Sau đây là bản dịch CHƯƠNG 4 sách “THE NEW CASE FOR GOLD (DIỆN MẠO MỚI CỦA VÀNG)
VÀNG LÀ MỘT HẰNG SỐ
Giá vàng
Khi mọi người nói về giá vàng “tăng lên” hoặc “giảm xuống”, đó chỉ là một hệ thống tham chiếu. Thay vào đó, hãy nghĩ vàng như là một một đơn vị đo lường bất biến, điều mà các nhà kinh tế và các nhà toán học gọi là đơn vị tính toán hoặc công cụ tính toán. Theo cách hiểu này, các loại tiền tệ đang biến động, chứ không phải là vàng. Nếu giá vàng tăng từ 1,200 USD mỗi ounce lên 1,300 USD mỗi ounce, hầu hết mọi người cho rằng vàng đang “tăng giá”. Quan điểm của tôi là vàng không hề tăng giá, mà là đồng đôla đang mất giá. Tức là trước đây tôi phải tốn đến 1,200 USD để mua một ounce vàng, nhưng bây giờ tôi phải tốn đến 1,300 USD để mua một ounce vàng. Tôi có ít vàng đi cho cùng một số tiền, vì thế đồng đôla đang mất giá.
Nếu bạn nghĩ đồng đôla đang sắp sửa mạnh lên, bạn có thể không muốn nhiều sở hữu nhiều vàng. Nếu bạn dự tính đồng đôla đang chuẩn bị yếu đi, điều tôi đang kỳ vọng, bạn chắc chắn muốn có vàng trong danh mục.
Nhưng bạn không cần phải so sánh vàng với các thước đo khác. Hãy nghĩ vàng giống như tiền. Giá vàng tính theo đồng đôla đơn giản là nghịch đảo của đồng đôla. Nếu bạn nghĩ vàng là đôla nghịch đảo (antidollar), bạn đang suy nghĩ đúng hướng. Đồng đôla yếu có nghĩa giá vàng tính theo đồng đôla sẽ cao hơn. Nếu bạn quan tâm đến đồng đôla- và có lý do quan trọng để phải quan tâm- thì điều đó làm cho bạn có cảm giác muốn sở hữu vàng.
Tôi sống ở Mỹ, nơi tôi kiếm tiền và chi tiêu bằng đồng đôla. Nếu tôi mua vàng, tôi sẽ sử dụng đồng đôla để mua. Nếu bạn sống ở Nhật Bản, kiếm tiền bằng đồng Yên và bạn sắp sửa nhận lương hưu bằng đồng Yên, thì đó sẽ là một phương trình khác. Giá vàng tính theo đồng Yên còn tăng giá cao hơn khi tính theo đồng đôla, nếu như đồng yên mất giá so với đồng đôla. Nếu vàng giảm 10% so với đồng đôla, và đồng yên giảm 20% so với đồng đôla, thì đối với các nhà đầu tư tính theo đồng yên, vàng thực sự tăng giá nếu đồng yên là chuẩn so sánh của bạn.
Để có quan điểm toàn cầu về vàng, bạn không chỉ phải phân tích giá vàng tính theo đồng đôla mà còn theo tỷ giá chéo của tất cả các loại tiền tệ. Đây chính là vấn đề ở Ấn Độ trong vài năm qua. Đồng rupee của Ấn Độ sụp đổ mạnh so với đồng đôla, và doanh số bán vàng Ấn Độ đang sụt giảm. Điều này không phải vì người Ấn Độ không còn quan tâm đến vàng. Nếu bạn đang thanh toán bằng đồng rupee tại thời điểm vàng đang giảm tính theo đồng đôla, thì vàng thực sự đang tăng giá khi tính theo đồng rupee. Điều này giải thích tại sao sức mua của người Ấn Độ đang chậm lại. Đó là một thế giới phức tạp, vì bạn phải quyết định đồng tiền nào làm chuẩn so sánh, và sau đó xem xét giá vàng đang ở đâu tính theo chuẩn đó, chứ không chỉ tính theo chuẩn của đồng đôla.
Lời khuyên của tôi dành cho các nhà đầu tư khi đang sở hữu vàng, bạn nên nghĩ về số lượng vàng tính theo trọng lượng, chứ không phải theo giá đôla, và làm như thế nào để phù hợp với danh mục của bạn. Không nên quá mắc kẹt vào giá đôla, vì đồng đôla có thể sụp đổ nhanh chóng và sau đó giá tính theo đồng đôla không còn là vấn đề. Điều sẽ là vấn đề là bao nhiêu vàng vật chất bạn đang có.
Tuy nhiên, trong thực tế, bạn nhìn thấy giá vàng tính theo đồng đôla mỗi ngày. Nó khá biến động. Đó là lý do nên phân bổ vào vàng chiếm tỷ lệ khoảng 10% trong tổng tài sản thanh khoản của bạn. Vàng là một phần hấp dẫn trong danh mục. Tuy nhiên, danh mục luôn phải đa dạng hóa.
Thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách (paper gold) so với thị trường vàng vật chất (physical gold)
Có một vấn đề hóc búa khác trong câu chuyện này, các nhà đầu tư cho rằng giá hàng hóa được điều chỉnh bởi quy luật cung cầu. Khi quan sát thị trường toàn cầu về vàng vật chất, có vẻ như có một sự gia tăng mạnh mẽ ở phía cầu và chỉ có mức tăng hạn chế ở phía cung. Tại sao giá vàng không phản ứng với sự mất cân đối này?
Các nhà đầu tư nên hiểu rằng có một thị trường vàng vật chất (physical gold) và một thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách (paper gold). Thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách bao gồm các hợp đồng giao dịch của: sàn giao dịch tương lai COMEX, các quỹ ETF, hợp đồng hoán đổi vàng, hợp đồng cho thuê tài chính vàng (Gold leasing), hợp đồng kỳ hạn (forward contracts), và vàng không được chỉ định (unallocated gold[1]) được phát hành bởi các ngân hàng thuộc Hiệp Hội Thị trường Kim Loại Quý Luân Đôn. Những loại chứng khoán phái sinh- như thị trường tương lai, thị trường hoán đổi, thị trường ETF, thị trường cho thuê tài chính, và vàng chưa chuyển giao- hình thành nên thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách.
Thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách có thể dễ dàng đạt tới quy mô gấp 100 lần thị trường vàng vật chất. Điều đó có nghĩa rằng, nếu có 100 người nghĩ là mình đang sở hữu vàng, nhưng thực ra 99 người trong số đó đã lầm tưởng. Chỉ một người duy nhất có thể nhận được vàng vật chất khi đợt hoảng loạn diễn ra.
Đòn bẩy là tốt miễn là thị trường có hai chiều. Miễn là hành động giá không bị bóp méo và miễn là mọi người sẵn sàng gia hạn hợp đồng, và miễn là mọi người không khăng khăng đòi nhận vàng vật chất, thì thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách sử dụng đòn bẩy cao sẽ hoạt động khá tốt. Vấn đề là có quá nhiều giả định, thậm chí có thể tồn tại lúc đầu, nhưng lại biến mất ngay sau đó. Các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng yêu cầu nhận vàng vật chất từ những người cất giữ vàng tại Ngân hàng Anh Quốc và Cục Dự Trữ Liên Bang tại New York. Chúng ta đã thấy Venezuela lấy lại số vàng của họ về cất giữ tại Caracas. Đức cũng lấy vàng về cất ở Frankfurt, và những người chơi nhỏ hơn như Azerbaijan cũng lấy vàng của họ về cất ở Baku.
Thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách thu hút được một số người ký gửi nhất định ở New York, Luân Đôn và các trung gian ngân hàng là thành viên của Hiệp Hội Thị Trường Kim Loại Quý Luân Đôn. Nếu bạn lấy vàng vật chất ở New York và đưa nó về Frankfurt, điều này sẽ làm làm giảm lượng cung vàng để cho thuê tài chính trên thị trường New York. Không có thị trường cho thuê tài chính vàng phát triển ở Frankfurt. Kết quả của việc di chuyển vàng từ New York về Frankfurt là làm giảm lượng vàng sẵn có để đóng các vị thế bán khống trên thị trường New York. Lúc này, hoặc là phải tăng đòn bẩy hệ thống hoặc là yêu cầu đóng vị thế khống ở một nơi nào đó trên thị trường vật chất.
Đối với thị trường vàng vật chất thuần túy, có một số giao dịch đang diễn ra. Nếu bạn là người mua lớn trên thị trường vàng vật chất, bạn sẽ nhận ra bạn phải có nguồn vàng trực tiếp từ những người luyện vàng, vốn dĩ không bán vàng trên thị trường thứ cấp. Trong điều kiện bình thường, thị trường hoạt động tốt, nếu bạn là người mua, và một ai đó là người bán, người môi giới sẽ phát hiện ra cả hai phía, sau đó mua từ người bán, và bán lại cho tôi, để nhận hoa hồng. Bây giờ, điều gì sẽ xảy ra nếu có nhiều người mua trên thị trường nhưng lại có số ít người bán, người môi giới chỉ còn cách phải tìm mua vàng trực tiếp từ người luyện vàng. Các nhà luyện vàng đến mất khoảng 5 đến 6 tuần để vận chuyển vàng cho họ.
Trung Quốc, Nga, Iran và ngân hàng trung ương của một số quốc gia khác đang dự trự vàng vật chất nhanh nhất họ có thể. Trung Quốc không công khai điều này. Vào tháng 7.2915, Trung Quốc cập nhật lượng vàng dự trữ chính thức lần đầu tiên kể từ năm 2009 là 1,658 tấn, tăng mạnh so với con số dự trữ công bố trước đó là 1,054 tấn. Trung Quốc gần đây đã bắt đầu cập nhật dự trữ vàng hàng tháng theo yêu cầu báo cáo của IMF. Nhưng con số trên của Trung Quốc là quá thấp vì họ đang dự trữ lượng vàng lớn hơn nhiều, có lẽ là 3,000 tấn hoặc hơn thế tại một cơ quan gọi là SAFE (State Administration of Foreign Exchange- Ủy Ban Nhà Nước về Giao Dịch Ngoại Hối). Số vàng này được bảo vệ bởi lực lượng Quân Giải Phóng Nhân Dân. Nga thì minh bạch hơn. Ngân hàng trung ương của Nga cập nhật dự trữ vàng hàng tháng, và không có bằng chứng cho thấy có thêm vàng ngoài sổ sách giống như Trung Quốc. Nga có khoảng 1,400 tấn vàng trong quỹ dự trữ.
Nga có thể mua vàng từ các công ty khai khoáng trong nước, nên không cần phải tham gia thị trường. Trung Quốc lại cần vàng càng nhanh càng tốt đến nỗi mặc dù họ có những công ty khai khoáng vàng lớn nhất thế giới nhưng vẫn không đủ, vì thế Trung Quốc mua thêm vàng từ thị trường. Trung Quốc làm điều này một cách lén lút bằng cách sử dụng các hoạt động chuyển đổi và tài sản quân đội nhằm tránh tác động đến giá vàng trên thị trường chính thức.
Những người mua vàng quốc tế như Nga, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và một số quốc gia khác đang tăng tích trữ vàng. Điều này sẽ tạo nên sự thiếu hụt lớn trên thị trường vàng. Tuy nhiên, có lẽ điều này không xảy ra vào ngày mai: không nên đánh giá thấp khả năng các ngân hàng trung ương có thể thao túng vàng lâu hơn kỳ vọng. Nếu nhu cầu vàng vẫn còn lớn (và tôi kỳ vọng như thế), cuối cùng sẽ dẫn đến sự thiếu hụt trên thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách, và các hợp đồng vàng trên giấy tờ sổ sách sẽ sụp đổ. Lúc này, chúng ta sẽ thấy việc định giá trên thị trường vàng giấy tờ sổ sách sẽ bị loại bỏ.
Vào năm 2013, tôi đã gặp một nhà điều hành cao cấp của một trong những công ty luyện vàng lớn nhất trên thế giới ở Thụy Sĩ. Nhà máy của ông hoạt động quá công suất, 24 giờ mỗi ngày. Ông bán tất cả số vàng mà công ty có thể sản xuất được, khoảng 20 tấn mỗi tuần. 10 tấn trong số đó là cho Trung Quốc mỗi tuần, tức khoảng 500 tấn vàng mỗi năm chỉ tính riêng từ nhà máy luyện vàng này. Trung Quốc vẫn muốn nhiều hơn thế. Nhưng ông sẽ không bán nó cho họ nữa, vì ông còn phải chăm sóc những khách hàng khác, chẳng hạn như Rolex, và những đối tác làm ăn lâu dài đang cần vàng như các công ty nữ trang và đồng hồ.
Công ty luyện vàng này lấy vàng từ nhiều nguồn, thường là các thỏi vàng 400 ounce đã cũ, nấu chảy chúng, luyện trở lại thành vàng nguyên nhất 99.90% cho đến nguyên chất 99.99%, chuyển nó dưới dạng các thỏi vàng 1 kg, và giao cho khách hàng, chủ yếu là Trung Quốc.
Các kho chứa vàng gần như trống rỗng. Định kỳ có khoảng vài trăm tấn vàng rời khỏid kho chứa GLD; và kho chứa COMEX gần như ở mức đáy thấp nhất mọi thời đại.
Ở Thụy Sĩ, tôi cũng gặp một vài nhà điều hành hầm vàng, các nhà logistic chuyên thực hiện vận chuyển và cất trữ vàng. Họ đã nói với rôi rằng, họ đã không thể kịp xây các hầm chứa vàng. Gần đây, họ đang phải thương thảo với quân đội Thụy Sĩ để tiếp quản một ngọn núi lớn ở Alps mà bên trong có các khoang sâu và từng được sử dụng cho mục đích quân sự. Bên trong là các đường hầm và các phòng từng được sử dụng bởi quân đội Thụy Sĩ nhằm lưu trữ vũ khí, đạn dược. Quân đội Thụy Sĩ hiện đang loại bỏ các ngọn núi này và cho phép các nhà quản lý hầm vàng sử dụng để chứa vàng. Các công ty logistic chuyên vận chuyển vàng đã thực hiện việc di chuyển số vàng từ các ngân hàng như UBS, Credit Suisse, và Deutsche Bank về các kho chứa vàng tư nhân đặt tại Brink’s, Loomis và các nhà quản lý hầm vàng khác.
Có độ trễ trong quá trình chuyển giao vàng vật chất vì các hầm vàng và người luyện vàng không thể đáp ứng kịp về cả kho chứa lẫn số lượng vàng luyện mới. Nếu vàng vật chất bị thiếu hụt nguồn cung ngắn hạn, tại sao giá vàng vẫn giảm giá trong những năm gần đây? Câu trả lời là có một lượng bán lớn trên thị trường tương lai và có một lượng bán lớn trên thị trường vàng không được chỉ định (unallocated gold) khiến cho giá tiếp tục đi xuống. Giá vàng giống như ở trong một cuộc chiến làm nghèo người hàng xóm giữa thị trường vật chất và thị trường giao dịch trên giấy tờ sổ sách.
