Để không bị thua lỗ lớn, điều đặc biệt quan trọng là bạn phải học cách phớt lờ cảm xúc của bản thân và ý kiến của người khác. Khi bạn thấy cổ phiếu của mình đang đi ngược chiều với mình, bạn phải hoàn toàn khách quan. Bạn có thể nghe ai đó trên TV nói rằng công ty bạn sở hữu vẫn còn rất tốt và thực tế là giá hiện tại ở mức 50 thay vì 80 như trước khiến nó trở thành một món hời. Sau khi chứng kiến cổ phiếu của bạn giảm 37.5%, ý kiến của chuyên gia này có thể giúp bạn xoa dịu hệ thần kinh đang rối bời. Nhưng thị trường không quan tâm đến việc bạn cảm thấy thế nào hoặc chuyên gia đó nghĩ gì. Ý kiến duy nhất bạn nên quan tâm là ý kiến của chính thị trường. Thông qua hành động giá và khối lượng của cổ phiếu, thị trường sẽ cho bạn biết rõ ràng các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp đang làm gì.
Trong trường hợp này, thực tế cổ phiếu của bạn đã giảm từ 80 xuống 50, có nghĩa là có điều gì đó không ổn. Chắc chắn một số tổ chức đang bán. Bạn có thể không biết tại sao; thực tế bạn sẽ không biết được lý do tại sao họ bán. Nhưng bạn không thể chờ đợi đến khi biết được lý do cụ thể. Bởi đến khi tin tức được công bố, có thể bạn đã thua lỗ quá nhiều và không bao giờ gỡ lại được nữa.
Đó là những gì đã xảy ra với hàng triệu nhà đầu tư khi bong bóng chứng khoán nổ tung. Nhiều công ty dẫn dắt phi thường cuối cùng đạt đỉnh,nhưng dường như ít ai để ý. Thay vào đó, các “chuyên gia” vẫn khuyên mọi người nên mua. Thậm chí tệ hơn, các chuyên gia còn khuyên họ nên mua nhiều hơn theo chiến thuật “mua khi giá giảm mạnh”, vì cổ phiếu ngày càng “rẻ hơn”. Tốt hơn bạn nên viết điều này ra giấy: cụm từ “mua khi giá giảm mạnh” có thể dẫn đến vực thẳm, còn cụm từ dại dột“đây là giá tốt để mua (it’s a good buy)” có nghĩa là “vĩnh biệt tiền (good-bye money)”.
Nhân tố khiến mọi người dễ dàng mua thêm khi giá giảm chứ không bán là do trên thực tế lợi nhuận của nhiều công ty dẫn đầu thị trường này đã tăng trưởng 100% trong quý gần nhất, và các nhà phân tích Phố Wall dự đoán các công ty sẽ đạt được mức lợi nhuận cao hơn nữa trong quý tiếp theo.
Đến khi kết quả kinh doanh cuối cùng được công bố, lợi nhuận của các công ty dẫn dắt lần đầu tiên bị giảm. Khi tin ra thì các cổ phiếu đã giảm giá từ 50% đến 60% mất rồi. Nhưng chưa hết, lực bán tháo giờ mới thực sự bắt đầu, khiến giá giảm xuống mức mà dù trong ác mộng các cổ đông cũng không bao giờ nghĩ đến.
Nếu bạn để cho một cổ phiếu giảm 50% – 60% hoặc thậm chí chỉ 25% – 30% so với giá mua, bạn cần nhận ra rằng bản thân đã tự đào cho mình một cái huyệt lớn. Hãy sử dụng lại ví dụ cổ phiếu giá 80 bây giờ giảm còn 50. Nếu bán khi cổ phiếu đã lỗ tới -37.5% tại mức 50, bạn sẽ phải lãi 60% ở cổ phiếu kế tiếp (từ 50 lên 80) mới phục hồi được khoản lỗ. Nếu bạn vẫn không bán (vì lý do bây giờ bạn nghĩ nó là một “món hời”) và cổ phiếu lại giảm tiếp xuống còn 40 (một “món hời” thậm chí còn hời hơn nữa), bạn sẽ phải chờ nó tăng lại gấp đôi mới hết lỗ. Nếu bạn để cổ phiếu giảm 75%, bạn cần mức lãi 300% để quay lại điểm khởi đầu cuộc chơi! Bạn có thể kiếm được cổ phiếu nào tăng 300% không, nếu khó quá thì 100% thôi cũng được?
