TIA SÁNG VÀO NGÀY CUỐI THÁNG 9 ĐEN TỐI. TRỜI THÁNG 10 CÓ SÁNG?

TTCK Việt Nam lọt Top 10 các thị trường tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới trong tháng 8, nhưng lại trở về nhóm đội sổ trong tháng 9, khi toàn bộ thành quả tháng 7 và 8 bị xóa sạch, tạo mức đáy thấp nhất năm 2022. Nhưng vào cái đêm 30 tối như mực, một tia sáng lóe lên mang lại một hy vọng cho tháng 10.

CON GẤU ĐANG TUNG HOÀNH TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN, NHƯNG HÃY CHÚ Ý NHỮNG DIỄN BIẾN TRÊN THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ.

Chỉ số VN-Index giảm đến 11.5% trong tháng 9, trở thành tháng 9 giảm tệ nhất từ năm 2008, thời điểm Đại Khủng Hoảng Nợ Dưới Chuẩn khi Lehman Brother sụp đổ, kéo theo chuỗi sụp đổ trong những tháng sau đó.

Những nhà đầu tư lâu năm sẽ nhớ về ký ức đau đớn của cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của thế kỷ 21 này và đó là lý do tại sao khi đứng trước một tháng 9 tệ hại như hiện nay, nỗi sợ hãi của nhà đầu tư tự động trỗi dậy. Họ lo sợ về một cuộc khủng hoảng tương tự.

Chỉ số VN-Index tạo đáy mới vào năm 2022 và chỉ số này đã giảm gần – 27% từ đỉnh tháng 4 năm nay, được đánh dấu rơi vào thị trường gấu. Trong lịch sử của TTCK Việt Nam, các mức giảm dưới 30%, phổ biến ở mức 22%-26% là các con gấu trên thị trường chứng khoán mà không có sự suy thoái của nền kinh tế.

Ngoại trừ trường hợp đặc biệt Covid 2020 do vấn đề dịch bệnh, thì thị trường con gấu năm 2018, từ đỉnh tháng 4/2018 đế đáy tháng 1/2019, chỉ số VN-Index giảm -28% nhưng không có suy thoái kinh tế nào cả. Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2018 vẫn duy trì mức tăng trưởng 7.08%, cao hơn mức 6.81% của năm 2017 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đến năm 2019 với 7.02%.

Những số liệu kinh tế quý 3 cho thấy tranh khá tươi sáng của nền kinh tế sau thời kỳ dịch bệnh. Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 8.83% trong 9 tháng đầu năm, cao nhất trong vòng 1 thập kỷ qua. Dự báo năm nay cũng sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trên 8%, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Các số liệu khác cũng cho thấy sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô như xuất siêu hơn 6.5 tỷ đôla, lạm phát CPI 9 tháng chỉ tăng 2.37% là một thành công trong bối cảnh cơn bão lạm phát đang quét qua toàn cầu.

Nói cách khác, mức sụt giảm -27% của TTCK Việt Nam diễn ra trong bối cảnh chưa hề có cuộc suy thoái kinh tế nào ở Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Vậy tại sao trong khi nền kinh tế đẹp như năm 2022 nhưng TTCK lại tệ hại đến vậy, trong khi tăng trưởng kinh tế èo uột của năm 2020-2021 thì bức tranh của chứng khoán lại rực rỡ?

Giáo sư kinh tế Paul Krugman khi nói về việc dự báo TTCK thì hãy nhớ rằng “Một là, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế. Hai là, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế. Ba là, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế.”

Thị trường chứng khoán là một cỗ máy chiết khấu, nơi các nhà đầu tư phản ưng với những triển vọng trong tương lai. Thị trường chứng khoán có tính đầu cơ cao và phụ thuộc rất nhiều vào dòng tiền, vốn được kiểm soát bởi các ngân hàng trung ương.

Ngay cả khi định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam được cho là rẻ thì hãy nhớ rằng, “không phải định giá hay lợi nhuận sẽ làm cho giá cổ phiếu dịch chuyển mà chính dòng tiền làm chuyện đó”.

