Ở Phố Wall, ngay cả những người được cho là thông minh cũng có thể dễ dàng bị cuốn vào những cái bẫy khờ khạo giống như những kẻ ngốc nghếch. Thật vậy, từ những gì tôi đã chứng kiến, có vẻ như trình độ học vấn và chỉ số IQ chẳng hề có ý nghĩa gì trong việc quyết định khả năng kiếm tiền trên thị trường chứng khoán. Những người càng thông minh, cái tôi càng lớn. Họ nghĩ rằng họ thực sự biết những gì họ đang làm. Những người này thường phải trả cái giá đắt để hiểu rằng, thực ra họ chẳng hiểu gì về cách thức hoạt động của thị trường chứng khoán.
Chúng ta đã thấy những con người có trình độ học vấn cao, thông minh, sáng sủa ở New York, Thủ Đô Washington gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu năm 2008 như thế nào. Liệu các Thượng Nghị Sĩ, người đứng đầu Quốc Hội, các tổ chức được chính phủ bảo trợ như Fannie Mae và Frieddie Mac, cùng với những kẻ đứng đầu các công ty môi giới có trụ sở tại New York, các ngân hàng cho vay, các nhà môi giới tài sản thế chấp có thực sự hiểu rõ tất cả những gì họ đang làm, với mức đòn bẩy điên rồ lên tới 50:1 (thậm chí cao hơn), khi đầu tư vào các khoản cho vay bất động sản dưới chuẩn.
Họ đã tạo ra các chứng khoán phái sinh và công cụ bảo hiểm phức tạp để biện minh rằng, rủi ro vẫn đang trong tầm kiểm soát. Không nhà chính trị gia nào chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của thị trường khi cả Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ đều dính líu. Tuy nhiên, thực ra tất cả đều bắt đầu từ các chương trình an sinh xã hội với mục đích tốt của chính phủ. Nhưng một khi chúng bị các chính trị gia hàng đầu làm nó bị biến tướng dần qua các năm 1995, 1997 và 1998, đặc biệt là khi Đạo Luật Glass-Steagall bị hủy bỏ, tất cả mọi thứ đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Vì thế, bạn phải mất rất nhiều thời gian học cách kiểm soát hoạt động đầu tư của mình. Bạn phải có suy nghĩ nghĩ rằng, mình sẽ học cách đầu tư số tiền mồ hôi nước mắt một cách an toàn hơn, sáng suốt hơn những gì mà những gã ở Washington và Phố Wall đã làm từ cuối những năm 1990 đến nay. Nếu bạn thực sự muốn làm điều đó, bạn hoàn toàn có thể. Bất cứ ai cũng đều làm được.
Sau nhiều năm, chỉ một số ít người tôi quen biết đã trở thành các nhà đầu tư thành công tại nước Mỹ nhờ vào các quyết định dứt khoát và vứt bỏ cái tôi cá nhân. Thị trường tài chính là nơi đào thải những ai quá kiêu căng tự phụ và có cái tôi có lớn. Rốt cuộc, các ý tưởng đầu tư của bạn phải hoàn toàn khách quan và nhận ra thị trường đang nói với bạn điều gì, hơn là cố gắng chứng minh những gì bạn nói hoặc đã làm ngày hôm qua là đúng. Cách nhanh nhất để thất bại trên thị trường chứng khoán là cố gắng chứng tỏ bạn đúng và thị trường là sai. Tính khiêm tốn và khả năng tư duy thực tế (common sense) giúp bạn có được sự cân bằng.
Đôi khi, càng tin lời các chuyên gia càng khiến bạn gặp phải nhiều rắc rối. Vào mùa xuân và mùa hè năm 1982, một chuyên gia nổi tiếng đã khăng khăng khẳng định rằng, nợ công sẽ tạo nên “hiệu ứng lấn át (crowd out)”[1] đối với lĩnh vực tư nhân, khiến cho lãi suất và lạm phát tăng vọt. Nhưng mọi thứ diễn ra hoàn toàn ngược lại. Lạm phát giảm mạnh và lãi suất giảm xuống mức thấp. Vào mùa hè năm 1996, một chuyên gia khác lại tiên đoán về sự xuất hiện của thị trường con gấu, đúng một ngày trước khi thị trường chung tạo đáy lớn.
