Trong khi biên bản cuộc họp FOMC tháng 3 (được công bố vào đầu tháng 4) cho thấy các thành viên của Fed đồng ý cắt giảm bảng cân đối tài sản vào cuối năm 2017 thì các thành viên trên thị trường bắt đầu hoài nghi thời điểm thực hiện, ảnh hưởng của nó đến lộ trình tăng lãi suất và tác động mạnh đến thị trường tài chính. Các nhà đầu tư cảnh báo Fed không nên thực hiện cắt giảm bảng cân đối tài sản quá nhanh.
Fed sẽ cắt giảm bảng cân đối tài sản ra sao?
Bảng cân đối tài sản của Fed tăng từ mức 750 tỷ USD vào cuối năm 2007 lên quy mô 4200-4,500 tỷ USD theo giá trị thị trường hiện nay. Bảng cân đối tài sản của Fed đã phình to sau khi mua hơn 3,700 tỷ USD trái phiếu để đối phó với cuộc khủng hoảng 2007-2009, còn gọi là QE (Chương Trình Nới Lỏng Định Lượng). Theo giá trị thị trường hiện nay, Fed mua hơn 2,460 tỷ USD Trái Phiếu Kho Bạc và 1,770 tỷ MBS (Chứng khoán bảo đảm bằng các tài sản thế chấp).
Thời gian đáo hạn trái phiếu khá đa dạng. Năm 2018 sẽ có 426 tỷ USD Trái Phiếu Kho Bạc đáo hạn và 352 tỷ USD đáo hạn vào năm 2019. Khi trái phiếu đáo hạn, Fed phải tái đầu tư vốn gốc các trái phiếu này để giữ cho lãi suất ở mức thấp.
Cơ cấu bảng cân đối tài sản của Fed. Phần lớn hiện nay là trái phiếu kho bạc và chứng khoán MBS (Nguồn: Financial Times)
Khi công bố cắt giảm bảng cân đối tài sản, Fed có hai lựa chọn: Hoặc là để tự cho các trái phiếu đáo hạn, hoặc là phải bán chúng trở lại thị trường trước khi đáo hạn. Lựa chọn đầu tiên được ưa thích hơn vì Fed chỉ cần không phải tái đầu tư nguồn tiền. Lựa chọn thứ hai có thể tác động làm tăng lãi suất thị trường.
William Dudely: Fed có thể chậm tăng lãi suất khi giảm bảng cân đối tài sản
Hầu hết các thành viên của Fed đồng ý họ sẽ bắt đầu giảm bảng cân đối tài sản của Cục Dự Trữ Liên Bang vào cuối năm nay. Họ không muốn thảo luận chi tiết việc cắt giảm bảng cân đối tài sản khi đang tiếp tục kế hoạch tăng lãi suất trong năm 2017. Tuy nhiên, biên bản cuộc họp FOMC tháng 3 có đề cập đến việc cắt giảm bảng cân đối tài sản theo hướng “từ từ và có thể dự đoán,” và không đột ngột dừng mua lại tất cả các công cụ nợ khi chúng đáo hạn. Fed nói, họ cố gắng để việc cắt giảm bảng cân đối tài sản không làm thắt chặt quá mức nguồn vốn vì đây chỉ là công cụ chính sách tiền tệ thứ hai. Ưu tiên của họ vẫn là sử dụng lãi suất liên bang như công cụ điều tiết chính.
Tuy nhiên, các nhà phân tích và giới đầu tư hoài nghi bình luận của Fed. Laura Rosner, nhà kinh tế cao cấp của Mỹ tại BNP Paribas tại New York nói: “Tôi rất hoài nghi. Thật khó tương tượng việc cắt giảm bảng cân đối tài sản khổng lồ không hề ảnh hưởng gì đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ.” Thực tế, chủ tịch Fed tại New York, ông William Dudley (nhân vật có ảnh hưởng thứ hai tại Fed) cho rằng, Fed phải thận trọng với những thay đổi trong chính sách về bảng cân đối tài sản để không làm thắt quá mạnh nguồn vốn tín dụng và tác động mạnh đến thị trường ngoại hối. Ông nói trên Bloomberg Television: “Chúng ta phải xem xét đến việc tam dừng kế hoạch tăng lãi suất ngắn hạn vì khi giảm cân đối tài sản, nó là sự thay thế cho việc tăng lãi suất ngắn hạn”. Bình luận của Dudley khiến nhà đầu tư phân vân về thời điểm FED bắt đầu thực hiện cắt giảm bảng cân đói tài sản.
