Chỉ cần tuân thủ quy tắc mua đơn giản này, khả năng cao bạn tránh mua phải cổ phiếu “rởm”

Mua Các Cổ phiếu Có “Tăng Trưởng EPS Quý Hiện Tại Cao”

Trong dữ liệu nghiên cứu gồm 600 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất từ năm 1952 đến năm 2001, có ¾ cổ phiếu công bố mức tăng trưởng EPS trên 70% trong báo cáo quý gần nhất trước khi giá cổ phiếu tăng vọt. ¼ các cổ phiếu còn lại tuy không có tăng trưởng EPS quý hiện tại cao nhưng đã thể hiện điều này ngay ở quý tiếp theo, với mức tăng EPS trung bình là 90%!

Priceline.com có mức tăng EPS “chỉ” 34% trong quý 2/2006, khi giá cổ phiếu tăng từ mức $30 lên $140. Nhưng trong các quý tiếp theo, có sự tăng tốc trong tăng trưởng EPS, lần lượt là 53%, 107% và 126%.

Từ năm 1910 đến năm 1950, hầu hết các cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất thị trường đều có tăng trưởng EPS quý hiện tại từ mức 40% đến 400%, trước khi cổ phiếu tăng giá mạnh.

Nếu những cổ phiếu mạnh nhất đã thể hiện mức tăng trưởng lợi nhuận cao trước khi giá cổ phiếu tăng vọt, tại sao bạn lại không mua nó? Bạn nên biết rằng, chỉ 1% đến 2% các cổ phiếu được niêm yết trên sàn Nasdaq hoặc sàn NYSE có mức tăng trưởng EPS cao như vậy. Nên nhớ, bạn đang tìm các cổ phiếu siêu hạng, chứ không phải những cổ phiếu tầm thường. Các cổ phiếu siêu hạng luôn ở ngoài kia, vấn đề là bạn có biết cách tìm kiếm chúng hay không.

Tuy nhiên, bất cứ nghiên cứu nào cũng không tránh khỏi có những cái bẫy hoặc những ngoại lệ riêng mà bạn cần biết để tránh.

Con số EPS mà bạn đang quan sát được tính toán bằng cách chia tổng lợi nhuận sau thuế của công ty cho số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Ngày nay, tăng trưởng EPS là con số được sử dụng phổ biến trong việc lựa chọn cổ phiếu. Mức tăng trưởng càng cao, càng tốt.

Trong con sốt cổ phiếu điên loạn của bong bóng Internet vào cuối những năm 1990, một vài người mua cổ phiếu bởi kỳ vọng về sự giàu có tức thời bởi lãi vốn trong khi hầu hết các công ty dot-com và internet lại đang cho thấy mức lợi nhuận yếu ớt. Ngoại trừ những công ty có lợi nhuận cao như AOL và Yahoo!, việc đánh cược rủi ro những đồng tiền mồ hôi nước mắt của bạn vào những cổ phiếu mập mờ khác là không cần thiết.

AOL và Yahoo! thực sự là những cổ phiếu dẫn dắt thị trường vào lúc đó. Khi thị trường chung bước vào giai đoạn điều chỉnh (điều chắc chắn phải xảy ra), những cổ phiếu mang tính đầu cơ cao nhưng lại không có mức tăng trưởng lợi nhuận lớn, là những cổ phiếu sụt giảm mạnh nhất. Bạn không nên chấp nhận mạo hiểm với những cổ phiếu như vậy.

Tôi liên tục kinh ngạc trước việc nhiều nhà quản trị tiền chuyên nghiệp, không kể đến các nhà đầu tư cá nhân, mua những cổ phiếu mà EPS quý hiện tại không thay đổi hoặc sụt giảm. Hoàn toàn không có lý do chính đáng nào để hy vọng một cổ phiếu như vậy có thể trụ giá được (chứ đừng nói đến việc tăng giá) khi mà EPS quý hiện tại sụt giảm.

Ngay cả khi doanh nghiệp công bố mức tăng trưởng EPS chỉ là 5%-10%, điều đó vẫn không đủ để kích thích giá cổ phiếu tăng vọt. Không những thế, một công ty có mức tăng trưởng EPS ít ỏi, chỉ tầm 8%-10%, nhiều khả năng sẽ bất ngờ công bố lợi nhuận thấp hơn ở quý tiếp theo.

Không giống như các nhà đầu tư tổ chức như quỹ tương hỗ, ngân hàng đầu tư và các công ty bảo hiểm, luôn gặp phải những điều khoản giới hạn do quy mô nguồn vốn lớn (lên đến hàng tỷ đôla), các nhà đầu tư cá nhân có một lợi thế lớn là được quyền chờ đợi và đầu tư vào những cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất trong mỗi thị trường giá lên. Mặc dù một số công ty không có lợi nhuận nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 1998-1999 (chẳng hạn như Amazon.com và Priceline.com), nhưng hầu hết các nhà đầu tư lúc đó có lựa chọn tốt hơn là mua American Online và Charles Schwab, vì cả hai công ty này đều có tăng trưởng lợi nhuận cao.

