Câu Chuyện trở thành nhà đầu tư tăng trưởng của Fisher.
Các phương pháp đầu tư cổ phiếu có thể được chia thành hai loại: đầu tư giá trị hoặc đầu tư tăng trưởng. Hệ thống CANSLIM của William O’Neil được xem là phương pháp đầu tư tăng trưởng nổi tiếng, tập trung chủ yếu vào các công ty nhỏ hơn, các công ty dẫn đầu thị trường có đặc điểm tăng tốc trong tăng trưởng lợi nhuận và giá cổ phiếu. O’Neil không quan tâm nhiều đến chỉ số P/E trong việc mua cổ phiếu, và ông nhận ra kỹ năng định thời điểm thị trường (mua và bán) là yếu tố quan trọng nhất để đầu tư thành công.
Trái lại, Benjamin Graham, được xem là cha để của trường phái đầu tư giá trị, luôn cố gắng mua một cổ phiếu trị giá 1 đôla chỉ với 50 xu. Kỹ thuật chọn cổ phiếu của Graham nhấn mạnh đến tăng trưởng lợi nhuận và cổ tức, cũng như sự ổn định trong tăng trưởng lợi nhuận.
Fisher cho biết ông bắt đầu sự nghiệp đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường tài chính vào năm 1928 dưới vai trò “nhà thống kê” của các ngân hàng bảo lãnh phát hành chứng khoán. Tại thời điểm đó, tỷ lệ margin quá thấp, tín dụng rẻ mạt khiến hoạt động đầu cơ trở nên phổ biến. Ai cũng có thể làm giàu từ cổ phiếu mà không cần phải có kiến thức. Phần đông mọi người đều trả giá trong cuộc sụp đổ năm 1929. Bản thân Fisher cũng mất một khoản tiền lớn khi ông mua một số cổ phiếu “có vẻ rẻ” với tỷ số P/E thấp, mặc dù lúc đó ông nhận định thị trường đang có rủi ro cao và tiềm năng xuất hiện “thị trường con gấu lớn nhất trong 25 năm tới”.
Cú sốc này đã làm ông thay đổi về phương pháp đầu tư. Đầu năm 1930, ông lập công ty tư vấn đầu tư với triết lý nghiên cứu thật kỹ các công ty có triển vọng tăng trưởng dài hạn và nắm giữ chúng xuyên qua toàn bộ chu kỳ kinh tế. Fisher ưa thích việc mua và nắm giữ các cổ phiếu có bằng chứng rõ ràng của việc tăng trưởng doanh số và lợi nhuận bền vững trong dài hạn. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là các yếu tố này lại khó được đo lường bằng các con số hoặc công thức toán học vì nó liên quan đến, chất lượng ban quản trị, vị thế cạnh tranh của công ty và tiềm năng tăng trưởng dài hạn của doanh số.
Triết lý này được Fisher tiết lộ trong các cuốn sách nổi tiếng như “Common Stock and Uncommon Profits”, xuất bản vào cuối năm 1950. Sau đó là “ Conservative Investors Sleep” xuất bản vào năm 1970, “Developing and Investment Philosophy” xuất bản vào đầu những năm 1980. Đó là 3 tác phẩm nổi tiếng nhất của Fisher.
Fisher vì thế trở thành một nhà đầu tư cổ phiếu theo trường phái tăng trưởng hơn là đầu tư giá trị. Ông nhân ra các thương vụ đầu tư có tỷ suất sinh lợi lớn nhất không đến từ việc mua các cổ phiếu bị định giá thấp, vì một cổ phiếu bị định giá thấp 50% chỉ tăng gấp đôi thị giá là trở về mức giá hợp lý và không tăng nhiều hơn nữa. Thay vào đó, ông tìm kiếm được tỷ suất sinh lợi cao hơn từ các công ty có tốc độ tăng trưởng doanh số và lợi nhuận lớn hơn so với thị trường chung trong một thời gian dài. Mặt khác, một khi ông phát hiện ra những công ty này, ông là người theo chủ nghĩa cơ hội để mua chúng, tức là công ty tạm thời bị định giá thấp vì những thông tin xấu bất ngờ, hoặc khi toàn bộ thị trường chung đang suy thoái.
