[NHỮNG ĐIỀU BẠN CHƯA BIẾT VỀ CUỘC KHỦNG HOẢNG 2018]: GIỚI TINH HOA CHUẨN BỊ CHO KẾ HOẠCH “ĐÓNG BĂNG ICE-NICE” NHƯ THẾ NÀO

Black Rock, quỹ đầu tư lớn nhất thế giới sẽ chuẩn bị đóng băng?

….Cái tên này là G-SIFI, viết tắt của cụm từ “Định chế tài chính quan trọng có tính hệ thống toàn cầu (Globally systemic important financial institution.” Theo nghĩa tiếng Anh, G-SIFI có nghĩa là “quá lớn để thất bại”. Nếu công ty của bạn bị liệt vào nhóm G-SIFI, công ty này sẽ phải được chính phủ chống lưng vì sự phá sản của công ty đó có thể làm lung lay hệ thống tài chính toàn cầu. Danh sách này không chỉ gồm các ngân hàng quốc gia lớn mà còn bao gồm cả những người chơi siêu lớn chi phối tài chính toàn cầu. G-SIFI thậm chí còn hơn cả quá lớn để thất bại. G20 và IMF không muốn chỉ ngồi xem các đối tượng trong danh sách thuộc G-SIFI. Họ muốn kiểm soát chúng.

Mỗi quốc gia lớn có danh sách G-SIFI riêng, và các ngân hàng quan trọng mang tính chất hệ thống (SIB viết tắt của từ Systemically important banks) cũng là quá lớn để thất bại. Tại Mỹ, các ngân hàng này bao gồm JP Morgan, Citibank, và một số ngân hàng ít tên tuổi hơn như Bank of New York, là trung tâm thanh toán nòng cốt trên thị trường trái phiếu Mỹ.

Tôi nhận thấy những nỗ lực của chính phủ để đưa BlackRock vào danh sách các SIFI phi ngân hàng. Những nỗ lực ở phía hậu trường mà ban quản trị BlackRock tiến hành trong nhiều tháng qua để tránh bị đưa vào nhóm SIFI. Trường hợp của BlackRock là rất rõ ràng. Họ cho rằng mình chỉ là công ty quản lý tài sản, không phải một ngân hàng. Các nhà quản lý tài sản khó bị phá sản, chỉ có khách hàng mới dễ bị phá sản.

BlackRock khăng khăng bản thân quy mô tài sản của họ không phải là vấn đề. Các tài sản mà họ quản lý thuộc về khách hàng, không phải của BlackRock. Thực tế, họ cho rằng BlackRock chỉ là người làm thuê cho các khách hàng tổ chức, và do đó không có nhiều quyền.

BlackRock  chỉ là một công ty quản lý tài sản, thuần túy và đơn giản. Các khách hàng ủy quyền cho BlackRock tài sản của họ để đầu tư. Không hề có khoản nợ nào trên bảng cân đối tài sản của BlackRock. BlackRock không cần người gửi tiết kiệm hoặc quỹ thị trường tiền tệ để tài trợ cho các hoạt động. BlackRock không có các chứng khoán phái sinh độc hại ngoài bảng cân đối kế toán nhằm tạo đòn bẩy cho tài sản của khách hàng.

Một khách hàng thuê BlackRock, đưa cho công ty tài sản dưới dạng một hợp đồng tư vấn, và trả phí cho lời tư vấn này. Về lý thuyết, điều tệ nhất có thể xảy đến với BlackRock là công ty bị mất khách hàng hoặc nhận được ít phí tư vấn. Giá chứng khoán của BlackRock có thể bị sụt giảm. Tuy nhiên, BlackRock không bị tổn thương theo kiểu ngân hàng vì nó không dựa vào các khoản tài trợ ngắn hạn để tiến hành các hoạt động kinh doanh, và công ty không hề có đòn bẩy cao. BlackRock hoàn toàn khác với ngân hàng và nó an toàn hơn.

Tôi nói, “Vâng, tôi biết chính phủ đang định làm gì. Họ nhận ra bạn không phải là ngân hàng và không có rủi ro tài trợ. Họ chỉ muốn có thông tin. Họ muốn bạn nằm trong danh sách SIFI phi ngân hàng nên họ mới đến, xen vào, quan sát các khoản đầu tư của bạn, và báo cáo thông tin này cho Bộ Tài Chính. Họ sẽ kết hợp thông tin này với các nguồn thông tin khác. Những nguồn thông tin này sẽ mang lại cho chính phủ bức tranh tổng thể họ phải làm gì để dập tắt đám cháy khi có khủng hoảng. Đó là một việc gây tổn thương, và tạo ra chi phí, nhưng bạn có thể bù đắp nó. Đó chỉ là một khoản chi phí tuân thủ (compliance cost)[1] khác mà thôi.

Người bạn của tôi hiểu điều này, hạ thấp giọng, và nói, “Không, không phải việc đó. Chúng tôi có thể sống với khoản chi phí nay. Nhưng họ muốn nói cho chúng tôi rằng, chúng tôi không được phép bán các tài sản.”

“Cái gì?” Tôi trả lời. Tôi nghe rõ cô ấy nói gì nhưng điều cô ấy nói khiến tôi ngạc nhiên.

“Trong một cuộc khủng hoảng, chính phủ muốn nhấc điện thoại lên và ra lệnh cho chúng tôi không được phép bán các chứng khoán. Họ chỉ muốn đóng băng chúng tôi vào lúc đó. Tôi đã ở Washington tuần trước vì chuyện này và không trở về trong tuần tiếp theo vì những cuộc họp. Bạn biết đấy, các tài sản không phải là của chúng tôi, nó là của khách hàng.”

Tôi bị sốc. Tôi không nên biết chuyện này thì hơn. BlackRock rõ ràng là một nút thắt quan trọng trong dòng chảy tài chính toàn cầu. Thực sự là các nhà làm luật có thể yêu cầu các ngân hàng làm điều như vậy là không có gì ngạc nhiên. Các nhà làm luật hoàn toàn có thể đóng cửa hệ thống ngân hàng. Những người điều hành ngân hàng biết rằng trong cuộc chiến với những người làm luật, ngân hàng luôn là kẻ thất bại, vì thế họ nên tuân theo mệnh lệnh của chính phủ. Nhưng chính phủ rõ ràng là không có lý do pháp lý nào để buộc những người quản lý tài sản như BlackRock phải bị đóng băng.

