Bài viết được đăng tải trên báo Đầu Tư Tài Chính số ra ngày 9.3.2017
(ĐTTCO) Trái ngược với cảnh tất bật như mọi năm, quý IV-2016 và dịp Tết Đinh Dậu 2017 là một nỗi buồn cho những người chăn nuôi heo. Giá heo sụt giảm mạnh xuống còn 20.000-24.000 đồng/kg, được xem là mức thấp nhất trong 10 năm qua so với mức 50.000-55.000 đồng/kg vào giữa quý II-2016, khiến nhiều người chăn nuôi heo lỗ nặng vì giá bán nằm dưới giá thành.
Người nuôi lỗ nặng, doanh nghiệp vẫn lãi
Cơn sốt chăn nuôi heo từ giữa quý II-2016, thời điểm giá heo ở Trung Quốc bắt đầu tăng mạnh đã khiến người chăn nuôi heo ở Việt Nam đổ xô vay vốn ngân hàng chăn nuôi heo. Tại Đồng Nai, một trong những vùng chăn nuôi heo lớn của cả nước, tổng đàn vào năm 2014 chỉ tầm 1,3 triệu con nay đã tăng lên gần 2 triệu con.
Người chăn nuôi heo kỳ vọng khi heo bắt đầu xuất chuồng vào dịp Tết cũng là thời điểm thương lái Trung Quốc tăng mua như mọi năm. Nhưng bất ngờ, Tết Đinh Dậu 2017 thương lái Trung Quốc “buông tay” không mua hoặc ép giá, khiến giá heo trong nước rớt thảm. Câu chuyện buồn của quả dưa, quả chuối… vì thương lái Trung Quốc nay lặp lại với người chăn nuôi heo.
Trong khi người chăn nuôi đang ôm nợ và đối diện nguy cơ phá sản vì giá heo xuống thấp, các doanh nghiệp chăn nuôi heo được niêm yết trên sàn chứng khoán công bố lãi kỷ lục. Năm 2016, Tập đoàn Dabaco (DBC) công bố lợi nhuận sau thuế đạt 451 tỷ đồng, tăng tới 78,5% so với năm trước.
Theo giải trình của Dabaco, trong 3 quý đầu năm 2016, tình hình chăn nuôi trong nước (đặc biệt chăn nuôi heo) tăng mạnh, dẫn đến các lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất con giống gia súc, gia cầm và chăn nuôi heo thịt của công ty đều tăng.
Theo đó, doanh thu và lợi nhuận từ các lĩnh vực này cũng tăng so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả kinh doanh tốt nhất của công ty từ khi niêm yết. Tuy nhiên, heo rớt giá đã phản ánh vào báo cáo kết quả kinh doanh quý IV của Dabaco. Thực tế, lợi nhuận sau thuế quý IV-2016 của DBC chỉ đạt 59,4 tỷ đồng, quý thấp nhất trong năm. Với thực trạng ảm đạm của giá heo trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, kết quả kinh doanh quý I-2017 của Dabaco khó có thể tốt như năm ngoái.
CTCP Tập đoàn Masan (MSN) là một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm thiết yếu hàng đầu đang hướng tới mảng thức ăn chăn nuôi heo. Báo cáo tài chính năm 2016 (chưa kiểm toán) cho thấy doanh thu và lợi nhuận từ mảng thức ăn chăn nuôi (trong đó heo là chủ yếu) lần lượt tăng mạnh 73,8% và 242,6% so với năm trước, lần lượt đóng góp 56,4% tổng doanh thu và 40% tổng lợi nhuận toàn tập đoàn. Năm 2016, doanh thu và lợi nhuận của Masan lần lượt đạt 43.300 tỷ đồng và 3.770 tỷ đồng, lần lượt tăng 41% và 49% so với năm ngoái.
Với đóng góp vượt trội của lĩnh vực thức ăn chăn nuôi heo so với các mảng khác, có thể nói vui rằng Masan đang chuyển từ một doanh nghiệp “tương và mắm” sang một Masan “sản xuất thức ăn chăn nuôi heo” và dần hướng tới “chăn nuôi heo”. Các mảng thực phẩm tiện lợi và gia vị đang có mức tăng trưởng âm hoặc gần như không tăng trưởng trong năm 2016 sau một loạt sự cố truyền thông liên quan đến nước mắm.
