Thị trường mở cửa tăng điểm khá tốt và nhanh chóng vượt qua ngưỡng 1,100 điểm trong phiên giao dịch. VIC đóng vai trò kéo thị trường đi lên bên cạnh sự hỗ trợ của EIB, CTG, BHN, TCB, PNJ. Nhưng từ phiên chiều, lực bán chốt lời khiến VN-Index giảm điểm. Kết phiên, chỉ số VN-Index giảm -0.18% với khối lượng tăng nhẹ so với phiên trước. Giá đóng cửa nằm ở mức thấp nhất ngày.
Như trình bày trong bản tin ngày hôm qua, chỉ cần VN-Index tăng điểm thêm 0.45% trong phiên là đủ xóa hai ngày phân phối 15/12 và 17/12. Như vậy, chỉ số VN-Index chỉ còn 1 ngày phân phối 23/12. Triển vọng thị trường tiếp tục duy trì “XU HƯỚNG TĂNG ĐƯỢC XÁC NHẬN”.
VN-Index đã tăng giá ròng rã 22 tuần qua mà không cú điều chỉnh lớn nào trên 6%. Đây là chuỗi tăng điểm tốt nhất trong vòng 2 năm qua và lặp lại bóng dáng của cơn sóng năm 2017. Chính vì thế, thị trường đang ở độ nóng khá cao với chỉ số VN-Index đang ở trạng thái mua quá mức khi vượt ra ngoài đường cung của kênh giá. Chỉ số VN-Index cũng đang cách 25% so với MA200 ngày, là mức chênh lệch lớn trong vòng 2 năm gần đây. Do đó, các điều chỉnh ngắn hạn có thể xuất hiện để làm nguội bớt độ hot của dòng tiền F0.
Mặc dù phiên hôm nay là ngày giảm điểm nhưng giá đóng cửa vẫn không thấp hơn giá đóng cửa ngày hôm qua, nên vẫn chưa xác nhận sự giảm giá theo mẫu hình Last Engulfing Top. VN-Index cần đóng cửa thấp hơn cây nến ngày 29/12 để kích hoạt tín hiệu giảm điểm theo mô hình nến Nhật bản. Ngoài ra, cũng tạo nên sự phân kỳ âm giữa giá và chỉ báo Stochastic Oscillator.
Bộ Sách: “LÀM GIÀU TỪ CHỨNG KHOÁN (phiên bản mới) + “Hướng Dẫn Thực Hành CANSLIM”
TIÊU ĐIỂM CỔ PHIẾU
TIG (CTCP Đầu Tư Tập Đoàn Thăng Long)
Sau hai lần tạo mẫu hình Cup and handle thất bại, đến ngày 21/12/2020, TIG mới tạo nên mẫu hình Cup and handle lần thứ ba thành công. Ngày 30/12/2020, TIG có tiếp điểm mua Pocket Pivot tiếp diễn của Môn Đệ O’Neil. Đây là nền giá số 1 của TIG.
Tăng trưởng lợi nhuận quý 3 của TIG giảm -25% so với cùng kỳ năm trước. TIG đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid khiến các giao dịch bất động sản trầm lắng. Doanh số các quý gần đây chủ yếu liên quan đến mảng thương mại dịch vụ trong khi mảng bất động ở mức rất thấp.. Tuy nhiên, chúng tôi nhìn thấy điểm sáng khi doanh số của công ty bắt đầu tăng tốc trở lại. Mức tăng trưởng doanh số 95% trong quý 3 là cao nhất trong hơn 3 năm trở lại đây. Biên lợi nhuận cũng đã mở rộng trở về mức trước dịch là 27.3%.
Chất xúc tác chính cho động lực tăng trưởng của TIG là dự án Vườn Vua Resort & Villa tại xã Đồng Trung, huyên Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Diện tích dự án là 828,976m2 được xây dựng từ năm 2013 đến nay, bao gồm công viên vui chơi giải trí ngoài trời và hệ thống biệt thự nghỉ dưỡng hơn 500 căn biệt thự, nhà vườn sinh thái. Tổng mức đầu tư dự án là 1,452 tỷ đồng. Dự án đang được mở rộng thêm 20-30 ha. TIG đang tiến gần đến điểm rơi lợi nhuận từ dự án này.
