[Nhật Báo IBD] 4 lý do để thị trường tăng giá tiếp tục? Có cần phải lo sợ quá mức về nghịch đảo đường cong lợi suất?

“Trader là những người có tư duy rộng mở. Bạn là người quan sát cuộc chiến giữa bò và gấu. Sau đó quyết định nhảy vào bên đang nắm giữ lợi thế”.- Trích Alexander Elder.

Trong các bài viết gần đây, qua một số phân tích về mô hình sóng Elliott cũng như các phân tích vĩ mô về nghịch đảo đường cong lợi suất, tôi đang phát ra thông điệp cảnh báo về rủi ro giảm giá của TTCK Mỹ.

Nhật Báo IBD cũng làm điều này. Chiếc hộp Nhịp Đập Thị Trường (Market Pulse) của Nhật Báo IBD vẫn đang có dòng cảnh báo (Uptrend under pressure: Xu Hướng Tăng Có Thể Bị Thay Đổi). Số ngày phân phối (distribution days) của SP500 là 7 ngày trong khi Nasdaq là 6 ngày.

Trong hình ảnh có thể có: văn bản
Dữ liệu đến ngày 29/3/2019

William O’Neil trong cuốn sách “Làm Giàu Từ Chứng Khoán (How to Make Money in Stocks)” đã nói rằng: “nhà đầu tư nên tránh mua mới khi dòng trạng thái hộp Nhịp Đập Thị Trường là “Xu Hướng Tăng Có Thể Bị Thay Đổi” hoặc “Thị Trường Đang Ở Trong Xu Hướng Giảm”. Các biện pháp phòng thủ (cắt lỗ nhanh khi sắp chạm 7%-8% và chốt lãi khi chạm mức mục tiêu 20%-25%) cần được thực hiện”.

Tuy nhiên, trader cần phải xem xét khi nào kịch bản tăng giá sẽ xuất hiện trở lại. Nhật Báo IBD đưa ra 4 lý do mà bạn cần lưu ý cho kịch bản tăng giá.

  1. Các cổ phiếu tăng trưởng của Mỹ vẫn đang hoạt động tốt (outperform). Nhật Báo IBD theo dõi các cổ phiếu tăng trưởng trên TTCK Mỹ và nhận thấy nhiều trụ cột tăng trưởng (đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản) vẫn đang tăng trưởng tốt.
  2. Các cổ phiếu lớn như Apple, Goolge, Alibaba “đang ở gần điểm mua” của mẫu hình chiếc cốc-tay cầm. Cụ thể, Apple có điểm mua ở 197.79, Google là 1,236.53 và Alibaba là 188.18. Mức giá hiện tại đang thấp hơn điểm pivot đề cập ở trên nhưng “nó đang ở rất gần”. Mặc dù thị trường đang ở trong trạng thái “Xu Hướng Tăng Có Thể Bị Thay Đổi” nhưng nếu các cổ phiếu trên đạt tới điểm mua, thị trường chung lập tức quay trở lại “Xu Hướng Tăng Được Xác Nhận”. Nói cách khác, chúng tôi sẽ bật lại đèn xanh nếu các cổ phiếu lớn trên tăng giá.
  3. Các cổ phiếu Trung Quốc đang tăng giá. Bên cạnh Alibaba đang ở gần điểm mua, một số cổ phiếu khác của Trung Quốc vừa mới xảy ra điểm phá vỡ. Chẳng hạn như Autohome, Huazhu Group, New Oriental Education. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai và sự tăng giá của TTCK Trung Quốc gần đây đang cho thấy hy vọng hồi phục. Đặc biệt nếu Tập Cận Bình và Trump đạt được thỏa thuận thương mại.
  4. Đừng e sợ nghịch đảo đường cong lợi suất. Tất nhiên rồi, nghịch đảo đường cong lãi suất cho thấy nền kinh tế đang gặp phải vấn đề. Trung bình, nghịch đảo đường cong lợi suất xuất hiện trước khủng hoảng 14 tháng. Nghịch đảo đường cong lợi suất thường xảy ra khi Fed tăng lãi suất quá nhanh. Điều này xảy ra trong trường hợp Fed thấy nền kinh tế tăng trưởng nóng và tăng lãi suất để ngăn chặn tình trạng bong bóng. Điều này dẫn tới nhu cầu trú ẩn an toàn ở các trái phiếu chính phủ dài hạn. Nghịch đảo đường cong lơi suất xuất hiện. Đây chính là tình huống của năm 2000, khi Fed thực hiện chuỗi tăng lãi suất lên 6.5% vào tháng 5. Đến đầu tháng 7, đường cong lợi suất bị nghịch đảo và đình trệ kinh tế diễn ra vào tháng 3/2001. Một lần nữa vào năm 2006, Fed thực hiện chuỗi tăng mạnh lãi suất lên 5.25% vào tháng 6, đường cong lợi suất bị nghịch đảo vào tháng 7 và suy thoái kinh tế diễn ra vào tháng 12/2007. Vì vậy, bạn không nên phớt lờ tín hiệu cảnh báo từ nghịch đảo đường cong lợi suất.