Nhưng dòng chảy vốn thông qua BlackRock mỗi ngày là rất lớn. BlackRock là nút thắt chiến lược giống như eo biển chở dầu Hormuz. Nếu bạn dừng dòng chảy dầu thông qua eo biển Hormuz, toàn bộ mạng lưới kinh tế toàn cầu sẽ bị đình trệ. Tương tự như vậy, nếu bạn dừng các giao dịch ở BlackRock, các thị trường tài chính toàn cầu sẽ bị ngưng trệ.

Trong một cuộc hoảng loạn tài chính, mọi người muốn lấy lại tiền của mình. Các nhà đầu tư tin rằng chứng khoán, trái phiếu, và các quỹ thị trường tiền tệ có thể nhanh chóng chuyển thành tiền mặt chỉ bằng một vài cú nhấp chuột trên màn hình giao dịch. Trong một đợt hoảng loạn, điều này có thể không còn đúng. Trong kịch bản tốt nhất, giá trị sẽ sụp đổ và “tiền” biến mất ngay trước mắt của bạn. Trong kịch bản tồi tệ nhất, các quỹ sẽ hoãn việc mua lại cổ phiếu quỹ và các nhà môi giới sẽ đóng các hệ thống giao dịch.

Nói rộng ra, có hai cách để các nhà chính trị phản ứng trước hành động mọi người muốn lấy lại tiền. Cách đầu tiên là làm cho tiền sẵn có, tức in thật nhiều tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền. Đây là chức năng cổ điển của các ngân hàng trung ương với vai trò người cho vay cuối cùng.

Cách làm thứ hai là họ sẽ nói không; đóng cửa hoặc đóng băng toàn bộ hệ thống. Việc đóng cửa bao gồm đóng cửa hệ thống ngân hàng, tắt các hệ thống giao dịch, và ra lệnh cho các nhà quản lý tài sản không được phép bán ra. Trong đợt Hoảng Loạn năm 2008, các chính phủ đã theo đuổi giải pháp đầu tiên. Các ngân hàng trung ương in tiền, chuyển nó ra cho thị trường và đẩy giá các tài sản lên.

Bây giờ thì có vẻ các chính phủ đang dự định chuẩn bị tiến hành giải pháp thứ hai cho cuộc khủng hoảng tiếp theo. Trong đợt hoảng loạn tiếp theo, chính phủ sẽ nói, “Không, bạn không thể lấy lại tiền của bạn. Hệ thống đã bị đóng. Hãy để cho chúng tôi phân loại mọi thứ, và bạn sẽ lấy lại sau.”

Tiền bị đóng băng tại BlackRock không phải là tiền của công ty, đó là tiền của khách hàng. BlackRock quản lý các nguồn vốn cho những định chế tài chính lớn nhất thế giới chẳng hạn như CIC, là quỹ đầu tư quốc gia của Trung Quốc, và CALPERS, là quỹ hữu trí cho nhân viên chính phủ ở California. Việc đóng băng BlackRock nghĩa rằng bạn đóng băng luôn cả việc bán tài sản của Trung Quốc, California, và những quốc gia khác trên thế giới. Chính phủ Mỹ không có quyền nói với Trung Quốc rằng họ không được phép bán các chứng khoán. Nhưng vì Trung Quốc ủy quyền các tài sản cho BlackRock, chính phủ sẽ sử dụng quyền lực của mình đối với BlackRock để đóng băng người Trung Quốc. Người Trung Quốc sẽ là người cuối cùng biết chuyện.

Bằng cách kiểm soát một nút thắt tài chính- đó là BlackRock- chính phủ Mỹ kiểm soát tài sản của nhiều nhà đầu tư lớn và hoàn toàn vượt mặt quyền tài phán của họ. Đóng băng BlackRock là một kế hoạch nhạy cảm mà rõ ràng chính phủ sẽ không muốn thảo luận công khai về chủ đề này. Cám ơn người đồng nghiệp của tôi đã cung cấp thông tin quý giá này.

[1] Người dịch: Chi phí tuân thủ là việc tiêu tốn thời gian và tiền bạc để đáp ứng các yêu cầu của chính phủ về pháp lý.

Kế hoạch đóng băng Ice-Nine là gì?

Vào năm 1965, tiểu thuyết bi kịch Cat’s Cradle (Sự ra đời của chú mèo), tác giả Kurt Vonnegut đã tạo ra một chất hư cấu mà ông gọi là ice-nine, được phát hiện bởi một nhà vật lý, tiến sĩ Felix Hoenikker. Ice-nine là chất đa hình của nước, sắp xếp lại phân tử H2O.

Ice-nine có hai đặc điểm để phân biệt nó với nước thông thường. Đầu tiên là nhiệt độ tan chảy là 114.40F, nghĩa là chất đa hình Ice-Nine có thể bị đóng băng tại nhiệt độ phòng. Đặc điểm thứ hai là khi phân tử của chất đa hình ice-nine tiếp xúc với phân tử nước, phân tử nước ngay lập tức biến thành ice-nine.

Hoenikker để các phân tử ice-nine trong một lọ nhỏ có dán niêm phong và đưa cho những đứa con sau khi ông mất. Cốt truyện của tiểu thuyết dựa trên kịch bản nếu chất đa hình ice-nine này thoát ra khỏi cái lọ, và tiếp xúc với một nguồn nước lớn, toàn bộ nguồn cung nước trên trái đất- bao gồm sông, hồ và đại dương- cuối cùng đều bị đóng băng và cuộc sống trên trái đất sẽ bị hủy diệt.

Đây là tình huống ngày tận thế phù hợp với thời điểm Vonnegut viết tiểu thuyết. Cat’s Cradle được xuất bản chỉ ngay sau cuộc khủng hoảng tên lửa CuBa, khi thế giới thực đối diện với rủi ro hủy diệt hạt nhân, mà các nhà khoa học sau này gọi là mùa đông hạt nhân.

Chất đa hình Ice-nine là cách thức tốt để hiểu giới tinh hoa quyền lực sẽ phản ứng như thế nào với cuộc khủng hoảng tiếp theo. Thay vì làm lỏng thế giới, giới tinh hoa sẽ đóng băng nó. Hệ thống tài chính sẽ bị đóng cửa. Tất nhiên, chất đa hình Ice-nine sẽ được mô tả như là tình trạng tạm thời giống như tổng thống Nixon từng nói tạm thời ngừng chuyển đổi đôla thành vàng vào năm 1971. Việc chuyển đổi vàng theo một tỷ lệ cố định thực tế không bao giờ được khôi phục lại. Vàng ở hầm Fort Knox mãi mãi bị đóng băng kể từ đó. Vàng của chính phủ mỹ chính là phân tử ice-nine.

