Sáng hôm qua có hẹn với một anh đang làm ở CTCK. Bỗng dưng anh bảo muốn cafe cho vui. Đến mới biết, thì ra anh sắp nghỉ việc tại CTCK sau 10 năm gắn bó. Mặc dù là người có tên tuổi, lương bổng thuộc dạng cao ngất ngưỡng, nhưng anh vẫn muốn nghỉ sau khi cảm thấy môi trường làm việc mới (khi một Sếp mới về làm leader )không còn thoải mái và hợp gu như trước kia.
Bỗng dưng tôi nhớ lại câu chuyện của chính mình 7 năm về trước (năm 2012). Quả thực, trong chuyện công sở, được lòng sếp là một điều nếu bạn làm được thì nên làm. Bằng không, thiệt thòi thuộc về bạn. Tôi vẫn hay nói vui rằng: Trên đời này có 3 người luôn luôn đúng: (1) Bố mẹ bạn (cãi chỉ ăn roi); (2) thầy cô của bạn (cãi nhiều chỉ ăn trứng ngỗng) và (3) Sếp của bạn (cãi sếp chỉ có mất việc). Về sau, tôi có bổ sung thêm một người thứ tư (4): Vợ bạn (cãi vợ chỉ tổ thiệt thân). Tôi thì nếm đủ cả 4 thứ nên đâm ra triết lý.
Câu chuyện cự cãi với sếp lớn (Giám Đốc công ty) liên quan đến báo cáo phân tích PVX mà theo đó, tôi gần như nhất quyết không chịu thay đổi ý kiến của mình. Trong vai trò của một nhà phân tích đầu tư cho một CTCK, đây chỉ là một báo cáo nội bộ, lưu hành trong bộ phận đầu tư, không public ra ngoài thị trường, nhưng tôi luôn thấy phải làm đúng theo góc nhìn của một NHÀ ĐẦU TƯ.
Thời điểm thực hiện báo cáo là vào tháng 9/2012. Tôi có quyền chọn lựa bất cứ mã cổ phiếu nào trong danh mục đầu tư của CTCK để phân tích. Sau bao nhiêu năm thì mới nhận ra, có lẽ “ngu nhất” là chọn phân tích những con hàng quá phức tạp như PVX. Lẽ ra nên chọn những mã đơn giản hơn, thời gian hoàn thành nhanh và đỡ đau đầu.
PVX là một công ty lớn, cấu trúc phức tạp và để hoàn thành nó… cũng phải mất gần 2 tháng…với bản báo cáo chi tiết lên tới hơn 60 trang… và bản rút gọn để nộp sếp lên đến 20 trang.
Có những LUẬN ĐIỂM SAU MÀ TÔI NHẤT QUYẾT KHÔNG THAY ĐỔI SAU KHI TRANH LUẬN VỚI SẾP.
- ‘”NGHI NGỜ SỰ HỢP LÝ CỦA KẾT QUẢ KIỂM TOÁN”: Giám Đốc cho rằng: đối với một CTCK lớn trong nhóm Big 4, họ có đủ năng lực và trình độ, lý do, để đánh giá hợp lý danh mục đầu tư tài chính hơn nghìn tỷ của PVX dựa trên chế độ kế toán Việt Nam. Tôi thì nhất quyết phủ quyết ý kiến này của Giám Đốc. Dưới góc nhìn của nhà đầu tư giá trị (còn trích dẫn vài câu của Buffett trong cuốn sách kinh điển “PHÂN TÍCH CHỨNG KHOÁN” của Graham và câu chuyện Enron bên mỹ hay DVD (Dược Viễn Đông) ở Việt Nam để nhắc sếp phải thận trọng về ý kiến của kiểm toán), bạn không nên hoàn toàn tin tưởng vào ý kiến của kiểm toán viên. Đôi khi vô tình hoặc cố ý, kiểm toán viên cũng phớt lờ các lừa dối của doanh nghiệp. Trong trường hợp của PVX, một công ty con cưng của tập đoàn PVN hùng mạnh, là cánh tay đắc lực của bác Đinh La Thăng và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đang còn đương nhiệm lúc đó, có cho vàng công ty kiểm toán cũng không dám nói huỵch toẹt. (kiểu như nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục xxx)
Tôi cố gắng giải thích với giám đốc rằng, việc phân tích PVX cần thêm thời gian để thu thập thông tin, dữ liệu về hoạt động đầu tư tài chính của PVX. Danh mục đầu tư tài chính của PVX lúc đó tôi ước tính đã thua lỗ đến hơn 350 tỷ đồng nhưng kế toán chỉ trích lập có vỏn vẹn 27 tỷ đồng…Đó là một sai lệch quá lớn. BUFFETT LUÔN NHẮC NHỞ RẰNG: khoản mục đầu tư tài chính vào công ty con, công ty liên kết là mỏ vàng đối với một nhà đầu tư nếu biết khai thác. Nguyên tắc kế toán chỉ ghi nhận theo giá trị sổ sách và lãnh đạo luôn tìm mọi cách để che dấu sự bào mòn giá trị hoặc không muốn phản ánh giá trị tăng thêm của khoản đầu tư này.
