Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Còn Việt Nam sẽ xóa bỏ 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU vào Việt Nam.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
CƠ HỘI NÀO Ở NGÀNH DỆT MAY? (Nguồn: Facebook: Trung Kiên)
Mã cổ phiếu nào có thị phần xuất khẩu sang EU nhiều nhất: TNG
Biên lợi nhuận theo từng khâu trong lĩnh vực sản xuất dệt may
Kết quả kinh doanh quý 1 của 15 công ty dệt may trên sàn
GÓC NHÌN CỦA CHUYÊN GIA VỀ NGÀNH DỆT MAY
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc ký kết hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho nhiều ngành của Việt Nam, trong đó có dệt may.
Để hiểu rõ nhận định này, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã có một số trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus nhằm phân tích những cơ hội và thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam khi EVFTA được thực thi.
Tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may sang EU
– Ông nhìn nhận thế nào về kết quả xuất khẩu của ngành trong 6 tháng, trong đó riêng thị trường EU đã đạt kết quả gì nổi bật?
Ông Cao Hữu Hiếu: Thống kê 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam ước đạt 18,1 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, xuất khẩu đi Mỹ ước đạt 7,22 tỷ USD, tăng 11,7%; xuất khẩu đi EU đạt 2,56 tỷ USD, tăng 4,52%; đi Nhật Bản đạt 1,89 tỷ USD, tăng 5,20 %; đi Hàn Quốc đạt 1,63 tỷ USD, tăng 4,6 %; đi Trung Quốc đạt 2 tỷ USD, tăng 10,3%.
Có thể nói, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung căng thẳng và ngày càng leo thang gây khó khăn trở ngại cho cả chuỗi dệt may toàn cầu nói chung và dệt may Việt Nam nói riêng.
Ngoài ra, tình hình thị trường nguyên phụ liệu thế giới như bông, xơ, sợi vải diễn ra nhiều kịch bản khó lường. Ngành sợi của Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất khi có tới hơn 70% chủ yếu xuất khẩu tới Trung Quốc. Tuy nhiên ngành may vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều.
Kết quả chung theo đánh giá của tôi là xuất khẩu dệt may vẫn có thể tăng khá, tuy nhiên sẽ không tăng được như mức tăng trưởng 15,96% của năm ngoái, ước đạt kim ngạch cả năm 2019 đạt khoảng gần 39,8 tỷ USD, tăng 9,5% so với 2018.
– Kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 6 tháng đầu năm 2019:
– Thưa ông, với tình hình trên, doanh nghiệp dệt may Việt Nam kỳ vọng gì ở hiệp định EVFTA?
Ông Cao Hữu Hiếu: Sau khi EU và Việt Nam ký kết Hiệp định vào ngày 30/6, EVFTA cần được đệ trình để Nghị viện châu Âu thông qua. Sau bước này, thỏa thuận thương mại sẽ được Hội đồng châu Âu duyệt lần chót và kỳ vọng đến năm 2020 hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực.
Hiện nay, EU là thị trường tiềm năng đối với dệt may Việt Nam do kim ngạch nhập khẩu dệt may hàng năm toàn khối đạt 280 tỷ USD vào năm 2018, đồng thời cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất và chiếm hơn 35% tổng kim ngạch nhập khẩu toàn thế giới.
Tính theo các nhà cung cấp ngoại khối, Trung Quốc và Bangladesh hiện là hai nhà cung cấp lớn nhất đối với thị trường EU. Thị phần của Việt Nam rất nhỏ chỉ chiếm trên 2%, do đó phải khẳng định là thị trường EU còn nhiều đất để phát triển.
Tuy nhiên, với thị trường EU, từ trước tới nay sở dĩ ngành dệt may Việt Nam chưa tiến xa, tiến sâu được là do EU gồm 28 nước (nếu tính cả UK), mà mỗi nước lại có phong tục tập quán, đặc điểm tiêu thụ khác nhau, đơn hàng tại EU số lượng nhỏ so với các thị trường khác, nhiều mùa nên thay đổi mẫu mã liên tục… do đó doanh nghiệp mang tâm lý “ngại” các đơn hàng nhỏ lẻ.
Với động lực cắt giảm thuế quan, chúng tôi kỳ vọng ngành dệt may sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
– Một trong những điều kiện tiên quyết để được hưởng ưu đãi từ EVFTA là quy tắc xuất xứ. Vậy đến thời điểm này, các doanh nghiệp trong ngành, cụ thể là Vinatex đã chuẩn bị được những gì? Đâu là vấn đề còn tồn tại và giải pháp để giải quyết những tồn tại này, thưa ông?
Ông Cao Hữu Hiếu: Quy tắc xuất xứ trong hiệp định EVFTA “dễ thở” hơn so với quy tắc của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là CPTPP), đó là quy tắc từ vải trở đi, lại cho phép được cộng gộp nhập vải từ Hàn Quốc. Hiện tại Việt Nam nhập khẩu khoảng 14% vải từ Hàn Quốc.
Chính vì vậy, để chuẩn bị cho các Hiệp định thương mại tự do (FTA), từ lâu Vinatex đã thực hiện nhiều biện pháp về đầu tư và về phát triển thị trường, cũng như phổ biến kiến thức cho các doanh nghiệp để hiểu rõ về các Hiệp định, không chỉ riêng EVFTA.
Định hướng lâu dài là khuyến khích các doanh nghiệp trong tập đoàn thành lập các chuỗi liên kết từ nguyên phụ liệu, sử dụng sản phẩm theo chuỗi hướng tới mục tiêu cùng nâng cao chất lượng cũng như giá thành sản phẩm bán ra, thỏa mãn các yêu cầu về xuất xứ.