Chất đa hình Ice-nine khớp với hiểu biết về thị trường tài chính là các hệ thống phức hợp. Một phân tử ice-nine không đủ làm đóng băng cùng lúc toàn bộ đại dương. Nó chỉ đóng băng các phân tử gần đó. Những phân tử ice-nine mới lại đóng băng những giọt nước gần đó theo một vòng tròn mở rộng bất tận. Sự lan rộng của phân tử ice-nine sẽ diễn ra theo cấp số nhân, không phải tuyến tính. Nó sẽ hoạt động giống như phản ứng chuỗi hạt nhân, bắt đầu từ một hạt nhân nguyên tử bị phân chia, và quá trình phân chia diễn ra liên tục giải phóng một nguồn năng lượng cực lớn.

Những đợt hoảng loạn tài chính cũng trải rộng theo cách tương tự. Trong phiên bản cổ điển những năm 1930, chúng bắt đầu tư những ngân hàng nhỏ. Đợt hoảng loạn lan rộng cho đến khi chạm tới phố Wall và gây ra cú sụp đổ của thị trường chứng khoán. Trong phiên bản thế kỷ 21, đợt hoảng loạn bắt đầu từ một thuật toán máy tính, kích hoạt các lệnh bán tự động ở các máy tính khác cho đến khi toàn bộ hệ thống rơi vào vòng xoáy mất kiểm soát. Cơn bán hoảng loạn đã xảy ra vào ngày 19 tháng 10 năm 1987, khi chỉ số công nghiệp Dow Jones (DJIA) giảm hơn 22% trong một ngày- tương đương với mức giảm 4,000 điểm của chỉ số DJIA ngày nay.

Các nhà quản trị rủi ro và quản lý luật pháp sử dụng thuật ngữ “lây nhiễm” nhằm mô tả cơ chế năng động của cơn hoảng loạn tài chính. Lây nhiễm là một phép ẩn dụ. Các bệnh lây nhiễm chẳng hạn như Ebola đã mở rộng theo hàm số mũ tương tự như phân tử ice-nine, chuỗi phản ứng hạt nhân và các đợt hoảng loạn tài chính. Một nạn nhân Ebola có thể lây nhiễm cho hai người khỏe mạnh, sau đó hai người vừa mới bị nhiễm này lại tiếp tục lây nhiễm cho bốn người khác và cứ thế tiếp tục. Cuối cùng là một trận dịch lớn, và việc cách ly là cần thiết cho đến khi vắc xin được tìm thấy. Trong Cat’s Cradle, không hề có vắc xin; cách duy nhất là các phân tử Ice-Nine phải được cách ly trong những chiếc lọ có niêm phong.

Trong một đợt hoảng loạn tài chính, in tiền chính là liều thuốc vắc xin. Nếu vắc xin cho thấy không hiệu quả, giải pháp cuối cùng là cách ly. Điều này có nghĩa là đóng băng ngân hàng, các sàn giao dịch, quỹ thị trường tiền tệ, đóng cửa các cây ATM, và lệnh cho các nhà quản trị tài sản không được phép bán chứng khoán. Giới tinh hoa đang chuẩn bị cho một phân tử ice-nine trong tài chính vốn không hề có vắc xin. Họ sẽ cách ly tiền của họ bằng cách khóa nó bên trong hệ thống tài chính cho đến khi tình hình lây nhiễm tạm lắng.

Phân tử ice-nine đang giấu mình trong những tư duy đơn giản. Những người không tìm hiểu nó sẽ không thể thấy nó. Một khi bạn biết phân tử ice-nine đang ở đó, bạn sẽ quan sát mọi nơi. Đây là hành động của tôi sau buổi đàm luận với người bạn CEO về việc đóng băng tài sản của BlackRock.

Kế hoạch ice-nine của giới tinh hoa còn tham vọng hơn cả những biện pháp ngăn cách theo đạo luật Dodd Frank năm 2010. Kế hoạch ice-nine sẽ vượt ra khỏi hệ thống ngân hàng để bao gồm cả các công ty bảo hiểm, công ty công nghiệp, và các nhà quản lý tài sản. Kế hoạch ice-nine sẽ hướng tới đóng băng tất cả các giao dịch.  Kế hoạch Ice-nine sẽ là câu chuyện toàn cầu chứ không phải một khu vực nào đó.

bằng chứng cho khởi động kế hoạch đóng băng ice-nine

Trường hợp nổi tiếng nhất về việc giới tinh hoa đóng băng nguồn vốn của khách hàng trong những năm gần đây là cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Síp vào năm 2012 và cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp vào năm 2015. Các cuộc khủng hoảng này có nguyên nhân lâu dài, nhưng người Síp và người Hy Lạp đang gặp phải khó khăn vì các ngân hàng chặn không cho người gửi tiết kiệm rút tiền.

Cuộc khủng hoảng ở Síp trầm trọng hơn do tình trạng tháo vốn của giới đầu sỏ chính trị Nga có tiền gửi phi pháp tại các ngân hàng ở Síp. Trong cuộc khủng hoảng Síp, hai ngân hàng hàng đầu của Síp là ngân hàng Laiki và ngân hàng Síp (Bank of Cyprus) bị mất thanh khoản. Điều này đã lây nhiễm sang toàn bộ hệ thống ngân hàng. Síp là một thành viên của khu vực đồng tiền chung Euro và sử dụng đồng euro làm đơn vị tiền tệ. Điều này khiến cho cuộc khủng hoảng ở Síp mang tính hệ thống mặc dù quy mô của nền kinh tế Síp khá nhỏ. Nhóm Troika bao gồm Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB), Ủy Ban Châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã tìm một cách để bảo vệ đồng euro trong cuộc khủng hoảng nợ công 2011 và không muốn nhìn thấy điều đã xảy ra ở Síp.

