Nhà máy AI của FPT bắt đầu nhận đơn đặt hàng từ tháng 11 và hoạt động chính thức đầu năm 2025

Nhà máy AI của tập đoàn công nghệ FPT sẽ bắt đầu nhận đơn đặt hàng từ ngày 13/11/2024 và dự kiến hoạt động chính thức từ đầu năm 2025. Với dự án này, FPT đang nhắm đến thị trường trong nước và Nhật Bản với tỷ suất hoàn vốn nội bộ của 2 nhà máy là 25% (1 nhà máy tại Việt Nam và 1 nhà máy tại Nhật Bản).

FPT dự kiến nhà máy Giai đoạn 1 (tổng vốn đầu tư: 100 triệu USD) khi hoạt động hết công suất sẽ tạo ra 100 triệu USD doanh thu hàng năm, với biên EBITDA trên 50%.

HĐKD của mảng dịch vụ CNTT nước ngoài của FPT vẫn tích cực, dự kiến phục hồi tại thị trường Mỹ, nơi Công ty vừa ký một hợp đồng có thời hạn trong 3 năm với trị giá 225 triệu USD. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng vững chắc.

HSC duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng đối với FPT với giá mục tiêu 147,200đ (tiềm năng tăng giá 8%).

Elibook Team khuyến nghị mua FPT vào ngày 11/11/2024 với điểm mua Pocket Pivot, tại vùng giá 137,000 đồng/cổ phiếu. FPT đang xây khu vực tay cầm với điểm mua chính thức là 142,800 đồng. Đây là nền giá thứ ba của cổ phiếu này.

Đạt được cột mốc quan trọng: Nhà máy AI bắt đầu nhận đơn đặt hàng.

FPT đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho nhà máy AI từ ngày 13/11/2024. Dự kiến nhà máy sẽ được đưa vào hoạt động chính thức từ đầu năm 2025, tập trung khai thác thị trường Nhật Bản và thị trường Việt Nam. Một số thông tin chi tiết liên quan đến kế hoạch/mục tiêu của FPT:
▪ Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 1: 50 triệu USD cho mỗi nhà máy AI, bao gồm 1 nhà máy tại Nhật Bản và 1 nhà máy tại Việt Nam.
▪ Khách hàng: Nhóm khách hàng mục tiêu thuộc các ngành chăm sóc sức khỏe, ngành công nghiệp chế biến & chế tạo và dịch vụ tài chính.
▪ Dịch vụ/sản phẩm: dịch vụ đám mây GPU, mô hình AI được đào tạo trước, thử nghiệm/tinh chỉnh các mô hình AI để phù hợp với hệ thống của khách hàng, v.v.
▪ Lợi thế cạnh tranh: Đưa ra mức giá cạnh tranh hơn (cho sản phẩm cùng phân khúc) các đối thủ Nhật Bản, cũng như có mức giá thấp hơn các công ty công nghệ toàn cầu như Google và Microsoft.
▪ Doanh thu: Khi hoạt động 100% công suất, cả hai nhà máy (giai đoạn 1) sẽ tạo ra doanh thu hàng năm là 100 triệu USD và biên EBITDA đạt trên 50%. Tỷ suất hoàn vốn nội bộ cho toàn dự án được kỳ vọng đạt mức 25%.
▪ Kế hoạch mở rộng: Giai đoạn thứ hai (mở rộng) với khoản đầu tư 100 triệu USD, sẽ được triển khai để đáp ứng nhu cầu trong tương lai và giảm thiểu rủi ro của dự án tiên phong giai đoạn này.

Lợi nhuận từ dự án nhà máy AI sẽ được ghi nhận cho FPT Smart Cloud, công ty thuộc mảng dịch vụ CNTT trong nước.