Fisher không muốn mua những công ty có tiềm năng tăng trưởng ngắn hạn vì yếu tố chu kỳ hoặc bởi các sự kiện diễn ra một lần. Ông cảm thấy chúng quá rủi ro và tỷ suất sinh lợi mang đến cũng rất nhỏ. Thay vào đó, ông tập trung vào tăng trưởng dài hạn, khi ông nhận ra một công ty trở nên mạnh mẽ ở cả ba khía cạnh:
- Công ty tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ với tiềm năng mang đến tăng trưởng doanh số dài hạn. (giống hệt O’Neil).
- Các công ty có đặc điểm đặc biệt cho phép giành được lợi thế cạnh tranh so với đối thủ cạnh tranh hiện tại, và hấp dẫn các khách hàng mới.
- Công ty có đội ngủ lãnh đạo xuất sắc để đem đến tăng trưởng dài hạn cho công ty (giống O’Neil).
Các công ty tăng trưởng dài hạn không nhất thiết phải là công ty nhỏ và tương đối trẻ, mặc dù ông không loại bỏ các công ty này.
ĐẦU TƯ GIÁ TRỊ CỔ ĐIỂN KIỂU GRAHAM GIÚP BUFFETT TRỞ THÀNH TRIỆU PHÚ, NHƯNG CHÍNH ĐẦU TƯ TĂNG TRƯỞNG KIỂU FISHER MỚI BIẾN ÔNG TRỞ THÀNH TỶ PHÚ HUYỀN THOẠI.
Không ai xa lạ gì với cái tên Warren Buffett, nhà đầu tư thành công nhất thế giới với triết lý đầu tư giá trị đã đưa ông trở thành tỷ phú có tài sản lớn thứ 3 hiện nay. Tuy nhiên, ít ai biết trường phái giá trị đã được ông sử dụng với 3 biến thể khác nhau và các chiến lược đầu tư cũng khác nhau ở 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Đầu tư giá trị cổ điển của Graham
Trong giai đoạn đầu quản lý quỹ đầu tư (quỹ phòng hộ) từ 1957-1969, Buffett có 13 năm liên tiếp không thua lỗ và hiệu quả đầu tư luôn vượt trội so với mức tăng trưởng của chỉ số Dow Jones. Trong giai đoạn này chỉ số Dow Jones tăng trưởng trung bình là 7,4%, nhưng Buffett đã đem lại cho các nhà đầu tư góp vốn chung suất sinh lời là 23,8%.
Những năm mới bắt đầu sự nghiệp đầu tư, Buffett tuân thủ triệt để phương pháp đầu tư giá trị của Graham & Benjamin, phương pháp này như sau:
– Tập trung chủ yếu vào bảng cân đối kế toán của 1 công ty để cố gắng mua những cổ phiếu được định giá dưới 30-50% giá trị thực của nó.
– Bán cổ phiếu đó khi nó tăng gần đến giá trị thực, phân bổ tài sản theo nguyên tắc không bỏ chung trứng vào 1 giỏ.
Những công ty chất lượng thường ít khi được giao dịch dưới giá trị thực, nên giai đoạn này ông thường mua những cổ phiếu “dỏm”, cổ phiếu vốn hóa không cao và bị thị trường định giá quá xa dưới giá trị thực.
Ông áp dụng sách lược này khoảng 20 năm đầu tiên, chọn cổ phiếu bị thị trường bán “ khuyến mãi” thấp 50% so với giá trị thực, giữ khoảng 5 năm rồi bán ra. Chiến lược này đem đến cho ông lợi nhuận trung bình 20% mỗi năm, bất chấp thị trường chung tốt hay xấu.
Giai đoạn 2: Thời hoàng kim của Buffett
Giai đoạn 1 đã biến Buffett trở thành triệu phú, nhưng giai đoạn 2 mới là giai đoạn thăng hoa của Buffett và khiến tên tuổi của ông được biết đến trên toàn thế giới.