Ngân hàng Laiki bị đóng cửa dài hạn trong khi Ngân hàng Síp bị chính phủ tái cấu trúc. Người gửi tiết kiệm ở ngân hàng Laiki cao hơn mức bảo hiểm tối thiểu 100,00 Euro bị bán hạ giá trong “ngân hàng xấu”, vốn không có tương lai rõ ràng về triển vọng phục hồi. Những người gửi tiết kiệm nhỏ hơn được chuyển sang Ngân hàng Síp. Tại Ngân hàng Síp, 47.5% những khoản gửi tiết kiệm không được bảo hiểm trên 100,000 Euro được chuyển đổi thành cổ phần trong ngân hàng được tái cấp vốn mới. Những cổ đông trước khủng hoảng và trái chủ cũng nhận được một số cổ phần trong ngân hàng tương ứng với khoản lỗ của họ.

Mô hình giải quyết khủng hoảng ở Síp được gọi là “giải cứu nội bộ”. Khác với một cuộc giải cứu thông thường cho người gửi tiết kiệm, nhóm troika sử dụng tiền của người gửi tiết kiệm để tái cấp vốn cho những ngân hàng bị phá sản. Giải cứu nội bộ làm giảm chi phí ứng cứu cho nhóm troika, đặc biệt là Đức.

Các nhà đầu tư trên thế giới nhún vai coi thường và xem trường hợp của Síp chỉ là sự kiện diễn ra một lần. Síp là quốc gia nghèo. Người gửi tiền ở các quốc gia giàu có hơn quên đi vụ tai nạn này và cho rằng: “ điều đó không thể xảy ra ở đây.” Nhưng có lẽ các nhà đầu tư đang gặp phải sai lầm trầm trọng hơn. Mô hình giải cứu nội bộ ở Síp vào năm 2012 đã trở thành hình mẫu mới cho các cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu.

Trong cuộc họp thượng đỉnh G20 của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới, bao gồm cả Tổng Thống Obama và Thủ tướng Đức bà Angela Merkel diễn ra tại Brisbane, Úc, vào ngày 15 tháng 11 năm 2014, gần ngay sau cuộc khủng hoảng Síp. Thông cáo chung của cuộc họp đề cập đến việc thành lập một tổ chức toàn cầu mới được gọi là FSB (Ủy Ban Ổn Định Tài Chính-Financial Stability Board).  Đây là những nhà quản lý luật pháp tài chính toàn cầu được thành lâp bởi G20 và không chịu trách nhiệm trước người dân của bất cứ quốc gia thành viên nào. Bản thông cáo chung nói, “Chúng ta chào đón những đề xuất của FSB….yêu cầu các ngân hàng quan trọng có tính hệ thống toàn cầu (SIFI) tăng cường khả năng hấp thụ khoản lỗ nhiều hơn nữa…”

Đằng sau những ngôn từ nhẹ nhàng này là một báo cáo kỹ thuật riêng dài 23 trang của FSB cung cấp mẫu hình giải quyết cho các cuộc khủng hoảng ngân hàng tương lai. Báo cáo này cho rằng các khoản lỗ của ngân hàng “nên được hấp thụ….bởi những chủ nợ không bảo đảm và không được bảo hiểm.” Trong bối cảnh này, “chủ nợ” chính là người gửi tiết kiệm. Báo cáo sau đó còn mô tả: “  bằng quyền lực và mọi công cụ mà chính quyền có để đạt được mục tiêu này. Điều này bao gồm cả quyền lực giải cứu nội bộ….[và] quyền ghi giảm giá trị sổ sách (write down) và chuyển đổi thành vốn cổ phần tất cả hoặc một phần các khoản nợ không bảo đảm và không được bảo hiểm của ngân hàng….đến mức cần thiết nhằm hấp thụ các khoản lỗ.”

Điều mà cuộc họp thượng đỉnh G20 ở Brisbane cho thấy là chính sách ice-nine sẽ được áp dụng cho người gửi tiết kiệm ngân hàng sẽ không bị hạn chế ở một quốc gia nghèo như Síp. Ice-nine là chính sách của những nước lớn trên thế giới, bao gồm Mỹ.

Người gửi tiết kiệm ngân hàng nhận được một bài học cay đắng khác về khả năng của chính phủ đóng cửa hệ thống ngân hàng trong cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp 2015. Cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp là một vấn đề lâu dài bắt đầu từ năm 2009, và cuộc khủng hoảng này trở nên nóng lạnh trong hơn 7 năm qua. Cuộc khủng hoảng trở nên nóng sốt vào ngày 12 tháng 7 năm 2015 khi Đức mất kiên nhẫn với Hy Lạp và đưa một giải pháp tài chính cuối cùng tại cuộc họp thượng đỉnh ở Brussel (Bỉ), mà Hy Lạp cuối cùng phải đồng ý.

Người dân Hy Lạp có thể hoặc không thể tuân theo giải pháp Brussel, nhưng tác dụng phụ là điều không thể tránh khỏi. Không biết các ngân hàng Hy Lạp có thể sống sót hay không hoặc liệu người gửi tiết kiệm sẽ được giải cứu nội bộ theo các quy tắc ở Brisbane. Các ngân hàng không có lựa chọn nào nhưng trước hết phải chặn quyền rút tiền mặt và tín dụng cho đến khi số phận của họ được định đọat.

Những cây ATM ngừng cung cấp tiền mặt cho các chủ thẻ Hy Lạp (những người du lịch nước ngoài với thẻ ghi nợ không phải của Hy Lạp được rút một ít tiền tại Cảng hàng không quốc tế Athens. Thẻ tín dụng Hy Lạp bị từ chối khi mua hàng. Người Hy Lạp buộc phải lái xe đến các quốc gia láng giềng và trở về nhà với những chiếu túi đựng đầy các tờ tiền Euro có mệnh giá lớn. Nền kinh tế Hy Lạp trở thành nền kinh tế tiền mặt đổi hàng và hàng đổi hàng.

Chỉ ngay sau cuộc sụp đổ của Síp, phiên bản ice-nine của Hy Lạp đã hành động gống như một tiểu thuyết cảnh báo. Người gửi tiết kiệm bây giờ mới nhận ra tiền của họ trong các ngân hàng không còn là tiền và không còn là của họ. Cái mà họ gọi là tiền thực ra là khoản nợ ngân hàng và có thể bị đóng băng bất cứ lúc nào.

Kế hoạch Ice-nine của G20 Brisbane không chỉ giới hạn cho các khoản tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Đó chỉ là sự khởi đầu.

