[Nhịp đập thị trường 3/3/2021] Thép, Phân bón, Dệt may tăng điểm giữ “Nhiệt” cho thị trường- Tiêu điểm: STK

Chỉ số VN-Index giảm 0.02% với khối lượng cao hơn phiên trước. Thanh khoản hôm nay đạt 585 triệu đơn vị, so với 25 phiên gần đây thì khung giá biến động ngày hôm nay khá hẹp thể hiện sự lưỡng lự của thị trường tại vùng 1200 điểm. Hôm nay, HOSE lại bị đơ nên không phản ánh đúng hành động giá và khối lượng của nhiều mã cổ phiếu. Đóng góp phần lớn cho sự tăng và giảm điểm của chỉ số VN-Index hôm nay phải kể đến dòng Bank với những cái tên không mấy xa lạ như VPB, CTG, ACB, MSB, VCB, BID. Bên cạnh đó dòng BĐS cũng có sự tăng giảm đan xen nhau khi NVL, VRE ra sức tăng điểm thì bên kia chiến tuyến VHM, VIC, HPX lại giảm điểm cướp đi 1 ngày tăng giá của VN-Index. Tiêu điểm hôm nay phải kể đến dòng Thép, Phân bón và Dệt may ra sức tăng điểm nâng đỡ thị trường.

Với thông tin các cổ phiếu HOSE có thể nâng lô lên 1000, các cổ phiếu penny và vốn hóa nhỏ đang tăng điểm tốt hơn so với các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Nhóm ngành Thép vẫn đang hoạt động tốt nổi bật với một số cái tên như NKG (+6%), VGS (+8.9%). Trong khi đó dòng Phân bón là ngành được nhắc đến nhiều nhất hôm nay với % tăng điểm đến từ DCM, DPM và BFC lần lượt là 6.7%, 1.4%, 2%. Được biệt, nhiều loại phân bón đang tăng giá sốc giúp cổ phiếu ngành phân bón trở nên “thơm” trong con mắt các nhà đầu tư. Sóng ngành Dệt may với sự tăng điểm khá tích cục đến từ TNG, VGT, STK cũng không thể không nhắc đến trong phiên giao dịch ngày 3/3/2021 này.

Thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng với 0 ngày phân phối. Tuy nhiên, chúng tôi đang cảnh báo nhà đầu tư về việc thiếu chính xác của hành động của khối lượng khi Hose đang đối diện với tình trạng “đơ” vào mỗi phiên chiều nên chưa phản ánh hết tình hình giao dịch thực sự của thị trường. 

Số lượng các mã cổ phiếu nằm trên MA50 ngày vẫn đang áp đảo so với số lượng cổ phiếu nằm dưới MA50 ngày. Độ rộng thị trường đang ủng hộ đà tăng của chỉ số VN-Index.

Chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi khả năng xuất hiện mẫu hình Cup and handle ở chỉ số VN-Index. Nếu như nền giá này xuất hiện đối với VN-Index, chúng tôi cảnh báo nền giá này đã lỏng hơn rất nhiều so với các nền giá W hồi tháng 6-tháng 7.2020.

TIÊU ĐIỂM CỔ PHIẾU

STK Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ

Theo hệ thống CANSLIM, STK hôm nay có điểm mua Pocket Pivot trùng với điểm mua phá vỡ Mẫu hình giá Tam giác đối xứng. Thời gian hình thành lá cờ là 4 tuần.  Trong ngôn ngữ O’Neil, chúng tôi đang xem xét đây là mẫu hình lá cờ thắt chặt với cột cờ tăng +86% trong vòng 2 tháng. Lá cờ hiệu chỉnh -15% với khối lượng thấp trong vòng 4 tuần. Điểm pivot của mẫu hình này là 27.95. STK hiện ở nền giá số 2

Chú ý: cổ phiếu STK có Gap up vào ngày 25/1/2021 trước khi hình thành mẫu hình Tam giác đối xứng hoặc nền giá lá cờ thắt chặt.

STK có Code 33 của phù thủy Mark Minervini. Lợi nhuận gộp biên tăng dần qua 3 quý gần đây từ 8% lên 17.5%. Có sự cải thiện trong tăng trưởng doanh thu từ -49% lên -1% và tăng trưởng lợi nhuận từ -95% lên 28%.

STK đáp ứng tiêu chí chữ C nhưng không đáp ứng tiêu chí chữ A trong CANSLIM. Lưu ý trong Mô hình CANSLIM, chúng tôi tập trung vào chữ C hơn là chữ A.