Hãy nhớ: các cổ phiếu dẫn dắt (loại cổ phiếu bạn nên tìm kiếm) giảm giá trung bình 72% sau khi chúng đạt đỉnh. Nhiều cổ phiếu dẫn dắt lớn trong thị trường bong bóng còn giảm mạnh hơn cả mức đó. Cơ hội để một cổ phiếu tăng gấp bốn lần (+300%) giúp bạn “về bờ” chỉ có trong mơ. Chắc gì cổ phiếu tiếp theo bạn mua đã tăng, nếu có tăng thì cũng rất khó đạt mức lãi khổng lồ đó, mà nếu đạt được mức đó chắc gì bạn đợi được với một vết thương nặng chưa lành.
Vậy bạn có thể làm gì để bảo vệ mình trước những thua lỗ thảm khốc có thể xảy ra và đang xảy ra với hầu hết các nhà đầu tư? Tôi biết chỉ có một cách chắc chắn, đó là phải có một kế hoạch thực tế để bán để chốt lãi khi cổ phiếu còn đang trên đường đi lên, đồng thời bán để cắt bỏ mọi khoản thua lỗ ở mức nhỏ khi cổ phiếu khởi đầu kém cỏi và đi ngược lại kỳ vọng của bản thân.
Hãy lưu ý nếu bạn bán cắt lỗ khi cổ phiếu giảm -7% hoặc -8% so với giá vốn, đôi khi cổ phiếu có thể quay đầu và tăng lên mức cao hơn. Khi điều này xảy ra, bạn sẽ cảm thấy mình như một kẻ ngốc. Bạn sẽ nói với chính mình rằng: “Điều này chứng tỏ tôi đã đánh giá đúng về cổ phiếu ngay từ đầu, và việc bán nó là một sai lầm.”
Nhưng đó có thực sự là một sai lầm? Việc bạn thực sự đang làm khi bán ở mức -7% hoặc -8% là để đảm bảo tuyệt đối rằng bạn sẽ không bao giờ bị thua lỗ thảm hại đến mức không thể gượng dậy được nữa. Bạn đang ngăn mức thua lỗ nhỏ -7% hoặc -8% lớn thành -15% hoặc -20%, thậm chí -30% hoặc -40%, hoặc tệ hơn nhiều nữa. Hãy coi đó như một hình thức bảo hiểm. Bạn có mua bảo hiểm cháy nổ cho ngôi nhà của bạn, phải không? Nếu năm ngoái ngôi nhà của bạn không bị cháy, bạn có tự trách mình vì đã mua gói bảo hiểm đó không? Dĩ nhiên là không. Việc cắt lỗ sớm trên thị trường chứng khoán cũng tương tự như vậy. Đôi khi bạn bán cắt lỗ -7%, sau đó cổ phiếu quay đầu và tăng 20%, nhưng đây là một cái giá nhỏ phải trả để đảm bảo khoản lỗ -7% không trở thành khoản lỗ -70%. Tình huống này giống như một ngôi nhà không có bảo hiểm bị cháy rụi, bạn sẽ mất nhiều năm để xây lại, nhưng không phải ai cũng có bản lĩnh để xây lại được đâu.