Vào thứ 4 ngày 23 tháng 7 năm 2014, Ủy ban giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) ban hành một quy tắc mới với tỷ lệ phiếu 3-3 cho phép các quỹ thị trường tiền tệ đình chỉ việc mua lại cổ phần từ nhà đầu tư. Quy định của SEC đẩy kế hoạch ice-nine vượt ra khỏi khuôn khổ hệ thống ngân hàng và hướng tới các công cụ đầu tư. Bây giờ, các quỹ thị trường tiền tệ có thể hành động giống như quỹ phòng hộ và từ chối hoàn lại tiền cho nhà đầu tư. Các nhà quản lý quỹ có trách nhiệm thông báo bằng thư điện tử và ghi chú online, kể cả phát tờ rơi cho các nhà đầu tư về thay đổi này. Không nhà đầu tư nào chú ý đến thông báo này và ném những tờ bướm vào thùng rác. Nhưng quy định là luật, và thông báo này đã được thực hiện. Trong đợt hoảng loạn tài chính tiếp theo, không chỉ tài khoản gân hàng của bạn sẽ được giải cứu nội bộ, mà các tài khoản thị trường tiền tệ cũng sẽ bị đóng băng.

Kế hoạch Ice-nine bắt đầu trở nên tồi tệ hơn.

Một giải pháp chống lại việc đóng băng tài sản theo kế hoạch ice-nine là giữ tiền mặt và tiền kim loại. Điều này khá phổ biến trước năm 1914 và trong Đại Suy Thoái từ năm 1929 đến năm 1933. Trong thế giới hiện nay, tiền mặt bao gồm tờ tiền 100 USD, tờ 500 Euro, hoặc tờ tiền 1,000 Franc Thụy Sĩ từ Ngân hàng Quốc Gia Thụy Sĩ. Đây là những tờ tiền giấy có mệnh giá lớn nhất sẵn có.

Tiền kim loại cũng bao gồm đồng tiền vàng 1 ounce chẳng hạn như Gold Eagles của người Mỹ, đồng tiền Maple Leafs của người Canada, và một số dạng tiền đồng phổ biến khác. Tiền đồng cũng bao gồm loại tiền bạc Silver Eagles của người Mỹ. Sở hữu tiền mặt và tiền kim loại cho phép người dân có thể sống sót qua thời kỳ đóng băng tài khoản ngân hàng. Giới tinh hoa toàn cầu hiểu điều này, đó là lý do tại sao họ bắt đầu một cuộc chiến tiền mặt.

Về lịch sử, việc đóng băng thị trường có thể tránh né bằng cách sử dụng những sàn giao dịch vỉa hè vốn hoạt động theo phương thức tiền mặt đổi hàng, theo đó người mua và người bán gặp nhau trên phố để đổi các loại giấy tờ thương mại thành tiền.  Các nhà quản lý sẽ muốn đóng cửa các sàn giao dịch vỉa hè bằng kỷ thuật số của thế kỷ 21 nhằm ngăn chặn những phát hiện giá và duy trì bí ẩn của giá trước khủng hoảng. Các sàn giao dịch vỉa hè có thể thực hiện thông qua hình thức online dưới định dạng kiểu eBay với thanh toán bằng đồng tiền Bitcoin hoặc chuyển giao trực tiếp tiền mặt giữa hai bên. Việc xác nhận quyền sở hữu các giấy tờ thương mại có thể được ghi nhận trong các sổ cái được chia sẽ bằng cách sử dụng công nghệ khối chuỗi (blockchain)[1] của đồng tiền Bitcoin. Loại bỏ tiền mặt giúp khống chế các thị trường thay thế, mặc dù đồng tiền Bitcoin hiện nay là một thách thức mới cho giới tinh hoa.

Lý do thứ hai để loại bỏ tiền mặt là thiết lập cơ chế lãi suất âm. Các ngân hàng trung ương đang thất thế trong cuộc chiến chống giảm phát. Một cách đánh bại giảm phát là thúc đẩy lạm phát bằng lãi suất thực âm.

Lãi suất thực âm xảy ra khi tỷ lệ lạm phát cao hươn lãi suất cho vay danh nghĩa. Nếu lạm phát là 4% và chi phí vay tiền là 3%, lãi suất thực là -1% (3-4=-1). Lạm phát xóa bỏ giá trị của đồng đôla nhanh hơn lãi suất có được từ hoạt động cho vay. Người đi vay trả lại tiền cho ngân hàng bằng những đồng tiền có giá trị thấp hơn. Lãi suất thực âm là tốt hơn tiền tự do vì các ngân hàng trả tiền cho người đi vay để họ đi vay. Lãi suất thực âm là một công cụ nhằm thúc đẩy hoạt động đi vay, đầu tư, và chi tiêu, điều sẽ tạo ra khuynh hướng lạm phát và chống lại giảm phát.

Bạn làm thế nào tạo ra lãi suất thực âm khi lạm phát gần bằng 0? Thậm chí với lãi suất danh nghĩa thấp chỉ khoảng 2% cũng đủ tạo ra lãi suất thực dương 1% khi lạm phát chỉ ở mức 1% (2-1=1).

Có giải pháp tạo ra lãi suất âm. Với lãi suất danh nghĩa âm, lãi suất âm là có thể, thậm chí khi lạm phát thấp hoặc âm. Ví dụ, nếu lạm phát bằng 0 và lãi suất danh nghĩa là -1%, thì lãi suất thực cũng sẽ là -1% ( -1 – 0 = -1).

Lãi suất danh nghĩa âm dễ dàng thực hiện được bên trong hệ thống ngân hàng kỹ thuật số. Các chương trình máy tính của ngân hàng tính phí cho số dư tiền gửi ngân hàng thay vì trả lãi. Nếu bạn có số dư tiền gửi 100,000 USD và lãi suất là âm 1%, thì cuối năm bạn chỉ còn lại số tiền 99,000 USD trong tiền gửi. Một phần tiền biến mất của bạn chính là chi phí gửi tiền tại ngân hàng.

Người tiết kiệm có thể chống lại lãi suất âm bằng cách sử dụng tiền mặt. Giả sử một người gửi tiết kiệm rút 100,000 USD ra khỏi hệ thống ngân hàng và cất trữ dưới dạng tiền mặt tại các hầm vàng phi ngân hàng. Trong khi những người tiết kiệm khác để tiền của mình trong ngân hàng và “kiếm được” một khoản lãi suất âm -1%. Vào cuối năm, người gửi tiết kiệm đầu đầu tiên vẫn có nguyên 100,000 USD, trong khi người gửi tiết kiệm thứ hai sẽ chỉ còn 99,000 USD. Ví dụ này cho thấy tại sao lãi suất âm chỉ có thể hoạt động trong thế giới không có tiền mặt. Người gửi tiền tiết kiệm buộc phải đưa vào trong hệ thống hoàn toàn kỹ thuật số trước khi lãi suất âm thiết lập.

