[Nhịp đập thị trường-11/3/2021] VN-index xuất hiện Gap up tăng điểm. Sóng ngành dầu khí, năng lượng lại tiếp tục sục sôi. Tiêu điểm -TV2

Chỉ số VN-Index tăng 0.99% với thanh khoản hôm nay đạt 586 triệu đơn vị, cao hơn so với phiên trước. Điệp khúc đơ sàn lại tiếp tục xảy ra trên HOSE vào gần 14h. Như đã đề cập ở các bài viết trước, sự cố nghẽn lệnh không phải là điều quá đỗi xa lạ đối với các nhà đầu tư ở Việt Nam, bây giờ các giao dịch chủ yếu đều được giao dịch vào sáng sớm. Mọi người thường nói vui với nhau rằng: “Nhớ đi chợ sớm để còn được mớ rau”, hàm ý ở đây nói về việc phải mua cổ phiếu sớm trước khi sự cố xảy ra. Dường như đã lâu lắm rồi chúng ta vẫn chưa được cảm giác tận hưởng phiên ATC trọn vẹn như thế nào. Thị trường tăng điểm hôm nay đa phần đều do các cổ phiếu có vốn hóa lớn kéo, đặc biệt dòng ngân hàng với sự góp mặt của những cái tên như BID (+3.1%), VPB (+4.2%), TCB (+2.2%), CTG (+1.7%),.. Dường như dòng tiền đã bắt đầu lan tỏa ra đều ở tất cả các ngành: Bank, BĐS, dầu khí, phân bón, dệt May, năng lượng,.. điều này càng minh chứng cho chúng ta thấy rằng việc chỉ số VN-Index breakout mẫu hình Cốc tay cầm, phá đi cái dớp 1200 điểm tiến với mục tiêu 1400 điểm là điều sớm muộn.

Thị trường vẫn đang ở trong xu hướng tăng với duy nhất 1 phiên phân phối. Xu hướng tăng càng được củng cố khi số lượng cổ phiếu nằm trên đường MA50 ngày đang chiếm tỷ số áp đảo so với số lượng cổ phiếu nằm dưới MA50 ngày, chứng tỏ độ rộng thị trường đang ủng hộ cho xu hướng tăng của chỉ số VN-Index

Chỉ số VN-index đang tiến tới khá gần điểm Pivot của mẫu hình Cốc tay cầm. Chỉ cần chỉ số Vn-index breakout vượt khỏi khu vực giá 1196.1 cùng với khối lượng lớn thì sẽ kích hoạt mạnh mẽ dòng tiền tham gia vào thị trường trong giai đoạn sắp tới. Nhưng một lần nữa, chúng tôi nhắc nhở trader tỉnh táo hơn bởi mẫu hình này đã trở nên rộng và lỏng hơn so với mẫu hình W hồi tháng 6-7 năm ngoái.

TIÊU ĐIỂM CỔ PHIẾU

TV2 – CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2

Theo hệ thống CANSLIM, TV2 hôm nay có điểm mua Pocket Pivot – điểm mua sớm bên trong Mẫu hình CUP. Thời gian hình thành mẫu hình là 7 tuần. Hiện tại TV2 đang ở nền giá số 1. Điểm pivot mẫu hình CUP là 59.5, chúng tôi sẽ mua bổ sung vị thế nếu TV2 breakout mẫu hình CUP vào ngày mai.

TV2 đáp ứng tiêu chí chữ C khi có 3 quý liên tiếp có tăng tốc trong tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, tạo nên CODE 33 của phù thủy Mark Minervini. Cụ thể, tăng trưởng doanh số các quý gần nhất lần lượt là -76%; +114% và +127%; Trong khi tăng trưởng lợi nhuận sau thuế lần lượt là -55%; +25%; +56%. Biên lợi nhuận gộp được mở rộng từ 7.6% kên 18.1%. Dữ liệu cho thấy biên lợi nhuận của TV2 biến động mạnh trong các quý gần đây.

