Có thể bạn ngạc nhiên khi tôi đề cập đến điều này, nhưng đối với một nhà kinh doanh bất cứ trên lĩnh vực nào bao gồm cả giao dịch tài chính, cuộc sống gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến thành bại của họ. Robert Kiyosaki, tác giả cuốn sách “dạy con làm giàu” nói: “Người cha giàu cho biết để thành công con (nói đến Robert Kiyosaki) phải dành nhiều thời gian cho gia đình. Một cuộc sống gia đình hạnh phúc sẽ mang lại cho con sự giàu có. Người cha nghèo của con đã nghèo vì ông dành nhiều thời gian cho công việc kinh doanh hơn là cho gia đình.”
Tôi thì thích cách nói hổ báo kiểu Bố Già, một người đàn ông từng trải.
Đối với một nhà đầu cơ từng trải và đã lập gia đình, bạn sẽ cảm nhận ra ảnh hưởng của gia đình đến sự nghiệp của bạn. Một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc; con cái được giáo dục tốt, khỏe mạnh; sẽ tạo nên cho bạn một tâm lý thoải mái khi tham gia vào thị trường tài chính. Ngược lại, bạn sẽ rất khó kiểm soát cái đầu nóng giận hoạt động một cách hiệu quả trên thị trường tài chính nếu như bạn vừa mới cãi nhau với vợ, người yêu…ngay vào buổi sáng sớm. Tâm lý bực tức sẽ khiến bạn rất khó kiểm soát các hành vi tâm lý bất thường khi giao dịch. Đó là một thực tế.
Để minh họa ảnh hưởng cuộc sống gia đình đến giao dịch chứng khoán, tôi muốn các bạn lắng nghe một câu chuyện của một nhà đầu tư huyền thoại- Con gấu vĩ đại của Phố Wall -Jesse Livermore:
Tựa đề: “Livermore không chết vì chứng khoán”- Một cuốn sách sai tựa đề (Tôi thích gọi: “Chết vì gái”)
Phần đông ai cũng biết câu chuyện của Livermore, một trong những nhà đầu cơ huyền thoại phố Wall trong cuốn sách “Chết vì chứng khoán”. Livermore là một nhà đầu cơ tài giỏi. Chắc chắn rồi, tài năng của Livermore là điều mà ai ai cũng phải thừa nhận. Livermore nhận được sự ngưỡng mộ từ ngay chính cả các nhà giao dịch huyền thoại đương thời như W.D.Gann. W.D. Gann, trong cuốn sách “ 45 năm trên Phố Wall” (trang 117) đã mô tả Livermore như là “một trong những nhà kinh doanh ngoạn mục nhất của thời đấy”. [W.D.Gann chính là người đã giúp đỡ và kêu gọi những người khác hỗ trợ tài chính cho Livermore khi bị phá sản vào năm 1934.]
Nhưng điều gì khiến cho Livermore phải nhận một kết cục hết sức bi thảm: Gia đình tan vỡ, phá sản và phải tự sát trong tuyệt vọng? Tôi phản đối về tựa đề cuốn sách “Chết vì chứng khoán” vì nó không phản ánh đúng nguyên nhân thực sự, mặc dù không nghĩ ra tựa đề nào phù hợp. Chứng khoán không giết chết Livermore mà chính Livermore đã giết chết Livermore. Hay nói đúng hơn là Livermore đã tạo ra những câu chuyện hậu trường và nó đã làm thay đổi cuộc đời của Livermore.
Livermore thành công từ nghèo khó và những chiến thắng trên thị trường chứng khoán vào năm 1907 đã giúp Livermore trở nên giàu có tột đỉnh. Người đời vẫn gọi là “giàu như Livermore”. Nhưng chiến thắng đã khiến Livermore ngủ quên. Ông lao vào một cuộc sống thượng lưu, tiệc tùng, và hẹn hò với những cô gái bao gồm nữ diễn viên nổi tiếng đương thời là Lillian Russel và mua sắm vô tội vạ du thuyền, nhà cửa…Điều này tạo ra tâm lý hưng phấn và lạc quan cao độ. Livermore trở nên tự kiêu.