Diễn biến của TTCK Việt Nam trong vài năm qua đã cho thấy tính đầu cơ cao bởi các nhà đầu tư cá nhân. Trong dịch bệnh, dòng tiền đầu cơ đã đổ vào TTCK vì yếu tố tiền rẻ và là kênh đầu tư khả dĩ nhất trong bối cảnh dịch bệnh. Lượng tài khoản mở mới, sự mua ròng của nhà đầu tư cá nhân giúp TTCK Việt Nam đi lên. Nhưng dòng tiền này rất dễ tổn thương bởi các chính sách vĩ mô như lạm phát và lãi suất, và sự đảo ngược đã diễn ra. Các nhà đầu tư các nhân đã rút ròng một lượng lớn tiền từ tháng 4 cho đến tháng 8 năm nay.

Khi thủy triều tiền rẻ rút đi, dòng tiền tổ chức cá nhân cũng không đỡ nỗi trước áp lực bán của thị trường.

Vào tuần cuối của tháng 9, động thái tăng lãi suất của SBV (NHNN Việt Nam) tạo ra cú đạp bán tháo khiến VN-Index giảm -5.91%. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Việt Nam đã chạm ngưỡng tâm lý 5%, như hồi năm 2018. Tỷ giá USD/VND đã có lúc chạm tới con số 24,000 trên bảng yết giá của các ngân hàng thương mại. VND đã mất giá gần 4.5% từ đầu năm cho tới nay, cao hơn mức mất giá 2.7% của năm 2018 và chỉ gần sát mức mất giá gần 5% hồi năm 2016 khi đồng NDT phá giá vào năm đó tạo nên một cuộc khủng hoảng tài chính.

Vào lúc này, những áp lực căng thẳng trên thị trường tiền tệ như lãi suất-tỷ giá là nguyên nhân khiến nhà đầu tư chứng khoán sợ hãi và chiết khấu viễn cảnh suy thoái kinh tế vào thị trường chứng khoán.

Trên kênh Youtube, chúng tôi chia sẻ kịch bản khả năng đồng USD đạt đỉnh và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ có thể sụt giảm trong thời gian tới khi mà các quốc gia khác đang can thiệp để chống chảy ngược dòng vốn về Mỹ. Nó cũng có thể hàm ý FED sẽ suy nghĩ lại về kế hoạch tăng lãi suất mạnh bạo của mình. Lịch sử năm 2018 đã cho thấy, TTCK Việt Nam và thế giới chỉ tăng trưởng trở lại sau khi FED thông báo ngừng tăng lãi suất.
Xem chi tiết tại kênh Youtube: 

TRIỂN VỌNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN THÁNG 10.

Câu hỏi mà nhà đầu tư quan tâm là liệu tháng 10 có hy vọng nào sự đảo ngược tình thế khó khăn hiện nay hay không. Một tia sáng đã lóe lên vào ngày giao dịch cuối cùng của tháng 9. Chỉ số VN-Index từ mức giảm sâu bỗng kéo xanh vào phiên chiều, đóng cửa tăng +0.54%, với thanh khoản cao hơn phiên trước và cao hơn cả thanh khoản bình quân.

Một cuộc khởi nghĩa vào cuối tuần mang đến tia hy vọng cho tháng 10. Theo góc nhìn CANSLIM, thì đây chính là ngày 1 của Đợt Nỗ Lực Hồi Phục. Các nhà đầu tư cần tìm kiếm ngày FTD (Bùng Nổ Theo Đà) xuất hiện sau ngày 4 của đợt nỗ lực hồi phục để đưa thị trường quay trở lại xu hướng tăng. Tuy nhiên, ngay cả khi ngày FTD xuất hiện thì vẫn có dấu hỏi cho sự hồi phục hiện tại?

Số lượng các cổ phiếu nằm trên MA200 ngày năm nay đang quay trở về gần mức đáy Covid năm 2020. Phần lớn các cổ phiếu cũng đã mất mốc MA50 ngày khiến nền giá bị hỏng. Sẽ cần nhiều thời gian để sửa chữa lại nền giá.

