Làm thế nào để đạt được hiệu suất đầu tư siêu hạng? Hãy học cách vượt qua nỗi sợ hãi khi tạm thời đánh mất những khoản lãi ngắn hạn!

Bạn có thể nhận thấy các từ “thua lỗ” hoặc “sụt giảm tài khoản” được đề cập vài lần trong suốt lịch sử giao dịch của tôi. Những lần bị sụt giảm tài khoản khủng khiếp và sự trở lại đầy kịch tính sau đó mà tôi đã phải chịu đựng trong sự nghiệp giao dịch không có gì ngoạn mục hơn.

Cứ mỗi lần như vậy tôi lại vươn lên khỏi vực thẳm, tôi đã phá tan mọi khó khăn. Ngạn ngữ nói rằng không phải vấp ngã bao nhiêu lần mà là bạn đứng dậy được bao nhiêu lần. Nếu tôi không thực sự sống và hít thở giao dịch, tôi chắc chắn sẽ làm một công việc gì đó hoàn toàn khác ngày hôm nay do kết quả của những lần sụt giảm tài khoản này. Nếu bạn hỏi tôi đã học được điều gì qua tất cả các thử thách của mình, thì đó là: “tội lỗi duy nhất trong cuộc đời là tự trừng phạt bản thân do những thất bại trong quá khứ”.

May mắn thay, tôi đã học được cách nhìn nhận chuyện thua lỗ như một phần chi phí cho việc học cách giao dịch của mình. Mỗi kinh nghiệm riêng biệt chắc chắn đều đã giúp tôi trau dồi kỹ năng giao dịch. Tôi được an ủi khi biết rằng tôi không đơn độc trong những trải nghiệm của mình. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư vĩ đại tôi nghiên cứu đều đã có vài lần đánh mất vận may.

Quỹ phòng hộ Tỷ phú John Paulson đã phải chịu đựng các khoản sụt giảm tài khoản trên 50%. Nhà giao dịch cổ phiếu penny nổi tiếng Timothy Sykes đã mất phần lớn tài sản vào thời điểm quỹ đầu cơ của ông sụp đổ năm 2007. Ông trùm quỹ đầu cơ năng lượng T-Boone Pickens đã nói: “Tôi từng bị phá sản ba hay bốn lần gì đó. Nhưng thật may cho tôi, tôi không phải một Thạc sỹ quản trị kinh doanh, vì vậy tôi không biết mình đã bị phá sản”. Tương tự, kỷ lục gia thế giới Dan Zanger nói rằng ông ấy đã mất toàn bộ tài khoản của mình “ba hay bốn lần” và thua lỗ hơn 50% ở những tháng sau thành tích lập kỷ lục thế giới trong thời kỳ bong bóng internet. Huyền thoại đầu tư Jesse Livermore từng mất toàn bộ tài sản vì giao dịch trong ít nhất 5 lần.

Curtis Faith của “Nhóm nhà giao dịch con rùa” danh tiếng [1] cho biết, “Thật không may, bạn không thể kiếm được khoản lãi 100% như chúng tôi đã kiếm được với tư cách là “Nhà giao dịch con rùa” mà không bị thua lỗ ở những cấp độ tương tự. Tôi nghĩ mức sụt giảm tài khoản tồi tệ nhất của tôi là 70%. Không nhiều người có thể vượt qua được mức độ sụt giảm đó. Đó là điều rất khó đối với tâm lý của hầu hết mọi người.”

Những lần sụt giảm tài khoản quá lớn gần như có thể được coi là điều kiện tiên đề cho thành công lớn trong giao dịch. Dù bị sụt giảm nặng nền tới mức nào, những nhà giao dịch thành công nhất không bao giờ đầu hàng; khả năng chịu đựng của họ tạo nên sự vĩ đại của họ. Giống như nhiều khía cạnh của cuộc sống, chỉ khi chúng ta chạm đến “vực thẳm” tuyệt vọng, chúng ta mới quyết tâm khẳng định với từng thớ thịt của mình rằng chúng ta đơn giản phải làm bất cứ điều gì cần thiết để đạt được thành công lớn lao. Tương tự, trong cuộc sống cá nhân của tôi, chỉ sau khi tăng cân và cảm thấy mình như rác rưởi, tôi mới tìm thấy động lực mạnh mẽ để thay đổi hoàn toàn lối sống của mình. Nếu không chạm đáy vực, rất khó để nuôi dưỡng niềm đam mê cần thiết sâu thẳm bên trong.

Người ta từng nói rằng học tập qua trường lớp sẽ giúp bạn kiếm sống, nhưng tự học sẽ quyết định vận mệnh cuộc đời bạn. Những lần bị sụt giảm tài khoản lớn bất thường chắc chắn đã mang lại cho một số nhà giao dịch giỏi nhất thế giới sự tự học vô giá.

Giống như nhiều tiền bối khác, chính trong những chuyến danh mục đầu tư của tôi ghé thăm vực thẳm, phương pháp giao dịch và kiến ​​thức tâm lý kiên cường của tôi được phát triển. Tôi sẽ không bao giờ đạt được những khoản lợi nhuận khổng lồ như vậy nếu tôi không phải chịu đựng những cảm xúc cực đoan về tình cảm và tài chính như từng trải qua. Tôi học được rằng hoàn toàn chẳng có mất mát nào không thể vượt qua nổi.

Những học hỏi kinh nghiệm có cần thiết không? Bạn nên tin chắc vào điều đó. Điều quan trọng không chỉ là học tập từ những trải nghiệm thất bại, có lẽ quan trọng hơn là tìm thấy sự can đảm và động lực để vượt qua thất bại.