Khi bạn ở trong cuộc chiến làm nghèo người hàng xóm, mọi thứ có thể rất biến động. Chúng ta có hai nhóm mạnh đang chơi kéo co với nhau. Bạn có các ngân hàng trung ương, các ngân hàng kim loại quý các quỹ phòng hộ ở cuối một đằng dây và những người mua lớn và các nhà đầu tư các nhân ở đầu dây còn lại. Sớm hay muộn, một nhóm sẽ phải từ bỏ và đầu dây bên kia sẽ thắng. Bất cứ sự gián đoạn không kỳ vọng nào trong việc chuyển giao vàng vật chất có thể kích hoạt cơn sốt mua vàng với các mức giá cao trên trời. Chẳng hạn như một sự cố gián đoạn có thể xảy ra do thất bại chuyển giao vàng, hoặc một sàn giao dịch vàng bị vỡ nợ, hoặc một nhà tài chính nào đó tự sát. Những tình huống này luôn có thể xảy ra.
Sự tăng giá của vàng
Vào năm 2014, trong một chuyến đi đến Úc, tôi đã gặp một trong những nhà giao dịch vàng của nhà cái (gold bullion dealer[2]) lớn nhất ở quốc gia này. CEO của họ đã nói những tháng có doanh số tốt nhất là khi giá vàng giảm xuống thật nhanh. Khi một số nhỏ các nhà đầu tư nhận thấy giá vàng giảm xuống, họ sẽ xem như là cơ hội. Các dealer của Úc nói với tôi rằng khi giá vàng tính theo đôla giảm nhanh, khách hàng của họ sẽ lập tức mua vàng.
Tôi đã khuyến nghị các nhà đầu tư phân bổ khoảng 10% danh mục đầu tư vào vàng. Khuyến nghị này được dự định trở thành vị thế mua và nắm giữ dài hạn nhằm mục đích bảo vệ tài sản của bạn trong trường hợp có các cú sốc hoặc hoảng loạn tài chính. Những ai theo đuổi chiến lược này không quan tâm đến diễn biến giá hàng ngày. Mục tiêu ở đây không phải là tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng bằng cách giao dịch vị thế. Rõ ràng sẽ tốt hơn khi mua giá ở đáy hơn là chạy theo mua đuổi khi giá đang tăng. Tìm kiếm một điểm mua tốt là điều bình thường.
Đợt sụt giảm kéo dài trong giá vàng từ năm 2011 đến năm 2015 làm nản long nhiều nhà đầu tư. Nhưng, sự sụt giảm giá gần đây đang tạo ra cơ hội mua cho những ai không kịp có 10% vàng trong danh mục đầu tư.
Có lời giải thích đơn giản cho sự sụt giảm giá từ đỉnh năm 2011. Bắt đầu vào năm 2012, đồng đôla trở nên mạnh lên dần dần dựa trên nhận thức và thực tế thắt chặt tiền tệ của FED. Điều này bắt đầu từ “thảo luận thu gọn dần dần (taper talk)” vào tháng 5 năm 2013, và thực tế tiến hành quá trình thu gọn dần dần việc in tiền của FED bằng đầu vào tháng 12 năm 2013, và vào tháng 3 năm 2015, FED thảo luận về quá trình tăng lãi suất sau đó.
Trong giai đoạn này, đồng euro đã sụp đổ từ 1.4 USD xuống còn 1.05 USD và đồng Yên Nhật cũng giảm mạnh từ 90 Yên đổi 1 USD xuống còn 120 Yên đổi 1 USD. Hơn 50% các ngân hàng trung ương trên thế giới tiến hành cắt giảm lãi suất vào năm 2015 với nổ lực làm rẻ đồng tiền của mình so với đôla. Giá dầu, đường, café, và nhiều hàng hóa khác sụp đổ vào cuối năm 2014 đến cuối năm 2015. Các lựa giảm phát trở nên mạnh mẽ.
Vì thế bạn kỳ vọng giá vàng tính theo đồng đôla giảm mạnh khi đồng đôla mạnh lên. Câu hỏi mà các nhà đầu tư nên hỏi là, điều này có tồn tại lâu dài? Đây có phải đây là trật tự mới của thế giới? Câu trả lời chắc chắn là không. Lý do là Mỹ đã cho phép đồng đôla tăng giá và cho phép các đồng tiền khác giảm giá vì các quốc gia này cần được giúp đỡ. Nền kinh tế Nhật Bản hoàn toàn tuyệt vọng để có được lạm phát. Nền kinh tế Châu Âu bị tổn thương trong cuộc suy thoái thứ hai trong đợt đình trệ kéo dài bắt đầu vào năm 2007. Nước Mỹ cho phép đồng đôla tăng giá, cho phép đồng yên và euro giảm giá để làm cho đồng tiền của hai khu vực này rẻ đi.
Sai lầm ngớ ngẫn của FED là nền kinh tế Mỹ hoàn toàn không đủ sức chịu đựng đồng đôla mạnh. FED đã thắt chặt từ năm 2013, và với độ trễ của chính sách tiền tẹ, lạm phát đã biến mất trong dữ liệu vào cuối năm 2014.
Khi chúng ta lo lắng về giảm phát, và chúng ta phải cắt giảm lãi suất về 0, in hàng nghìn tỷ đôla, và làm bất cứ điều gì có thể, thì chỉ có một cách có được lạm phát cho nền kinh tế (thực sự đó là điều FED muốn) là làm rẻ đồng tiền. Dựa trên kịch bản này, kỳ vọng của tôi là FED sẽ và một lần nưa theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ hoặc là dưới dạng nới lỏng định lượng (QE- Quantative Easing) hoặc một đồng tiền giá rẻ. Cả hai con đường đều làm cho giá vàng tính theo đồng đôla tăng lên.
Sự thao túng
Khi chúng ta nhìn thấy giá vàng tính theo đồng đôla giảm xuống nhanh trong bối cảnh thiếu vắng những thông tin thích hợp, chắc chắn rằng thị trường vàng đang bị thao túng. Có các bằng chứng thống kê, bằng chứng mang tính chất giai thoại, và bằng chứng pháp lý hỗ trợ cho kết luận này. Việc thao túng thị trường vàng không phải là mới. Hãy nhìn lại Hội Đồng Vàng Luân Đôn (London Gold Pool) vào những năm 1960, hoặc IMF và Mỹ bán phá giá (dumping) vàng vào cuối những năm 1970. Bằng chứng của việc thao túng cũng được nhìn thấy trong một số nghiên cứu học thuật gần đây. Thao túng là có thực.
Nếu mục tiêu của bạn giống như ngân hàng trung ương là giữ cho giá vàng di chuyển theo một cách không có trật tự, bạn chỉ thao túng thị trường khi giá vàng đang tăng lên. Nếu giá vàng đang giảm xuống vì nhiều lý do cơ bản chẳng hạn như giảm pháp, thì sau đó nếu bạn là ngân hàng trung ương vốn muốn làm rẻ giá vàng, thì bạn đang có cái bạn muốn và bạn không cần phải thao túng gì nữa. Việc thao túng thực sự được kích hoạt chỉ khi vàng trở nên tăng giá mạnh mẽ và giống như nó đang bứt phá. Chúng ta đã nhìn thấy điều này vào tháng 8 năm 2011 khi giá vàng dần tiệm cận mức 2,000 USD mỗi ounce. Đây là ngưỡng rào cản tâm lý quan trọng, và giá vàng có thể sẽ tăng cao hơn nữa nếu như vượt qua mức này, nên các ngân hàng trung ương thực sự đã sử dụng những biện pháp ngoại lệ để làm hạ giá vàng.
Hãy xem kĩ các kỹ thuật thao túng sau.
Bán phá giá vàng vật chất.
