán phá giá lên lợi nhuận của HSG và NKG, DGA là hạn chế. Chúng tôi vẫn yêu thích HPG cho khả năng áp thuế chống bán phá giá đối với HRC từ Trung Quốc, có thể làm thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp.
Trong quý 3, HRC là loại sản phẩm duy nhất tăng mạnh mẽ 15% so với quý trước, nhờ sự chuyển dịch nhu cầu HRC sang các nhà sản xuất trong nước, do cuộc điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với HRC nhập khẩu vào cuối tháng 7/2024. HPG do vậy đang là người hưởng lợi nhất và sẽ trở thành nhà sản xuất HRC lớn nhất sau khi Dung Quất 2 (công suất 5.6 triệu tấn HRC) được hoàn thành.
Trên đồ thị, cổ phiếu HPG có điểm mua vào ngày 8 tháng 10, theo điểm mua Pocket Pivot. HPG đang cố gắng tìm hỗ trợ trong vùng giữa EMA 21 ngày và MA50 ngày. Chúng tôi cho rằng đây là vùng hỗ trợ mạnh của cổ phiếu.
Q3/2024: Sản lượng tiêu thụ thép tăng 12% so với cùng kỳ; tốc độ tăng trưởng đã chậm lại.
Trong Q3/2024, sản lượng tiêu thụ thép của Việt Nam đạt 7.9 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ, chủ yếu được thúc đẩy bởi sản lượng tiêu thụ trong nước (tăng 16% so với cùng kỳ) trong khi sản lượng xuất khẩu tăng 6% so với cùng kỳ. So với quý trước, sản lượng tiêu thụ giảm 4% do yếu tố mùa vụ (mùa mưa và tháng 7 âm lịch).
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng thép tiêu thụ đạt 23.2 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ. Nhu cầu trong nước vẫn là động lực chính, được hỗ trợ bởi đầu tư cơ sở hạ tầng và nhu cầu HRC sản xuất trong nước và thị trường BĐS đang trên đà phục hồi.
Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của mùa mưa, ảnh hưởng của tháng 7 âm lịch và bão đổ bộ vào miền Bắc đầu tháng 9/2024 dẫn đến sự sụt giảm so với quý trước, HSC cho rằng tốc độ tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ của tổng sản lượng thép tiêu thụ trong Q3/2024 là một tín hiệu đáng khích lệ.
Xét theo thị trường, nhu cầu nội địa dẫn dắt sự phục hồi trong Q3.
Phân tích theo thị trường, sản lượng tiêu thụ trong nước khá ổn định, tăng 16% so với cùng kỳ đạt 5.2 triệu tấn trong Q3/2024 (mặc dù giảm 7% so với quý trước do yếu tố mùa vụ).
Mức tăng trưởng này được thúc đẩy nhờ các dự án cơ sở hạ tầng, sự chuyển dịch nhu cầu HRC sang các nhà sản xuất trong nước và sự phục hồi của thị trường BĐS.
Theo đó, tính chung 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng thép tiêu thụ đạt 15.2 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ.
Về xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại trong Q3/2024, đạt 2.7 triệu tấn (tăng 6% so với cùng kỳ và 2% so với quý trước
Theo đó, sản lượng xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2024 đạt 8 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ. Sản lượng xuất khẩu đã tăng chậm lại do một số chính sách bảo hộ của các thị trường xuất khẩu chính như EU, Mỹ, Canada, v.v..
HRC là điểm sáng với mức tăng trưởng mạnh mẽ so với quý trước
Trong phân khúc thượng nguồn (thép xây dựng, HRC và phôi thép), sản lượng tiêu thụ phôi thép dẫn đầu tăng trưởng với mức tăng 22% so với cùng kỳ, tiếp theo là HRC tăng 9% và thép xây dựng tăng 5% so với cùng kỳ trong Q3/2024.
Trong khi đó, HRC là loại sản phẩm duy nhất tăng mạnh mẽ 15% so với quý trước, nhờ sự chuyển dịch nhu cầu HRC sang các nhà sản xuất trong nước, do cuộc điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với HRC nhập khẩu vào cuối tháng 7/2024.