Quý 4/2020 LNST đạt 116.5 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm 2020, TV2 ghi nhận doanh thu 3,346 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 262 tỷ đồng chỉ bằng xấp xỉ so với năm 2019. -> Trong mô hình CANSLIM chúng tôi quan trọng tiêu chí chữ C hơn là chữ A.

Tiêu chí SMR (Xếp hạng A, cao nhất)

  • ROE trên 25% (đỗ)
  • Biên lợi nhuận gộp năm 2020 mở rộng so với năm 2019 (đỗ)
  • Tăng trưởng doanh số đang giảm tốc (không đỗ)

 

Với tỷ lệ Free Float là 34.5%, chúng tôi đánh giá đây là mức thấp .

Nhìn vào hồ sơ cổ đông, nổi bật lên cái tên của Quỹ đầu tư PYN Elite Fund (một quỹ đầu tư dày dặn kinh nghiệm và am hiểu sâu về thị trường Việt Nam) là cổ đông lớn với tỷ lệ nắm giữ cổ phần lên tới 6.58%. Chú ý: PYN Elite Fund là một quỹ đầu tư kiếm được tỷ suất sinh lợi khá cao trong vòng vài năm qua khi đầu tư ở Việt Nam.

Lưu ý: trong tháng 12/2020 vừa qua, quỹ America LLC đã bán ra gần 200 ngàn cổ phiếu TV2.

CHẤT XÚC TÁC ĐẾN TỪ CÁC DỰ ÁN GỐI ĐẦU CỦA TV2

Trong năm 2021, TV2 đang cố gắng tập trung xây dựng đúng tiến độ và dự kiến đưa vào hoạt động dự án chiến lược Điện Gió Tân Thuận  vào quý 3.2021 để kịp ưu đãi điện gió ngoài khơi. Dự án này có công suất 75 MW và vốn đầu tư 2,900 tỷ đồng được khởi công từ năm 2019.

Từ 2020 đến 2023, TV2 sẽ có 3 dự án lớn lần lượt được đưa vào hạch toán đó là dự án Gió Thành, Quảng Trị 1 và dự án Long Sơn. Trong đó, triển vọng trước mắt là Gió Thành

(Nguồn: Nhóm phân tích Lãng Tử Buôn Nước Mắm)

Báo cáo tài chính quý 4/2020 cho thấy tồn kho giảm mạnh từ 560 tỷ đầu năm xuống còn 132 tỷ. Khả năng dự án Nhiệt Điện Vĩnh Tân 4 đã được nghiệm thu.

Dự án Gió Thành

Nhà máy Điện mặt trời Gió Thành gồm 02 nhà máy gồm: Nhà máy Điện mặt trời Gió Thành 1 (do Công ty cổ phần năng lượng Gió Thành làm chủ đầu tư) và  Nhà máy Điện mặt trời Gió Thành 2 (do Công ty cổ phần SECO làm chủ đầu tư) được xây dựng với quy mô mỗi nhà máy có công suất 50MWp gồm 07 trạm hợp có MBA 6.28MVA-23/0.8/0.8kV; 14 cụm Inverter công suất 2,975MW kèm trọn bộ thiết bị đóng cắt trung hạ thế; được kết nối với các ngăn lộ 22kV của TBA 110kV Gió Thành bằng cáp ngầm, toàn bộ công suất được chuyển tải qua trạm biến áp 110kV Gio Thành (gồm 01 xuất tuyến 110kV; 02 MBA 110/22kV-63MVA và 08 xuất tuyến 22kV). Dự án này đã được hoàn thành và đưa vào hoạt động vào cuối tháng 11/2020 giúp sớm bổ sung dòng tiền cho công ty .

Báo cáo tài chính năm 2020 cho thấy công ty có nhiều khoản phải thu và khoản phải trả liên quan đến dự án này.