Một trong những kỹ thuật dễ dàng nhất để đánh bại giá vàng tính theo đồng đôla, và rất hiển nhiên, là bằng cách bán phá giá (dump) vàng vật chất. Nếu bạn là ngân hàng trung ương, bạn sẽ bán vàng ra. Điều này đã diễn ra trong thực tế từ nhiều thập niên, bắt đầu từ Hội Đồng Vàng Luân Đôn vào những năm 1960, khi các thành viên của hệ thống Bretton Wood bao gồm Tây Đức, Mỹ và Anh Quốc liên tục bán phá giá vàng trên thị trường kim loại quý Luân Đôn để làm giảm giá vàng.
Những nỗ lực tương tự tiếp tục vào những năm 1970 sau khi Nixon rời khỏi hệ thống bản vị vàng. Vàng bắt đầu thập niên 1970 với mức giá 35 USD mỗi ounce. Sau khi Nixon đóng cửa sổ vàng (gold window[3]), giá vàng tăng lên mức 42 USD mỗi ounce. Trước tháng 1 năm 1980, giá vàng chạm mức 800 USD mỗi ounce. Trên con đường tăng từ 42 USD lên 800 USD mỗi ounce, Mỹ đã cố gắng phá hoại và bí mật bán vàng vật chất. (Nỗ lực này được mô tả chi tiết trong Chương 9 và 11 của cuốn sách của tôi Cái Chết của Tiền).
Trong những năm 1974 đến 1980, Mỹ đã bán khoảng 1,000 tấn vàng và IMF bán 700 tấn vàng, trong tổng số vàng vật chất bán phá giá 1,700 tấn, khoảng 5% tổng lượng vàng chính thức của thế giới vào lúc đó. Tuy nhiên nỗ lực thao túng này bị thất bại. Giá vàng tính theo đồng đôla tăng vọt lên 800 USD mỗi ounce vào tháng 1 năm 1980 bất chấp các nỗ lực bán phá giá vàng vật chất của Mỹ và IMF. Nước Mỹ đã phải từ bỏ can thiệp và để mặc cho giá vàng đi đến nơi nó phải đến.
Tôi đã phát hiện những bức thư cá nhân (từ khi được tiết lộ cho công chúng) từ giữa những năm 1970 trong đó Arthur Burns- chủ tịch FED lúc bấy giờ, Tổng Thống Mỹ-Gerald Ford và Thủ Tướng Tây Đức mô tả các hành vi thao túng vàng vật chất.
Có nhiều hành vi thao túng vào cuối những năm 1990, bao gồm hiện tượng được gọi là “đáy Brown”, khi Gordon Brown, sau này là Thủ Tướng Anh Quốc, đã bán phá giá khoảng 2/3 tổng lượng vàng của Anh Quốc trên thị trường vào năm 1999 tại mức giá gần như là thấp nhất trong 35 năm qua.
Thụy Sĩ cũng là người bán vàng lớn vào đầu những năm 2000. Trong một thời gian dài, nhiều người có năng lực tài chính lớn đã thao túng giá vàng bằng cách bán phá giá vàng vật chất. Vấn đề là cuối cùng bạn bắt đầu bị hết cạn vàng. Anh Quốc không còn nhiều vàng nữa. Thụy Sĩ chỉ còn một lượng vàng tương đối nhưng ít hơn nhiều số đã bán ra. Mỹ quyết định không bán vàng thêm nhưng tỏ ra vui mừng nếu có ai đó bán vàng. Việc bán phá giá vàng vật chất cuối cùng phải dừng lại vì những kẻ thao túng nhận thấy nó không hiệu quả. Có rất nhiều người sẵn sàng mua vàng, và những kẻ thao túng dần bị mất vàng. Họ phải quay sang thao túng vàng trên giấy tờ sổ sách. Bây giờ chúng ta sẽ thảo luận điều này diễn ra như thế nào.
Thao túng thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách
Cách dễ nhất để thực hiện hành vi thao túng thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách là thông qua thị trường tương lai COMEX. Thao túng trên thị trường tương lai chỉ là trò chơi trẻ con. Bạn chỉ cần chờ cho đến khi thị trường gần đóng cửa và đặt một lệnh bán lớn. Làm cách này, bạn làm run sợ những người mua trên thị trường khiến họ phải hạ giá chào mua. Sau đó, mức giá thấp hơn sẽ được loan báo khắp thế giới như là “mức giá” của vàng, và điều này làm nản lòng nhà đầu tư. Giá giảm gây hoảng loạn cho các quỹ phòng hộ và khiến họ bán phá giá nhiều hơn nữa sau khi mức dừng lỗ trong các vị thế giao dịch của họ bị phá. Xu hướng tự thực hiện sẽ được thiết lập tức là người bán sẽ tiếp tục bán nhiều hơn nữa và vòng xoáy giảm giá hình thành mặc dù không có một lý do cụ thể nào ngoại trừ một số người muốn nhìn thấy điều này. Cuối cùng, đáy được thiết lập và những người mua nhảy vào, nhưng lúc này thì giá vàng cũng đã giảm mạnh.
Thị trường tương lai có mức độ đòn bẩy lớn và dễ dàng có được tỷ lệ 20 trên 1. Với mức ký quỹ tiền mặt (cash margin) khoảng 10 triệu đôla, tôi có thể bán một lượng vàng trên giấy tờ sổ sách trị giá đến 200 triệu đôla. Chúng ta biết những ai là nhà môi giới trên sàn và những ai là trung gian thanh toán, nhưng thị trường tương lai vẫn không phải là minh bạch, vì chúng ta không biết những người chơi thực sự là ai- nghĩa là ai là người đặt lệnh mua và lệnh bán thông qua các nhà môi giới. Chúng ta không biết vị khách hàng cuối cùng là ai. Các nhà môi giới chỉ biết một điều rằng, có những kẻ nặc danh thông qua người môi giới để tiến hành giao dịch với mức đòn bẩy cao.
Việc thao túng thị trường trên giấy tờ sổ sách cũng được thực hiện thông qua các quỹ ETF (Exchange-traded funds), đáng chú ý như là GLD. Việc thao túng thị trường sử dụng GLD có phần phức tạp hơn. Quỹ ETF GLD thực tế là một loại cổ phiếu chứng khoán. Chứng khoán là một dạng ủy thác, tức lấy tiền của bạn, mua vàng, và cất trữ trong hầm. Nếu bạn không thích vàng, bạn chỉ cần bán cổ phần của mình.
Có hai cách giao dịch vàng. Một cách là giao dịch vàng vật chất và cách khác là giao dịch cổ phiếu ETF vàng. Điều này tạo ra một khoảng chênh lệch (spread) giữa hai mức giá (giá vàng và giá cổ phiếu ETF vàng). Hai mức giá này nên nằm sát nhau. Tuy nhiên, có những lúc khoảng chênh lệch này tồn tại để tiến hành kinh doanh chênh lệch giá.
Đây là điều xảy ra. Nếu tôi là một trong những ngân hàng lớn, vốn là thành viên được ủy quyền của GLD, tôi sẽ tìm kiếm cơ hội kinh doanh chênh lệch giá. Tôi nhìn thấy giá vàng vật chất đang giao dịch với một phần bù (premium, tức cao hơn) so với giá cổ phiếu ETF (giá cổ phiếu bằng với số lượng vàng trong quỹ). Tôi sẽ bán khống vàng vật chất và đồng thời mua cổ phiếu ETF từ ai đó trên thị trường. Bây giờ, tôi lấy cổ phiếu đến người được ủy quyền và dùng nó để lấy vàng vật chất, ngoài ra còn dư một khoản tiền mặt. Tôi sẽ dùng số vàng vật chất này để đóng vị thế bán vàng đã mở, và như vậy tôi vẫn còn một khoản tiền lời. Đây được gọi là kinh doanh chênh lệch giá phi rủi ro (hoặc gần như thế).
