THỊ TRƯỜNG GIAO DỊCH TRONG TĨNH LẶNG, LIỆU CÓ “CÚ TĂNG GIÁ TRONG NGHI NGỜ” KHI MÙA BÁO CÁO KẾT QUẢ KINH DOANH QUÝ 3/2021 SẮP ĐẾN.

Thị trường đang tiếp tục cho thấy sự hoài nghi về triển vọng tăng giá khi hai phiên giao dịch liên tiếp có biến động giá (spread giá) hẹp. Đi kèm với đó là thanh khoản nằm ở mức thấp trong ngày thứ sáu. Đây là một trạng thái giao dịch tĩnh lặng, cho thấy sự thiếu vắng dần của bên bán. Trước những cơn bão thông tin xấu như Evergrande (Trung Quốc) vỡ nợ được ví như phiên bản Lehman Brothers 2.0; nguy cơ chính phủ Mỹ đóng cửa  (vỡ Nợ) nếu trần nợ công không được điều chỉnh đúng thời hạn ngày 30.9.2021; hay tin UBCKNN điều tra hành vi tháo túng giá…nhưng chỉ số VN-Index vẫn cho thấy khả năng trụ vững.

HÀNH ĐỘNG GIÁ CỦA THỊ TRƯỜNG

 Nhiều cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng hôm nay tăng giá khá mạnh mẽ sau thời gian “im hơi lặng tiếng” khá lâu, nổi bật phải kể đến nhiều cái tên như MBB (+2.9%), MSB (+3.4%), BID (+0.6%), OCB (+1.4%)…Trong khi đó, nhiều cổ phiếu đã tăng giá mạnh từ tháng đầu tháng 8 đến giờ đang cho thấy sự điều chỉnh, ví dụ như: TLH, HSG, NKG của nhóm ngành thép;  Nhóm ngành hóa chất cũng tiếp tục có những cổ phiếu giảm sàn  như CSV (-6.9%) hay DGC (-5.1%) sau thời gian tăng giá phi mã. Tình trạng “lau sàn” diễn ra phổ biến ở các cổ phiếu có mùi đầu cơ trước thông tin UBCKNN sẽ tiến hành điều tra thao túng giá cổ phiếu.

Chỉ số VN-Index chốt phiên cuối tuần đóng cửa giảm -0.12% với thanh khoản nhỏ hơn nhiều so với phiên hôm trước. Chỉ số VN-Index vẫn tiếp tục sideway quanh khu vực 1350-1360 và tiếp tục “chờ đợi cú breakout” mẫu hình tam giác với điểm pivot=1364. Sau cú Test No Supply (Kiểm Tra Không Thấy Cung) ngày thứ tư tuần trước, chỉ số VN-Index đang hướng tới điểm 1364 và đang lưỡng lự để vượt điểm pivot. Phiên giảm điểm nhẹ cùng với khối lượng thấp ngày cuối tuần cho thấy không có lực cung nào đáng kể trên thị trường. Đây là dấu tích hành động giá tích cực.

Hãy lưu ý đường MA50 ngày đang uốn cong dần đi lên trong vài phiên gần đây. Chất lượng của đường MA50 ngày đã được kiểm tra bởi phiên Test No Supply. Chỉ cần giá tiếp tục breakout qua điểm pivot, nhiều nhà đầu tư đã lỡ đánh rơi hàng trong test (kiểm tra) sẽ buộc phải mua trở lại nếu như không muốn bỏ lỡ nhịp sóng tăng.

Thị trường hiện tại vẫn đang trong Xu Hướng Tăng Được Xác Nhận với 4 phiên phân phối. Chúng tôi lưu ý ngày phân phối mạnh 20/8/2021 sẽ được tiến hành xóa bỏ vào thứ Ba – ngày 27/9/2021 sau khi khoảng thời gian 25 ngày giao dịch trôi qua. Nếu không có thêm phiên phân phối nào mới trong hai ngày đầu tuần tới, chỉ số VN-Index sẽ chỉ còn 3 ngày phân phối khá nhẹ. Điều này cho phép các nhà đầu tư tiếp tục thực hiện các vị thế mua ở các cổ phiếu có nền giá chặt chẽ và có tăng trưởng lợi nhuận.

Đà tăng hôm nay tiếp tục được ủng hộ bởi số lượng cổ phiếu nằm trên MA50 ngày khi con số này vẫn đang hơn gấp 6 lần số lượng cổ phiếu nằm dưới MA50 ngày. Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/09, danh sách cổ phiếu vượt đỉnh 52 tuần tiếp tục bị thu hẹp xuống còn 30 cổ phiếu sau khi chỉ số VN-Index có ngày giao dịch trong biên độ hẹp. Danh sách cổ phiếu vượt đỉnh hiện tại tập trung nhiều ở 3 nhóm ngành chính là bảo hiểm, xây lắp và bất động sản KCN.

LIỆU CÓ TĂNG GIÁ TRONG NGHI NGỜ?

