Trên sàn Hose chỉ ghi nhận giá trị giao dịch hơn 8,300 tỷ trong phiên giao dịch hôm nay. Mức thấp kỷ lục trong ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh. Tuy nhiên, đây là sự kiện kiểm tra nguồn cung và thanh khoản thấp cho thấy lực cung không còn nhiều.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN HÔM NAY
Tỷ giá USD trên thị trường tự do đã chạm mức 25,000 sau động thái nới biên độ tỷ giá của SBV. Sức nóng của tỷ giá khiến nhà đầu tư chứng khoán lo ngại. Áp lực giảm giá xuất hiện ngay đầu phiên, nhưng sau đó được thu hẹp lại vào phiên chiều. Chốt phiên, chỉ số VN-Index chỉ giảm -0.15% với thanh khoản thấp kỷ lục.
Biên độ dao động giá tiếp tục hẹp, chưa tới 10 điểm và chỉ số VN-Index đóng cửa ở nửa trên khung giá ngày. Sau khi quay trở lại lấp khoảng trống giảm giá vào thứ sáu tuần trước bởi sự kiện Vạn Thịnh Phát, thị trường đang kiểm tra lại nguồn cung gây ra bởi sự kiện mang tính rũ bỏ này.
Vì thế, nhà đầu tư không nên quá lo ngại về việc thanh khoản thấp. Khối lượng cần đặt trong bối cảnh hành động giá để phân tích. Giá điều chỉnh giảm, trong biên độ hẹp, thanh khoản thấp là quá trình điều chỉnh mang tính kiến tạo để kiểm tra nguồn cung.
Mặc dù lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vượt mức đỉnh 14 năm, hơn 4.1% trong ngày hôm qua, nhưng lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Việt Nam vẫn đi ngang ở mức 5.05%.
Việt Nam không thể giải bài toán tỷ giá mà điều đó phụ thuộc vào chỉ số USD Index. Hiện USD Index đã giảm trở lại mức 112 điểm và vẫn nằm trên MA20 ngày. Chúng tôi kỳ vọng đồng USD Index hạ nhiệt trong thời gian tới để giúp Việt Nam giảm bớt sức ép tỷ giá.
Nhóm cổ phiếu bất động sản gần như không có cơ hội hồi phục nào trong ngày hôm nay. Trong khi đó, các cổ phiếu dầu khí như PVD +0.2% và PVS +0.4% trụ khá tốt trước áp lực giảm giá của thị trường chung.
Tổng Thống Biden tung ra 15 triệu thùng dầu trong Quỹ Dự Trữ Chiến Lược nhưng vẫn không làm cho giá dầu hạ nhiệt. Giá dầu WTI tăng hơn 3% lên mức trên 84 USD/thùng. Kho dự trữ dầu của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1984 và đã giảm -25% trong năm nay. Quỹ dự trữ càng thấp, Mỹ càng có ít công cụ để kiểm soát giá dầu, nhất là sau động thái OPEC+ cắt giảm 2 triệu thùng/ngày.
Ở phía tăng giá, ngoài FPT, REE +1.5% và giành lại MA50 ngày cũng là một đầu kéo của thị trường. REE vẫn chưa công bố báo cáo lợi nhuận quý 3. Ở quý 1, lợi nhuận tích cực nhờ mảng thủy điện (sau khi hợp nhất VSH) đã giúp công ty có cú tăng giá mạnh. Tuy nhiên, lợi nhuận quý 2 dù tăng khá tốt +55% yoy nhưng vẫn không làm cho cổ phiếu tăng giá vì xu hướng giảm giá của thị trường chung.
REE phiên hôm nay giành lại MA50 ngày là một dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, REE đang đối diện với khoảng trống giảm giá phá thủng MA50 ngày vào hồi tháng 9 tạo nên sự kháng cự đối với sự tăng giá của REE.
Ở phía giảm giá, HPG – 1.63% và TCB –2.38% là những cái tên quen thuộc kéo thị trường đi xuống.