Sau khi nói tất cả những điều đó, tôi có khuyên mọi người nên chịu đựng những đợt sụt giảm tài khoản tương tự không? Tuyệt đối không! Ngàn vạn lần không có. Những người nhắm mục tiêu được ghi danh trong các cuốn sách kỷ lục phải sử dụng mức độ đòn bẩy và chấp nhận rủi ro cao chắc chắn sẽ bị phản tác dụng. Mặc dù tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm từ trên xuống dưới Siêu cổ phiếu tiếp theo, nhưng giờ đây tôi sử dụng một phương pháp dựa trên việc tối đa hóa lợi nhuận nhưng trong giới hạn giảm thiểu rủi ro liên tục gặp phải và tỷ lệ rủi ro/phần thưởng được xác định rõ ràng. Nói như vậy tức là tôi sẽ KHÔNG BAO GIỜ bỏ qua một cổ phiếu bom tấn tiềm năng để theo đuổi việc giảm thiểu rủi ro.

Mong muốn của tôi dành cho bạn là tối đa hóa lợi nhuận tiềm năng trong khi hạn chế rủi ro. Tận dụng những bài học kinh nghiệm từ những thất bại của mình, tôi phác thảo một cách tiếp cận dựa trên các quy tắc ở phần sau của cuốn sách, chúng sẽ giúp bạn tránh mắc phải những sai lầm ngớ ngẩn như tôi đã mắc.


[1] Vào những năm 1980, nhà giao dịch nổi tiếng Richard Dennis đã cược với người bạn của mình, William Eckhardt, rằng bất cứ ai cũng có thể được đào tạo để trở thành một trader thành công. Dennis đã tập hợp một nhóm người được đặt tên là “rùa”; đều là những người chưa có kinh nghiệm giao dịch. Họ được Dennis đào tạo về các quy tắc liên quan đến một hệ thống giao dịch theo xu hướng hoàn chỉnh. Sau một thời gian giao dịch trên tài khoản thật, một số “chú rùa” đã thành công và kiếm được lợi nhuận, một số trở thành nhà giao dịch nổi tiếng.

Nguồn: Sách làm giàu từ siêu cổ phiếu (sắp xuất bản)

Kết luận: Nếu không chịu được những đợt mất lãi tạm thời, thậm chí là những lần bị sụt giảm tài khoản khá mạnh, thì không thể có được kết quả đầu tư thành công khi đầu tư chứng khoán. Kể cả những bậc thầy như Tỷ phú John Paulson, kỷ lục gia thế giới Dan Zanger, Nhà giao dịch cổ phiếu penny nổi tiếng Timothy Sykes, Ông trùm quỹ đầu cơ năng lượng T-Boone Pickens, Huyền thoại đầu tư Jesse Livermore, Gã du mục J.S… tất cả đều gặp những cú tụt mạnh tài sản. Trong quá trình kiếm những khoản lãi cực lớn của tôi, việc cổ phiếu tụt giảm 7-10% là chuyện cơm bữa, nếu đánh cả margin thậm chí có thể mất tới 15% so với đỉnh NAV ngắn hạn đạt được trước đó, nhưng với tôi cũng là chuyện cơm bữa. Không có cách nào đạt được mức lãi lớn mà không phải chấp nhận những đợt sụt NAV mất lãi tạm thời.

Ai đầu tư cũng sẽ gặp tình huống cổ phiếu tăng 10% rồi giảm về dưới giá mua, rồi phải cay đắng bán ra để phòng vệ. Hoặc cổ phiếu tăng 25% rồi tụt xuống còn lãi 12% thôi. Cảm giác tiếc nuối, giá như luôn bao trùm, khiến cho việc đầu tư chứng khoán luôn quay cuồng trong sự tiếc nuối, giá như tôi chốt khi cổ phiếu lãi 10%, giá như tôi chốt ở mức lãi 25% rồi mua lại khi tụt về mức 12%… Chính cảm giác này làm cho bạn không thể làm giàu từ chứng khoán. Thực tế thì nếu biết thế, cứ 5 giờ chiều ra quầy ghi con ba càng, sau 6 giờ tối là giàu luôn. Nhưng trong chứng khoán (và cả trong cuộc sống) không có chỗ cho sự biết thế. Do đó bạn buộc phải có các quy tắc đầu tư khoa học để duy trì mức lãi gấp 3 lỗ, và các quy tắc để giữ chặt siêu cổ phiếu (quy tắc 8 tuần, 7 tuần). Bạn cũng phải chấp nhận sự đánh đổi khi bỏ qua những khoản lãi mỏng để hướng tới khoản lãi dày hơn, trong đó có việc phải chấp nhận cả khả năng mất khoản lãi 10% khi giá đảo ngược về dưới giá vốn mua và phải bán ra. Nếu như cứ 10% là chốt lãi, rồi mua cổ khác lại ăn ngay 10%, hoặc là chờ đáy ngắn hạn mua lại, ăn ngay 10% tiếp theo… thì chỉ 1 tháng sẽ nhân 100%, 1 năm là hàng triệu %. Đó là điều không thể có!

Nếu muốn thắng 100%, ăn được tất cả các khoản lãi lớn nhỏ trong sóng tăng của cổ phiếu, đừng tìm tới TSI, hãy tìm đến chuyên gia khác làm được điều phi thường như hình bên dưới.

Khúc Ngọc Tuyên

Trả lời