(Nguồn: Nhóm phân tích Lãng Tử Buôn Nước Mắm)

 

Dự án Nhiệt Than Quảng Trị 1

Ngoài Gió Thành thì dự án Nhiệt điện than Quảng Trị 1 cũng là 1 dự án lớn của TV2. Dự án này được khởi công cuối năm 2019 với tổng mức đầu tư trên 55,000 tỷ đồng. Công trình có tổng công suất thô là 1,320 MW, gồm 2 tổ máy công suất 660MW/tổ. Dự kiến khi nhà máy này đi vào hoạt động sẽ mang lại thời gian phát điện 6,000h/năm, sản lượng điện sản xuất đạt 7.2 tỷ kwh/năm và doanh thu trước thuế ước tính đạt 12,500 tỷ/năm. Đây là dự án do Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan làm chủ, đầu tư theo hình thức BOT từ giữa năm 2013.

Tuy nhiên dự án này vẫn gặp vướng mắc bởi chủ thầu người Thái – EGATi chưa hoàn thành đàm phán hợp đồng BOT với Bộ Công thương, chưa thành lập Công ty BOT tại Quảng Trị cũng như chưa thống nhất giá bán điện. Nếu không đạt được thỏa thuận trong năm 2020 thì từ ngày 1/1/2021, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công ty (PPP) có hiệu lực, do đó việc đàm phán hợp đồng BOT phải thực hiện lại từ đầu. Tính đến thời điểm này đã sang năm 2021, chúng tôi cũng chưa nhận được thông tin gì về việc EGATi đã gỡ rối được hay chưa, nhưng nhiều khả năng sẽ phải đàm phán lại từ đầu dự án này.

Nếu như theo kế hoạch, dự án này sẽ vận hành giai đoạn 2023 – 2024 nhưng bởi nút thắt chưa thể tháo này thì có khả năng dự án sẽ bị chậm tiến độ ít nhất từ 1-2 năm theo đánh giá của chúng tôi. Mặc dù trong cuộc họp đại hội cổ đông 2020 vừa qua, ban lãnh đạo cho biết dự án Quảng Trị 1 vẫn đang được thi công nhưng chúng tôi hiện vẫn chưa nhìn thấy quá nhiều manh mối của dự án này trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Dự án Điện khí LNG Long Sơn

Khi dự án Quảng Trị 1 đang “đắp chiếu” chờ ngày khai thông thì TV2 đã có dự án gối đầu, đây có thể gọi là siêu dự án của TV2 trong giai đoạn tới đây. Dự án điện khí LNG Long Sơn là tổ hợp của 6 nhà đầu tư lớn trong ngành điện: GENCO3 – TTC – PACIFIC – PECC2 – MC – GE với mục đích xây dựng dự án trung tâm điện lực Long Sơn giai đoạn 1.

Theo báo cáo của tổ hợp 6 nhà đầu tư, dự án trung tâm Điện lực Long Sơn tại thành phố Vũng Tàu có diện tích 152ha, diện tích mặt nước 47.5ha với tổng mức đầu tư vào khoảng 3.78 tỷ USD. Quy mô dự án gồm xây dựng 1 nhà máy điện với tổng công suất 3,600 – 4,500MW với giai đoạn 1 là 1,200- 1,500 MW, 1 cảng đầu mối nhập LNG Long Sơn có công suất khoảng 3.5 – 4.4 triệu tấn/năm. Dự kiến, dự án này sẽ khởi công xây dựng vào Q4/2021 và đi vào hoạt động năm 2025. Theo ước tính, dự án này sẽ bổ sung khoảng 21 tỷ kwh điện/năm cho hệ thống điện quốc gia.

Bài viết được phân tích bởi 

ĐỖ QUỐC HUY

PHÓ BỘ PHẬN CHIẾN LƯỢC THỊ TRƯỜNG ELIBOOK & ADMIN KÊNH YOUTUBE TREND FOLLOWING

Trả lời