(Theo NDH)- CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) vừa công bố báo cáo tài chính tháng 4 với doanh thu tăng 33% lên 296 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp theo đó tăng 39%, đạt mức 53 tỷ đồng.
Mặc dù các khoản chi phí hoạt động tăng nhưng mức tăng thấp hơn. Kết quả, TNG ghi nhận lợi nhuận sau thuế 13 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2018.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, TNG đạt doanh thu thuần 1,102 tỷ đồng, tăng 34%. Lợi nhuận sau thuế thu về 50 tỷ đồng, tương ứng tăng 63% so với cùng kỳ năm trước. EPS 4 tháng đầu năm ghi nhận 1,014 đồng.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2019 đã được cổ đông thông qua, TNG đặt chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 4,154 tỷ đồng và 208 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước. Như vậy, công ty đã hoàn thành được 24% kế hoạch năm.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT TNG, cho biết dự kiến trong 6 tháng đầu năm, công ty sẽ ghi nhận giá trị hợp đồng khoảng 2,100-2,200 tỷ đồng. Quý III là thời gian tập trung nhiều đơn hàng và tình hình sẽ khả quan. Ông Thời cho rằng công ty có thể đạt được kế hoạch năm.
Theo công bố của ban lãnh đạo, EU là thị trường lớn nhất của TNG đóng góp 50% cơ cấu doanh thu. Theo sau là thị trường Mỹ với 31%, CPTPP 11%, Nga – Belarus 7% và thị trường châu Á – Hàn Quốc 1%.
Tại thời điểm cuối tháng 4, tổng tài sản của TNG đạt hơn 3,000 tỷ đồng, tăng khoảng 450 tỷ so với đầu năm chủ yếu do tăng mạnh hàng tồn kho. Vốn chủ sở hữu ở mức 851 tỷ đồng.
TNG hiện đang nằm trong Top thứ 14 doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận nhanh nhất trong quý 1/2019 (Tính trên cả ba sàn).
TNG đang có hai phiên điều chỉnh sau chuỗi tăng giá mạnh. Tuy nhiên, giá đang hỗ trợ bởi đường MA50 ngày và trendline. Mẫu hình giá của TNG là Hai Đáy (W) với điểm pivot tại 24.2
Trong báo cáo ngành dệt may của CTCK Phú Hưng phát hành ngày 9.5.2019, TNG được dự báo có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 39%, tương ứng lợi nhuận đạt 251 tỷ đồng. Điều này cho thấy các công ty chứng khoán hiện đang lạc quan hơn nhiều so với kế hoạch kinh doanh của công ty (chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 208 tỷ đồng, tăng 15%).
Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của TNG được dự báo nhanh hơn so với các công ty khác trong ngành như VGT, MSH, TCM,
Động lực tăng trưởng của TNG trong năm 2019:
Tăng tỷ trọng ở các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao: Tỷ trọng của phương thức CMT và FOB trong giá trị xuất khẩu lần lượt là 65% và 25%. Chiến lược trong thời gian tới của TNG sẽ giảm tỷ trọng CMT, tăng tỷ trọng FOB, cải thiện biên lãi gộp. Bên cạnh đó, công ty cũng đang phát triển thêm mảng ODM (biên lãi gộp khoảng 30 – 40%) thông qua thương hiệu TNG Fashion.
Mở rộng năng lực sản xuất thông qua xây dựng thêm 2 nhà máy: TNG tiếp tục mở rộng hợp tác với các khách hàng mới nên việc xây dựng 2 nhà máy TNG Phú Lương và TNG Võ Nhai sẽ giúp công ty đáp ứng được số lượng đơn hàng gia tăng trong thời gian tới.