Nhưng có một sự khác biệt đôi chút trong lần nghịch đảo đường cong lợi suất năm 2019. Theo đó, việc nghịch đảo xuất phát từ việc Fed thực hiện nới lỏng chứ không phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Mặc dù Fed không cắt giảm lãi suất nhưng lại đưa ra các hướng dẫn kỳ hạn (forward guidance) để cho thấy, Fed đang làm giảm kỳ vọng thắt chặt tiền tệ. Cụ thể, vào tháng 9/2018, Fed dự kiến sẽ có 3 lần tăng lãi suất vào năm 2019. Nhưng vào đầu tháng 1/2019, Fed nói rằng “sẽ kiên nhẫn hơn với vấn đề tăng lãi suất” và trong cuộc họp tháng 3/2019, Fed phát ra tín hiệu không tăng lãi suất”. 2 ngày sau cuộc họp tháng 3/2019, đường cong lợi suất bị nghịch đảo. Do đó, có thể hiểu rằng việc nghịch đảo đường cong lợi suất lần này là do các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed đang muốn nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, chứ không phải thắt chặt như các lần trước. Một thông tin là vào ngày thứ 6 cuối tháng 3, đường cong lợi suất đã trở lại bình thường.

Thậm chí trong trường hợp cần thiết, chỉ cần Fed cắt nhẹ lãi suất liên bang ngắn hạn cũng đủ làm đường cong lợi suất trở lại bình thường.

Mặc dù nghịch đảo đường cong lợi suất đã dẫn tới hai cuộc khủng hoảng gần đầy vào năm 2000 và năm 2006, nhưng cũng có trường hợp như năm 1998, nghịch đảo đường cong lợi suất lại không dẫn tới khủng hoảng khi Fed đột ngột nới lỏng tiền tệ.

Vào mùa hè năm 1998, đường cong lợi suất bị nghịch đảo khi đồng Rúp NGa bị phá giá mạnh và kích hoạt cuộc khủng hoảng nợ. Thậm chí cả cuộc khủng hoảng Đông Á xuất hiện vào năm đó hay sự sụp đổ của quỹ Long-term Capital Management. Fed đã có một hành động “vô tiền khoáng hậu” là họp FOMC khẩn cấp (không theo lịch. Chú ý, các cuộc họp FOMC luôn được tổ chức theo lịch. Mùa hè năm 1998 là lần duy nhất trong lich sử 100 năm, FED tổ chức họp FOMC khẩn cấp). Theo đó, Fed đối phó với cuộc khủng hoảng này bằng việc cắt giảm lãi suất, đẩy đường cong lợi suất trở lại bình thường, và chỉ số Dow Jones tăng lên mức đỉnh cao mới vào năm đó.

Điều tương tự có thể lặp lại vào năm 2019 hay không tùy thuộc vào quyết định của các nhà hoạch định chính sách. Nhưng tôi muốn nhắc lại câu chuyện của năm 1998 để cho thấy rằng, tương lai thực sự là bất định và mọi việc diễn biến như thế nào còn tùy thuộc vào chính sách của FED. Việc thay đổi chính sách đột ngột từ thắt chặt sang nới lỏng cũng từng được thực hiện vào năm 2016. Vào cuối năm 2015, FED khẳng định sẽ 3 lần tăng lãi suất vào năm 2016 nhưng rốt cuộc chỉ có 1 lần tăng lãi suất vào năm 2016. Fed đã linh hoạt thay đổi chính sách của mình trước làn sóng sợ hãi do đổ vỡ bong bóng chứng khoán ở Trung Quốc

Hiện tại, thị trường đang định giá xác suất 60% FED sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất trong năm 2019 nếu như nền kinh tế xấu đi. Thực sự, tăng trưởng GDP quý 4 đang thấp hơn kỳ vọng. Triển vọng lợi nhuận cũng đang yếu đi.

Một tín hiệu tích cực khác là giá đồng và giá dầu vẫn chưa phát ra tín hiệu cảnh báo suy thoái. Đồng và Dầu là hai hàng hóa có tương quan chặt với nền kinh tế và TTCK. Bất chấp cảnh báo của Trump, giá dầu vẫn vượt qua ngưỡng chịu đựng của Trump là 60 USD. Trong khi đó, đồng đang hình thành mẫu hình giá đảo chiều từ đáy.

Nói tóm lại, nghịch đảo đường cong lợi suất cũng như các ngày phân phối trên S&P500 đang phát ra tín hiệu cảnh báo mà bạn không thể phớt lờ. Đó là lý do Nhật Báo IBD bật đèn vàng nhằm khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các biện pháp phòng thủ. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta không quan sát kịch bản tăng giá. Hãy luôn giữ cho tâm trí bạn được rộng mở để sẵn sàng hành động một khi thị trường tăng giá trở lại.

Chúc bạn đầu tư thành công!

Trả lời