Đối với phân khúc hạ nguồn, tôn mạ có mức tăng so với cùng kỳ lớn nhất trong Q3/2024, tăng 28% so với cùng kỳ (mặc dù giảm 3% so với quý trước) trong khi sản lượng tiêu thụ ống thép tăng ổn định 11% so với cùng kỳ (đi ngang so với quý trước).
HPG (Mua vào) là lựa chọn hàng đầu trong số các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ.
HSC dự báo KQKD Q3/2024 của ba công ty thép trong danh sách khuyến nghị của chúng tôi sẽ khá trái chiều. HPG có KQKD vượt trội trong khi NKG và HSG dự kiến sẽ công bố kết quả yếu kém trong giai đoạn này do giá bán bình quân giảm.
HPG vẫn là lựa chọn hàng đầu của HSC với động lực tăng giá đến từ việc áp dụng các biện pháp CBPG đối với HRC.
HSC duy trì khuyến nghị Mua vào với giá mục tiêu 35,000 đồng, sau khi đã nâng thêm 4% giá mục tiêu trong báo cáo ngày 12.10.2024. HSC cho biết sẽ cân nhắc việc nâng dự phóng lợi nhuận đối với HPG sau khi báo cáo chính thức của doanh nghiệp được công bố hoàn chỉnh vào cuối tháng 10. HSC là công ty chứng khoán lạc quan nhất về HPG.
Hiện tại, HPG được dự báo có lợi nhuận ròng tăng 76% trong năm 2024, đạt 12,009 tỷ đồng. HSC cũng nâng nhẹ lần lượt 2.7% và 6.4% dự phóng LNST năm 2025 và 2026 lên lần lượt 15,467 tỷ đồng (+32.3% yoy) và 18,573 tỷ đồng (+24.4% yoy)
Tình hình Thép xây dựng
Nhu cầu trong nước là động lực chính cho thép xây dựng tại Việt Nam. Các yếu tố mùa vụ và ảnh hưởng của bão Yagi vào tháng 9 đã tác động đáng kể đến nhu cầu thép xây dựng trong Q3/2024.
Miền Bắc đóng góp 46% tổng nhu cầu thép xây dựng, tiếp theo là miền Nam 27% và miền Trung 10%. Xuất khẩu đóng góp 17% sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong kỳ.
Sự xuất hiện của bão Yagi vào đầu tháng 9 ở miền Bắc là nguyên nhân chủ yếu khiến sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tăng trưởng chậm lại trong tháng 9 nói riêng và trong Q3/2024 nói chung.
Theo đó, sản lượng tiêu thụ tháng 9/2024 giảm 3% so với cùng kỳ và 5% so với tháng trước, dẫn đến sản lượng tiêu thụ Q3/2024 đạt 2.9 triệu tấn, chỉ tăng 5% so với cùng kỳ và giảm 12% so với quý trước.
Xét theo thị trường, sản lượng tiêu thụ tại thị trường trong nước tăng 6% so với cùng kỳ (giảm 13% so với quý trước) đạt 2.4 triệu tấn, trong khi sản lượng xuất khẩu tăng 4% so với cùng kỳ (giảm 6% so với quý trước) đạt 481,044 tấn trong Q3/2024.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng thép xây dựng tăng 12% so với cùng kỳ đạt 8.7 triệu tấn, với mức tăng trưởng 11% so với cùng kỳ ở thị trường trong nước và 15% so với cùng kỳ ở thị trường xuất khẩu.
HPG duy trì vị trí dẫn đầu với thị phần mở rộng lên mức 38.2% trong 9 tháng đầu năm 2024, so với mức 34.7% trong năm 2023.
Tập đoàn Thép Việt Nam chiếm thị phần lớn thứ 2 (10,4% thị phần) và vị trí thứ ba thuộc về Vinakyoei với 7,4% thị phần. Điều này cho thấy HPG đang có vị thế không thể đánh bại trong ngành thép xây dựng, nhờ lợi thế kinh tế theo quy mô, chi phí sản xuất hiệu quả và mạng lưới phân phối trên toàn quốc.
Tình hình HRC.