Đối với các tổ chức và doanh nghiệp, họ đã thua trong cuộc chiến tiền mặt. Thật khó khăn cho một cá nhân có được 100,000 USD tiền mặt. Nên cũng hoàn toàn không khả thi cho một doanh nghiệp muốn có 1 tỷ USD tiền mặt. Những người gửi tiết kiệm lớn không có nguồn lực nào chống lại lãi suất âm trừ khi họ đầu tư tiền mặt vào chứng khoán và trái phiếu. Đây chính là điều mà giới tinh hoa muốn họ làm như thế.

Giới tinh hoa giống trống mở cờ chống lại tiền mặt và kêu gào thực hiện lãi suất âm.

Vào ngày 5 tháng 6 năm 2014, Mario Draghi, chủ tịch của ECB (Ngân hàng trung ương Châu Âu) đánh mức lãi suất âm lên các số dư tiền gửi tiết kiệm định danh bằng đồng Euro mà các ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại lớn gửi tại ECB. Những ngân hàng này lại nhanh chóng thiết lập lãi suất âm cho khách hàng của nó. Goldman Sachs, JP Morgan, Bank of New York Mellon, và các ngân hàng khác lấy tiền từ tài khoản của khách hàng theo cơ chế lãi suất âm.

Vào ngày 8 tháng 12 năm 2014, Tờ báo WallStreet Journal kể về một câu chuyện với tiêu đề “CÁC NGÂN HÀNG KÊU GỌI KHÁCH HÀNG CẦM TIỀN ĐI NƠI KHÁC”. Câu chuyện này nói rằng các ngân hàng lớn ở Mỹ đã thông báo cho khách hàng “họ sẽ tính một khoản phí lên những tài khoản của các khách hàng lớn.” Tất nhiện, một khoản phí cũng giống như lãi suất âm, nghĩa là bạn mất đi một khoản tiền trong tài khoản.

Vào  ngày 22 tháng 1 năm 2015, đến lượt Ngân Hàng Quốc Gia Thụy Sĩ (SNB-Swiss National Bank) thiết lập lãi suất âm trong hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm trên 10 triệu Franc Thụy Sĩ.

Vào ngày 29 tháng 1 năm 2016, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) cũng thông báo tiến hành lãi suất âm cho các khoản tiền gửi tiết kiệm mà các ngân hàng thương mại gửi tại ngân hàng trung ương dưới dạng thặng dư dự trữ yêu cầu.

Vào ngày 11 tháng 2 năm 2016, chủ tịch Yanet Yellen của Cục Dự Trữ Liên Bang (Fed) đã nói trước quốc hội việc ngân hàng trung ương Mỹ  đang “xem xét” tình huống lãi suất âm. Không có chính sách lãi suất âm chính thức nào được triển khai tại Mỹ tại thời điểm tôi đang viết cuốn sách này.

Vào ngày 16 tháng 2 năm 2016, cựu bộ trưởng tài chính Larry Summers viết trên tờ Washington Post về khả năng loại bỏ tờ tiền 100 USD.

Vào ngày 4 tháng 5 năm 2016, ngân hàng ECB thông báo hủy bỏ sản xuất tờ tiền 500 Euro vào cuối năm 2018. Tờ 500 Euro hiện tại vẫn là đồng tiền pháp lý nhưng nguồn cung sẽ bị hạn chế. Lệnh cấm này làm mở ra khả năng người mua phải trả thêm một phần dư dưới dạng tiền kỹ thuật số, ví dụ như 502 Euro, thay vì tờ tiền mặt 500 Euro. Phần dư ra là để chi trả cho lãi suất âm.

Vào ngày 30 tháng 8 năm 2016, Kenneth Rogoff, giáo sư đại học Harvard và cũng là cựu kinh tế gia trưởng của IMF, công bố bản tuyên ngôn được gọi là Lời nguyền rủa Tiền Mặt, là kế hoạch từng bước một của giới tinh hoa nhằm loại bỏ hoàn toàn tiền mặt.

Cuộc chiến tiền mặt và đổ xô vào lãi suất âm là bước đi cuối cùng, giống như hai mặt của đồng tiền.

Trước khi gia súc bị lấy thịt, chúng được dồn vào những cái chuồng nhằm dễ dàng kiểm soát. Điều này cũng đúng với những người gửi tiết kiệm. Để đóng băng tiền mặt và thiết lập lãi suất âm, người tiết kiệm phải bị dồn lại trong những tài khoản kỹ thuật số tại một số ít các siêu ngân hàng. Ngày nay, bốn ngân hàng lớn nhất ở Mỹ (Citi, JPMorgan, Bank of America, và Wells Fargo) còn lớn cả chúng vào năm 2008, và kiểm soát một tỷ lệ phần trăm lớn trong tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Mỹ. 4 ngân hàng này lúc đầu chỉ bằng 39 ngân hàng riêng lẽ ở Mỹ vào năm 1990, và sau đó chỉ còn bằng 19 ngân hàng riêng lẽ vào năm 2000. JPMorgan là ví dụ hoàn hảo. Ngân hàng này đã thâu tóm các tài sản của Chase Manhattan, Bear Stearns, Chemical Bank, First Chicago, Bank One và Washington Mutual, cùng nhiều các tên khác trước đó. JPMorgan từng quá lớn để thất bại vào năm 2008 nay thậm chí còn to lớn hơn. Người gửi tiết kiệm giờ đây bị tập trung lại nhằm cho phép các nhà làm luật có thể áp dụng giải pháp ice-nine chỉ bằng một vài cú điện thoại. Người tiết kiệm đang sắp sửa bị làm thịt.