Kết quả của những hoạt động này là làm cho vàng chảy ra khỏi kho chứa của quỹ ETF, làm giảm lượng cung vàng hoạt động (floating supply). Lượng cung vàng hoạt động là lượng vàng sẵn sàng để giao dịch nhằm hỗ trợ cho vàng trên giấy tờ sổ sách. Nếu vàng trong các ngân hàng kim loại quý hoặc trong kho chứa của GLD hoặc COMEX, đó là một phần của lượng cung vàng hoạt động và sẵn sàng để hỗ trợ cho các giao dịch trên thị trường vàng giấy tờ sổ sách. Một khi vàng tới tay Trung Quốc và nằm trong hầm vàng Thượng Hải hoặc tới hầm vàng Loomis ở Thụy Sĩ, số vàng này không còn là một phần trong lượng cung vàng hoạt động. Số vàng này là một phần của tổng vàng tồn kho, không sẵn sàng cho các giao dịch hoặc các hoạt động khác như cho thuê tài chính vàng hoặc bán kỳ hạn.
Điều quan trọng, số vàng ở hầm vàng Fort Knox hoặc tại Cục Dự Trữ Liên Bang ở New York hoặc tại COMEX có thể được cho thuê tài chính hoặc đã tạo đòn bẩy, nếu nó chưa bị bán đứt. Người Trung Quốc đang mua vàng đến nỗi vàng không hề thấy ánh sáng mặt trời trong suốt vòng đời của nó vì họ đã giấy kín ở trong các hầm vàng sâu. Một khi vàng đã đến với người Trung Quốc, vàng sẽ không bao giờ trở lại nữa. Người Trung Quốc không phải là các nhà giao dịch trong ngày. Họ mua một số lượng lớn vàng và cất vĩnh viễn ở trong kho chứa.
Quan sát dòng chảy này để cho thấy ngày càng nhiều hơn các giao dịch vàng trên giấy tờ sổ sách nhưng lại dựa trên ngày càng ít hơn số lượng vàng vật chất. Cái kim tự tháp đảo ngược của thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách đang tựa vào một cái nền nhỏ của vàng vật chất, và cái nền này đang ngày càng bị bé lại khi người Nga và người Trung Quốc tích trữ vàng.
Thao túng bởi quỹ phòng hộ
Các quỹ phòng hộ hiện nay là những tay chơi lớn trên thị trường vàng. Điều này chưa từng diễn ra trong lịch sử. Việc phân phối quyền sở hữu vàng được nhìn thấy điều gì đó giống như là một thanh tạ. Tại một đầu, là những người sở hữu nhỏ luôn cảm thấy hài lòng với đồng tiền vàng hoặc thỏi vàng trong túi. Còn đầu kia là những người chủ sở hữu lớn nhất, gồm các quỹ đầu tư quốc gia (sovereign wealth fund) và các ngân hàng trung ương. Ở giữa, bạn không thực sự nhìn thấy tổ chc nào liên quan nhiều đến một trong cả hai đầu. Ngày này, điều này không còn đúng. Các quỹ phòng hộ bắt đầu lấp vào khoảng trống ở giữa của các nhà đầu tư vàng giữa những những người nhỏ lẻ và quỹ đầu tư quốc gia.
Đối với quỹ phòng hộ, vàng là một thị trường hấp dẫn để thực thi phong cách giao dịch của họ. Tuy nhiên, vàng không phải là món hàng đặc biệt, nó chỉ là một loại hàng hóa được giao dịch giống như các loại hàng hóa khác. Đối với các quỹ phòng hộ, loại hàng hóa này cũng giống như hạt cafe, đậu nành, Trái phiếu kho bạc, hoặc bất cứ loại gì có thể được giao dịch.
Các quỹ phòng hộ sử dụng cái được gọi là mức giới hạn dừng lỗ (Stop-loss limit). Khi họ thiết lập một vị thế giao dịch, họ sẽ ấn định mức tối đa cho số tiền họ sẵn sàng thua lỗ. Một khi giá chạm đến mức giới hạn dừng lỗ này, vị thế của họ sẽ được đóng bất kể quan điểm dài hạn của họ về vàng là như thế nào. Mà có lẽ, các quỹ phòng hộ không có quan điểm dài hạn về vàng, chỉ có góc độ muốn giao dịch ngắn hạn.
Nếu một quỹ phòng hộ nào đó muốn thao túng thị trường vàng từ phía bán, tất cả việc họ phải làm là đưa ra một lệnh bán thật lớn, đẩy vàng xuống một mức nhất định, và một khi chạm đến mức giá kỳ vọng này, các quỹ phòng hộ sẽ nhảy vào mua. Một khi quỹ phòng hộ khác bị chạm giá dừng lỗ, họ sẽ tự động bán ra. Giá do đó càng giảm xuống sâu hơn. Một quỹ phòng hộ khác nữa cũng bị chạm giá dừng lỗ. Họ lại tiếp tục bán và giá vàng tiếp tục giảm sâu hơn nữa. Điều này tạo nên vòng xoáy giảm giá.
Thậm chí, giá có thể hoạt động tương tự để tăng trở lại. Nhiều quỹ sẽ bắt đầu ngày vào mua vào và các nhà đầu cơ bán khống buộc phải đóng vị thế. Trong bối cảnh không có các quy định chống thao túng của chính phủ, người sở hữu vàng nên kỳ vọng các trò chơi này còn tái diễn cho đến khi những yếu tố cơ bản đẩy giá vàng đến các mức ổn định cao hơn.
Cho thuê tài chính và các hợp đồng kỳ hạn không được chỉ định (Leasing unallocated forwards)
Một cách khác để thao túng giá vàng là thông qua các hợp đồng cho thuê tài chính vàng và các hợp đồng kỳ hạn không được chỉ định. “Không được chỉ định (unallocated)” là một trong những thuật ngữ phổ biến trên thị trường vàng. Khi những người mua lớn nhất muốn mua vàng vật chất, họ sẽ gọi đến JP Morgan Chase, HSBC, Citibank hoặc một trong những dealer vàng lớn. Họ sẽ đặt một lệnh, ví dụ, trị giá 5 triệu USD vàng tương ứng khoảng 5,000 ounce vàng với mức giá tại thời điểm tôi đang viết cuốn sách này.
Ngân hàng sẽ đồng ý và yêu cầu người mua chuyển tiền để nhận vàng, sau đó ngân hàng sẽ cung cấp cho bạn một hợp đồng theo một chuẩn mặc định. Nếu đọc bản hợp đồng, bạn sẽ thấy hợp đồng gọi bạn đang sở hữu vàng trên cơ sở “không được chỉ định”. Điều này có nghĩa rằng bạn không có bất cứ thỏi vàng được chỉ định. Không có thỏi vàng khắc tên bạn trên đó hoặc bất cứ số seri mà bạn đăng kí. Trong thực tế, vàng không được chỉ định cho phép ngân hàng bán cùng một số vàng vật chất trên 10 lần cho 10 người mua khác nhau.
