Nhiều người tin rằng những chuyển động trên thị trường chứng khoán được gây ra bởi những biến cố hoặc sự kiện kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, giá chứng khoán còn phụ thuộc và phản ánh các hiện tượng tâm lý xã hội. Đây là mối quan hệ hai chiều. Giá chứng khoán dự báo sự kiện xã hội trong tương lai nhưng đồng thời, các xu hướng văn hóa xã hội sẽ dự báo giá chứng khoán tương lai.
Bạn có thể nhìn thấy mối liên hệ sau:
– Nghệ thuật, thời trang, âm nhạc, ẩm thực, phim ảnh… chi phối tâm lý công chúng.
– Thị trường chứng khoán thay đổi là do tâm lý của công chúng. Điều này cho thấy có sự liên quan giữa văn hóa xã hội và thị trường chứng khoán bởi đều sản phẩm của tâm lý đám đông.
– Những thay đổi tâm lý tích cực hoặc tiêu cực trong tâm lý xã hội sẽ dự báo trước những sự kiện lịch sử quan trọng.
Ý tưởng liên kết giữa văn hóa xã hội (hoặc tâm lý xã hội) với giá cả thị trường chứng khoán được đưa ra vào những năm 1980. Robert Prechter, biên tập của công ty Elliott wave nổi tiếng là người tiên phong trong lĩnh vực mới mẻ này.
Theo Robert Prechter, nghiên cứu thị trường chứng khoán và xu hướng thái độ xã hội sẽ ủng hộ cho những kết luận quan trọng về xu hướng giá trên thị trường chứng khoán. Khám phá của R.N.Elliott về mô hình sóng Elliott cho thấy tâm lý đám đông thay đổi theo quy luật tự nhiên, có tính hài hòa. Thị trường chứng khoán là phòng thí nghiệm tốt nhất để tìm hiểu tâm lý đám đông diễn ra như thế nào. Thị trường chứng khoán tăng cho thấy tâm lý tích cực và thị trường giảm cho thấy xu hướng tiêu cực.
Chúng ta tìm hiểu một số ảnh hưởng của văn hóa xã hội đến giá chứng khoán
Thời trang
Nhà môi giới chứng khoán Ralp Rotnem đã nhận thấy có sự tương quan giữa xu hướng giá chứng khoán dài hạn và chiều dài gấu quần (hemline) của đầm phụ nữ. Váy càng ngắn và xu hướng sử dụng mini-skirt vào những năm 1920s và 1960s, trùng với đỉnh giá chứng khoán. Ngược lại, xu hướng sử dụng váy dài (và đầm maxi) vào những năm 1930s và 1970s, trùng với giai đoạn tạo đáy chứng khoán.
Năm 1926, một nhà kinh tế học/phân tích kỹ thuật là George Taylor đã xây dựng chỉ báo “Hemline Index”. Lý thuyết này cho rằng thị trường chứng khoán tăng theo “hemline” của phụ nữ. Dưới đây là mô tả diễn biến chứng khoán và hemline từ năm 1897 đến 1990. Một câu nói trên phố Wall là: “Bán đi, váy đã dài ra” hoặc “Mua đi, váy đã ngắn rồi”.
Tuy nhiên, cũng có tranh luận trái ngược. Hai nhà kinh tế học là Franses và Baardwijl thuộc Econometric Institute Eramus School of Economic đã nghiên cứu về chỉ báo này. Họ thu thập dữ liệu từ năm 1921 đến 2009. Tuy họ không phát hiện thấy bằng chứng hemline có thể dự báo cho thành quả kinh tế nhưng thấy rằng, thành quả kinh tế có dự báo cho hemline 3 đến 4 năm sau. Điều này cho thấy giá chứng khoán có thể ảnh hưởng đến hiện tượng tâm lý xã hội.
Tương tự là sự thay đổi trong màu sắc. Các gam màu sáng thường trùng với giai đoạn thị trường tăng giá mạnh và gam màu tối trùng với giai đoạn thị trường tạo đáy.
Âm nhạc
Một nguyên tắc chung là khi người dân thích nghe những thể loại nhạc sôi động, tươi trẻ thì chứng khoán tăng giá. Ngược lại, chứng khoán giảm giá khi thể loại “nhạc buồn” lên ngôi.
Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán vào những năm 1920 tương ứng với thể loại nhạc dance sôi động và thể loại nhạc jazz. Trong khi thị trường con gấu những năm 1930 thịnh hành thể loại nhạc đồng quê. Những năm 1940, khi các ban nhạc lớn sôi động nổi lên trùng với đỉnh thị trường những năm 1945-1946. Trong khi cuối những năm 1940, thị trường điều chỉnh tương ứng với loại “cool jazz”, những câu chuyện tình yêu buồn bả…
Gần đây, khi thị trường tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2000, những ca sĩ nổi tiếng có thiên hướng sôi động như Britney Spears, Christina Aguilera, Ricky Martin luôn đứng đầu trong bản xếp hạng âm nhạc. Băng đĩa phát hành của bán đắt như tôm tươi.