Vậy thì những leader nào có thể trỗi dậy vào lúc này? Bối cảnh thị trường năm 2018 là một gợi ý cho nhà đầu tư hiện tại. Trên kênh Youtube, Team NĐT CANSLIM đã phân tích sự tương đồng về bối cảnh tiền tệ, kinh tế và diễn biến của TTCK năm 2018 và năm 2022. Đây là một kịch bản được chúng tôi nhận định từ tháng 5/2022 rằng thị trường chứng khoán khó lặp lại kịch bản uptrend mạnh như thời 2020-2021 mà sẽ đi vào giai đoạn biến động trong biên độ rộng (Swing Trade) giống như hồi năm 2018 và kéo dài sang cả năm 2019.

Trong bối cảnh đó, chiến lược đánh breakout của CANSLIM từ các nền giá bị hạn chế tính hiệu quả. Không có phương pháp giao dịch nào có thể hoạt động tốt ở mọi điều kiện thị trường và đòi hỏi trader phải có sự tinh chỉnh cho sự phù hợp. Đây không còn là môi trường thuận lợi cho chiến lược đánh breakout như 2020-2021, nơi mà dòng tiền rẻ giúp cổ phiếu lần lượt phá đỉnh này đến đỉnh khác. Bây giờ là một thế khó được tạo ra từ thị trường tiền tệ nơi mà lãi suất được nâng dần lên. Kịch Bản Sideway trong biên độ rộng như 2018-2019 đang có khả năng lặp lại. Lúc này, trader nên tìm mua các điểm ở sâu bên trong nền giá, hoặc tìm mua cổ phiếu tại các điểm hỗ trợ mạnh và quan sát vùng kháng cự để chốt lời.

Trong ngôn ngữ của Wyckoff, thì các điểm mua ở pha C với các sự kiện như Spring hay Shakeout, hoặc mua ở các LPS ở pha D, sẽ phù hợp hơn, rồi sau đó chọn chốt lãi khi giá kéo về vùng kháng cự phía trên của kênh giá hoặc khung giá.

Chỉ số VN-Index đang có khả năng tạo ra Spring loại 2, một sự kiện rũ bỏ ở pha C, như thể hiện trên hình vẽ. Theo đó, Spring loại 2 thường không giảm quá sâu so với đường dưới của kênh giá hoặc ST trước đó, và có biên độ giá rộng đi kèm khối lượng lớn.

Ở Pha C, sẽ có nhiều lần test lại sự kiện kiện Spring này. Vì vậy, ngay trong kịch bản lạc quan nhất là chỉ số VN-Index tạo đáy vào ngày thứ sáu và bắt đầu nỗ lực hồi phục thì cũng không phải sự tăng vọt ngay lập tức. Giá sẽ cần kiểm tra lại lực cung có còn hay không sau sự kiện Spring loại 2.

Nhưng vẫn không thể loại bỏ các kịch bản khác. Nếu đáy của ngày thứ 6 không được giữ, tức chúng ta tiếp tục tìm kiếm đáy mới và đợt nỗ lực hồi phục mới. Lúc này có thể là một Spring loại 1, tức cú rũ bỏ sâu.

Quan điểm của Team NĐT CANSLIM hy vọng vào kịch bản loại 2 vì hiện giá đang cách đường MA200 ngày khoảng 18%. Tại các đáy tháng 5 và tháng 7, chỉ số VN-Index cũng từng có đợt hồi phục khi nằm dưới 18% so với MA200 ngày.

CỔ PHIẾU CẦN QUAN SÁT

 Team NĐT CANSLIM gợi ý 4 nhóm ngành cần quan sát (1) BĐS KCN +Đầu tư công; (2) Công Nghệ và (3) Bán Lẻ; (4)Dầu khí trong bối cảnh hiện tại.

  • THAM GIA TEAM NĐT CANSLIM ĐỂ ĐỌC CHI TIẾT BÁO CÁO PHÂN TÍCH

Trả lời