Một khi các áp lực bán càng yếu đi trong bất cứ đợt giảm giá nào, giá thường sẽ tăng sau đó. Thị trường dường như đang phớt lờ các tin tức xấu. Điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn các thị trường chứng khoán toàn cầu. Bất chấp việc Evergrande lỡ hẹn thanh toán 83.5 triệu đôla lãi suất coupon cho trái phiếu định danh bằng đồng đola, mà không hề thông báo cho phía chủ nợ, các thị trường chứng khoán trên thế giới vẫn tiếp tục tăng điểm. Tờ WallStreet Journal cho rằng, phía Evergrande sẽ còn có 30 ngày ân hạn để giải quyết vấn đề. Tăng điểm trong nghi ngờ, đấy chính là khả năng hiện nay. Có lẽ nhà đầu tư tin rằng, chính phủ Trung Quốc sẽ biết cách dọn dẹp để không biến nó thành Lehman Brother 2.0.

Bên cạnh có thông tin tiêu cực thì Việt Nam vẫn có nhiều điểm tựa khả quan cho kịch bản tăng giá:

  • Cuối tuần qua, theo báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 22.15 tỷ USD, tăng 4.4% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 20/9, tổng vốn đăng ký mới đạt gần 12.5 tỷ USD (tăng 20.6% so với cùng kỳ) và tổng vốn đăng ký thêm đạt 6.4 tỷ USD (tăng 25.6% so với cùng kỳ). Tuy một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, số lượng dự án cấp mới cũng giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid nhưng nhìn chung “những con số biết nói” đã cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao Việt Nam và cho rằng Việt Nam là lựa chọn số một để đầu tư trong thời điểm này. Với việc sở hữu một lực lượng lao động trẻ, tay nghề cao, cơ sở vật chất đáp ứng đầy đủ, chính trị ổn định, chúng ta dường như đang trở thành “người thay thế” cho anh cả Trung Quốc hậu chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
  • Việt Nam đang chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất nước. Hiện TP HCM đã tiêm vắc xin cho hơn 95% số người trên 18 tuổi, trong đó hơn 6.8 triệu người đã tiêm mũi 1 và gần 2.4 triệu người đã tiêm mũi 2. TP HCM thậm chí đã rút ngắn thời gian tiêm vắc xin xuống còn 6 tuần nhằm tăng độ phủ vắc xin cao nhất có thể trước thời điểm bắt đầu mở cửa 1/10/2021 (lưu ý: mở cửa theo 3 giai đoạn). Những thông tin về tình hình số ca nhiễm mới và tử vong đang có dấu hiệu giảm đi là tín hiệu tích cực. Một số quỹ đầu tư ví dụ như Dragon Capital cũng cho rằng, Việt Nam cũng đang sắp đạt tới đỉnh dịch.
  • Khi tin xấu xuất hiện là đáy chứng khoán. TTCK Việt Nam sắp bước vào mùa công bố báo cáo tài chính quý 3 mà nhiều nhà đầu tư đã tiên đoán trước là “xấu” bởi tình hình giãn cách xã hội từ đầu tháng 7. Chỉ số VN-Index đã có cú giảm -14% từ đỉnh cao nhất vào đầu tháng 7 như là sự phản ánh trước dự cảm của nhà đầu tư về khả năng bết bát trong kết quả kinh doanh quý 3. Có khả năng, sự điều chỉnh của thị trường trong gần 3 tháng qua đã phản ánh gần hết khả năng thua lỗ của các doanh nghiệp. “Mua tin đồn, bán tin thật”, đó là câu chuyện vẫn hay thường xảy ra trên thị trường chứng khoán. Một khi các con số lỗ đã xuất hiện đúng như kỳ vọng, thì các nhà đầu tư sẽ không ngần ngại mua vào. Thậm chí, còn tích cực hơn nếu như các con số lỗ không sâu như kỳ vọng của giới đầu tư. Nó là một bài test về khả năng chống chịu của doanh nghiệp trước các sự kiện bất ngờ như thiên tai, dịch bệnh.

THÉP, NGÂN HÀNG, DẦU KHÍ, HÀNG TIÊU DÙNG ĐANG DẦN TRỞ LẠI ĐỂ GIỮ THỊ TRƯỜNG.

 Trong bản tin từ đầu  tháng 9, chúng tôi đã đề cập về sự trở lại của nhóm thép và ngân hàng để giữ thị trường. Thực tế đang diễn ra đúng như vậy. Các cổ phiếu ngân hàng và bảo hiểm (lĩnh vực tài chính) đang đang dần lấy lại momentum tăng giá. Các cổ phiếu thép cũng hoàn tất sửa lại nền giá cho việc tăng điểm. Khi có “chút thép” và “chút ngân hàng”, chu kỳ tăng giá thường khá mạnh mẽ. Dòng tiền lớn có thể xuất hiện trở lại ở hai lĩnh vực có giá trị vốn hóa lớn này.

Việc giá dầu tăng cao trong thời gian qua sẽ có tác động độ trễ đến một số doanh nghiệp ở thượng nguồn. Trong khi đó, lĩnh vực hàng tiêu dùng được dự báo sẽ hưởng lợi khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

CÁC CỔ PHIẾU SẮP CHẠM ĐIỂM MUA MỚI

_còn tiếp,

ĐỂ ĐỌC BẢN TIN NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG, VUI LÒNG LIÊN HỆ VỚI TEAM NĐT CANSLIM QUA ZALO 0977.697.420

Trả lời