Ngoài ra, việc xuất khẩu theo hướng FOB, ODM chứ không giới hạn ở gia công cũng từ lâu là kim chỉ nam để doanh nghiệp hướng tới. Tuy nhiên, Tập đoàn đóng vai trò chỉ đạo các doanh nghiệp có tỷ lệ góp vốn nhiều, còn với doanh nghiệp có tỷ lệ góp vốn thấp, chúng tôi chỉ đóng vai trò định hướng.
Chuyển giao công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng nhân lực dệt may
– Với nguyên tắc win-win, theo ông làm thế nào để vừa thu hút được doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào ngành dệt may đồng thời doanh nghiệp nội vẫn thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này?
Ông Cao Hữu Hiếu: Từ trước tới nay, các nhà đầu tư vào ngành dệt may chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hongkong (Trung Quốc) do lợi thế về địa lý, nhân công, gần với phong tục tập quán và Việt Nam được coi như một địa điểm lý tưởng của các nhà đầu tư này vì lợi thế nhân công rẻ, giá điện giá nguyên liệu đầu vào tương đối rẻ.
Còn với doanh nghiệp châu Âu chúng tôi kỳ vọng vào việc phát triển theo hướng nhập khẩu máy móc, chuyển giao công nghệ do ngành dệt của châu Âu rất phát triển theo hướng hiện đại hóa.
Nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện tại, kỳ vọng sẽ ngày càng có nhiều hợp tác của doanh nghiệp châu Âu bắt tay với doanh nghiệp dệt nhuộm hoàn tất của Việt Nam.
Tuy vậy, đầu tư máy móc là một chuyện, đầu tư vào con người là một chuyện khác, nhiều khi đầu tư máy móc hiện đại nhưng nhân lực không đủ đáp ứng cũng là một vấn đề khó khác.
Do đó, chúng tôi cũng kỳ vọng là hai bên không chỉ hợp tác trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ hiện đại mà còn xây dựng được hệ thống kết nối trao đổi chuyên gia, tổ chức các khóa trang bị nâng cao kỹ năng kiến thức nguồn nhân lực.
Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Vinatex đang trao đổi với VietnamPlus. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
– Công nghệ 4.0 với ngành dệt may dự báo sẽ thay đổi như thế nào đối với sản xuất của toàn ngành trong thời gian tới? Hiện doanh nghiệp trong ngành đã thích ứng cũng như chủ động đón đầu công nghệ ra sao, thưa ông?
Ông Cao Hữu Hiếu: Tháng 4 và tháng 5/2019 vừa qua Tập đoàn Dệt may Việt nam, phối hợp với Viện Dệt May và các trường như Trường Đại học Công Nghiệp Dệt may Hà Nội, Đại học Bách Khoa để thực hiện một nghiên cứu cấp nhà nước mức độ chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0 của ngành dệt may, trong đó có phần đánh giá thực tại áp dụng của các doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát cho thấy có không ít doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn chưa rõ về 4.0 và không có nhiều chuẩn bị. Nhiều doanh nghiệp FDI lớn thì hiểu rõ hơn về 4.0 và họ có những bước chuẩn bị rất kỹ lưỡng về công nghệ các khâu tự động hóa, đầu tư phần mềm quản lý sản xuất, đầu tư nâng cao kỹ năng cho đội ngũ quản lý, đội ngũ nhân viên.
Đối với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, áp dụng được nhiều hơn trong ngành dệt nhất là ở khâu dệt nhuộm hoàn tất. Theo tôi đánh giá đây là tương lai mà ngành dệt may Việt Nam hướng tới.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng cần phải áp dụng, vì đi theo công nghệ mới là bài toán về vốn đầu tư, lao động, con người. Do đó cần phải thực cẩn thận cân nhắc mọi yếu tố vừa đảm bảo phát triển bền vững vừa không tụt hậu về mặt công nghệ so với các doanh nghiệp khác.
– Theo ông, cần chính sách gì cho ngành để bứt phá trong bối cảnh công nghệ 4.0 đang bùng nổ như hiện nay?
Ông Cao Hữu Hiếu: Một số lĩnh vực nổi bật áp dụng công nghệ 4,0 trong ngành dệt như là công nghệ tự động hóa, ứng dụng Big Data trong quản lý sản xuất, ứng dụng các phần mềm quản lý hiện đại như ERP…
Tuy nhiên ngoài vấn đề nguồn lực về vốn để trang bị những công nghệ này, nguồn lực về con người đặc biệt cần được chú trọng bởi hiện tại chất lượng nguồn nhân lực của ngành chưa đáp ứng và theo kịp trình độ phát triển của công nghệ.
Ở nhiều doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp FDI, lao động có trình độ lành nghề có thể dễ dàng vận hành được các công nghệ tiên tiến không nhiều, đội ngũ quản lý bậc trung cũng còn thiếu.
Về mặt chính sách tôi nghĩ cần khuyến khích và thành lập các viện, trường có các chương trình đào tạo theo sát nhu cầu sản xuất của các nhà máy, chú trọng đào tạo theo nhu cầu thực của doanh nghiệp chứ không lấy số lượng đào tạo tràn lan làm thành tích.
Một khi doanh nghiệp đã cần và cam kết đảm bảo đầu ra với cơ sở đào tạo, tôi tin sẽ giải quyết được phần nào vấn đề thiếu hụt nhân lực có trình độ cho ngành.
– Xin cảm ơn ông./.Đức Duy (Vietnam+)