Việc chú trọng đến lợi nhuận khi lựa chọn cổ phiếu theo nguyên tắc CANSLIM nhằm đảm bảo các nhà đầu tư sẽ bắt được những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong bất cứ mọi điều kiện thị trường, bất kể đó là đợt tăng giá tạm thời, hay các “bong bóng” mang tính đầu cơ cao hoặc các giai đoạn được gọi là lạc quan tếu. Tất nhiên, bạn không nên mua cổ phiếu chỉ vì tăng trưởng lợi nhuận. Có một vài yếu tố khác cũng rất quan trọng sẽ được giới thiệu trong cuốn sách này. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nói rằng, tăng trưởng EPS quý hiện tại là một yếu tố quan trọng mà nhà đầu cần phải xem xét khi quyết định lựa chọn mua cổ phiếu.

Thiết Lập Mức Tối Thiểu Cho Tăng Trưởng EPS Quý Hiện Tại

Bất kể bạn là nhà đầu tư mới hay có kinh nghiệm, tôi có lời khuyên chỉ nên mua cổ phiếu có mức tăng trưởng EPS quý gần nhất ít nhất là 18% hoặc 20% so với cùng kỳ năm trước. Theo nghiên cứu của chúng tôi ở các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất, chúng tôi phát hiện thấy, đây là mức tăng trưởng tối thiểu cần phải có trước khi có đợt sóng tăng giá mạnh. Nhiều nhà đầu tư thành công đã thiết lập mức tăng trưởng EPS quý hiện tại tối thiểu là 25%-30%.

Thậm chí để an toàn hơn, bạn nên có tăng trưởng EPS của hai quý gần nhất phải ở mức cao. Trong thị trường giá lên (tức thị trường tăng giá mạnh), tôi tập trung vào các cổ phiếu có mức tăng trưởng EPS từ 40% đến 500% hoặc cao hơn. Bạn có hàng ngàn cổ phiếu được niêm yết trên thị trường để lựa chọn. Tại sao bạn không mua cổ phiếu có chất lượng tốt nhất?

Để mài giũa khả năng lựa chọn cổ phiếu, hãy quan sát một hoặc hai quý tiếp theo và kiểm tra xem liệu EPS được báo cáo tăng trưởng ra sao so với cùng kỳ năm trước. Liệu công ty sẽ có mức tăng trưởng cao hơn hoặc thấp hơn một cách bất thường so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi bạn thấy mức trưởng so với cùng kỳ năm trước không bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, bước thực hiện này sẽ giúp bạn có thể dự đoán được báo cáo lợi nhuận trong những tháng tới là tốt hay xấu.

Nhiều nhà giao dịch cá nhân và thậm chí là một số nhà đầu tư tổ chức mua cổ phiếu khi EPS quý gần nhất vừa được công bố sụt giảm vì họ yêu thích công ty đó và nghĩ rằng, giá cổ phiếu đang “rẻ đi”. Thông thường, họ nghĩ đến câu chuyện lợi nhuận sẽ tăng trở lại trong tương lai gần. Trong một số trường hợp điều này có thể đúng, nhưng phần lớn thì không. Một lần nữa, bạn có quyền lựa chọn đầu tư trong số hàng ngàn doanh nghiệp, và nhiều công ty trong số đó đang cho thấy kết quả hoạt động kinh doanh rất tốt. Vì thế, bạn không cần thiết phải tin vào lời hứa hoặc kỳ vọng lợi nhuận kinh doanh sẽ tốt trở lại, điều có thể không bao giờ xảy ra. Tốt nhất, cứ đầu tư vào công ty đang cho thấy kết quả hoạt động kinh doanh tích cực.

Sự Giảm Tốc của Tăng Trưởng EPS Trong 2 Quý Liên Tiếp Là Dấu Hiệu Cảnh Báo.

Giống như chúng ta luôn phải nhớ cần có sự tăng tốc trong tăng trưởng EPS trước khi mua cổ phiếu, thì khi có sự giảm tốc (decelerate) trong tăng trưởng EPS, hoặc thậm chí là sự sụt giảm mạnh mẽ trong tăng trưởng EPS là dấu hiệu cảnh báo rủi ro. Nghĩa là nếu một công ty đang có tốc độ tăng trưởng quý khoảng 50%, bất ngờ công bố tăng trưởng EPS chỉ còn 15%, điều này cho thấy công ty đang gặp phải vấn đề và bạn nên tránh xa.

Thậm chí các doanh nghiệp hàng đầu cũng có một quý tăng trưởng chậm trong một khoảng thời gian nào đó. Vì thế, trước khi thông tin lợi nhuận xấu xuất hiện, tôi thường kiểm tra xem tăng trưởng EPS của hai quý liên tiếp có sụt giảm mạnh hoặc giảm tốc hay không. Mức sụt giảm vào khoảng 2/3 (hoặc lớn hơn) so với tốc độ tăng trưởng trước đó, được xem là nguy hiểm. Ví dụ tốc độ tăng trưởng EPS giảm từ 100% xuống còn 30%, hoặc từ 50% xuống còn 15%.

 

Bộ Sách: “LÀM GIÀU TỪ CHỨNG KHOÁN (phiên bản mới) + “Hướng Dẫn Thực Hành CANSLIM”

Trả lời