Chỉ số VN-Index bước vào ngày 7 của đợt nỗ lực hồi phục nhưng vẫn chưa có ngày FTD (Bùng Nổ Theo Đà) xuất hiện. Ngày FTD nếu xuất hiện muộn thì tối đa nên đến ngày thứ 10 hoặc 11 của đợt nỗ lực hồi phục. Mức tăng giá tối thiểu cho ngày FTD được kỳ vọng là tối thiểu 2.5%. Việc VN-Index vẫn còn nằm dưới EMA 21 ngày thì triển vọng thi trường vẫn chưa có gì là sáng sủa.
Chúng tôi cho rằng, thị trường đang trở về lượng “tiền thịt’ vốn có của nó nên các áp lực bán tháo khó xuất hiện như hồi tháng 9.
CỔ PHIẾU FPT GÁNH THỊ TRƯỜNG
FPT công bố quý 3 đạt tăng trưởng doanh thu +24% yoy nhờ tăng trưởng của mảng công nghệ. Trong khi đó , tăng trưởng lợi nhuận quý 3 đạt +23.8% yoy. Giá cổ phiếu FPT tăng +3% sau khi công bố thông tin, dù kết quả này vừa khớp với kỳ vọng được dự đoán của thị trường. Thanh khoản tăng cùng với giá là một dấu hiệu tốt.
Đây là ngày thứ hai liên tiếp, FPT đảm nhân trọng trách kéo thị trường.
Cổ phiếu FPT chỉ giảm -26% từ đỉnh kép tháng 4 và tháng 6, nằm trong nhóm cổ phiếu có mức giảm thấp nhất trong thị trường con gấu. FPT đang cố gắng tăng trưởng trở lại và đang bị kiểm tra bởi MA20 ngày. Cổ phiếu nằm thấp hơn MA50 ngày lẫn MA50 ngày. Team NĐT CANSLIM theo dõi khả năng xuất hiện mẫu hình Hai Đáy của cổ phiếu này, nhưng để nền giá này xuất hiện, FPT nên giành lại MA50 ngày.
FPT có vốn hóa hơn 3.5 tỷ đôla, nằm trong Top các cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường. Công ty được đánh giá có nhiều con hào kinh tế (economic moat) để trở thành một công ty công nghệ hàng đầu của Việt Nam. Đối với các công ty có vốn hóa lớn, nên lựa chọn mua sớm trong nền giá khi thị trường mới thoát khỏi thị trường con gấu hoặc một điều chỉnh sâu. Xem thêm bình luận về FPT tại đây:
THỦY SẢN KHÓ KHỞI SẮC
VHC vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 3 nhưng đã rò rĩ dữ liệu của tháng 9. Trong tháng 9/2022, doanh thu của VHC đã tăng lên 917 tỷ đồng (+35% n/n), tăng trưởng ở hầu hết tất cả các mảng kinh doanh. Doanh thu từ sản phẩm cá tra tăng 15% n/n đạt 550 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu (khoảng 59%), chủ yếu do (1) doanh thu của tháng 9/2021 ở mức thấp và (2) giá bán bình quân tăng trong giai đoạn 9T22.
Theo thống kê của cục Hải Quan, xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong tháng 9 đạt 164 triệu đôla, tăng 200% yoy. Lũy kế 9 tháng đạt gần 2 tỷ đôla, tăng 83% yoy. Dấu hiệu đáng lo ngại là kim ngạch xuất khẩu tháng 9 giảm 15% so với tháng 8. Dự kiến, các đơn hàng dự kiến sẽ nhích lên trong tháng 10 nhưng khả năng nửa sau năm 2022 khó đột biến lợi nhuận như nửa đầu năm.