Bạn có thể nói rằng tất cả quy tắc mua và bán này đều ổn đối với những người đầu cơ vào các cổ phiếu có rủi ro lớn hơn. Nhưng liệu có phù hợp với nhà đầu tư dài hạn mua và nắm giữ, là những người đầu tư vào các cổ phiếu “blue-chip” hay các cổ phiếu an toàn ít biến động? À, tôi có thông tin cho bạn đây: không có chuyện đó đâu. Tất cả các cổ phiếu phổ thông đều có tính đầu cơ cao và đều rủi ro, kể cả những cổ phiếu được nhiều người coi là an toàn. Nhiều nhà đầu tư mua và nắm giữ dài hạn đã mất từ -50% đến -75% trong những lần bong bóng đổ vỡ vì họ không có các quy tắc bán.
Như bạn có thể thấy, rủi ro luôn hiện hữu đối với tất cả các cổ phiếu phổ thông, và cổ phiếu blue-chip của hôm nay có thể nhanh chóng trở thành phân bò của sau này. Đúng vậy, nếu suy nghĩ sâu sắc, chúng ta có thể chỉ ra những cổ phiếu như General Electric (GE) hoặc Minnesota Mining & Manufacturing (3M), là những cổ phiếu đã tăng đều đặn trong nhiều năm, và đưa ra kết luận: “Chà! Tất cả những gì tôi phải làm là tìm ra một trong những cổ phiếu đó và những rắc rối của tôi sẽ kết thúc.” Nhưng những cổ phiếu tăng trưởng dài hạn thực sự như GE và 3M là số ít trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, và khả năng cao bạn sẽ kết thúc sự nghiệp đầu tư bằng Enron hoặc WorldCom (cả hai đều đã phá sản). Hoặc, nếu cuối cùng bạn vẫn quyết định mua GE, nó hoàn toàn có thể sụt giảm và hoạt động kém hiệu quả trong 5 năm tới bởi vì các công ty dẫn đầu liên tục thay đổi (Từ một biểu tượng tự hào của nước Mỹ, với 125 năm phát minh ra những công nghệ thay đổi cuộc chơi, ngày nay GE được ví như bóng ma vô hồn. Công ty này phải nhờ đến sự trợ giúp về tài chính từ chính phủ liên bang và Warren Buffett vào năm 2008, và tiếp tục gây thất vọng cho tới tận ngày nay. Trong rất nhiều năm cổ phiếu của GE trở thành cổ phiếu đáng thất vọng nhất trong Chỉ số Dow Jones.)
Ngay cả khi bạn đủ may mắn để sở hữu một cổ phiếu chiến thắng dài hạn, có thể bạn sẽ chỉ có một hoặc hai cổ phiếu thắng lớn trong một danh mục có nhiều cổ phiếu (có thể là 6-10 cổ phiếu trở lên). Nếu không có các quy tắc bán nghiêm ngặt và những kỷ luật để thực hiện các quy tắc đó, bạn làm thế nào để ngăn các khoản lỗ từ những cổ phiếu khác không làm xói mòn hoặc thậm chí làm mất hết lợi nhuận kiếm được từ các cổ phiếu thắng lớn?
Hầu hết sẽ nói câu trả lời là đa dạng hóa danh mục đầu tư. Đa số đều cho rằng bằng cách rải tiền vào nhiều cổ phiếu, nếu không may danh mục có một vài cái tên giảm sâu thì cũng không bị thiệt hại nhiều. Chắc chắn trong một số trường hợp điều này là đúng. Nhưng cả giới đầu tư dài hạn và những người đa dạng hóa danh mục đều đã được trải nghiệm thực tế, như câu ngạn ngữ cổ: “Khi giặc tới nhà, chúng không chừa lại thứ gì”. Nói cách khác, các thị trường con gấu cuối cùng sẽ đánh gục tất cả các cổ phiếu dẫn dắt.
Sau khi thị trường đạt đỉnh vào đầu năm 2000, một trong những cổ phiếu vĩ đại nhất trong thời đại của chúng ta là Cisco System đã giữ giá, giữ giá và giữ giá… cho đến tận tháng 9, cuối cùng nó cũng bắt đầu rớt giá. Những người hâm mộ cổ phiếu này vẫn không thể tin rằng Cisco từng được bán với giá 82 vào tháng 3 năm 2000, cuối cùng lại có giá 13 chỉ một năm sau đó (ngay cả khi cả lợi nhuận và doanh thu tiếp tục tăng trường ở mức tốt, với hơn 55% một quý), và cuối cùng tạo đáy ở mức $8.
