Theo William O’Neil trong cuốn sách “How To Make Money In Stock (Làm Giàu Từ Chứng Khoán”, có 21 sai lầm mà nhà đầu tư thường mắc phải
- Ngoan cố nắm giữ các khoản lỗ. Hầu hết các nhà đầu tư đều có cơ hội tránh được khoản lỗ lớn bằng cách sớm cắt lỗ (khi chúng vẫn còn đang những khoản lỗ nhỏ và việc cắt lỗ là hành động hợp lý). Nhưng vì cảm xúc con người, họ ngoan cố tiếp tục nắm giữ các khoản lỗ. Họ không muốn thua lỗ nên quyết định chờ đợi và hy vọng, cho đến khoản lỗ trở nên quá lớn. Đây chính là sai lầm lớn nhất mà tất cả các nhà đầu tư đều phạm phải. Họ không hiểu tất cả các cổ phiếu đều có tính đầu cơ, do đó có rủi ro lớn. Không hề có ngoại lệ nào cả. Tất cả các khoản lỗ đều phải được cắt khi nó vẫn còn nhỏ. Quy tắc mà tôi đã dạy ở rất nhiều lớp học đầu tư trên toàn thế giới trong suốt 45 năm qua là luôn cắt lỗ ngay lập tức khi giá cổ phiếu giảm xuống thấp hơn 7%-8% so với giá mua của bạn. Tuân thủ quy tắc đơn giản này sẽ bảo đảm sống sót và tiếp tục đầu tư vào nhiều cơ hội sinh lợi khác trong tương lai.
- Mua cổ phiếu đang trong xu hướng giảm là việc làm đảm bảo sẽ mang lại kết quả tồi tệ. Một cổ phiếu đang giảm giá trông có vẻ như là một món hời vì nó trở nên rẻ hơn so với vài tháng trước đó. Vào cuối năm 1999, một người phụ nữ trẻ tuổi mà tôi quen biết đã mua Xerox khi cổ phiếu này rớt mạnh xuống mức đáy mới $34 và trông có vẻ thật rẻ. Một năm sau, cổ phiếu này chỉ còn giao dịch ở giá $6. Tại sao lại cố gắng “bắt dao rơi” cơ chứ? Nhiều nhà đầu tư cũng làm điều tương tự vào năm 2000, khi mua Cisco Systems tại giá $50 khi nó trong xu hướng giảm giá từ đỉnh $82. Cổ phiếu này không bao giờ trở lại mức $50 ngay cả trong thị trường tăng giá từ năm 2003 đến năm 2007. Vào tháng 4 năm 2009, cổ phiếu này được giao dịch ở mức giá $20.
- Bình quân giá xuống thay vì thực hiện bình quân giá lên khi mua. Nhà đầu cơ huyền thoại Paul Turdo Jones từng ghi dòng chữ sau ngay tại bàn giao dịch để nhắc nhở bản thân: “Chỉ có nhà giao dịch thua lỗ mới bình quân giá xuống (Losers average Losers)”. Điều này cho thấy bình quân giá xuống là có sức cám dỗ rất mãnh liệt mà bạn cần phải né tránh. Nếu bạn mua cổ phiếu tại giá $40, sau đó tiếp tục mua nhiều hơn khi giá giảm về $30 và giá vốn bình quân của bạn là $35, chính là bạn đang đi theo vết xe đổ của những nhà giao dịch thua lỗ. Tại sao lại ném những đồng tiền mồ hôi nước mắt của bạn vào các khoản đầu tư thua lỗ? Đây là chiến lược giao dịch của những gã nghiệp dư có thể tạo ra các khoản lỗ lớn.