Đúng 1 tuần sau khi đỉnh năm 2000 xuất hiện, một chuyên gia khác nói với CNBC rằng, đây là lúc hợp lý để mua các cổ phiếu công nghệ cao. Sự thật là giá cổ phiếu công nghệ cao liên tục sụp đổ xuống các mức đáy thấp. Trong cuộc khủng hoảng bong bóng dotcom, khi thị trường cổ phiếu đang trong xu hướng giảm giá, rất nhiều nhà phân tích danh tiếng đã nói với các nhà đầu tư về “cơ hội mua” chỉ có một lần trong đời! Bắt dao rơi là một trò chơi cực kỳ nguy hiểm.
Những tư duy truyền thống hiếm khi đúng trên thị trường cổ phiếu. Tôi không bao giờ bận tâm đến việc các chuyên gia nói gì trên tivi. Nó chỉ khiến bạn trở nên rối trí và mất nhiều tiền. Vào năm 2000, một số chuyên gia đã khuyến nghị các nhà đầu tư mua ở các đợt giảm giá ngắn hạn vì các quỹ đầu tư đang còn nhiều tiền mặt và chờ cơ hội giải ngân. Nhưng bất cứ ai nhìn vào trang General Market & Sector (Thị Trường Chung & Các Ngành) của Nhật Báo IBD cũng thấy điều này thật sai lầm. Mặc dù tỷ trọng tiền mặt của các quỹ tương hỗ đang tăng lên, nhưng chúng vẫn còn cách rất xa đỉnh cao lịch sử và thậm chí dưới mức trung bình.
Trái lại, đáy thị trường thường xuất hiện khi “nhiều chuyên gia” tỏ ra bi quan. Ví dụ, đáy của thị trường chứng khoán hình thành vào tháng 3 năm 2009, sau khi các nhà đầu tư trải qua cuộc khủng hoảng tài chính và thị trường con gấu kéo dài 17 tháng, thậm chí Tổng Thống cũng lên tiếng cảnh báo về một Đại Suy Thoái khác. Hoàn toàn có thể hiểu được tâm trạng e sợ quay trở lại thị trường của phần lớn các nhà đầu tư cho dù ngày bùng nổ theo đã xuất hiện vào ngày 12 tháng 3 năm 2009.
Bạn không thể thành công bằng cách sử dụng phán đoán cảm tính trên thị trường tài chứng khoán. Chỉ có một cách duy nhất là để cho các chỉ số thị trường nói cho bạn biết khi nào nên tham gia và khi nào nên rời bỏ thị trường. Đừng bao giờ chống lại thị trường, nó mạnh hơn bạn đấy.
Bài viết được trích từ Chương 9, sách “Làm Giàu Từ Chứng Khoán (How to Make money in stocks” của William O’Neil.
[1] Người dịch: “Hiệu ứng lấn át” (crowd out) là một thuật ngữ kinh tế (một số sách dịch từ này là “tác động hất văng”). Hiệu ứng này xảy ra khi chính phủ tham gia vào một ĩnh vực nào đó của nền kinh tế thị trường làm ảnh hưởng đáng kể đến cung hoặc cầu của thị trường. Trong khi đó, một số nhà kinh tế học định nghĩa “hiệu ứng lấn át” là trường hợp xảy ra khi chính phủ nới lỏng chính sách tài khoán làm giảm đầu tư tư nhân. Các khoản vay nợ của chính phủ sẽ làm tăng lạm phát và lãi suất, khiến cho đầu tư tư nhân sụt giảm.