Luật Điện lực sửa đổi 2024: Nhiều cơ chế tăng tốc phê duyệt các dự án mới (REE hưởng lợi)

Dự kiến 2025 sẽ là một năm có nhiều thay đổi tích cực về chính sách đối với ngành điện, với định hướng tăng cường tư nhân hóa ngành điện và tăng tốc phê duyệt các dự án điện trong điểm để đảm bảo cung ứng điện trong giai đoạn 2026 trở đi.

Với những nội dung sửa đổi, bổ sung theo Luật Điện lực 2024, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp hưởng lợi sẽ là nhóm doanh nghiệp (1) Có hoạt động xây lắp điện khi mà nhu cầu đầu tư các đường dây truyền tải 220kV trở xuống dự kiến ở mức cao, (2) Có kế hoạch phát triển/có sẵn danh mục dự án NLTT và điện gió ngoài khơi. Theo đó, trong danh mục cổ phiếu theo dõi của Rồng Việt, chúng tôi cho rằng PC1 (GMT: 26,600 VNĐ/cp), REE (GMT: 76,600 VNĐ/cp), và PVS (GMT: 38,700 VNĐ/cp) sẽ là những doanh nghiệp được hưởng lợi từ những thay đổi này.

Ngày 30/11, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) 2024 bao gồm 9 chương với 81 điều (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2025), có nhiều thay đổi so với Luật Điện Lực 2004. Chúng tôi cho rằng những sửa đổi, bổ sung này là cần thiết để đáp ứng mục tiêu cung ứng điện, đặc biệt từ năm 2026 khi mà rủi ro thiếu điện là hiện hữu, đặc biệt ở khu vực miền Bắc.

Cụ thể, chúng tôi ước tính hệ thống điện sẽ đạt tỷ lệ dự phòng khoảng 7% vào 2025, thấp hơn so với tiêu chuẩn 15%, và có rủi ro thiếu điện vào giai đoạn cao điểm mùa khô trong năm 2026.

Lý do là từ 2022 tới nay, nguồn điện NLTT mới phát triển rất hạn chế vì thiếu cơ chế ưu đãi với các dự án NLTT, trong khi đó nguồn năng lượng truyền thống như nhiệt điện than hay thủy điện không còn nhiều dư địa để phát triển, còn nhiệt điện khí gặp vấn đề về nguồn cung cấp khí nội địa suy giảm ở khu vực Đông Nam Bộ.

Do đó, các chính sách bổ sung đã đề cập là cần thiết để đảm bảo khả năng cung ứng điện từ 2026 trở đi.

Chúng tôi tóm tắt một số nội dung trọng yếu được bổ sung và thay đổi như sau:

  1. Ban hành cơ chế giá điện hai thành phần, tiến tới giảm thiểu và xóa bỏ bù chéo giữa các khối khách hàng và vùng miền (Điều 52, Luật Điện Lực sửa đổi). Chúng tôi cho rằng trong giai đoạn đầu, cơ chế giá điện hai thành phần sẽ được áp dụng thí điểm với các khách hàng sản xuất có nhu cầu tiêu thụ điện lớn. Điều này giúp giảm yếu tố bù chéo giá điện giữa khách hàng sản xuất và khách hàng dân dụng, bên cạnh đó giúp các EPTC/ EVN có thể tăng giá điện để cải thiện tình hình tài chính.
  2. Bổ sung các DA điện khẩn cấp để đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt giai đoạn 2026 trở đi. Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định phê duyệt các dự án điện khẩn cấp trên cơ cở đề xuất, đánh giá của Bộ Công Thương và UBND tỉnh (Điều 16 Luật Điện Lực sửa đổi).
  3. Khuyến khích các DN tư nhân đầu tư các đường dây truyền tải từ cấp cao áp (220kV) trở xuống
  4. Phát triển DA NLTT: Thí điểm các dự án năng lượng tái tạo (DA NLTT) theo mô hình DPPA từ năm 2025, theo nghị định 80/2024/NĐ-CP. Bên cạnh đó, các DA NLTT có thể vận hành theo cơ chế đấu thầu và đàm phán giá điện, theo Nghị định 115/2024/NĐ-CP.
  5. Tạo cơ chế phát triển Điện gió ngoài khơi (ĐGNK): UBND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, bên cạnh đó việc chuyển nhượng vốn dự án ĐGNK sẽ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, các DA ĐGNK sẽ được hưởng ưu đãi miễn/giảm thuế tài nguyên môi trường và tiền sử dụng đất.
  6. Ban hành cơ chế sản lượng hợp đồng dài hạn với điện khí LNG & điện gió ngoài khơi phát điện lên hệ thống điện quốc gia.
  7. Bổ sung cơ chế xuất khẩu điện quốc gia. Khoản 6, điều 48 Luật Điện Lực sửa đổi quy định giá xuất khẩu điện sẽ được đàm phán thỏa thuận giữa bên bán và bên mua dựa trên quy tắc của Luật. Theo đó, có 2 cơ chế giá xuất khẩu điện áp dụng cho 2 hình thức xuất khẩu điện:

(1) Trường hợp xuất khẩu điện không thông qua hệ thống điện quốc gia: Giá xuất khẩu điện không thấp hơn mức giá tối đa của khung giá phát điện trong nước tương ứng với loại hình phát điện do Bộ Công Thương ban hành 

(2) Trường hợp xuất khẩu điện thông qua hệ thống điện quốc gia: Giá xuất khẩu điện dựa trên mức giá bán lẻ điện trong nước, và không thấp hơn mức giá tối đa của khung giá bán lẻ điện bình quân.

8. Năng lượng nguyên tử được tái khởi động đầu tư: Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 được tái khởi động. Theo quan điểm chúng tôi, dự án sẽ được doanh nghiệp có vốn nhà nước đảm nhiệm đầu tư và dự kiến sẽ phát triển theo mô hình lò phản ứng mô đun nhỏ (SMR) để đảm bảo an toàn vận hành và an ninh quốc phòng.

Theo VDSC, link gốc

Trả lời