- Không chịu học cách sử dụng đồ thị và e ngại mua cổ phiếu vừa mới thiết lập đỉnh cao mới sau khi xuất hiện điểm phá vỡ từ nền giá tốt. Đa số các nhà đầu tư đều có suy nghĩ cổ phiếu thiết lập đỉnh cao mới dường như có vẻ quá cao, nhưng các ý kiến và cảm xúc cá nhân thường hiếm khi đúng so với hành động giá của thị trường. Thời điểm tốt nhất để mua cổ phiếu trong bất cứ thị trường tăng giá nào là khi cổ phiếu đó lần đầu tiên tạo điểm phá vỡ thoát ra khỏi nền giá tốt (là nền giá được hình thành ít nhất trong 7-8 tuần với cấu trúc giá chặt chẽ, khối lượng thấp. Có thể xem lại Chương 2). Như nói ở sai lầm số 3, cảm xúc con người thường mong muốn mua khi cổ phiếu đang giảm giá hơn là tăng giá.
- Không bao giờ có được xuất phát điểm đúng đắn vì các tiêu chí lựa chọn cổ phiếu sai lầm và không biết làm thế nào để tìm kiếm một doanh nghiệp thành công. Bạn cần phải hiểu được những yếu tố cơ bản nào có vai trò cực kỳ quan trọng và cái gì không thực sự quan trọng! Nhiều nhà đầu tư mua những cổ phiếu kém chất lượng, hoặc “chẳng có gì đáng giá” và không có hành động giá tích cực: Tăng trưởng doanh số, tăng trưởng lợi nhuận, ROE…tất cả đều rất đáng hoài nghi. Đó không phải là những cổ phiếu dẫn dắt thị trường thực sự. Một số nhà đầu tư khác lại tập trung đến các cổ phiếu có tính đầu cơ cao hoặc các cổ phiếu công nghệ có nền tảng cơ bản yếu, đầy rủi ro.
- Không có quy tắc để xác định khi nào sự điều chỉnh của thị trường chung là chỉ mới bắt đầu hoặc khi nào sự giảm giá của thị trường chung đã kết thúc và một xu hướng tăng giá mới được xác nhận. Điều quan trọng là bạn phải nhận ra được các đỉnh và đáy lớn của thị trường nếu như muốn gìn giữ lợi nhuận đã vất vả kiếm được và tránh thua lỗ lớn. Bạn phải biết khi nào cơn bão đã qua đi và khi nào ngài thị trường đang nói với bạn hãy quay trở lại mua cổ phiếu. Bạn không thể giao dịch bằng những quan điểm cá nhân, tin tức hoặc cảm xúc. Bạn phải có những quy tắc đúng đắn và tuân thủ nó. Đa số mọi người đều sai lầm khi cho rằng bạn không thể xác định được thời điểm thị trường tạo lập đỉnh hoặc đáy.
- Không tuân thủ quy tắc giao dịch sẽ khiến bạn phạm phải nhiều sai lầm. Ngay cả khi có được những quy tắc giao dịch đúng đắn nhất thì nó cũng trở nên vô nghĩa và chẳng thể giúp ích gì cho bạn nếu như bạn không hình thành kỷ luật tuân thủ nó.
- Tập trung quá nhiều sức lựa chọn cổ phiếu để mua, và một khi bạn quyết định mua, lại không biết khi nào, làm như thế nào hoặc trong trường hợp nào thì nên bán. Hầu hết các nhà đầu tư không có quy tắc hoặc kế hoạch bán cổ phiếu (bao gồm cắt lỗ và chốt lãi). Chọn cổ phiếu tốt để mua và thậm chí là mua đúng thời điểm chỉ là một nửa chặng đường tiến tới thành công. Bạn phải biết khi nào nên bán. Đa số mọi người chỉ mua và hy vọng.
- Không hiểu được tầm quan trọng của việc mua các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, có sự bảo trợ của các nhà đầu tư tổ chức và tầm quan trọng của việc học cách sử dụng đồ thị nhằm cải thiện kỷ năng chọn cổ phiếu và định thời điểm giao dịch.