Có một yếu tố mà chúng ta cần lưu ý khi nói về tâm lý giao dịch của Livermore, đó là những câu chuyện hậu trường yêu đương. Sau khi trở lại từ phá sản vào tuổi 38, Livermore đang yêu-Nàng Dorothy. Lúc này, Livermore vẫn đang có vợ là Nettie. Vụ ly hôn đã khiến cho Livermore phải tiêu tốn một chút tiền. Tuy nhiên, vấn đề là tình yêu mới giúp Livermore trở nên phấn chấn hơn. Livermore có cuộc hôn nhân thứ hai ở tuổi 41 với cô dâu 18 tuổi. Một cô dâu xinh đẹp.
“Đây là khoảnh khắc rất ý nghĩa với Livermore. Ông cảm thấy hạnh phúc. Đây thời điểm không giống như thời điểm năm 1907, khi ông đã có mọi thứ nhưng đã để mất hết, giờ đây ông sẽ phải cố gắng để giải quyết tốt với thành công của mình. Ông thề rằng ông sẽ kiểm soát được sự xấc xược, tính tự phụ kiêu căng của bản thân. Ông sẽ không mất bình tĩnh nữa. Ông sẵn sàng lao vào vực thẳm đen tối của sự tuyệt vọng và khổ đau. Ông sẽ nghiêm khắc tuân theo những quy tắc kiếm tiền cứng nhắc của mình và cả những luật lệ ông đặt ra khi giao dịch.-Trang 199 sách “Chết vì chứng khoán”. Sau đó là chuỗi ngày thành công của Livermore. Ông hoàn thiện lý thuyết thị trường và đầu cơ thắng lợi hơn. Rõ ràng, tâm lý phấn chấn, tự tin và nhận ra những khuyết điểm như tính kiêu căng đã giúp Livermore thăng hoa. Một trong những thắng lợi lớn của Livermore là bán khống vào năm 1929 khi TTCK Mỹ sụp đổ. Danh tiếng, tiền bạc của Livermore trở nên lớn hơn bao giờ hết.
Livermore có một yếu điểm. “Một điểm yếu bí mật. Ông rất yếu đuối trước những phụ nữ đẹp”. Sau cuộc hôn nhân thứ hai, Livermore lại tiếp tục lăng nhăng ngoài luồng với những người phụ nữ đẹp. Đây chính là điểm mấu chốt làm thay đổi cuộc đời đang thăng hoa của Livermore.
Khi những chuyện bất chính đến tai Dorothy và hai người ly hôn. Cuộc ly hôn thứ hai, lại tiếp tục là cuộc tình tốn kém với Livermore. Ông cưới người vợ thứ ba là Harriet, người đã có 4 đời chồng trước đều chết vì tự tử. Đó là chưa kể Livermore phải tốn những khoản tiền khác liên quan đến những phi vụ rắc rối của các người tình. Ngay khi cưới người vợ thứ ba, Livermore vẫn tiếp tục lăng nhăng và bị phát hiện. Những câu chuyện hậu trường luôn làm ông phân tâm và hủy hoại sự nghiệp lừng lẫy mà ông tạo dựng.
“Ngoài ra, Livermore đã biêt ông đang mất đi những kỹ năng kinh doanh. Tất cả sự quan tâm, những nguyên tắc và sự rèn luyện, nghị lực của ông đều suy giảm. Niềm đam mê của ông với thị trường hầu như không còn, và ông cũng không biết tại sao? Có thể đó là do từ khi ly hôn với Dorothy? Do không thường xuyên gặp những người con trai? Do người vợ mới đã khiến ông xuống dốc? ……….Trang 367 sách “Chết vì chứng khoán”.