Kế hoạch Ice-nine không chỉ ngăn chặn người gửi tiết kiệm. Kế hoạch Ice-nine cũng áp dụng cho bản thân các ngân hàng. Vào ngày 10 tháng 11 năm 2014, FSB (Ủy Ban Ổn Định Tài Chính) hoạt động dưới sự bảo trợ của G20 đưa ra đề xuất yêu cầu 20 ngân hàng GSIB (các ngân hàng quan trọng có tính hệ thống toàn cầu –globally systemetic important banks) lớn nhất phải phát hành nợ có thể tự động chuyển đổi thành vốn cổ phần trong trường hợp khủng hoảng tài chính. Những khoản nợ này sẽ là cuộc giải cứu nội bộ đóng băng ice-nine tự động đối với các trái chủ mà không cần hành động gì thêm từ phía các nhà quản lý. 

Vào ngày 9 tháng 12 năm 2014, các nhà quản lý ngân hàng Mỹ sử dụng các điều khoản trong đạo luật Dodd-Frank nhằm đưa ra yêu cầu vốn khắt khe hơn, được gọi là “phụ phí vốn (capital surcharge[2])” đối với 8 ngân hàng lớn nhất ở Mỹ. Cho đến khi các ngân hàng lớn này đáp ứng được yêu cầu phụ phí vốn, họ sẽ bị cấm chi trả tiền mặt cho cổ đông dưới dạng cổ tức hoặc mua lại cổ phiếu. Biện pháp cấm này đóng băng ice-nine áp dụng đối với cổ đông ngành ngân hàng.

Phân tử Ice-nine trong tiểu thuyết Cat’s Cradle đe dọa mọi phân tử nước trên trái đất. Điều này cũng đúng đối với các phân tử ice-nine tài chính. Nếu các nhà làm luật áp dụng kế hoạch ice-nine cho các khoản tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, sẽ có làn sóng đổ vào các quỹ thị trường tiền tệ. Nếu kế hoạch ice-nine cũng áp dụng đối với quỹ thị trường tiền tệ, dòng vốn sẽ chảy vào thị trường trái phiếu. Nếu có bất cứ thị trường nào không nằm trong kế hoạch đóng băng ice-nine, thị trường đó sẽ ngay lập tức trở thành đối tượng bị bán tháo khi các thị trường khác bị đóng băng. Vì thế, để cho kế hoạch đóng băng ice-nine của giới tinh hoa được hiệu quả, kế hoạch này phải áp dụng cho mọi thị trường.

Không hợp đồng giao dịch nào có thể thoát khỏi kế hoạch đóng băng ice-nine. Các bên tham gia giao dịch với một công ty phá sản đều bị đóng băng. Quy tắc dừng này gọi là “tự động đình chỉ (automatic stay)”, được thiết kế nhằm tránh việc tranh giành tiền mặt làm nảy sinh những tình huống bất lợi khác. Tự động đình chỉ trong các hồ sơ phá sản giúp cho tòa án có đủ thời gian để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản.

Vào những năm 1980 và 1990, các ngân hàng lớn chi rất nhiều tiền cho các chiến dịch vận động hành lang nhằm thay đổi luật nên các điều khoản tự động đình chỉ không áp dụng cho một số giao dịch như thỏa thuận mua lại hoặc chứng khoán phái sinh. Khi các công ty như Lehman Brothers phá sản vào năm 2008, các đối tác của ngân hàng lớn đã sử dụng quyền kết thúc sớm hợp đồng[3] khiến những nhà đầu tư buộc phải ghi nhận ngay các khoản lỗ lớn.

Vào ngày 3 tháng 5 năm 2016, Cục Dự Trữ Liên Bang thông báo áp dụng một luật mới, về quá trình áp dụng một phiên bản 48 giờ của đình chỉ tự động đối với các hợp đồng chứng khoán phái sinh của ngân hàng Mỹ và các đối tác của họ. Luật mới này tuân theo thỏa thuận năm 2014 giữa 18 ngân hàng lớn trên thế giới, được bảo trợ bởi Hiệp Hội Phái Sinh và Hoán Đổi Quốc Tế (International Swaps and Derrivatives Association, để mang lại cho đối tác quyền kết thúc sớm hợp đồng. Thỏa thuận năm 2014 là kết quả của những áp lực từ phía Ủy Ban Ổn Định Tài Chính (FSB) của G20 vào năm 2011). Điều quan trọng, cả công ty kinh doanh trái phiếu lớn nhất thế giới PIMCO và các nhà quản lý tài sản lớn như BlackRock cũng bị loại bỏ quyền kết thúc sớm hợp đồng mà các đối tác của ngân hàng sử dụng. Các ngân hàng lớn và các nhà đầu tư tổ chức giờ đây đều bị xem như là người tiết kiệm nhỏ lẻ khi kế hoạch đóng băng ice-nine được áp dụng. Họ sẽ đóng băng mọi thứ.

Giải pháp đóng băng ice-nine không chỉ hạn chế cho cả nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức. Thậm chí, giải pháp đóng băng còn áp dụng cho nhiều quốc gia. Các quốc gia có thể đóng băng các quỹ đầu tư bằng biện pháp kiểm soát vốn. Các nhà đầu tư bằng đồng đôla ở các nền kinh tế có đồng nội tệ không phải là đồng đôla sẽ phải lệ thuộc vào ngân hàng trung ương của quốc gia đó để có được đồng đôla nếu như muốn rút khoản vốn đầu tư của họ.Vì thế, các ngân hàng trung ương có thể dựng lên biện pháp kiểm soát vốn và từ chối cho phép các nhà đầu tư bằng đồng đôla chuyển ngược đồng nội tệ sang đồng đôla và đình chỉ quá trình này.

Kiểm soát vốn phổ biến vào những năm 1960 thậm chí ở các nền kinh tế phát triển. Sau đó, các biện pháp kiểm soát vốn này dần dần biến mất ở các nền kinh tế phát triển, và giảm mạnh ở các nền kinh tế mới nổi. Việc nới lỏng quy định này một phần là do thúc giục của IMF, và một phần vì cơ chế tỷ giá thả nổi khiến cho các nền kinh tế ít có nhu cầu đổ xô tới ngân hàng.

Tuy nhiên, trong một bài phát biểu khác lạ vào ngày 24 tháng 5 năm 2016, David Lipton, phó giám đốc thứ nhất của IMF, lại đặt nền tảng cho giải phải đóng băng ice-nine trên bình diện quốc tế:

Đây là lúc nên tiến hành kiểm tra lại cấu trúc toàn cầu của chúng ta…Những yếu tố nào trong cấu trúc xứng đáng được giữ lại?