So với người chăn nuôi heo, các doanh nghiệp kinh doanh thịt heo ít ảnh hưởng hơn bởi thịt heo của họ được bán tại các siêu thị và các hệ thống phân phối riêng. Mặc dù mức giá chăn nuôi heo giảm mạnh, nhưng giá thịt heo bán ra tại chợ và các siêu thị vẫn bị ghim ở mức cao. Điều này cho thấy mọi thiệt hại trong ngành chăn nuôi heo đều đổ dồn về phía người chăn nuôi.
Người chăn nuôi đang ôm nợ và đối diện nguy cơ phá sản vì giá heo xuống thấp. |
Sẽ hồi phục giá?
Theo báo cáo Rabobank Pork quý I-2017, việc nhập khẩu heo của Trung Quốc sẽ là yếu tố chính quyết định giá heo toàn thế giới. Rabobank cho rằng mức nhập khẩu heo của Trung Quốc vẫn tăng vì việc mở rộng sản xuất, tăng đàn ở Trung Quốc vẫn chưa kịp tác động đến thị trường, ít nhất cho đến mùa hè năm 2017.
Rabobank cũng nhấn mạnh các chính sách môi trường đối với ngành chăn nuôi heo cũng hạn chế khả năng mở rộng đàn heo. Việc nhập khẩu heo của Trung Quốc khiến giá heo tại EU, Hoa Kỳ và Brazil đang tăng lên. Trung Quốc cũng muốn đẩy mạnh việc nhập khẩu heo để kiềm chế lạm phát vì thịt heo được xem là nguồn thực phẩm chính của người dân Trung Quốc.
Năm 2007, giá heo ở Trung Quốc cũng tăng mạnh hơn 30%, là một những mặt hàng tăng giá sớm nhất trong cơn bão lạm phát năm đó. Do đó, chính phủ Trung Quốc không muốn tái diễn lạm phát vượt tầm kiểm soát như trước nên vẫn duy trì chính sách nhập khẩu heo thông thoáng.
Tuy nhiên, liệu giá heo ở Việt Nam có tăng cùng nhịp với thế giới hay không là một câu chuyện còn bỏ ngỏ bởi nhiều yếu tố. Có hay không việc cấu kết lẫn nhau của thương lái Trung Quốc để đánh chìm giá heo ở Việt Nam như nhiều mặt hàng nông sản khác? Mức độ dư thừa thịt heo do hệ quả mở rộng quá mức của năm 2016? Khả năng chia sẻ bằng cách hạ giá thức ăn chăn nuôi từ phía các doanh nghiệp bán thức ăn chăn nuôi đang lãi lớn? Khả năng dãn nợ ngân hàng để người chăn nuôi có thể tái sản xuất nuôi heo?
Có một dấu hiệu tích cực trong thời gian gần đây là giá heo trong nước bắt đầu tăng nhẹ từ giữa tháng 2-2017 lên mức 30.000-34.000 đồng/kg. Theo Agromonitor, giá heo tại Trung Quốc trong thời gian gần đây cũng ngừng giảm và ổn định trở lại. Sự phục hồi của giá heo sẽ giúp tình hình chăn nuôi heo ở Việt Nam dần hồi phục. Trong ngôn ngữ phân tích kỹ thuật, thường sau khi chạm các mức đáy thấp dài hạn như 10 năm, sự phục hồi sau đó là rất đáng kể.
Có một điểm cần lưu ý là các doanh nghiệp chăn nuôi heo niêm yết trên sàn CK Việt Nam như Masan và Dabaco đều đang hướng tới chăn nuôi heo sạch. Nếu làm tốt việc sản xuất, thương hiệu và đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng vốn đang khát thực phẩm sạch, các doanh nghiệp chăn nuôi heo có thể vượt qua cơn bão khó khăn này. Đó là lý do để các NĐT kỳ vọng vào các “CP heo”.
Trương Minh Huy
http://www.elibook.vn/2017/02/03/nguoi-tieu-dung-manh-tay-chi-tieu-tet-co-phieu-msn-co-huong-loi/