Giữa tháng 11/2024, FPT đã chính thức ra mắt FPT AI Factory tại Việt Nam và Nhật Bản, cùng với công bố hệ sinh thái đối tác với NVIDIA, SCSK, ASUS, Hewlett Packard Enterprise, VAST Data và DDN để thúc đẩy phát triển và vận hành của dự án, mức chi phí đầu tư dự kiến 200 triệu USD đồng.
Theo đó, FPT đặt mục tiêu AI Factory có thể bắt đầu đóng góp doanh thu đáng kể từ năm 2025 với kỳ vọng doanh thu sẽ tăng lên tới 100 triệu USD mỗi năm vào năm 2027, tương đương khoảng 5% ước tính doanh thu mảng CNTT năm 2024 (theo dự phóng của SSI).
Trong 10T.2024, công nghệ thông tin nước ngoài đóng góp tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu Mảng công nghệ thông tin, và cao nhất cho doanh thu toàn FPT, đạt 25,516 tỷ đồng, chiếm lần lượt là 81% và 50.2%.
Dựa trên kỳ vọng FPT sẽ tiếp tục mở rộng thị phần ở thị trường nước ngoài, thúc đẩy sự mở rộng liên tục của mảng CNTT, và duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn, SSI nâng P/E mục tiêu cho mảng công nghệ thông tin (CNTT) lên 30x (từ 23x)
FPT đang giao dịch tại P/E 2025 là 22.3x, với mức tăng trưởng EPS là 27% YoY(so với P/E trung bình của các công ty công nghệ toàn cầu là 19 lần, với mức tăng trưởng EPS là 11%), điều mà SSI thấy hấp dẫn.
Theo đó, SSI Research (30.11) nâng giá mục tiêu lên 186,300 đồng (từ 153,100 đồng), với khuyến nghị MUA (từ KHẢ QUAN), đồng thời nâng 6% dự phóng LNST năm 2025, đạt 11,692 tỷ (+23.7% YoY) và năm 2026 đạt 14,069 tỷ đồng (+20.3% YoY).
Như vậy, SSI là người lạc quan nhất về cổ phiếu FPT, vượt trội so với nhiều CTCK khác. MBS (11.10.2024) đưa ra giá mục tiêu 158,800 đồng (Khả Quan). LNST 2024=8,152 tỷ (+ 22.5% yoy). LNST 2025=9,687 tỷ (+21.1% yoy), hay HSC vẫn giữ nguyên giá mục tiêu 147,200 đồng (hạ khuyến nghị xuống Tăng Tỷ Trọng)
Hiện FPT có sức mạnh tương đối (RS) là 92.2, thuộc nhóm cổ phiếu đang hoạt động tốt trên thị trường.
Team Elibook đã khuyến nghị bổ sung thêm FPT tại điểm breakout ngày 29/11/2024, sau điểm mua pocket pivot vào ngày 11/11/2024 và 27/11/2024.
FPT đua theo cơn sốt đầu tư AI trên toàn cầu
Theo chia sẻ của bà Hồ Thúy Ái, Phó Tổng giám đốc CTCP Quản lý Quỹ Phú Hưng, kể từ cuối năm ngoái, tăng trưởng trên thị trường chứng khoán toàn cầu chủ yếu vào các cổ phiếu liên quan đến AI, tuy nhiên thị trường Việt Nam tương đối trầm lắng vì các công ty niêm yết không có các cổ phiếu hưởng lợi.
Thị trường AI tại Việt Nam đã đạt giá trị 547.1 triệu USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng vọt lên 2.06 tỷ USD vào năm 2032, tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 15.8%.
Tại Việt Nam, FPT là cổ phiếu duy nhất được nhìn nhận hưởng lợi trong cơn sóng AI.
Theo đó, ngày 23/4, FPT và Nvidia đã ký kết hợp tác chiến lược toàn diện nhằm thúc đẩy nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI). Hai bên dự kiến xây dựng nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI Factory), đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và trở thành đối tác phát triển dịch vụ trong mạng lưới đối tác của Nvidia.
Đồng thời, FPT đã quyết định đầu tư thêm 200 triệu USD cho AI Factory tại Nhật Bản để đáp ứng nhu cầu AI ngày càng tăng ở thị trường Nhật Bản.
FPT AI đưa doanh nghiệp ‘hóa rồng’ – tăng tốc chinh phục thị trường AI Nhật Bản
SSI Research nhận xét: So với cơ sở hạ tầng AI của các đối thủ tại Nhật Bản, FPT AI Factory là một giải pháp toàn diện để phát triển AI từ đầu đến cuối, với các công cụ/nền tảng hỗ trợ xử lý dữ liệu khác được bổ sung thêm.
Về chiến lược giá, FPT không đặt mục tiêu với mức giá cao như các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn trên toàn cầu như Google và Microsoft, mà tương tự như các các công ty cùng ngành tại Nhật Bản.
Đáng chú ý, tính khẩn cấp về chuyển đổi số và thiếu hụt lao động CNTT của Nhật Bản đã tạo ra một điều kiện lý tưởng cho FPT AI Factory:
(1) Thiếu hụt lao động, đặc biệt là lực lượng lao động kỹ thuật số như chuyên gia AI/phân tích dữ liệu và thiết kế UI/UX là một trong những lý do chính khiến quá trình số hóa diễn ra chậm chạp.
(2) Quá trình chuyển đổi số tại Nhật Bản vẫn theo sau Mỹ và nhiều quốc gia trong Châu Âu và kể cả một số nước APAC (như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc và Úc)
FPT AI Factory bao gồm 4 nhóm sản phẩm chính: FPT AI Infrastructure, FPT AI Studio, FPT AI Inference and FPT AI Agents.
Theo FPT, công ty đang nhận đơn đặt hàng trước và đặt mục tiêu doanh thu là khoảng 100 triệu USD (công suất hoạt động là 90%) và tỷ suất sinh lời nội bộ (IRR) khoảng 25%.
SSI Research dự tính, doanh thu này tương đương khoảng 5% ước tính doanh thu mảng CNTT năm 2024.
Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản dự báo thị trường hệ thống AI của nước này sẽ đạt quy mô 7.3 tỷ USD vào năm 2027. Bằng việc đầu tư mạnh mẽ vào AI, tối ưu các thế mạnh của FPT tại Nhật Bản bao gồm năng lực cung cấp dịch vụ chuyển đổi hệ thống, cung cấp các giải pháp tiên tiến tích hợp AI, FPT đang tiến gần tới mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD tại thị trường này vào năm 2027.
MẢNG CNTT NƯỚC NGOÀI LÀ ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG CHO 2025-2026
Với năm 2025, SSI dự báo tăng trưởng LNTT cao hơn (so với năm 2024), đạt gần 13,700 tỷ đồng, chủ yếu nhờ mảng CNTT nước ngoài tiếp đà tăng trưởng và doanh thu từ FPT AI Factory. Với dự báo tăng trưởng NPATMI năm 2025 đạt 27% YoY.
Sang năm 2026, dự báo doanh thu, LNTT và NPATMI sẽ lần lượt đạt 91,200 tỷ đồng (+18% YoY), 16,500 tỷ đồng (+20% svck) và 12,400 tỷ đồng (+23% YoY).Với kỳ vọng đà tăng trưởng CNTT nước ngoài sẽ tiếp tục và trở thành động lực tăng trưởng chính trong dài hạn