- Thích mua số lượng lớn các cổ phiếu có thị giá thấp hơn là số lượng nhỏ cổ phiếu có thị giá cao. Nhiều nhà đầu tư cho rằng sẽ không ngoan hơn khi mua các hàng trăm hoặc hàng ngàn cổ phiếu thị giá thấp. Điều này mang lại cho họ cảm giác “giàu có” khi mua được nhiều cổ phiếu từ túi tiền của mình. Đây là một cảm xúc sai lầm. Lẽ ra họ nên mua 30 hoặc 50 cổ phiếu có thị giá cao có nền tảng cơ bản tốt, làm ăn hiệu quả. Hãy tư duy dựa trên số tiền đầu tư chứ không phải cảm giác “giàu có” về số lượng cổ phiếu mua được. Hãy học cách kinh doanh của những thương nhân khôn ngoan là mua hàng hóa tốt nhất chứ không phải rẻ nhất.
Nhiều nhà đầu tư không thể cưỡng lại sự hấp dẫn của những cổ phiếu thị giá nhỏ như $2, $5, hoặc $10. Hãy nhớ là “tiền nào của nấy”. Những cổ phiếu này rẻ bởi lý do hoàn toàn xác đáng là doanh nghiệp làm ăn thiếu hiệu quả. Các doanh nghiệp này có thể đã từng thua lỗ lớn trong quá khứ hoặc hiện tại đang rơi vào khó khăn. Cổ phiếu cũng giống như bất cứ hàng hóa nào khác: “món đồ tốt hiếm khi có giá rẻ.”
Chưa hết. Các cổ phiếu thị giá rẻ khiến bạn tốn nhiều chi phí giao dịch hơn và khoản phí phải trả cho các dealer cũng cao hơn (khi mua các quỹ tương hỗ). Ngoài ra, vì các cổ phiếu này dễ dàng giảm 15%-20% hơn so với các cổ phiếu thị giá cao nên chúng có rủi ro cao hơn. Hầu hết các nhà giao dịch chuyên nghiệp và tổ chức đầu tư thông thường không đầu tư vào các cổ phiếu có thị giá $5 hay $10, vì các cổ phiếu này không phải là những doanh nghiệp hàng đầu. Các cổ phiếu penny thậm chí còn tệ hơn. Như thảo luận ban đầu, sự bảo trợ của các nhà đầu tư tổ chức là một trong những lực đẩy quan trọng giúp cổ phiếu tăng giá.
Các cổ phiếu thị giá nhỏ cũng có chênh lệch (spread) giữa giá mua (bid) và giá bán (ask) cao hơn. Hãy so sánh một cổ phiếu có thị giá $5 được giao dịch như sau: Giá mua $5, giá bán $5.25 (chênh lệch sẽ là $0.25) và cổ phiếu có thị giá $50 được giao dịch như sau: giá mua $50, giá bán $50.25 (chênh lệch sẽ là $0.25). Như vậy, mức chênh lệch $0.25 là 5% giá mua đối với cổ phiếu thị giá $5 nhưng chỉ là 0.5% giá đối với cổ phiếu thị giá $50. Sự khác biệt lên tới 10 lần. Kết quả là, các cổ phiếu thị giá rẻ sẽ cần phải có mức tăng giá nhiều hơn để bù đắp chênh lệch này.
- Mua dựa trên lời mách nước, tin đồn, thông báo chia tách cổ phiếu hoặc các thông tin khác; những câu chuyện hấp dẫn; khuyến nghị mua của các dịch vụ tư vấn thị trường; hoặc ý kiến của các chuyên gia bạn nghe được trên ti hoặc nghe từ ai đó. Nhiều nhà giao dịch sẵn lòng chấp nhận đặt cược rủi ro đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình dựa trên những gì ai đó nói cho họ nghe, hơn là mất thời gian nghiên cứu, học hỏi và biết nên phải làm gì. Kết quả là, những nhà giao dịch này thường thua lỗ rất nhiều tiền. Hầu hết các tin đồn hay lời mách nước đều không chính xác. Thậm chí ngay cả khi chúng đúng, trong nhiều trường hợp cổ phiếu sẽ giảm giá chứ không phải tăng giá như bạn nghĩ.
