Số liệu xuất khấu tháng 2 đang củng cố quan điểm suy thoái thương mại
Cụ thể, Shanghai Composite mất HƠN 4% vào lúc trong phiên giao dịch ngày 8/3/2019. Theo giải thích từ một số trang truyền thông, đà bán tháo này là do Citic Securites gửi lời khuyên tới khách hàng rằng họ nên bán ra, thị trường đang được định giá quá cao và có thể sẽ lao dốc tới 50% trong năm tới. Các cổ phiếu tăng điểm bởi đã đạt mức tăng kịch biên độ trong 5 phiên liên tiếp.
Tuy nhiên, quan điểm của Chiemtinhtaichinh cho rằng, chính số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới là nguyên nhân quan trọng. Xuất khẩu trong tháng 2/2019 giảm tới 20.7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức sụt giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2016. Mức giảm này khiến giới kinh tế không khỏi lo ngại khi trước đó theo dự đoán của các chuyên gia, mức giảm xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 2 vừa qua chỉ là 4.8%.
Đáng chú ý là nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm 3 tháng liên tiếp. Nhập khẩu của Trung Quốc giảm 5.2% trong tháng 2/2019 so với tháng 2/2018, cao hơn hẳn mức dự báo 1.4% của các nhà kinh tế. Nhập khẩu tháng 1/2019 cũng giảm 1.5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc tháng 2/2019 chỉ đạt 4.12 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với mức dự báo 22.68 tỷ USD trước đó.
Đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang trên đà “suy thoái thương mại” và sự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có dấu hiệu chậm lại. Raymond Yeun, nhà kinh tế trưởng tại thị trường Trung Quốc của ANZ nhận định: “Các số liệu thương mại của hôm nay củng cố quan điểm của chúng tôi rằng sự suy thoái thương mại của Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện.”
Dù vậy, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, dữ liệu xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm chịu tác động từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, do đó tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể được phản ánh chính xác hơn qua các số liệu trong tháng 3 này.
Tổng Thống Donald Trump bỏ ngỏ khả năng không ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nếu đó không phải là một thỏa thuận tốt
Theo một số chuyên gia kinh tế, ngành xuất khẩu Trung Quốc chịu ảnh hưởng lớn nhất từ cuộc chiến thương mại với Mỹ và nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Thuế quan áp đặt vào năm ngoái của chính phủ Mỹ đối với khoảng 250 tỷ USD các sản phẩm của Trung Quốc đang gây thiệt hại, khiến giá trị hàng hóa vận chuyển đến Mỹ đã giảm mạnh hơn nhiều so với các thị trường lớn khác.
“Tôi tự tin nhưng… nếu đây không phải là một thỏa thuận tuyệt vời, tôi sẽ không đồng ý” – ông Donald Trump trao đổi với báo giới khi rời Nhà Trắng tới thăm vùng bị thiên tai ở Alabama. Tổng thống Mỹ khẳng định, hai bên sẽ làm tốt nhất có thể trong quá trình đàm phán dù có hay không có thỏa thuận.
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc cho biết đang đạt được bước tiến trong việc giải quyết tranh chấp thương mại. Tuy nhiên, theo AFP, một nhà ngoại giao Mỹ ở Bắc Kinh tiết lộ hôm 8.3 rằng, khả năng đạt được thỏa thuận vẫn chưa thực sự tươi sáng.
Washington yêu cầu có những thay đổi cấu trúc sâu sắc từ Bắc Kinh, trong đó có cách đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp nhà nước. Thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ có những yêu cầu về cam kết của Trung Quốc về tiền tệ, bảo vệ công nghệ của Mỹ.