Điều này chẳng khác gì không hề có bất cứ tỷ lệ dự trữ tiết kiệm nào trong ngân hàng. Ngân hàng không bao giờ có nhiều tiền mặt trong tay như người gửi tiền tiết kiệm vẫn nghĩ. Mỗi người gửi tiền trong một ngân hàng nghĩ rằng có thể gửi tiền vào và rút tiền ra bất cứ khi nào mình muốn, nhưng mọi nhân viên ngân hàng đều biết ngân hàng không hề có nhiều tiền mặt như vậy. Ngân hàng dùng tiền để cho vay và mua các loại chứng khoán; nên các ngân hàng là những định chế có mức độ đòn bẩy cao. Nếu mọi người đồng loạt rút tiền một lúc, ngân hàng không thể nào có thể chi trả nổi. Điều này giải thích tại sao luôn phải có người cho vay cuối cùng, chính là Cục Dự Trữ Liên Bang, để in tiền nếu cần thiết. Điều này hoàn toàn giống với thị trường vàng vật chất, ngoại trừ không có ai là người cho vay vàng cuối cùng.
Các ngân hàng bán nhiều vàng nhiều hơn số họ thực có. Nếu mỗi chủ sở hữu của vàng không được chỉ định đồng loạt đến và nói: “Làm ơn hãy đưa vàng cho tôi”, ngân hàng sẽ không bao giờ có đủ vàng để trả. Nhưng trên thực tế, mọi người không muốn có vàng vật chất vì nhiều sự bất tiện. Có nhiều rủi ro như chi phí kho bãi, chi phí vận chuyển, và chi phí bảo hiểm khi nắm giữ vàng vật chất. Họ sẽ vui hơn khi cất tại ngân hàng. Điều họ có thể không nhận ra là ngân hàng thực tế không có vàng.
Ngân hàng trung ương có thể cho thuê tài chính vàng cho một trong các ngân hàng thành viên của Hiệp Hội Thị Trường Kim Loại Quý Luân Đôn (LBMA- London Bullion Market Association), gồm các tay chơi lớn như Goldman Sachs, JP Morgan Chase và HSBC. Cho thuê tài chính vàng được tiến hành thông qua một trung gian không liên quan là Ngân Hàng Thanh Toán Quốc Tế (BIS). Trong lịch sử, BIS được sử dụng như là một kênh chính để thao túng thị trường vàng và tiến hành giao dịch vàng giữa các ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mai.
BIS có thể lấy vàng có được từ việc thuê tài chính từ Cục Dự Trữ Liên Bang và cho thuê tài chính số vàng này cho các ngân hàng thương mại thuộc thành viên của LBMA. Các ngân hàng thương mại sau đó có pháp lý để có một số lượng vàng vật chất nhất định. Sau đó, họ bán gấp 10 lần trên thị trường dựa trên số vàng không được chỉ định. Vì thế chúng ta có thể thấy hoạt động đòn bẩy diễn ra như thế nào. Họ bán nhiều vàng hơn số thực tế họ đang có.
Nếu không tin, bạn có thể tìm đến báo cáo của BIS và đọc lời ghi chú ở cuối trang trong đó thông tin về sự tồn tại của các hợp đồng thuê tài chính giữa các ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại. Báo cáo không hề đề cập tên của các ngân hàng, nhưng bản thân hoạt động thuê tài chính lại nêu rõ. Chúng ta biết những ngân hàng thương mại này là ai vì họ phải là các thành viên của LBMA, và ngân hàng trung ương nào là người cho thuê, vì thế không cần phải đoán chuyện gì sẽ xảy ra.
Ngân hàng BIS đặt trụ sở tại Basel, Thụy Sĩ, có một lịch sự mơ hồ. BIS được thành lập vào năm 1930 là kết quả của các nổ lực trong suốt những năm 1920 của Ngân Hàng Anh Quốc. Nó có thể được xem giống như nhà cây Thụy Sĩ nơi những đứa trẻ chơi đùa mà không bị giám sát hoặc quản thúc. Thay vì nghĩ về những đứa trẻ, bạn có thể hiểu các ngân hàng trung ương hành động mà không hề có sự giám sát.
Một tháng một lần, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới gặp nhau tại Basel, được tổ chức theo các lớp. Một nhóm lớn gồm 50 thành viên của BIS và một nhóm nhỏ gồm 7 đến 10 thành viên, và một số nhỏ các ngân hàng trung ương.
Nhóm lớn sẽ tập hợp ở các buổi họp nhất định, nhưng nhóm nhỏ gồm 10 thành viên có thể sẽ bỏ đi, vào phòng riêng và đóng cửa, thực hiện các thỏa thuận riêng của họ. BIS là định chế không minh bạch nhất trên thế giới. Thậm chí các cơ quan tình báo còn phải định kỳ công bố đại chúng thông tin mật, thì BIS không bao giờ phải làm như thế. BIS không phải thông báo nhiều trên website. BIS thực hiện nhiều nghiên cứu kỹ thuật mà bạn có thể truy cập và họ có các báo cáo tài chính được kiểm toán. Tuy nhiên, BIS không bao giờ nói cho bạn về sự thật bên trong, Không hề có bất cứ thông tin nào được công bố về điều gì diễn ra sau những cánh cửa đóng kín, và không có buổi họp báo nào sau buổi họp của ngân hàng trung ương. BIS là nơi gặp mặt lý tưởng của các ngân hàng trung ương để thao túng thị trường tài chính toàn cầu, bao gồm vàng, mà hoàn toàn không hề bị tiết lộ.
Thao túng kết hợp
Bạn có thể kết hợp các kỹ thuật thao túng. Hãy bắt đầu nói về các dealer ngân hàng LBMA. Các dealer này nhận thấy có nhu cầu vàng vật chất ở Trung Quốc, và có vàng trong kho chứa GLD ở Luân Đôn. Hãy nghĩ xe họ có thể làm gì. Đầu tiên, họ đi đến thị trường tương lai và nã đạn vào giá vàng. Một vài gã bắt đầu bán cổ phiếu GLD, đẩy giá cổ phiếu xuống. Một vài gã bán phá giá cổ phiếu GLD của họ trong khi những tay chơi lớn bắt đầu mua vàng vật chất. Điều này làm tăng chênh lệch (spread) giữa giá vàng vật chất và giá cổ phiếu GLD.
Tiếp theo, dealer của LBMA sẽ bán vàng vật chất cho Trung Quốc. Những dealer này sau đó mua trở lại cổ phiếu từ những tay buôn cổ phiếu nhát gan (Người dịch: giá giảm mạnh quá nên sợ phải bán ra để cắt lỗ). Những dealer này thu hồi lại số cổ phiếu, lấy vàng vật chất, và chuyển nó cho Trung Quốc, đút túi số tiền chênh lệch. Hành vi thao túng kinh doanh chênh lệch giá này đã diễn ra vào năm 2013 khi công ty kho bãi GLD nhả ra hơn 500 tấn vàng khi giá vàng đang giảm xuống mức thấp trong nhiều năm. Vì những hành vi thao túng này, lương cung vàng hoạt động sẽ giảm đi và nhiều vàng vật chất hơn nằm trong kho của Trung Quốc.
Ai là người đứng đầu sau việc thao túng?
Chúng ta đã tìm hiểu các hành vi thao túng diễn ra như thế nào, nó được thực hiện ra sao trên thị trường vàng vật chất, và nó diễn ra như thế nào vào ngày nay, chủ yếu thông qua sàn giao dịch COMEX, các quỹ ETF, các quỹ phòng hộ, các hợp đồng cho thuế tài chính và hợp đồng không được chỉ định.
Câu hỏi tiếp theo là: “Tại sao?” và “Ai đứng đằng sau việc thao túng này?” Các ngân hàng LBMA làm nó chỉ vì lợi nhuận có được từ kinh doanh chênh lệch giá và các quỹ phòng hộ làm nó chỉ vì lợi nhuận có được từ đà giảm của giá. Liệu có bất cứ âm mưu chính trị nào có liên quan không? Có hai tay chơi lớn trên thế giới có động cơ mạnh mẽ muốn đánh bại giá vàng, ít nhất là trong ngắn hạn: Một người là Mỹ và một người khác là Trung Quốc.