- Chọn các cổ phiếu hạng hai vì ham cổ tức cao và tỷ lệ P/E thấp. Cổ tức và P/E thực sự không quan trọng bằng tăng trưởng EPS. Trong nhiều trường hợp, một doanh nghiệp chi trả cổ tức càng cao, khả năng nó đang gặp phải vấn đề. Các công ty này đang phải vay nợ với lãi suất cao nhằm có nguồn tiền chi trả cổ tức cao để hấp dẫn các quỹ đầu tư. Các công ty tốt, làm ăn hiệu quả thường ít chi trả cổ tức để tái đầu tư. Họ dùng nguồn tiền để đầu tư cho hoạt động Nghiên Cứu & Phát Triển hoặc các chương trình cải tiến kinh doanh khác. Ngoài ra, hãy nhớ là bạn có thể mất sạch khoản tiền cổ tức chỉ bởi biến động giá cổ phiếu trong một hoặc hai ngày. Các công ty có tỷ lệ P/E thấp vì thành tích giao dịch kém cõi. Nói chung, các cổ phiếu luôn được giao dịch xứng đáng với giá trị của nó tại bất cứ thời điểm nào.
- Muốn làm giàu nhanh chóng và dễ dàng. Rất nhiều nhà đầu tư muốn kiếm thật nhiều tiền và thật nhanh mà không cần phải nỗ lực nghiên cứu, học hỏi các phương pháp giao dịch đúng đắn hoặc rèn luyện các kỹ năng cần thiết cũng như kỷ luật tuân thủ. Thông thường các nhà đầu tư này đều kết thúc trong thua lỗ. Họ thường vội vàng nhảy vào mua cổ phiếu nhưng lại rất chậm chạm trong việc cắt lỗ khi phạm phải sai lầm.
- Chỉ mua những cổ phiếu “lão làng” mà bạn đã quen thuộc. Chỉ vì bạn đã từng làm cho General Motor không có nghĩa đó là cổ phiếu tốt để bạn mua. Nhiều khoản đầu tư tốt nhất thường là ở những công ty trẻ, ít danh tiếng. Thậm chí ngay chính bạn cũng chưa từng nghe nói về nó, nhưng với nỗ lực nghiên cứu, bạn phát hiện thấy tiềm năng lợi nhuận của công ty trước khi chúng trở thành những tên tuổi lớn.
- Không có khả năng nhận ra đâu là những thông tin và lời khuyên tốt để tuân theo. Bạn bè, người thân, một số nhà môi giới, các dịch vụ tư vấn thị trường có thể là những nơi mang đến các lời khuyên sai lầm. Chỉ có rất ít người trở nên thành công đáng để bạn phải lưu tâm đến. Các nhà môi giới hoặc dịch vụ tư vấn thị trường xuất sắc cũng ít ỏi giống như các bác sĩ, luật sư, hoặc cầu thủ bóng rổ xuất chúng. Chỉ một trong chín cầu thủ bóng rổ chơi ở giải chuyên nghiệp có thể leo đến hàng ngôi sao. Hầu hết các cầu thủ bóng rổ sau khi tốt nghiệp đại học không thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Nhiều nhà môi giới chứng khoán đã phá sản vì họ không thể quản trị tiền của chính họ một cách thông minh. Vào những năm 2000, một số công ty chứng khoán đã sử dụng mức đòn bẩy điên rồ khiến họ thất bại thảm hại. Bạn đừng bao giờ sủ dụng quá nhiều tiền vay khi đầu tư cổ phiếu. Chúng sẽ khiến bạn gặp phải những rắc rối lớn.
- Thường xuyên chốt lãi nhỏ trong khi kiên trì nắm giữ khoản lỗ. Đúng ra, bạn nên làm điều ngược lại: cắt lỗ nhanh trong khi để cho khoản lãi tiếp tục chạy.
