Hiệu ứng từ quá trình gia tăng tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier có thể không quá lớn như kỳ vọng của giới đầu tư bởi những lý do (1) Quá trình tăng tỷ trọng kéo dài hơn dự kiến; (2) Quy mô các quỹ Frontier (cận biên) không quá lớn và (3) Nhiều quỹ đã thực hiện nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trước thông báo khiến dư địa giải ngân không còn nhiều.
Dù là thông tin không mới nhưng đã mang đến sự hưng phấn cho giới đầu tư trong nước và là một trong những nguyên nhân giúp chứng khoán Việt Nam bứt phá mạnh những phiên gần đây.
Tuy nhiên trên thực tế, hiệu ứng từ quá trình gia tăng tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier có thể không quá lớn như kỳ vọng của giới đầu tư bởi những lý do (1) Quá trình tăng tỷ trọng kéo dài hơn dự kiến; (2) Quy mô các quỹ Frontier (cận biên) không quá lớn và (3) Nhiều quỹ đã thực hiện nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trước thông báo khiến dư địa giải ngân không còn nhiều.
Quá trình tăng tỷ trọng kéo dài hơn dự kiến
Trong kỳ đánh giá tháng 11 tới đây, MSCI sẽ đưa Kuwait từ thị trường cận biên lên mới nổi và điều này đồng nghĩa với việc MSCI sẽ loại các cổ phiếu của Kuwait ra khỏi các bộ chỉ số cận biên (Frontier) và gia tăng tỷ trọng các thị trường khác.
Với bộ chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index, Kuwait hiện chiếm tỷ trọng 25,54%, vượt trội so với các thị trường còn lại. Do đó, MSCI lo ngại việc lập tức loại toàn bộ cổ phiếu Kuwait ra khỏi danh mục sẽ gây ra biến động lớn trong cơ cấu chỉ số.
Để khắc phục vấn đề này, MSCI đã đưa ra đề xuất loại thị trường Kuwait ra khỏi rổ chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index thông qua 5 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 11/2020 cho đến tháng 11/2021 thay vì loại hoàn toàn chỉ trong một lần vào tháng 11 tới.
Nếu được thông qua vào ngày 9/11, đây sẽ là thông tin “kém vui” bởi đề xuất này sẽ khiến việc loại bỏ Kuwait ra khỏi MSCI Frontier Markets 100 Index và tăng tỷ trọng các thị trường còn lại lâu hơn so với phương án ban đầu. Với Việt Nam, để được tăng tỷ trọng từ 12,5% hiện nay lên 28,76%, chúng ta sẽ phải chờ trong vòng 1 năm nữa, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới xu hướng dòng vốn ngoại vào thị trường.
Quy mô các quỹ cận biên ngày càng thu hẹp
Việc được tăng tỷ trọng trong rổ cận biên sẽ giúp dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam mạnh hơn. Tuy vậy, mức độ ảnh hưởng có thể sẽ không lớn do quy mô các quỹ cận biên đang có xu hướng thu hẹp từ đầu năm tới nay.
iShare MSCI Frontier 100 ETF, quỹ ETF duy nhất sử dụng bộ chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index làm chỉ số cơ sở hiện chỉ còn quy mô 386 triệu USD, giảm khoảng 120 triệu USD so với đầu năm (giảm 24%). Với giả định quy mô quỹ không thay đổi thì việc Việt Nam được nâng tối đa tỷ trọng lên 28,76% cũng chỉ khiến iShare MSCI Frontier 100 ETF mua thêm khoảng 63 triệu USD (~1.500 tỷ đồng) và đây là con số không quá lớn so với quy mô thị trường hiện nay. Điều này còn chưa tính đến việc lượng mua vào sẽ phải chia ra trong 5 giai đoạn bởi đề xuất mới đây của MSCI.
Không chỉ quỹ ETF mà các quỹ chủ động sử dụng bộ chỉ số MSCI Frontier (cận biên) cũng bị giảm quy mô danh mục khá mạnh.
Thống kê một số quỹ cận biên cho thấy quy mô đã giảm đáng kể so với thời điểm cuối tháng 2 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Cụ thể, quy mô quỹ Schroders Frontier Markets Fund tính tới cuối tháng 9 chỉ còn 398 triệu USD, giảm hơn 500 triệu USD so với thời điểm cuối tháng 2. Trước đợt rút vốn mạnh gần đây, Schroders Frontier Markets Fund là quỹ lớn hàng đầu trong nhóm đầu tư vào khu vực cận biên.
Tương tự, các quỹ Coeli Frontier Markets Fund, T.Rowe Price Frontier Markets Fund đều giảm một nửa quy mô so với tháng 2 và hiện chỉ còn lần lượt 106 triệu USD và 108 triệu USD; Templeton Frontier Markets Fund cũng giảm 35% quy mô danh mục xuống 355 triệu USD.
Việc các quỹ Frontier Markets giảm mạnh quy mô bên cạnh yếu tố danh mục cổ phiếu giảm so với đầu năm còn có nguyên nhân chủ chốt từ việc bị rút vốn. Với trường hợp iShare MSCI Frontier 100 ETF, từ đầu năm tới nay quỹ đã bị rút ròng hơn 50 triệu USD. Từ tháng 6 tới nay, quỹ không bị rút vốn nữa nhưng cũng không có dòng vốn mới đổ vào quỹ.
Ở chiều ngược lại, dòng vốn có xu hướng đổ vào các thị trường Developed Markets (thị trường phát triển), tiêu biểu là TTCK Mỹ, qua đó giúp các chỉ số S&P500, Nasdaq thiết lập đỉnh lịch sử bất chấp dịch bệnh. Bên cạnh đó, đà bứt phá của giá vàng cũng khiến dòng vốn đổ mạnh vào kênh này và phần nào khiến các thị trường Frontier và Emerging Markets trở nên kém hấp dẫn.
Trong thời gian tới, nếu xu hướng rút vốn tại nhóm Frontier Markets vẫn tiếp diễn thì việc được nâng tỷ trọng cũng không có tác động quá nhiều tới thị trường Việt Nam.
Nhiều quỹ đã nâng tỷ trọng Việt Nam lên mức tối đa
Dù MSCI chưa chính thức đưa Kuwait lên thị trường mới nổi và nâng tỷ trọng Việt Nam trong rổ cận biên nhưng nhiều quỹ sử dụng benchmark MSCI Frontier Markets Index đã chủ động gia tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong những tháng gần đây.
Có thể kể tới như T.Rowe Price Frontier Markets Fund với quy mô 108 triệu USD đã nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục quỹ lên 27,7%, vượt 10% so với mức chuẩn của chỉ số MSCI Frontier Markets Index hiện nay. Tương tự, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục Coeli Frontier Markets Fund hiện cũng lên tới 23%, vượt 6% so với chuẩn.
Theo ước tính của MSCI, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets Index có thể tăng lên 25% sau khi Kuwait được nâng hạng. Tuy vậy, với việc nhiều quỹ đã chủ động nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trước thông báo chính thức của MSCI sẽ khiến dư địa gia tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong thời gian tới giảm dần.