Giai đoạn này rơi vào 1970-1990 khi Buffett bắt đầu chuyển sang mua các cổ phiếu có vốn hóa khá lớn, nổi tiếng như Washington Post, American Express, Geico. Ông đã có 1 bước tiến dài, không còn áp dụng 100% chiến lược theo Graham nữa. Thay vào đó, ông áp dụng tư tưởng đầu tư tăng trưởng của Fisher & Munger, tập trung vào lợi nhuận lâu dài của công ty cũng như những nhân tố quan trọng khác như thương hiệu, sở hữu trí tuệ, chất lượng ban quản trị của công ty…
Chiến lược mua công ty yếu kém bị thị trường định giá quá thấp so với giá trị thực đã được thay bằng chiến lược mua 1 công ty lớn, công ty thật tốt với giá chấp nhận được và giữ lâu dài để kiếm lợi nhuận từ sự tăng trưởng của nó. 1 trong những thương vụ thành công nhất theo phương cách này đó là vụ mua Washington Post. Dưới đây là đồ thị giá của Washington Post từ lúc Buffett mua nó đến nay:
Trong khoảng hơn 35 năm, CP này đã tăng giá 160 lần chưa tính cổ tức nhận được, minh chứng cho kĩ năng đầu tư siêu phàm của ông.
Giai đoạn 3: Triết lý đầu tư hiện đại của Buffett
Giai đoạn này bắt đầu từ những năm 1990 và kéo dài đến nay. Thời gian này, Buffet đối mặt với 1 vấn đề mà các nhà đầu tư thành công đều gặp phải, đó là danh mục đầu tư của ông đã trở nên quá lớn. Vì vậy chỉ cần sự thay đổi 1% cũng có thể tạo nên những khoản lãi hoặc lỗ khổng lồ.
Vấn đề của Buffett lúc này là ông cần phải đầu tư với một lượng vốn quá lớn, vì vậy chỉ được cân nhắc những công ty vốn hóa trên 1 tỷ USD, làm ăn ổn định đồng thời phải hiểu về việc kinh doanh của công ty mục tiêu và giá mua phải được tính toán hợp lý. Nếu không có nhiều công ty đáp ứng được các tiêu chuẩn này, Buffett phải mở rộng đầu tư sang các công ty ở bên ngoài nước Mỹ.
Vì những lí do trên, Buffett điều chỉnh lại chiến lược đầu tư của ông, chấp nhuận suất sinh lời trên vốn đầu tư thấp hơn và chiến lược này chỉ dùng cho tổ chức lớn chứ không phải chiến lược lựa chọn cổ phiếu “khuyến mãi” giống giai đoạn đầu.
Vì Berkshire Hathaway luôn có sẵn nguồn tiền phải đầu tư để sinh lãi, Buffett có xu hướng lựa chọn các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng vốn lớn, ví dụ như thương vụ mua công ty đường sắt Burlington Northern năm 2009 trị giá 26 tỉ USD hay bỏ 10,7 tỉ USD mua cổ phần IBM năm 2011.
Bảng thống kê giá trị sổ sách của tập đoàn Berkshire Hathaway dưới đây cho thấy ở giai đoạn 3 suất sinh lời của BH đã giảm đáng kể so với 2 giai đoạn trên.
Thực tế ở TTCK Việt Nam gần đây, sự tung hoành của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ thua lỗ, dễ làm giá cùng với xu hướng hiện tại ứng dụng phân tích kĩ thuật nhiều hơn khiến cho trường phái cơ bản và đầu tư giá trị không còn hợp thời với nhiều nhà đầu tư.
Tuy nhiên, sự tăng giá ổn định của cổ phiếu vẫn chịu rất nhiều tác động từ mặt cơ bản và giá trị cốt lõi của công ty đó. Vì vậy phương pháp đầu tư giá trị vẫn rất đáng để các nhà đầu tư nghiên cứu, luyện tập để có thể kiếm được lợi nhuận lâu dài, ổn định và thành công trên TTCK Việt Nam.
Nguồn: Tổng hợp từ Cafef và tác giả