“Livermore đã mất hết tinh thần. Con người ông đã thay đổi. Mặc dù bạn bè đã cố gắng khuyên nhủ nhưng Livermore vẫn rất chán nản, suy sụp, tư duy của ông dường như không còn mạch lạc và không có sự kết nối. Tất cả niềm đam mê, sự quan tâm của ông tới thị trường chứng khoán đã chết.” Trang 370 sách “Chết vì chứng khoán”.
Sự đổ vỡ trong hạnh phúc gia đình đã ảnh hưởng rất nhiều đến Livemore. Con trai của ông cũng đi theo con đường ăn chơi, trụy lạc mà ông đã sống. Điều đó khiến ông cảm thấy thất vọng. Một lần nữa, những phán đoán của ông trên thị trường đều hết sức sai lầm. Điều gì đến phải đến, Livermore đã sụp đổ hoàn toàn vào ngày 5.3.1934 khi nộp đơn xin phá sản.
Những năm tháng đen tối của Livermore vẫn chưa dừng lại. Cảnh mẹ bắn con, rồi bao rắc rối gia đình làm cho cuộc sống Livermore trở nên trầm uất. “Con gấu vĩ đại” của Phố Wall- Livermore, một người bước lên đỉnh cao sang giờ đây lại có kết cục hết sức bi thảm: Tự sát bằng một phát súng.
Giống như lời tâm sự của Livermore với người vợ thứ ba; “Cuộc đời anh là một sai lầm”, câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Livermore để lại rất nhiều bài học. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của Livermore đó là lối sống. Livermore là một nhà đầu cơ tài năng bậc nhất và hiếm có. Ông tạo ra những quy tắc giao dịch và những phương pháp dự báo tốt mà hậu thế vẫn học hỏi. Nhưng lối sống sai lầm đã ảnh hưởng tới sự nghiệp của Livermore theo rất nhiều cách. Đặc biệt là tâm lý giao dịch của Livermore luôn biến động theo những thăng trầm trong cuộc sống đời thường của Livermore.
Tôi tin rằng, rất nhiều nhà đầu cơ nhận thức được tầm quan trọng của tâm lý giao dịch. Tuy nhiên, nếu nói rằng, tâm lý giao dịch là bí quyết để trở thành nhà đầu cơ vĩ đại thì có lẽ sẽ nhiều ý kiến hoài nghi. Nhưng cuộc đời của Livermore là một ví dụ.
LỜI KẾT: Cái chết hoặc chia tay một người quan trọng, hoặc người thân trong gia đình là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống mỗi người. Những sự kiện như thế chắc chắn ảnh hưởng đến tâm lý nhà giao dịch và tốt hơn hết bạn nên hạn chế giao dịch trong bối cảnh tâm trạng này. Trong hai cuốn tiểu sử hay viết về cuộc đời của nhà giao dịch vĩ đại Jesse Livermore, “Jesse Liverore Speculator King” của Paul Sarnoff và “The Amazing Life of Jesse Livermore” của Richard Smitten, đề cập đến giai đoạn mà Jesse Livermore phải đối mặt với cái chết của con trai, Jesse Jr., cũng như những cú sốc sau cuộc hôn nhân tồi tệ, nhưng ông ấy vẫn tiếp tục giao dịch. Ông ấy đã trả lại cho ngài thị trường 100 triệu đôla từng kiếm được trong cú bán khống lịch sử đầu những năm 1930 (ND: và mọi người gọi ông là con gấu vĩ đại”. Số tiền này tương đương với hàng tỷ đôla theo giá hiện nay). Ông ấy đáng ra sẽ giữ lại được gia tài giàu có này nếu như không tiếp tục giao dịch trong bối cảnh đời sống cá nhân bị hỗn loạn. Xem hình sau để thấy tài khoản cá nhân của ông đã bốc hơi như thế nào.