- Lo lắng quá nhiều về thuế và phí hoa hồng môi giới. Mục tiêu đầu tiên của trò chơi này là phải kiếm được lợi nhuận ròng. Lo lắng quá mức về vấn đề thuế dẫn đến các quyết định đầu tư không chính xác vì hy vọng tránh được thuế. Bạn có thể đã bỏ lỡ việc chốt lãi tại thời điểm hợp lý nhất vì cố gắng nắm giữ cổ phiếu thật lâu để được hưởng mức lãi vốn dài hạn thấp hơn. Một số nhà đầu tư lại thuyết phục bản thân không bán cổ phiếu để tránh phải nộp thuế. Đây là những trường hợp cho thấy cái tôi đang lấn át những quyết định đầu tư đúng đắn hoặc bạn đang “tính già hóa non”. Phí hoa hồng môi giới liên quan đến việc mua và bán cổ phiếu (đặc biệt khi bạn hoạt động thông qua mạng môi giới trực tuyến) là rất nhỏ so với lợi nhuận bạn kiếm được khi đưa ra quyết định đầu tư đúng lúc, đúng thời điểm. So với nhiều hoạt động đầu tư khác, thực tế là bạn đang phải trả một tỷ lệ phí rất nhỏ so với lợi nhuận kiếm được và việc thoát khỏi cổ phiếu cũng dễ dàng hơn rất nhiều so với sở hữu bất động sản. Với tính thanh khoản gần như tức thời của thị trường cổ phiếu, bạn có thể bảo vệ bản thân một cách nhanh chóng với chi phí thấp khi thị trường suy thoái và dễ dàng khai thác tiềm năng lợi nhuận khi có xu hướng tăng giá.
- Đầu cơ quá lớn vào thị trường hợp đồng quyền chọn hoặc thị trường tương lai vì bạn nghĩ chúng là con đường làm giàu nhanh. Một số nhà đầu tư tập trung phần lớn nguồn vốn để tham gia vào các hợp đồng quyền chọn thị giá thấp, kỳ hạn ngắn vốn dĩ có độ biến động lớn và rủi ro. Khoảng thời gian đáo hạn ngắn thường gây bất lợi cho những người nắm giữ hợp đồng quyền chọn ngắn hạn. Một số người thậm chí còn “phát hành hợp đồng quyền chọn không bảo chứng” (tức bán hợp đồng quyền chọn ở những cổ phiếu mà họ không hề sở hữu nó), khiến cho mức rủi ro họ gặp phải lớn hơn nhiều so với số tiền phí thu được.
- Thói quen sử dụng lệnh giới hạn và ít khi sử dụng lệnh thị trường. Nhiều nhà đầu tư có thói quen sử dụng lệnh giới hạn với mong muốn tiết kiệm một vài lai giá, và không tập trung vào tiềm năng lợi nhuận lớn khi bắt đúng xu hướng. Lời khuyên tốt là bạn nên sử dụng lệnh thị trường. Khi muốn mua, hãy mua ngay lập tức và khi muốn bán hãy bán ngay lập tức. Đừng vì tiếc một vài lai giá nhỏ mà bỏ lỡ cơ hội “thoát thân” khi thị trường sụp đổ hay tham gia vào một xu hướng tăng giá mạnh.
- Không có định hướng khi cần đưa ra quyết định đầu tư. Nhiều nhà đầu tư không biết họ liệu có nên mua hay nên bán hoặc nắm giữ. Sự lúng túng này thường do họ không có phương pháp đầu tư. Họ thích hỏi những người khác: “Tôi có nên mua mã XYZ hay không?”; “Tôi có nên bán mã ABC hay không”…hơn là tự mình trả lời. Hoặc nếu có hệ thống đầu tư, thì hầu hết mọi người cũng hiếm khi tuân thủ nó.
- Không đánh giá cổ phiếu một cách khách quan. Nhiều người chọn cổ phiếu theo sở thích và cầu may. Thay vì dựa vào sự hy vọng và những ý kiến cá nhân, các nhà đầu tư thành công tập trung chú ý vào hành động giá của thị trường, điều vốn dĩ luôn luôn đúng.
Bao nhiêu trong số 21 sai lầm trên đây từng là quan điểm đầu tư của bạn trong quá khứ? Những phương pháp đầu tư sai lầm sẽ mang đến những kết quả tệ hại. Những phương pháp đầu tư đúng đắn sẽ mang đến kết quả tích cực.
Bộ Sách: “LÀM GIÀU TỪ CHỨNG KHOÁN (phiên bản mới) + “Hướng Dẫn Thực Hành CANSLIM”