Phim ảnh:
Khi thị trường chứng khoán tăng trưởng, các bộ phim hài, sôi động được chú ý. Trong khi đó, thể loại phim kinh dị, bi kịch lại được ưa thích khi chứng khoán giảm giá.
Đầu năm 2008, bộ phim The Dark Knight (sát nhân) có khối lượng hit cao, trùng với thời điểm thị trường sụp đổ. Tương tự, Thời kỳ những năm 1930 của Đại khủng hoảng, những bộ phim về quỷ Dracula la thu hút công chúng.
Sex
Tất nhiên, xu hướng tình dục thể hiện qua tỷ lệ sinh. Có vẻ như dân số bùng nổ kéo theo xu hướng tăng giá.
Harry Dent, một nhà kinh tế học ở Mỹ đã chỉ ra mối quan hệ dữ cơ cấu dân số và tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia phát triển. Dân số già và tỷ lệ sinh thấp như Nhật Bản giải thích tại sao tăng trưởng kinh tế chậm chạm. Sự đi xuống của nền kinh tế Trung Quốc gần đây có thể được nhận ra bởi quốc gia này đang bước vào thời kỳ già hóa dân số.
Các chỉ báo xã hội khác
Ngoài các hiện tượng văn hóa xã hội nói trên, còn có nhiều biểu hiện xã hội khác dự báo cho giá chứng khoán. Ví dụ như ở Nhật, khi tóc phụ nữ ngắn đi tương ứng với thời kỳ kinh tế ảm đạm. Ngược lại, tăng trưởng kinh tế trở nên tươi sáng khi tóc dài ra.
Ở Mỹ, khi son môi phụ nữ càng đậm là dấu hiệu của khủng hoảng kinh tế. Có vẻ như phụ nữ cần đánh môi son đậm để che dấu những bất ổn do suy thoái kinh tế mang lại.
Tờ Bussiness Insider (2012) liệt kê 29 chỉ báo kỳ lạ cho giá chứng khoán toàn cầu. Chứng khoán tăng trưởng khi:
– đội bóng National Football League dành chiến thắng tại Super Bowl (gọi là Super Bowl Indicator);
– màu sắc cà vạt của phái nam sẽ trở nên sáng hơn;
– đế giày của phụ nữ cao khi kinh tế suy thoái.
– Lãnh đạo đảng dân chủ trở thành tổng thống Mỹ tạo ra tỷ suất chứng khoán cao hơn đảng Cộng hòa.
Ngược lại, giá chứng khoán giảm khi:
– doanh số bán quần lót nam giảm. Suy thoái kinh tế khiến các men không buồn đếm xỉa đến việc thay quần lót.
– Tai nạn xe đạp (hoặc tỷ lệ chết) tăng;
– Màu sắc cà vạt nam trở nên tối hơn.
– Sự suy thoái của ngành bia rượu. Thiếu công việc, các men ít tụ tập để ăn nhậu hơn so với thời kinh tế tăng trưởng.
– Doanh số bán loại thuốc có chứa chất Aspirin tăng. Kinh tế suy thoái khiến con người trở nên đau đầu nhiều hơn;
– Đế giày của phụ nữ thấp khi kinh tế tăng trưởng;
– Tòa nhà càng cao thì càng dễ dẫn đến sụp đổ chứng khoán. Tòa nhà càng cao cho thấy tình trạng lãng phí.
Hãy lưu ý các hiện tượng xã hội khi dự báo thị trường chứng khoán.
“Socionomic” là một thuật ngữ hoàn toàn mới mẻ, chỉ mới xuất hiện từ những năm 1980 đến nay. Robert Prechter cho rằng, mỗi con sóng trong mô hình sóng Elliott không chỉ trùng với những thay đổi trong điều kiện kinh tế mà còn cho các hiện tượng văn hóa xã hội.
Tại Việt Nam, việc đánh giá các hiện tượng xã hội còn chưa được chú ý. Do đó, chúng ta có ít chỉ báo để đo lường các diễn biến xã hội. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta không thể quan sát được nó. Những hiện tượng xã hội vẫn diễn ra từng ngày và các cộng đồng mạng hoặc truyền thống vẫn mô tả nó.
Có thể nói rằng, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán thường gắn với những giá trị tốt đẹp trong đạo đức xã hội. Ngược lại, sự đi xuống của các giá trị xã hội thường diễn ra trong thời kỳ kinh tế suy thoái.