Nói tóm lại, chẳng có gì tốt đẹp hơn khi đa dạng hóa danh mục với 20 – 30 cổ phiếu. Bởi nếu gặp phải thị trường con gấu nghiêm trọng, tất cả những gì bạn còn lại chỉ là 20 – 30 cổ phiếu đều bị giảm 50%. Một vài trong số những nhà quản lý quỹ giỏi nhất vào giai đoạn năm 2000 đến 2002 đã nhận ra danh mục đầu tư của họ bốc hơi từ 50% đến 60% hoặc thậm chí nhiều hơn. Việc đa dạng hóa rộng với 100 cổ phiếu trở lên đã không hề giúp các quỹ tránh khỏi những tổn thất nghiêm trọng. Vì vậy, trên thực tế, đa dạng hóa không phải phương pháp có thể giúp bạn thực sự an toàn.
Nhà đầu tư huyền thoại Gerald Loeb viết cuốn sách đầu tiên vào năm 1935, ngay giữa thời kỳ suy thoái. Vì vậy, ông chứng kiến tận mắt những quỹ đầu tư thất bại thế nào khi phân bổ vốn vào một danh mục đầu tư đa dạng. Ông kết luận rằng đa dạng hóa danh mục đầu tư là “cách phòng ngừa rủi ro của sự thiếu hiểu biết.” Theo tôi, cách tiếp cận đúng hơn là sở hữu một nhóm nhỏ cổ phiếu, hiểu cặn kẽ về chúng và theo dõi chúng sát sao đến mức nếu có vấn đề gì xảy ra, bạn sẽ không mất nhiều thời gian hành động.
Một cổ phiếu chỉ nên được coi là tốt nếu chúng giữ được xu hướng tăng. Nếu chúng quay đầu đi xuống, bạn cần hành động đủ nhanh trước khi thiệt hại xảy ra, tất nhiên nếu bạn là nhà đầu tư độc lập. Vấn đề là không ai trong số các bạn có khuynh hướng hành động đủ nhanh khi cổ phiếu quay đầu đi xuống.
Hãy lấy bản thân bạn làm ví dụ. Bạn đã đầu tư rất nhiều vào cổ phiếu của mình, không chỉ tiền bạc, mà còn đặt cả niềm tin, cái tôi và cảm xúc vào cổ phiếu, nên bạn sẽ không muốn bán cổ phiếu khi nó quay đầu đi xuống. Bạn sẽ nghĩ ra đủ mọi lý do trên đời trước khi hành động. Bạn sẽ nói: “Cổ phiếu của tôi không có vấn đề gì cả, nó quay đầu giảm là do thị trường chung đang gặp khó khăn mà thôi”. Hoặc: “Công ty của tôi đang hoạt động tốt, nó giảm là do nền kinh tế đã rơi vào tình trạng khó khăn, và điều này rồi cũng sẽ trôi qua”. Hoặc: “Nó đã đi xuống mức này, là mức hỗ trợ trước đây, nó sẽ quay đầu tăng trở lại”. Hoặc: “Công ty vừa báo cáo kết quả kinh doanh tuyệt vời. Mọi thứ vẫn đang đi đúng hướng”. Cuối cùng, bạn sẽ tự nhủ: “Tôi là một nhà đầu tư dài hạn, và thị trường luôn luôn quay đầu tăng trở lại”, “nó đã đi xuống đến mức này, không thể xuống thấp hơn được”, “Ồ, tôi vẫn nhận được 2% cổ tức”, mặc dù bản thân cổ phiếu đã giảm 60%.