Quan điểm của chúng tôi: HSC ước tính doanh thu đóng góp từ dự án nhà máy AI sẽ ở mức 47 triệu USD trong năm 2025 (dựa trên công suất hoạt động 47% của cả hai nhà máy) và sẽ hoạt động hết công suất trong năm 2026 (doanh thu 100 triệu USD). Điều này cho thấy doanh thu đóng góp từ nhà máy AI vào mảng dịch vụ CNTT trong nước sẽ đạt 16% mỗi năm, và đóng góp 2% vào doanh thu hợp nhất hàng năm của tập đoàn FPT.

Mở rộng thị phần ở EU có giúp FPT có thêm động lực tăng trưởng mới?

Mảng dịch vụ CNTT nước ngoài vẫn là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính

Trong buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích, BLĐ FPT tự tin rằng mảng dịch vụ CNTT nước ngoài của Công ty sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa. Chi tiết như sau:
▪ Thị trường Nhật Bản: FPT vẫn tập trung khai thác thị trường Nhật Bản, tận dụng lượng khách hàng lớn và tỷ lệ ứng dụng AI thấp. Việc khai trương văn phòng mới tại Nhật Bản gần đây phù hợp với mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2027 của Công ty, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 26%.

▪ Thị trường Mỹ: Mặc dù thị trường Mỹ có phần kém khả quan (tăng 13% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm), FPT tin rằng tốc độ tăng trưởng tại thị trường này sẽ mạnh hơn trong thời gian tới vì Công ty đã ký hợp đồng dịch vụ quản lý trong 3 năm trị giá 225 triệu USD với một khách hàng tại đây. Thương vụ này dự kiến sẽ tạo ra doanh thu hàng năm khoảng 70-75 triệu USD.

Để thực hiện hợp đồng này, FPT sẽ phải huy động hơn 1.000 kỹ sư – trong nước, trong khu vực và nước ngoài. Hợp đồng này nhấn mạnh sự hiện diện ngày càng tăng của FPT tại thị trường Mỹ, làm nổi bật sự tận tâm, khả năng thích ứng và khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.

▪ Tác động từ việc ông Trump thắng cử: BLĐ FPT tin rằng với việc ông Trump thắng cử, kinh tế Mỹ có khả năng tăng trưởng mạnh và tăng chi tiêu cho CNTT, điều này mang lại cho FPT nhiều cơ hội. Khả năng tăng thuế trong tương lai dường như không ảnh hưởng đến ngành dịch vụ CNTT, theo quan điểm của chúng tôi. Tuy nhiên, sẽ có thách thức đến từ việc hạn chế cấp thị thực cho chuyên gia CNTT, ảnh hưởng đến các công ty Việt Nam và Ấn Độ, đối thủ cạnh tranh chính của FPT tại thị trường Mỹ.
▪ Khu vực châu Á-Thái Bình Dương: Khu vực này tiếp tục tăng trưởng tốt, với mức tăng 37% trong 9 tháng đầu năm 2024. Singapore và Malaysia là hai khách hàng có mức đóng góp doanh thu lớn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, FPT cũng đang nhận thấy nhu cầu tại thị trường Hàn Quốc đang tăng (tăng hơn 30% mỗi năm) và hiện đóng góp 5% vào doanh thu dịch vụ CNTT nước ngoài.

FPT cho biết tỷ suất LNTT của mảng dịch vụ CNTT nước ngoài có thể tăng lên mức 19-20% trong 2-3 năm tới, nhờ: (1) năng suất làm việc của kỹ sư cải thiện (tăng 12-15% mỗi năm) và (2) ảnh hưởng từ chi phí khấu hao giảm (nhờ quy
mô kinh doanh tăng). Điều này phù hợp với dự báo của chúng tôi về mức tăng tỷ suất lợi nhuận trong những năm tới.

Mặc dù vậy, FPT vẫn giữ quan điểm thận trọng đối với nhu cầu mảng dịch vụ CNTT trong nước (ngoại trừ nhu cầu cho nhà máy AI tăng như đã đề cập bên trên) do sức chi tiêu cho CNTT của khu vực công và doanh nghiệp vẫn còn yếu. HSC dự báo phân khúc này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng một con số trong 2-3 năm tới, dẫn đầu là các sản phẩm Made-by-FPT.

Trả lời