15 CHƯỚNG NGẠI TRÊN ĐƯỜNG ĐẾN “NIẾT BÀN”CỦA NHÀ GIAO DỊCH

Danh sách 15 chướng ngại để đạt được “Tư Duy của Nhà Giao Dịch” này hữu ích như một tài liệu tham khảo trong việc khắc phục các biến cố.  Hãy xem lại danh sách này mỗi khi bạn đang gặp phải đợt drawdown, và tìm hiểu xem liệu có thói quen xấu cũ nào xuất hiện trở lại không, hoặc có thể đó là một trở ngại mới hình thành mà bạn chưa từng trải qua trước đây. Sau đó, rà xem “chúng có nằm trong danh sách chướng ngại hay không”, và sử dụng danh sách này nhằm xác định các phương pháp cần được thực hiện để kéo bản thân thoát khỏi tình trạng sa sút về thành tích đầu tư.

Danh sách này không phải là tất cả. Bạn có thể gặp phải cùng lúc nhiều vấn đề mà chúng tôi liệt kê ngay sau đây hoặc một trở ngại mới không hề có trong danh sách này. Nếu đúng như vậy, hãy ghi chú lại trong phần “Những Trở Ngại Cá Nhân” để bạn có thể chẩn đoán và tìm ra giải pháp của riêng mình.

  1. Sợ bị dính lệnh dừng lỗ hoặc sợ bị thua lỗ. Lý do thông thường cho điều này là nhà giao dịch sợ thất bại và họ cảm thấy không thể chịu thêm một khoản lỗ nào nữa. Bản ngã của nhà giao dịch đang bị đe dọa.
  2. Thoát khỏi giao dịch quá sớm. Sự lo lắng cần được giải tỏa bằng cách đóng một vị thế. Nguyên nhân của sự căng thẳng này là sợ vị thế bị đảo chiều và đánh mất lợi nhuận. Nhà giao dịch có nhu cầu cần được thoả mãn sự hài lòng ngay lập tức.
  3. Mong ước và hy vọng. Nhà giao dịch không muốn kiểm soát hoặc chịu trách nhiệm về giao dịch. Nhà giao dịch không có khả năng chấp nhận thực tế hiện tại của thị trường.
  4. Giận dữ sau một giao dịch thua lỗ. Có cảm giác mình là nạn nhân của thị trường. Những kỳ vọng không thực tế dẫn đến việc quan tâm quá nhiều đến một giao dịch cụ thể. Ràng buộc giá trị bản thân vào thành công của bạn trên thị trường, hoặc cần sự chấp thuận của thị trường sẽ dẫn đến thua lỗ.
  5. Giao dịch với số tiền mà bạn không thể chấp nhận thua lỗ hoặc giao dịch bằng tiền vay. Thật tuyệt vọng khi xem giao dịch là cơ hội cuối cùng để tìm kiếm sự thành công. Các nhà giao dịch rơi vào cái bẫy này khi họ đang cố gắng thành công ở một cái gì đó hoặc sợ đánh mất cơ hội. Các nguyên nhân khác là thiếu kỷ luật và lòng tham.
  6. Thêm vào một vị thế thua cuộc (trung bình giá xuống – càng giảm càng mua thêm). Nhà giao dịch không muốn thừa nhận giao dịch là sai và hy vọng nó sẽ quay trở lại. Bản ngã của nhà giao dịch đang bị đe dọa.
  7. Cảm thấy buộc phải giao dịch. Một nhà giao dịch có thể bị cuốn vào sự sôi động của thị trường. Nghiện giao dịch và thích đánh bạc là một thực tế lúc này. Họ gặp khó khăn khi không được giao dịch, chẳng hạn như vào cuối tuần – họ bị ám ảnh bởi việc phải giao dịch trên thị trường.
  8. Niềm vui sướng tột độ sau một giao dịch thắng lợi. Ràng buộc giá trị bản thân vào thị trường. Nhà giao dịch cảm thấy “kiểm soát” thị trường một cách phi thực tế.
  9. Lợi nhuận của tài khoản giao dịch trở nên èo uột hoặc kém đi. Trong tình huống này, một nhà giao dịch có thể cảm thấy họ không xứng đáng có được thành công, tức không thể kiếm được tiền hay lợi nhuận. Thông thường, điều này liên quan đến các vấn đề tâm lý như lòng tự trọng thấp (không thừa nhận sai lầm).
  10. Không tuân theo hệ thống giao dịch của bản thân. Nhà giao dịch không tin rằng nó thực sự hoạt động hoặc không thể kiếm được tiền. Có thể nó không phù hợp với tính cách của bạn. Có thể bạn muốn có nhiều hứng thú hơn trong giao dịch của mình. Hoặc có thể bạn không tin tưởng vào khả năng của chính mình trong việc chọn một hệ thống thành công.
  11. Suy nghĩ quá nhiều về giao dịchlần thứ hai thích dự đoán các giao dịch. Sợ thua lỗ hoặc sợ phạm phải sai lầm có thể làm tê liệt nhà giao dịch. Tính cách cầu toàn có thể tạo ra vấn đề này. Nguyên nhân bao gồm mong muốn một điều chắc chắn, mà những thứ chắc chắn vốn dĩ không hề tồn tại trong giao dịch; không hiểu rằng thua lỗ là một phần của giao dịch và kết quả của mỗi giao dịch là không xác định; không chấp nhận rủi ro trong giao dịch; và không chấp nhận điều chưa biết.
  12. Không giao dịch đúng quy mô vị thế giao dịch. Mơ mộng rằng giao dịch sẽ chỉ có lãi. Nhà giao dịch có thể không nhận thức đầy đủ về rủi ro và không hiểu tầm quan trọng của việc quản trị tiền. Nhà giao dịch từ chối chịu trách nhiệm quản trị rủi ro hoặc quá lười biếng trong việc tính toán quy mô vị thế giao dịch thích hợp.
  13. Giao dịch quá nhiều. Nhà giao dịch cảm thấy cần phải chinh phục thị trường. Nguyên nhân bao gồm lòng tham và cố gắng gỡ lại một khoản lỗ trước đó. Sự phấn khích khi giao dịch cũng tương tự như buộc phải giao dịch, tức vấn đề số 7.
  14. Sợ đánh đổi. Không có hệ thống và kế hoạch nào cho các giao dịch. Nhà giao dịch cảm thấy bất an với rủi ro và những điều chưa biết. Nhà giao dịch sợ bị thua lỗ sạch vốn hoặc bị chế giễu. Nhà giao dịch có nhu cầu kiểm soát thị trường. Chẳng hề có chút tự tin nào đối với hệ thống giao dịch và bản thân.
  15. Cáu gắt sau ngày giao dịch. Nhà giao dịch đang ở trên một con tàu lượn đầy cảm xúc do tức giận, sợ hãi hoặc tham lam. Trong khi quá quan tâm vào sự kết quả thành bại của giao dịch, họ lại không tập trung vào quá trình và học hỏi các kỹ năng giao dịch. Nhà giao dịch bị dính mắc quá nhiều về vấn đề tiền bạc thường có kỳ vọng giao dịch không thực tế.