Dự án Vườn Vua thực chất đã khai thác khu resort từ lâu với quy mô gần 300 phòng nghỉ, nhưng chủ yếu là làm phần dịch vụ nên chưa có lợi nhuận đột biến. Trong năm 2020, công ty đã mở bán đợt 1 vào ngày 20/9/2020 khoảng 150 biệt thự. Theo thông tin từ cafef, đã có 66 khách hàng đặt mua ngay. với giá mỗi căn biệt thự từ 3-5 tỷ đồng, dự kiến thu vào 200-300 tỷ đồng. Chúng tôi chờ đợi sự xác nhận trong báo cáo tài chính quý 4. Hiện tại, theo báo cáo tài chính quý 3, doanh thu chưa thực hiện của dự án vườn vua là 84 tỷ đồng. Từ quý 4.2019, khoản mục người mua trả tiền trước cũng đã ghi nhận gần 130 tỷ đồng liên quan đến dự án vườn vua. Trong đó người mua là Tổng Công ty MB Land (tiền thân CTCP Địa Ốc MB-tức MBLand), được thành lập bởi hai cổ đông chính là ngân hàng MB (Quân Đội) và Tổng Công ty trực thăng Việt Nam (VNH). Đây là đối tác chiến lược phát triển và hỗ trợ tiêu thụ dự án cho TIG (xem link: http://vuonvua.vn/news/tig-ky-ket-hop-tac-chien-luoc-phat-trien-du-an-vuon-vua-resort-villas-nd497756.html). Theo thông tin của chúng tôi, khả năng TIG sẽ tự bán một nửa số căn biệt thự, số còn lại trong 550 căn sẽ do các đối tác đảm nhiệm.
Chúng tôi ước tính biên lợi nhuận gộp của dự án vườn vua này vào khoảng 70%, như vậy 66 căn biệt thự đã bán mang tới lợi nhuận gộp 140-210 tỷ đồng, tức đủ tạo ra lợi nhuận đột biến trong quý 4 (mỗi quý TIG chỉ lãi tầm vài chục tỷ).
Bên cạnh dự án vườn vua, TIG có dự án TIG Đại Mỗ Green Garden đã hoàn thiện toàn bộ phần thô, đang chuẩn bị bàn giao cho khách hàng. Vào quý 4.2019, TIG đã ghi nhận lợi nhuận đột biến từ dự án biệt thự Đại Mỗ. Chúng tôi kỳ vọng TIG có thể hạch toán nốt phần còn lại nếu như hoàn thành bàn giao đúng tiến độ trong quý 4.2020. Dự án TIG Đại Mỗ Green Garden có vị trí rất đẹp khi gần ngay Vinhome Smart City nên tình hình tiêu thụ rất tốt.
Ưu điểm của TIG là nợ vay/vốn chủ sở hữu chỉ ở mức thấp, vỏn vẹn 0.05 lần (xem như chẳng có nợ). Công ty không hề chịu áp lực nợ vay ngân hàng nên an toàn trước đại dịch Covid-19. Nói cách khác, đó là cuộc chơi hòa hoặc thắng. Nếu thị trường địa ốc thuận lợi thì phát triển các dự án để bán còn không thì cứ tạm đóng băng. Chỉ cần hoạt động khai thác dịch vụ tại khu Vườn Vua và kinh doanh đồ điện tử cũng duy trì được công ty như hiện nay.
Trong mô hình CANSLIM, TIG đáp ứng được chữ I khi có các nhà đầu tư nội bộ mua vào. Theo đó, chủ tịch Nguyễn Phúc Long mua vào 5 triệu cổ phiếu hồi tháng 3 và thời gian qua ông Park Jin Ku liên tục mua vào.
Tiềm năng dài hạn của TIG được đánh giá cao nhờ các dự án khác. TIG còn dự án Lô 8.1 Mỹ Đình cũng cách Vinhome Smart City trong vòng bán kính 5km. Dự án này đang vướng các thủ tục đất đai nên chưa đưa vào phát triển. Tương tự là dự án Vân Trì Thăng Long. Dự án Viettronics-Hà Thành thì đang hoàn thiện thủ tục pháp lý. Chưa kể là một vài dự án nhỏ như 01ha tại Lạc Long Quận, Quận 11, TP HCM, dự án 5ha tại Nơ Trang Long Quận bình Thành, hai dự án đô thị và nghĩ dưỡng tại Quảng Trị (100 ha)….
Hai dự án điện gió mục tiêu đến quý IV/2021, đầu năm 2022 mới hoàn tất xây dựng và triển khai.