Việc tìm lý do để biện minh kiểu này là điều quá dễ hiểu. Đó là bản chất của con người. Nhưng để thành công trên thị trường, bạn phải vượt qua nó. Bạn phải kìm nén cảm xúc của mình, phải để sự khách quan lạnh lùng và các quy tắc chi phối các quyết định đầu tư. Bởi vì, xin nhắc lại, thị trường chứng khoán không quan tâm bạn là ai, không quan tâm bạn cảm thấy sợ hãi hay hy vọng điều gì.
Một nhà đầu tư vĩ đại từng nói: “Bạn sai lầm vì bạn hy vọng khi nên sợ hãi, và sợ hãi khi nên hy vọng”. Nói cách khác, khi cổ phiếu tăng giá, bạn nên hy vọng nó sẽ tăng cao hơn thay vì lo sợ nó sẽ ngừng tăng, rồi bán mất trước khi cổ phiếu kịp hoàn thành giai đoạn tăng giá. Còn khi cổ phiếu giảm giá gây thua lỗ, bạn nên lo sợ nó sẽ giảm nhiều hơn, thay vì hy vọng nó sẽ quay đầu để cứu bạn.
Bạn sẽ nghe được rất nhiều điều tốt đẹp không chỉ về cổ phiếu của bạn, mà còn về thị trường hay nền kinh tế nói chung, khiến cho việc bán cổ phiếu trở nên khó khăn hơn. Bạn sẽ nghe thấy “các chuyên gia” – có thể ngay cả chính chuyên gia bạn đã nghe theo khi mua cổ phiếu tại điểm khởi đầu – khẳng định nó vẫn là một công ty tuyệt vời, và giờ đây khi cổ phiếu đã giảm điểm tới mức cần phải bán, họ vẫn khăng khăng đó là một cơ hội mua tốt với giá rẻ hơn trước đó. Nhưng xin nhắc lại, đây chỉ là ý kiến cá nhân của họ. Trên thị trường chứng khoán, những ý kiến cá nhân không đáng để bạn tham khảo. Ý kiến duy nhất bạn cần chú tâm là ý kiến của chính thị trường. Thị trường sẽ đến bất cứ nơi nào nó muốn, bởi thị trường hoạt động hoàn toàn dựa trên quy luật cung cầu, nó có thể đưa bạn đến nơi không có đường về, nhưng đi hay không tùy thuộc ở bạn.
Đối với người môi giới của bạn, anh ta cũng phải có can đảm để đề nghị bạn hành động dứt khoát. Nhưng nếu anh ta không làm vậy, bạn phải hiểu rằng anh ta đến từ đâu. Anh ta là một người môi giới, có thể đã đưa 50 khách hàng vào cùng một cổ phiếu mà anh ta đã tư vấn bạn mua. Bạn có thể tưởng tượng những gì anh ta sẽ phải trải qua khi gọi điện cho từng khách hàng để thừa nhận đã mắc sai lầm, và phải sửa chữa sai lầm càng sớm càng tốt. Đó là một việc vô cùng khó khăn. Anh ta sẽ phải đối mặt với tất cả những bế tắc tâm lý mà một nhà đầu tư cá nhân độc lập phải vượt qua. Hầu hết không thể vượt qua được. Đây là lý do tại sao bạn và nhà môi giới của bạn nên hiểu ngay từ đầu rằng sẽ có lúc phải bán thứ gì đó mà cả hai đều đồng ý mua, việc này sẽ xảy ra khá thường xuyên, và đó là một phần không thể tránh khỏi khi đầu tư chứng khoán.
Đây chắc chắn là bài học khó khăn nhất mà tất cả các nhà đầu tư phải học, và nhiều người không bao giờ học được. Đó là lý do tại sao rất nhiều người chỉ đạt được hiệu suất đầu tư tầm thường. Tuy nhiên, nếu sử dụng hệ thống đầu tư thực tế hơn mà tôi vừa chỉ cho bạn, rủi ro đối với bất kỳ cổ phiếu nào sẽ không bao giờ nhiều hơn -7% đến -8 %.
Nguồn từ sách: Nhà Đầu Tư Thành Công