Ngày 19/6 (rạng sáng 20/6 theo giờ Việt Nam), Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thông báo giữ nguyên lãi suất cơ bản.
Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp kéo dài 2 ngày từ 18-19/6 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED. Theo đó, lãi suất cơ bản sẽ được giữ nguyên ở biên độ 2.25-2.5%.
Theo thông báo của FED, quyết định giữ nguyên biên độ lãi suất nhận được tỷ lệ phiếu ủng hộ áp đảo 9-1 tại cuộc họp trên của FOMC và chỉ có Chủ tịch FED đại diện tại St. Louis, ông James Bullard, bỏ phiếu ủng hộ cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, FED cũng phát đi tín hiệu rằng ngân hàng này sẵn sàng cắt giảm lãi suất từ nay tới cuối năm 2019 nếu thấy cần thiết để bảo vệ nền kinh tế Mỹ.
FOMC thừa nhận tăng trưởng kinh tế có vẻ chậm lại, trong khi lạm phát đang thấp hơn mức mục tiêu 2% của FED. Trong dự báo về lạm phát năm 2019, giới chức FED đã hạ xuống còn 1.5%, từ mức 1.8% hồi tháng 3/2019. Tuy nhiên, FOMC vẫn tin tưởng kinh tế Mỹ sẽ sớm vượt qua giai đoạn “chững lại” này và tiếp tục tăng trưởng bền vững, lạm phát sẽ đạt ngưỡng 2% và thị trường lao động vững mạnh. Đó là cơ sở để FED chưa cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau gần 11 năm.
Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 19/6, Chủ tịch FED Jerome Powell nhấn mạnh tới cam kết của ngân hàng này là một thị trường việc làm vững mạnh và giá cả ổn định.
Trước đó, giới quan sát nhận định nhiều khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, trong bối cảnh các cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động còn kéo dài và kinh tế toàn cầu suy yếu, trong khi tăng trưởng kinh tế Mỹ có dấu hiệu chững lại.
Các nhà hoạch định chính sách của FED, trong mấy tuần gần đây, đã chứng kiến hàng loạt tín hiệu trái chiều về sức khỏe của nền kinh tế số 1 thế giới. Sau giai đoạn phục hồi ổn định, dẫn tới việc FED liên tục nâng lãi suất, kinh tế Mỹ vừa đón nhận những tín hiệu ảm đạm, trong đó có việc thị trường lao động chỉ tạo thêm được 75,000 việc làm trong tháng 5 vừa qua.
Dấu hiệu nền kinh tế giảm tốc và áp lực chính trị từ Nhà Trắng đã làm gia tăng khả năng FED giảm lãi suất lần đầu tiên trong gần 11 năm.
Sau khi FED chủ trương “kiên nhẫn” và giữ nguyên lãi suất kể từ tháng 12/2018, các thị trường tài chính vẫn theo dõi sát sao và chờ đợi một sự thay đổi từ FED và Chủ tịch cơ quan này Jerome Powell, cũng như dấu hiệu thể hiện FED sẵn sàng can dự để thúc đẩy nền kinh tế.
FED đã nâng lãi suất 9 lần trong 3 năm qua khi nền kinh tế phục hồi và giúp hàng triệu người dân Mỹ có việc làm trở lại. Các quan chức của FED nhiều lần nói rằng họ dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục đà tăng trưởng. Tuy nhiên, các chính sách thuế quan gây hấn của Tổng thống Trump đã làm lung lay niềm tin, giữa lúc một số ngân hàng trung ương đã bắt đầu nhận thấy không khí ảm đạm đang bao trùm.
Các quan chức FED đều có chung quan điểm rằng FED sẵn sàng chuyển hướng và bắt đầu cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Câu hỏi duy nhất là thời điểm nào. Ông James Bullard, Chủ tịch FED chi nhánh St Louis, là người đầu tiên đề cập vấn đề này khi nói hồi đầu tháng này rằng việc cắt giảm lãi suất có thể cần được thực hiện sớm. Chỉ vài ngày sau, chính Chủ tịch Powell đã để ngỏ khả năng hạ lãi suất khi tuyên bố FED sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để “duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế”.
Tổng thống Donald Trump ngày 18/6 cũng liên tiếp gia tăng áp lực chính trị và yêu cầu ngân hàng trung ương của Mỹ cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế. Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nói rằng bằng cách tăng lãi suất trong những năm gần đây, Fed đã từ chối xây dựng cho ông “một sân chơi bình đẳng” so với chính sách tiền tệ nới lỏng ở châu Âu.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng chỉ trích Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi, người trong cùng ngày đã phát đi tín hiệu về việc cắt giảm lãi suất tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Động thái này được cho là sẽ khiến đồng euro giảm giá so với đồng USD, giúp các nhà xuất khẩu châu Âu có ưu thế về giá hơn so với các công ty Mỹ.
Tổng thống Trump chỉ trích điều này là một cách thức để châu Âu giành được lợi thế so với Mỹ. (Nguồn: Thanh Tuấn/Báo Tin tức)
Cấu trúc sóng Elliott vẫn giữ nguyên với mục tiêu Dow Jones vượt 27,000, SP500 vượt 3,000
Trong ngắn hạn, SP500 đang diễn ra sóng c trong sóng D.