CTCP Sợi Thế Kỷ (mã chứng khoán STK) công bố BCTC hợp nhất quý 4/2020 với doanh thu thuần đạt 569 tỷ đồng, giảm nhẹ so với doanh thu hơn 575 tỷ đồng đạt được quý 4 năm ngoái. Doanh thu công ty phần lớn từ mặt hàng chủ lực là sợi tổng hợp. Tỷ lệ giảm chi phí giá vốn còn lớn hơn doanh thu, dẫn đến lợi nhuận gộp thu về tăng hơn 4% so với cùng kỳ, đạt 99.8 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 16.7% quý 4/2019 lên 17.5% quý 4 vừa qua. Trừ các loại chi phí phát sinh, quý 4/2020 Sợi Thế Kỷ báo lãi sau thuế 68.3 tỷ đồng, tăng 28.4% so với lợi nhuận đạt được quý 4/2019.

Lũy kế cả năm 2020 doanh thu công ty đạt 1,766 tỷ đồng, giảm 20.8% so với năm trước đó. Còn lợi nhuận sau thuế cũng giảm đến 33%, còn 143.3 tỷ đồng. EPS đạt 2,028 đồng. Năm 2020 Sợi Thế Kỷ đặt mục tiêu đạt 1,798.5 tỷ đồng doanh thu và 130.5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, kết thúc năm, công ty đã thực hiện được 98% kế hoạch doanh thu và vượt 9,8% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm (Nguồn: Cafef).

Chúng tôi đánh giá thước đo SMR của STK ở mức D (thấp).

Tỷ lệ Nợ có lãi/vốn cổ phần của STK chỉ có 0.62 và đang có xu hướng giảm. So với các doanh nghiệp cùng ngành như TNG, TCM thì STK có tỷ lệ Nợ thấp hơn nhiều.

Với tỷ lệ Free float xấp xỉ 30%, chúng tôi đánh giá STK đang có số lượng cổ phiếu trôi nổi thấp. Cổ đông nội bộ nắm giữ khoảng 37% STK.

CHẤT XÚC TÁC ĐẾN TỪ SẢN PHẨM SỢI TÁI CHẾ

STK bắt đầu triển khai sản xuất sợi tái chế từ 2016 với tỷ trọng chiếm 2.6% doanh thu và hiện đã tăng lên 43% trong quý 3/2020. Biên lợi nhuận của sản phẩm này cũng cao đáng kể 20.3% trong 9T2020 so với biên lợi nhuận gộp chung 13%. Trong 3 quý đầu năm, nhu cầu sản phẩm may mặc giảm mạnh kéo theo doanh thu sợi nhưng doanh thu mảng sợi tái chế không chịu ảnh hưởng quá mạnh, giảm 16% lũy kế 9 tháng so với mức giảm 33% của sợi nguyên sinh. Vì vậy, việc tập trung vào sản xuất sợi tái chế sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh nổi bật.

Đặc biệt, sợi tái chế được ứng dụng nhiều vào sản xuất quần áo thể thao và athleisure. Khi xu hướng làm việc tại nhà trong dịch COVID-19 đặt yếu tố thoải mái lên hàng đầu, cùng với đó nhu cầu tập luyện thể dục trở thành ưu tiên, mặt hàng quần áo thể thao và athleisure có dấu hiệu phục hồi vượt trội so với các sản phẩm may mặc khác sẽ là động lực cho nhu cầu của sợi tái chế. STK hiện có tập khách hàng là các đơn vị sản xuất cho các hãng lớn như Nike, Adidas, Inditex, Uniqlo, vv. và nhắm tới sản phẩm trung và cao cấp.

Tỷ trọng sợi tái chế dự tính sẽ đạt 42.8% tổng doanh thu 2021 và nâng mức lên gần 60% trong 2025. Khả năng chuyển hóa sản xuất sợi nguyên sinh sang sợi tái chế là 100% nên việc dịch chuyển công nghệ không phải là trở ngại cho doanh nghiệp. Hướng đi tập trung vào mặt hàng có biên lợi nhuận cao và giá trị cạnh tranh sẽ giúp STK hồi phục lại doanh thu 2021 về mức ngang trước đại dịch và cải thiện biên lợi nhuận gộp chung đáng kể. (Theo báo cáo của MBS)

Cơ hội từ Hiệp định tự do EVFTA và CPTPP mở ra cơ hội tiếp cận thị trường mới như xuất khẩu sợi ô tô sang Mexico nhờ Hiệp định TPP hay sẽ được hưởng lợi từ việc thúc đẩy sản xuất vải trong nước để đáp ứng xuất xứ từ vải của EVFTA.

Hiện Sợi Thế kỷ là một trong hai doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sợi tái chế, cạnh tranh trực tiếp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng Nghiệp Formosa (Đài Loan) về giá vốn và giá thành. Năng lực sản xuất của 2 bên tương đối ngang nhau (63,300 tấn/năm đối với STK và 72,000 tấn/năm đối với Formosa).

Bài viết được phân tích bởi 

ĐỖ QUỐC HUY

PHÓ BỘ PHẬN CHIẾN LƯỢC THỊ TRƯỜNG ELIBOOK & ADMIN KÊNH YOUTUBE TREND FOLLOWING

 

 

Trả lời