Trái ngược với sự tăng trưởng chậm lại của các sản phẩm thép xây dựng, HRC đã có kết quả vượt trội trong Q3/2024 nhờ cuộc điều tra CBPG đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ đã khởi động từ cuối tháng 7 năm nay.
Theo đó, sản lượng tiêu thụ HRC trong Q3/2024 đã tăng 9% so với cùng kỳ và 15% so với quý trước, đạt 1.8 triệu tấn, dẫn đến sản lượng tiêu thụ HRC trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng 3.4% so với cùng kỳ, đạt 5.1 triệu tấn.
Cụ thể như sau:
Sản lượng tiêu thụ trong nước tăng mạnh 45% so với cùng kỳ (mặc dù giảm 2% so với quý trước) do nhu cầu của người tiêu dùng HRC trong nước chuyển sang các sản phẩm HRC của Việt Nam, sau khi cuộc điều tra CBPG khởi động vào cuối tháng 7 năm nay.
Điều này dẫn đến mức tăng trưởng mạnh mẽ 32% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2024, đạt 3.2 triệu tấn.
Sản lượng xuất khẩu đạt 693,110 tấn trong Q3/2024, giảm 23% so với cùng kỳ do so với mức nền cao trong Q3/2023.
Bên cạnh đó, cuộc điều tra CBPG đối với HRC của Việt Nam tại EU cũng là một nguyên nhân góp phần vào sự sụt giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với quý trước, sản lượng xuất khẩu HRC tăng mạnh 60% do Formosa đã khôi phục hoạt động sản xuất của nhà máy sau giai đoạn bảo trì trong Q2/2024.
Về thị phần, Formosa chiếm 55.6% thị phần trong 9 tháng đầu năm 2024, trong khi HPG chiếm 44.4%.
HPG đã giành thêm được thị phần trong phân khúc này so với mức thị phần 41.1% trong năm 2023. Chúng tôi tin rằng công suất HRC mới được bổ sung (công suất thiết kế 5.6 triệu tấn/năm cho hai giai đoạn) từ đầu năm 2025 sẽ hỗ trợ HPG vượt qua FMS để trở thành nhà sản xuất HRC lớn nhất tại Việt Nam
Giá thép hồi phục mạnh mẽ trong tháng 10 nhờ thị trường Trung Quốc.
Giá thép tại thị trường Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ: giá HRC tăng 15.3% đạt 490 USD/tấn (so với mức thấp nhất vào ngày 9/9/2024) và giá thép thanh 25mm tăng 11.2% đạt 516 USD/tấn (so với mức thấp nhất vào ngày 22/8/2024) tại thị trường Trung Quốc, nhờ các gói kích thích kinh tế được công bố vào đầu tháng 10.
Điều này giúp làm tăng giá thép tại thị trường Việt Nam. Theo đó, giá HRC Việt Nam cho đơn hàng giao tháng 12/2024 đã tăng lên mức 543 USD/tấn, tăng 6.3% so với tháng trước (một số lô hàng HRC Trung Quốc theo hợp đồng giao hàng vật lý được chào bán ở mức 550 USD/tấn cho thời điểm giao giữa tháng 11).
Trong khi đó, giá thép xây dựng tăng nhẹ 1-2% tùy loại sản phẩm, bởi thép xây dựng có sự bảo vệ tốt từ các loại thuế. Do đó, giá thép xây dựng không giảm mạnh như HRC trong giai đoạn tháng 8 và tháng 9.
Giá quặng sắt và than cốc, những nguyên liệu đầu vào chính (chiếm hơn 70% chi phí sản xuất thép), có sự biến động mạnh. Sau đợt phục hồi mạnh mẽ nhờ các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc, giá quặng sắt và than cốc đã giảm trở lại, xuống lần lượt mức 99 USD/tấn và 206 USD/tấn.
Mức giá thấp hơn này có lợi cho các nhà sản xuất thép sử dụng công nghệ lò thổi oxy cơ bản như HPG, vì họ có thể cải thiện tỷ suất lợi nhuận sản xuất, với giả định rằng giá thép hiện tại vẫn ổn định.