Nhiều nhà quan sát đã lưu ý điều này, và theo quan điểm của tôi, phân tích sai lầm về lãi suất của FED ở đây. Nhiều nhà quan sát giả định FED muốn hạ giá vàng bằng cách làm cho đồng đôla mạnh lên. Trên thực tế, FED muốn đồng đôla yếu hơn vì họ đang tuyệt vọng để có lạm phát. Mặc dù Mỹ không muốn đồng đôla bị loại bỏ hoặc sụp đổ, nhưng đồng đôla rẻ sẽ làm cho chi phí nhập khẩu cao hơn, điều giúp FED đạt được mục tiêu lạm phát. Mỹ là quốc gia nhập khẩu ròng. Đồng đôla rẻ đồng nghĩa giá nhập khẩu tăng lên và lạm phát được nhập vào thông qua chuỗi cung ứng vào Mỹ.
Đồng đôla yếu đồng nghĩa giá vàng tính theo đồng đôla sẽ cao hơn. Tuy nhiên, có hai hạn chế về giả thiết đồng đôla yếu/giá vàng cao. Giới hạn đầu tiên là FED muốn đồng đôla yếu nhưng không phải là tự động có được. Có nhiều lực đối kháng, bao gồm các khuynh hướng giảm phát tự nhiên từ cơ cấu dân số, kỹ thuật, nợ và quá trình giảm đòn bẩy. Có những lực khác là các quốc gia khác cũng muốn làm yếu đồng tiền của họ để hỗ trợ cho nền kinh tế. Đây chính là căn nguyên của chiến tranh tiền tệ. Vì hai đồng tiền không thể cùng bị phá giá tại cùng một thời điểm, nên cần phải làm yếu đồng Yên hoặc Euro nhằm giúp Nhật Bản và Châu Âu, tức hàm ý đồng đôla mạnh hơn (và vàng yếu đi), thậm chí là FED đang muốn điều ngược lại. Tuy nhiên, trong dài hạn, FED không muốn có chính sách đồng đôla yếu/vàng mạnh.
Có điều kiện để trong dài hạn giá vàng tăng cao hơn. Nhưng nó phải diễn ra một cách trật tự, chứ không phải là mất trật tự theo quan điểm của FED. Khi quá trình này diễn ra chậm, sự tăng giá dần dần của vàng tính theo đồng đôla không phải là vấn đề đối với FED. FED rất e sợ những chuyển động hỗn loạn, nhanh chóng khoảng 100 USD mỗi ounce mỗi ngày, điều tạo nên động lực tăng giá hơn nữa. Khi điều này diễn ra, FED sẽ ngay lập tức thực hiện các bước chế ngự động lực tăng giá của vàng. Những bước đi này sẽ thành công hay thất bại vẫn cần được quan sát tiếp.
Ví dụ điển hình là vào tháng 7, tháng 8 và đầu tháng 9 của năm 2011. Thời điểm mà giá vàng đang bắn tăng vọt.
Giá vàng tăng từ mức 1,700 USD lên 1,900 USD mỗi ounce một cách nhanh chóng và gần như sắp sửa chạm mốc 2,000 USD mỗi ounce. Một khi giá vàng chạm đến mức 2,000 USD mỗi ounce, tâm lý mua vàng sẽ càng được kích thích. Mức tiếp theo có thể là 3,000 USD mỗi ounce vàng; rõ ràng sẽ là một diễn biến hỗn loạn.
Hành động của giá vàng hoàn toàn mất kiểm soát. FED đã thao túng nhằm hạ giá vàng, nhưng không phải vì muốn mức giá thấp hơn, mà là vì họ lo lắng một kịch bản tăng giá hỗn loạn. FED hoàn toàn hài lòng với một lộ trình tăng giá có trật tự, nghĩa là nó không tăng quá nhanh, quá mạnh và không làm thay đổi kỳ vọng lạm phát. FED vẫn sẽ thao túng thị trường nếu họ thấy cần thiết.
Bây giờ, chúng ta hãy thảo luận về một người chơi lớn khác- Trung Quốc. Trung Quốc muốn mức giá thấp hơn vì họ đang là người mua vàng. Điều này có vẻ như nghịch lý- Trung Quóc sở hữu nhiều vàng; vậy tại sao họ lại muốn giá vàng đi xuống? Lý do là họ vẫn chưa mua đủ số lượng vàng mong muốn. Trung Quốc có thể cần thêm vài nghìn tấn vàng để có thể đuổi kịp Mỹ. Điều này là hoàn toàn chính xác vì Trung Quốc vẫn muốn mua vàng với mức giá thấp. Đây là động lực để Trung Quốc tiếp tục thao túng thị trường vàng.
Sự can thiệp của cả Mỹ và Trung Quốc có những hàm ý chính sách thú vị. Bộ Tài Chính Mỹ, ở một mức độ nào đó, cần đáp ứng mong muốn của người Trung Quốc vì Trung Quốc đang sở hữu vài nghìn tỷ đôla trái phiếu chính phủ Mỹ. Trong khi FED và Bộ Tài Chính muốn làm phát nhằm giảm bớt áp lực nợ của Mỹ, Trung Quốc e sợ lạm phát sẽ xóa đi giá trị của lượng trái phiếu chính phủ Mỹ mà họ đang nắm giữ.
Nếu lạm phát bùng lên, động cơ của Trung Quốc là bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ, tức sẽ làm tăng lãi suất ở Mỹ và nhấn chìm thị trường chứng khoán và thị trường nhà đất Mỹ.
Việc thỏa hiệp giữa mong muốn lạm phát của FED và mong muốn bảo vệ khoản dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, thúc đẩy Trung Quốc mua vàng ở mưc giá rẻ. Theo đó, nếu lạm phát ở mức thấp, vàng của Trung Quốc sẽ không tăng giá nhiều, nhưng giá trị của các khoản dự trữ dưới dạng trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ được bảo toàn. Nếu Mỹ có được lạm phát mà họ muốn, lượng trái phiếu mà Trung Quốc đang nắm giữ sẽ trở nên mất giá trị, nhưng vàng sẽ có giá hơn. Do đó, việc vừa sở hữu vàng và trái phiếu chính phủ Mỹ là một vị thế phòng ngừa để bảo vệ tài sản của Trung Quốc, thậm chí khi Bộ Tài Chính Mỹ muốn phá hủy tài sản của người tiết kiệm ở Mỹ bằng lạm phát. Giải pháp cho người tiết kiệm của Mỹ là hành động giống như Trung Quốc đang làm- nghĩa là mua vàng.
Ngược với việc đầu cơ nhiều hơn, Trung Quốc sẽ không mua vàng để tung ra tiền tệ bảo đảm bằng vàng, ít nhất là trong ngắn hạn, mà nhằm phòng ngừa vị thế nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ. Trung Quốc sẽ giảm dần vị thế nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ.
Điều duy trì mối lợi ích chung lạ kì này giữa Bộ Tài Chính Mỹ và Trung Quốc là một thỏa thuận mà Trung Quốc cần nhiều vàng hơn và giá không quá cao hoặc là Trung Quốc có thể dễ dàng mua nó nếu muốn. Đây là một vấn đề mà tôi đã thảo luận với các quan chức cao cấp tại IMF và FED, và họ đã xác nhận quan điểm của tôi là vàng sẽ tiếp tục di chuyển từ Tây sang Đông, miễn là diễn ra một cách có trật tự.
Mỹ để cho Trung Quốc thao túng thị trường vàng để Trung Quốc mua nhiều vàng hơn với giá rẻ. FED thường thao túng thị trường bất cứ khi nào mà giá vàng tăng một cách hỗn loạn. Liệu việc thao túng này sẽ kết thúc khi nào? Các nhà đầu tư cá nhân có thể làm gì để tránh cơn bão sắp tới?