Để có thể đánh giá chính xác danh mục này, tôi phải thu thập số liệu về các công ty đang hoạt động trên sàn niêm yết và OTC, đánh giá khả năng hoạt động và năng lực tài chính của từng công ty để kiểm tra mức độ chính xác của việc trích lập dự phòng.
Ngay cả các khoản phải thu của PVX cũng bị tôi đánh giá tiêu cực: KHÔNG THỂ THU HỒI dù kiểm toán không bình luận gì về vấn đề này.
2. VẤN ĐỀ CUNG CẦU CỦA CỔ PHIẾU, CƠ CẤU CỔ ĐÔNG.
Là một người vừa theo cả trường phái đầu tư Buffett lẫn CANSLIM vào lúc đó, tôi thấu hiểu các vấn đề cung cầu của cổ phiếu như chữ S và chữ I đến giá cổ phiếu. Sếp thì cho rằng: chỉ cần quan tâm đến giá trị doanh nghiệp thôi, không quan tâm đến yếu tố thị trường.
Đối với một cổ phiếu mà đến nhân viên của công ty cũng không thèm mua thì chỉ có nhà đầu tư “ngốc” mới đi mua. Ngay cả Buffett cũng giải thích: mức độ gắn bó của lãnh đạo và cán bộ công nhân viên cho biết thực trạng của doanh nghiệp.
Và tất nhiên, sếp cũng rất dị ứng với đồ thị giá
CHO ĐẾN BÂY GIỜ, THỈNH THOẢNG TÔI VẪN NHÌN LẠI LÝ DO MÌNH BỊ “SA THẢI”. ĐÓ LÀ THỨ TÔI KHÔNG ĐỀ CẬP VÌ CHÍNH THỨC TÔI TỰ NỘP ĐƠN XIN NGHỈ VIỆC. (HE HE, THÀ ĐI TRƯỚC CÒN HƠN).
Thực tế 5-7 năm sau đó, câu chuyện của PVX trở nên nát như tương. Có rất nhiều bài báo đã nói lên sự khó khăn trong việc thu hồi các khoản phải thu và sụt giảm giá trị các khoản đầu tư của PVX.
Đến thời điểm thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rơi chức và Đinh La Thăng dần sát tới vòng lao lý, chẳng còn ai có thể nâng đỡ PVX nữa, thì các khoản mục đầu tư và khoản phải thu của PVX sẽ bộc lộ thật sự, điều đáng ra phải được thể hiện ngay từ năm 2011-2012. Ngay nay, giá của PVX chỉ loanh quanh 1.x và trở thành Xác Sống trên bảng điện.
https://enternews.vn/pvx-con-co-hoi-hoi-sinh-127871.html
https://nhadautu.vn/co-dong-khon-don-voi-doanh-nghiep-lon-va-kem-minh-bach-nhu-pvx-d1665.html
Dù sao thì đó là một kỷ niệm một thời và có lẽ cái tính “cứng” của tôi cũng không bao giờ sửa nổi.