Điểm yếu của mảng thủy sản, trong đó có cá tra hiện nay là thiếu hụt nguồn cung. Mặc dù giá cá nguyên liệu đã trở về mức trên 30,000 đồng/kg, gần với đỉnh 35,000 đồng/kg nhưng người dân chưa tích cực thả nuôi cho chi phí đầu vào tăng làm giảm lợi nhuận. Nếu năm trước còn lãi 7,000 đồng/kg thì bão chi phí năm nay có khả năng chỉ hòa vốn. VHC cùng nhiều doanh nghiệp thủy sản khác không còn nhiều tồn kho để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.
Các CTCK kỳ vọng lợi nhuận của VHC đã đạt đỉnh vào quý 2.2022 (tốc độ tăng trưởng hơn 200% yoy), mặc dù vẫn có tăng trưởng trong nửa sau năm 2022 nhưng sẽ chậm hơn. Cổ phiếu VHC đã giảm -44% từ đỉnh, và nằm dưới MA50 ngày lẫn MA200 ngày.
Định giá của VHC ở mức hơn 610 triệu đôla có thể khá hợp lý ở thời điểm hiện tại. Nếu doanh nghiệp chưa thể đột biến lợi nhuận trong tương lai gần, khó có sóng thủy sản trong giai đoạn cuối năm.
ĐẦU TƯ CÔNG VẪN YẾU
Theo dữ liệu của Fiin Trader, công ty Vinaconex (mã VCG) dự báo có lợi nhuận quý 3 đạt 250 tỷ, tăng 132% yoy. Lũy kế lợi nhuận 9 tháng 1200 tỷ, tăng 236% yoy. Năm 2022. VCG đưa ra kế hoạch lợi nhuận 1400 tỷ đồng. Như vậy, VCG đang tiến sát kế hoạch lợi nhuận năm.
VCG tuy là một công ty xây dựng có doanh thu lớn từ mảng xây dựng nhưng trụ cột lợi nhuận đến từ chuyển nhượng bất động sản. Năm 2022, công ty có kế hoạch mở bán chung cư cao cấp Green Diamond tại 93 Láng Hạ và chuyển nhượng đất nền tại dự án Vinaconex Hải Yên, Móng Cái (Hải Phát Land là đơn vị phân phối), và 99 căn biệt thự tại dự án Cát Bà Amanita.
VCG có quy mô tài sản hơn 1 tỷ đôla nhưng vốn hóa chưa tới 400 triệu đôla. Chỉ số P/B hiện ở mức 0.88 lần. Công ty có quỹ đất hơn 2000 ha và đã thay máu cổ đông từ năm 2020. Theo đó, ông Đào Ngọc Thanh đang là người chủ chính của công ty.
Trong ngành, C4G công bố lợi nhuận quý 3 đạt 25 tỷ, tăng 140% yoy. Lũy kế 9 tháng đạt mức lợi nhuận 110 tỷ, tăng 117%. C4G vẫn cách xa kế hoạch lợi nhuận năm nay 300 tỷ đồng.
Điểm chung của các công ty xây dựng là chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng đang làm bào mòn biên lợi nhuận. Thu nhập của các công ty này giờ đây chủ yếu trong mong vào chuyển nhượng dự án bất động sản.
VCG giảm -4% và C4G giảm -2.9% trong phiên hôm nay. Cả hai cổ phiếu vẫn còn nằm dưới EMA 21 ngày.
Đầu tư công trong 9 tháng đầu năm đạt 46.7% kế hoạch cả năm, rất chậm và không đảm bảo đúng yêu cầu đề ra. Nếu tăng tốc trong 3 tháng cuối năm là một hy vọng cho nhóm ngành đầu tư công, nhưng điều này vốn không có gì đảm bảo trong bối cảnh “đốt lò”, sợ không dám làm.
Theo CTCK KB (Hàn Quốc), tiến độ các dự án cao tốc Bắc-Nam rất chậm. Các dự án “tốt nhất” cũng chỉ mới hoàn thành 60% kế hoạch.
- còn tiếp. Tham gia Team NĐT CANSLIM qua zalo 0977.697.420 để đọc chi tiết báo cáo.