Đánh bại việc thao túng
Khi chúng ta nghe về các lực lớn để áp đặt thị trường con gấu lên giá vàng- một đầu là Mỹ và đầu kia là Trung Quốc- liệu các nhà đầu tư cá nhân có thể làm gì để chống lại những lực này?
Có một khuynh hướng nói rằng: “Tôi không thể chiến thắng những người chơi này, do đó không đáng để chấp nhận những rủi ro đang hiện hữu trên thị trường vàng.” Trong ngắn hạn, đúng là bạn không thể đánh bại Mỹ và Trung Quốc, nhưng trong dài hạn, bạn sẽ làm được, vì việc thao túng này là hữu hạn. Thậm chí những người thao túng sẽ bị cạn kiệt vàng vật chất, hoặc thay đổi kỳ vọng lạm phát dẫn ddeens giá tăng nhanh khiến các chính phủ không thể kiểm soát nổi. Đây là lúc cuộc chơi kết thúc.
Lịch sử cho thấy việc thao túng có thể tồn tại khá lâu nhưng cuối cùng vẫn thất bại. Họ đã thất bại vào những năm 1960 tại Hội Đồng Vàng Luân Đôn, thất bại của Mỹ trong việc bán phá giá vào cuối những năm 1970, và thất bại của các ngân hàng trung ương trong các lần bán phá giá vàng những năm 1990 và đầu những năm 2000. Giá vàng đã tăng không ngừng nghỉ từ 35 USD mỗi ounce vào năm 1968 khi Hội Đồng Vàng Luân Đôn thất bại lên mức 1,900 USD mỗi ounce vào năm 2011. Có vài dạng thao túng mới hiện nay nhưng cuối cùng chúng sẽ thất bại. Giá vàng tính theo đồng đôla sẽ tiếp tục đẩy lên các mức giá cao hơn nữa.
Một yếu điểm khác trong kế hoạch thao túng xuất hiện ở việc sử dụng thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách thông qua cho thuê tài chính, các quỹ phòng hộ, các hợp đồng kỳ hạn vàng không chỉ định. Đây là những kỹ thuật thao túng khá mạnh. Tuy nhiên, bất cứ việc thao túng nào cũng cần một số vàng vật chất. Nó có thể không nhiều, khoảng 1% tất cả các giao dịch vàng trên giấy tờ sổ sách. Vàng vật chất cũng biến mất nhanh chóng khi nhiều quốc gia đang mua vàng. Điều này sẽ tạo ra giới hạn cho số lượng các giao dịch ở thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách có thể được thực hiện.
Ví dụ, việc thao túng diễn ra vào năm 2013, khi công ty kho chứa GLD bán ra hơn 500 tấn vàng vật chất nhưng không thể thu hồi lại vì đến năm 2014, có đến khoảng 800 tấn vàng biến mất khỏi kho của GLD. Nếu GLD tiếp tục bán ra 500 tấn vàng khác, sẽ không có đủ vàng cho các quỹ ETF thực hiện các giao dịch ở thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách.
Điểm thứ ba để xem lúc nào trò chơi sẽ kết thúc là khi Trung Quốc có đủ số lượng vàng với tỷ số vàng/GDP bằng hoặc lớn hơn Mỹ. Lúc điều này xảy ra, không có lý do chính trị nào để phải mua vàng thêm nữa. Trung Quốc sẽ có đủ tiếng nói trong cuộc đàm phán kế tiếp theo kiểu hệ thống Bretton Wood, được cho là cần thiết để khôi phục lại niềm tin của hệ thống tiền tệ toàn cầu.
Một khi Trung Quốc có đủ vàng, Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng nhau để mặc cho giá vàng đi đến nơi nó phải đến theo một cách có trật tự. Lạm phát có thể mất kiểm soát nhưng Trung Quốc sẽ không thua cuộc. Nếu lạm phát và giá vàng bắn vọt ngay bây giờ, Trung Quốc sẽ chỉ còn là cát bụi. Trung Quốc không có đủ vàng để phòng ngừa khoản lỗ của trái phiếu chính phủ Mỹ đang nắm giữ. Với việc giá vàng tăng và nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh hơn Mỹ, Trung Quốc không bao giờ đuổi kịp tỷ số vàng/GDP mục tiêu,
Trung Quốc đang mua nhiều vàng nhất nó có thể, nhưng vì nó đang cố gắng đạt được mục tiêu tỷ số vàng/GDP và có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, Trung Quốc đang dần tiến tới mục tiêu. Giá vàng vẫn giữ ở mức thấp cho đến khi Trung Quốc có đủ lượng vàng cần thiết. Khi Trung Quốc mua xong vàng, khi Trung Quốc ước tính đã có khoảng 8,000 tấn vàng, Mỹ và Trung Quốc có thể bắt tay nhau và cả hai nói rằng họ đã được phòng vệ. Lúc này, việc phá giá đồng đôla được thực hiện bằng cách tăng giá vàng tính theo đồng đôla sẽ diễn ra.
Lời khuyên của tôi với các nhà đầu tư là cần thiết phải hiểu rõ động lực đằng sau việc định giá vàng. Bạn cần phải hiểu việc thao túng diễn ra như thế nào, lúc nào thì trò chơi kết thúc, và khi nào mối quan hệ cung-cầu vàng vật chất sẽ được thể hiện. Hiểu rõ những động lực này sẽ giúp bạn nhìn thấy thời điểm kết thúc trò chơi đang đến gần và có lý do hợp lý để sở hữu vàng thậm chí khi các chuyển động giá ngắn hạn đang bất lợi.
[1] Người dịch: Vàng không được chỉ định (unallocated gold) https://www.bullionvault.com/guide/gold/Unallocated-gold
[2] Người dịch: “Dealer” là thuật ngữ mô tả nhà giao dịch cho các sàn giao dịch, tức các công ty kinh doanh. Thuật ngữ này khác với từ “trader” cũng là những nhà giao dịch nhưng chủ yếu là cho cá nhân, không phải cho công ty. Thực tế, các thuật ngữ như Dealer hay trader đang dần trở thành các từ mượn không chính thức trong ngôn ngữ tiếng việt và thường được xuất hiện trong giao tiếp của người Việt. Do đó, người dịch giữ nguyên gốc từ dealer trong bản dịch.
[3] Người dịch: Cửa sổ vàng (Gold Window) là một thuật ngữ xuất hiện trong hệ thống tiền tệ Bretton Wood. Theo hệ thống này, giá vàng được cố định ở mức 35 USD mỗi ounce. Thỏa thuận này không tác động đến các khu vực độc lập khác, nơi vàng vẫn được giao dịch như một loại hàng hóa kim loại. Do đó, thị trường tự do vẫn tồn tại. Để duy trì hệ thống Bretton Wood, phải khiến cho giá vàng trên thị trường tự do dao động gần với mức 35 USD mỗi ounce. Nếu có chênh lệch lớn giữa mức chính thức 35 USD và thị trường tự do, đó gọi là cửa sổ vàng (gold window). Khi có cửa sổ vàng, các quốc gia dưới áp lực của Mỹ phải tiến hành bán vàng vật chất ra khi giá trên thị trường tự do vượt quá nhiều mức 35 USD và mua vàng khi giá trên thị trường tự do thấp hơn nhiều so với mức 35 USD. Vào năm 1971, Nixon tuyên bố đóng cửa sổ vàng, tức hủy cơ chế tác động lên thị trường vàng tự do, gián tiếp phá bỏ hệ thống bản vị vàng.