Liệu Fed sẽ thực hiện lộ trình tăng lãi suất trước hay sẽ dừng lại để giảm bảng cân đối tài sản (và xem đây như là phương án thay thế cho việc tăng lãi suất)? Các chuyên gia kinh tế mâu thuẫn lẫn nhau. Ông Mark Cabana, trưởng bộ phận chiến lược lãi suất của BofAML cho rằng Fed tiếp tục tăng lãi suất hơn là lựa chọn cắt giảm bảng cân đối tài sản.
Các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tìm kiếm câu trả lời trong cuộc họp FOMC tới diễn ra vào ngày 2-3.5.2017. Tuy nhiên, Matt Hornbach, một nhà phân tích của Morgan Stanley nói với CNBC rằng: “Tôi kỳ vọng có một kế hoạch chi tiết về việc thu hẹp bảng cân đối tài sản cũng như thời gian thực hiện trong cuộc hop FOMC vào tháng 6 tới”.
Vào ngày 5.4.2017, thị trường tương lai dự báo có xác suất 4% tăng lãi suất vào tháng 5 và 59% khả năng tăng lãi suất ở tháng 6.
Lo ngại tác động đến các thị trường
Quy mô bảng cân đối tài sản của Fed là lớn. Với 4,500 tỷ USD, Fed có thể mua đứt 10 công ty lớn nhất trong chỉ số S&P 500. Chỉ số SP500 đã tăng 2.5 lần kể từ đáy năm 2009 khi Fed thực hiện gói QE. Do đó, một khi Fed bắt đầu thu hẹp bảng cân đối tài sản, tác động đến thị trường chứng khoán là không nhỏ.
Thị trường chứng khoán sẽ phản ứng tiêu cực trước khả năng tăng lên của lãi suất. Đầu tiên, nếu như Fed thực hiện việc thu hẹp bảng cân đối tài sản bằng cách ngừng tái đầu tư vốn gốc, kết quả chắc chắn là lợi suất trái phiếu chính phủ và lợi suất MBS sẽ tăng lên. Với quy mô 425 tỷ USD trái phiếu đáo hạn vào năm 2018 và 352 tỷ USD trái phiếu đáo hạn vào năm 2019, việc Fed dừng tái đầu tư cũng đủ sức tạo nên sự gia tăng đáng kể của lãi suất.
Các nhà đầu tư cảnh báo FED không nên cắt bảng cân đối tài sản quá nhanh vào cuối năm nay vì đó cũng là thời điểm mà ECB cũng thực hiện việc thu hẹp chương trình nới lòng định lượng (tapering).
Hiện nay, thị trường chỉ mới đang đồn đoán và dò la động thái của Fed nên chưa có phản ứng với dự định cắt giảm bảng cân đối tài sản của Fed. Còn nhớ vào năm 2013, thị trường tài chính đã “nổi cơn thịnh nộ” bằng sự gia tăng mạnh của độ biến động thị trường khi Bernanke truyền một thông điệp sai lầm về việc tapering.
Dự trữ thặng dư và khả năng truyền dẫn tiền tệ
Tiền gửi của các ngân hàng thương mại tại Fed hiện nay khoảng hơn 2,000 tỷ USD. Tuy nhiên, tiền mặt không tạo ra khả năng truyền dẫn tiền tệ. Nếu Fed buộc các ngân hàng thương mại phải nắm giữ các tài sản bảo đảm tốt, có tính thanh khoản cao như trái phiếu chính phủ, Fed có thể làm tăng khả năng truyền dẫn tiền tệ trong hệ thống tài chính.
Trước cuộc khủng hoảng Lehman Brothers 2008, các ngân hàng thương mại nắm ít trái phiếu chính phủ. Điều này làm suy yếu khả năng xử lý thanh khoản trong các tình huống khẩn cấp. Financial Times ví von yêu cầu các ngân hàng phải chuyển dự trữ thặng dư từ tiền mặt để nhận lấy trái phiếu chính phủ như là một hành động “thay dầu” cho cỗ xe ngân hàng, sẽ giúp Fed có thêm nhiều công cụ để điều hành chính sách tiền tệ.
Nguồn: FT, Bloomberg, CNBC, Washington Post