Chúng ta phải xem liệu những dòng vốn ngắn hạn và biến động là có vấn đề hay không….Những dòng vốn này, vì khả năng chuyển đổi ngược, có thể là những áp lực tuân thủ hữu ích cho người đi vay, tạo ra động lực khuyến khích của thị trường vốn tiến hành các biện pháp cải cách tích cực. Nhưng khả năng chuyển đổi ngược này cũng gây nên tổn thất khi dòng vốn bất ngờ dừng lại. Chúng ta hãy xem lại một lần nữa liệu cấu trúc giám sát và hệ thống thuế của các quốc gia cung cấp vốn có khuyến khích không đúng lúc các dòng vốn ngắn hạn này hay không.

Tôi biết rằng…thật dị thường khi nói ra điều này, nhưng chúng ta phải xem xét lại liệu nên có những biện pháp đồng bộ hơn để quản lý dòng vốn này hay không và các chính sách vĩ mô tại các quốc gia tiếp nhận vốn phải được bảo đảm có chất lượng.

Cắt nghĩa phát biểu trên, đây là lời kêu gọi những hành động phối hợp đồng bộ hơn giữa các quốc gia “cung cấp vốn” (chủ yếu là Mỹ) và “quốc gia tiếp nhận vốn” (chủ yếu là các nền kinh tế mới nổi) nhằm thay đổi thuế và quy định ngành ngân hàng để hạn chế khuyến khích các khoản nợ ngắn hạn và khuyến khích các khoản nợ dài hạn và vốn cổ phần. Trong một cuộc khủng hoảng thanh khoản, vốn cổ phần và nợ dài hạn dễ dàng bị chặn lại bằng việc đóng cửa các công ty môi giới và sàn giao dịch. Các khoản nợ ngắn hạn còn lại có thể bị chặn lại bằng các biện pháp kiểm soát vốn.

Điểm cuối khác trong việc đóng băng chuỗi gồm ngân hàng lớn, nhà đầu tư tổ chức và các quốc gia là các máy ATM. Người tiêu dùng đã bị ru ngủ để tin rằng, chỉ cần đưa thẻ ngân hàng vào các máy rút tiền là luôn có sẵn tiền. Nhưng thực tế có phải như vậy?

Các máy ATM được cài đặt sẵn chương trình giới hạn rút tiền mỗi ngày. Bạn hoàn toàn có thể rút khoảng 800 USD hoặc thậm chí 1,000 USD mỗi ngày. Nhưng sẽ ra sao nếu bạn cố gắng rút 5,000 USD mỗi ngày? Máy ATM sẽ không cho phép điều này. Nếu giới hạn rút tiền mỗi ngày là 1,000 USD, các ngân hàng có thể dễ dàng cài đặt lại chương trình để giảm mức giới hạn về 300 USD, chỉ đủ cho bạn thanh toán tiền gas và thực phẩm thiết yếu. Thậm chí tồi tệ hơn, nhưng lại dễ dàng cho các ngân hàng, là tắt luôn các máy ATM như Síp vào năm 2012 và Hy Lạp vào năm 2015 đã làm.

Nhận tiền mặt tại quầy không phải là giải pháp thay thế thực tế cho trường hợp máy ATM không hoạt động. Trong nhiều trường hợp, số tiền bạn nhận được sẽ ít đi vì những nhân viên ngân hàng sẽ cần phải được sự chấp thuận từ những người giám sát cấp cao. Những người giám sát sẽ yêu cầu bạn phải hoàn tất báo cáo SAR (Báo cáo hoạt động bị tình nghi- Suspicious Activity Report) để nộp lên Bộ Tài Chính. Báo cáo SAR dự định nhằm xác định những kẻ buôn lậu thuốc, rửa tiền và khủng bố. Mặc dù bạn không phải là những đối tương trên nhưng vẫn phải nộp hồ sơ SAR cho Bộ Tài chính. Các ngân hàng e ngại các nhà làm luật sẽ làm khó họ nên sẽ yêu cầu khách hàng tuân thủ quy định này. Tên của bạn sau đó sẽ được cập nhật vào hồ sơ của Bộ Tài Chính, ngay tiếp sau tên của các thành viên kinh doanh lũng đoạn thuốc và tổ chức khủng bố Al Qaeda.

Bối cảnh mà các sàn giao dịch chứng khoán bị đóng cửa, các máy ATM ngừng hoạt động, các quỹ thị trường tiền tệ bị đóng  băng, lãi suất âm được thực hiện, và không cho phép rút tiền mặt, có thể chỉ diễn ra trong vài phút. Tiền của bạn có thể giống như viên trang sức quý đặt ở trong tủ kính; bạn chỉ nhìn mà không thể chạm vào. Những người gửi tiết kiệm không nhận ra giải pháp ice-nine đã tồn tại, đang chờ được kích hoạt chỉ bằng một một mệnh lệnh hành chính và vài cuộc gọi điện thoại.

[1] Người dịch: Công nghệ Blockchain là công nghê đứng đằng sau Bitcoin và giúp cho loại đồng tiền ảo này hoạt động.  Blockchain cho phép những người không có niềm tin trong việc công tác với nhau có thể làm việc với nhau mà không cần phải thông qua một cơ quan trung gian hòa giải. Công nghệ Blockchain giống như một sổ cái được chia sẻ.

[2] Người dịch: phụ phí vốn là một biện pháp ngằm tăng cường an toàn vốn cho các ngân hàng quá lớn để thất bại. Ngoài yêu cầu vốn tối thiểu được áp dụng cho tất cả ngân hàng, các ngân hàng quá lớn để thất bại phải có thêm một khoản vốn bổ sung nếu bị liệt vào nhóm GIBS. Mức phụ phí vốn cho 8 ngân hàng nói trên là 1%, 1.5%, 2% và 2.5%.

[3] Người dịch: Hầu hết các chứng khoán phái sinh đều có điều khoản cho phép Quyền kết thúc sớm hợp đồng. Quyền kết thúc sớm hợp đồng gần giống như điều khoản xác định khi nào một hợp đồng nên kết thúc và kết thúc như thế nào. Trong cuộc khủng hoảng năm 2008, các chứng khoán phái sinh bị kết thúc sớm hợp đồng khi giá đang giảm sẽ nhanh chóng hiện thực hóa các khoản lỗ. Nói cách khác, nhà đầu tư bị buộc phải đóng vị thế lỗ ngay lập tức và ghi nhận khoản lỗ đó.

Trích từ cuốn sách “Road to Ruin” của James Rickard

Trả lời