Khi một trong các mục trong danh sách này xảy ra, hãy cô lập và loại bỏ nó càng sớm càng tốt. Đôi khi, các vấn đề sẽ phát sinh mà bạn chưa từng gặp phải, thường là trong giai đoạn phát triển khi bạn đang thử nghiệm một phương pháp giao dịch mới. Xác định vấn đề, thừa nhận và điều chỉnh. Nhận thức về bản thân là chìa khóa và sẽ giúp bạn có thể duy trì lợi nhuận.

SOI MÌNH QUA CHIẾC GƯƠNG TRÊN TƯỜNG

Hãy nhìn vào gương và xem liệu bạn có đang gặp phải bất kỳ vấn đề nào trong số 15 vấn đề huỷ hoại tâm lý giao dịch mà chúng tôi đã liệt kê hay không. Bài tập này tương tự như việc xác định điểm mạnh và điểm yếu của bạn (trong Chương 3). Nó được thiết kế để giúp bạn hiểu rõ bản thân mình hiện giờ đang ở đâu và cách giải quyết một số vấn đề tiêu cực hiện nay.

Có một số vấn đề được liệt kê ở trên sẽ liên quan trực tiếp đến việc thiết kế hệ thống quản trị tiền của bạn. Ví dụ: nếu bạn gặp khó khăn với vấn đề số 12, tức không giao dịch đúng quy mô vị thế giao dịch hợp lý, bạn sẽ có thể xử lý vấn đề này khi chúng ta đi đến Chương 10.

Hãy ghi lại những vấn đề hiện bạn đang gặp phải, và lật trở lại phần này sau khi bạn đã hoàn thành kế hoạch quản trị tiền của mình, để xem liệu một số vấn đề này có thể tự khắc phục được hay không.

Cuối cùng, danh sách 15 vấn đề tâm lý kể trên đều sẽ là những chướng ngại để có được Tư Duy của Nhà Giao Dịch. Vì thế, cuối cùng thì bạn cũng phải giải quyết tất cả các vấn đề mà bạn đang đối diện. Khi bạn vượt qua từng vấn đề, bạn sẽ tiến gần hơn một bước đến trạng thái niết bàn (nirvana)- hay còn gọi là “Tư Duy của Nhà Giao Dịch”.

NIẾT BÀN LÀ TRẠNG THÁI MÀ BẠN MUỐN HƯỚNG TỚI

“Niết bàn” là một trạng thái an lạc và hạnh phúc tuyệt vời. Hãy lấy nó làm mục tiêu của bạn và nó sẽ trở thành hiện thực đối với bạn. Về bản chất, một khi đạt được “Tư Duy của Nhà Giao Dịch”, chính là bạn đang đến mảnh đất của sự sinh lời, bình yên và hạnh phúc. Chỉ cần thực hiện hành động ghi lại những gì đang là chướng ngại của bạn ngay lúc này, nó sẽ giúp bạn tiến gần hơn một bước đến niết bàn.

Nguồn: Sách “quản trị tiền cho nhà đầu tư” sắp phát hành vào quý 1/2023

Trả lời