“Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng bán quan trọng hơn mua rất nhiều. Nếu bạn chưa biết gì về đầu tư chứng khoán, bạn sẽ khởi đầu tốt đáng kinh ngạc chỉ với kỹ năng bán tốt.”
William Eckhardt
Thông thường, nếu cổ phiếu gặp bất kỳ điều kiện cơ bản nào sau đây thì tốt nhất bạn nên bán và chuyển sang cổ phiếu chiến thắng tiếp theo.
1 – BÁN Ở GIÁ MỤC TIÊU CỦA BẠN HOẶC KHI TỶ LỆ RỦI RO/LỢI NHUẬN KHÔNG CÒN HẤP DẪN
Khi cổ phiếu tiếp tục tăng lên chín tầng mây, chúng ta dễ ảo tưởng nghĩ rằng chúng có thể tiếp tục leo cao vô hạn, đạt đến những mức giá mà trước đây chúng ta nghĩ là không thể. Vớ va vớ vẩn. Giả sử rằng bao công sức nghiên cứu của bạn chỉ ra rằng giá trị hợp lý của cổ phiếu giá $8 là $34. Nếu bạn để cổ phiếu chạy đến khi đạt giá mục tiêu $34, thì trừ khi có thay đổi đáng kể, còn không, hãy bán nó và không bao giờ nhìn lại. Ở mức giá đó, rủi ro đơn giản là quá lớn so với lợi nhuận tiềm năng. Hãy nghỉ ngơi và tìm kiếm các kịch bản rủi ro/lợi nhuận khả quan tiếp theo vì chúng luôn luôn xuất hiện. Hãy để cổ phiếu chiến thắng của bạn chạy cho đến khi tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận không còn hấp dẫn nữa.
2 – BÁN THẲNG TAY KHI CÓ PHÁT HÀNH THỨ CẤP/ RIÊNG LẺ
Nếu cổ phiếu của bạn thông báo một đợt chào bán thứ cấp hoặc chào bán riêng lẻ, hãy chạy nhanh nhất có thể. Công việc của ban lãnh đạo là phát hành chào bán cổ phiếu với giá cao nhất có thể. Ở mức giá chào bán, các giám đốc điều hành (dòng tiền thông minh THỰC SỰ) không đánh giá cổ phiếu còn có thể tăng cao hơn nhiều trong tương lai. Tôi không quan tâm số tiền thu được từ chào bán cổ phiếu được dùng làm gì; cho dù là để công ty “phát triển cực đại” hay “chiếm lĩnh thị trường”!
Bất kể ban lãnh đạo đao to búa lớn ra sao, việc bạn cần làm đơn giản là bán cổ phiếu và tìm cơ hội khác. Bạn đang bơi ngược dòng nước xiết khi lượng hàng trôi nổi tăng lên, chi phí gia tăng, một lượng lớn người bán khống, mọi thứ đều chống lại bạn. Ngay cả khi chưa tính đến những vấn đề trên, điều tiên quyết là trên thực tế, việc phát hành thêm cổ phiếu khiến những nhà đầu tư theo đà tăng trưởng và hàng tỷ đô hỏa lực của họ rời khỏi cổ phiếu. Không có dòng tiền thông minh đồng hành, có rất ít lý do để sở hữu một cổ phiếu trong ít nhất sáu tháng sau khi chào bán.
Nhiều cổ phiếu tôi đã nắm giữ hoặc theo dõi sát trong những năm qua đã công bố phát hành thứ cấp. Tôi nhớ nhất là OVEN, PEIX, MITK, MNGGF, NDAQ, TRMM, CVV, OMRI và WPRT. Không cổ phiếu nào trong số này có hiệu suất tốt trong sáu tháng sau khi chào bán.
3 – BÁN KHI CHUỖI TĂNG TRƯỞNG LỢI NHUẬN KẾT THÚC
BÁN cổ phiếu ngay lập tức nếu công ty thông báo kết quả kinh doanh thấp hơn quý trước rất nhiều. Các nhà đầu tư theo đà tăng trưởng có thể phá nát một cổ phiếu khi đà tăng trưởng lợi nhuận đang đi đến hồi kết. Như mọi khi, có trường hợp ngoại lệ cho quy tắc này. Nếu công ty đồng thời thông báo tăng tồn kho nhanh chóng hoặc cho biết kết quả kinh doanh yếu là tạm thời hoặc theo mùa vụ và có khả năng tăng cao hơn trong các quý tới, chúng ta có thể cân nhắc giữ cổ phiếu.
4 – BÁN BẤT KỲ CỔ PHIẾU NÀO THỰC HIỆN CHIA TÁCH
Điếu này nghe có vẻ hơi ngược đời vì hầu hết các nhà đầu tư yêu thích chia tách cổ phiếu. Sau khi chia tách, các nhà đầu tư mới có thể mua với giá thấp hơn và cổ phiếu sẽ tăng vọt! Vâng, có thể là có và cũng có thể không. Nhớ lại mà xem, một yếu tố chính của siêu cổ phiếu là độ trôi nổi thấp. Các nhà đầu tư theo đà tăng trưởng thích những cổ phiếu trôi nổi thấp vì họ có thể dễ dàng đẩy giá lên cao hơn.
Khi cổ phiếu tạo ra bước tăng giá đáng kể đến một mức giá cao hơn nhiều và sau đó chia tách làm cho số lượng cổ phiếu tăng gấp hai hoặc ba lần, dòng tiền theo đà tăng trưởng sẽ ngày càng gặp khó khăn trong việc đưa giá cổ phiếu đi lên. Kết quả là dòng tiền thông minh có xu hướng rời đi, mang theo đà tăng trưởng đi cùng.
Mặt khác, nếu công ty thực hiện gộp cổ phần (reverse-split) để có giá cổ phiếu cao hơn, công ty có thể đang trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc, đừng dại gì mà tham gia cổ phiếu như vậy. Gộp cổ phần là tín hiệu chết người.
5 – BÁN KHI NGƯỜI NỘI BỘ Ồ ẠT BÁN
Sau đợt tăng giá lớn của cổ phiếu, thông thường ta sẽ thấy có sự gia tăng vừa phải trong giao dịch bán nội bộ. Những gì bạn cần phải cảnh giác là nếu một hoặc nhiều người nội bộ bán phần lớn cổ phần của họ trong công ty. Điều này thường không phải điềm báo tốt cho tương lai.
Năm 2005, CEO của Forward Industries (FORD, một trong những khoản nắm giữ yêu thích của tôi) đã bán phần lớn cổ phần dài hạn của ông ta sau khi cổ phiếu tăng khoảng 1,500%. Lý do chính thức cho việc bán ra là ông này đã ở tuổi 60 và sắp nghỉ hưu. Giờ nhìn lại, phải công nhận ông ấy bán quá chuẩn. Trong một năm, cổ phiếu giảm khoảng 95%. Vâng, tôi không đánh nhầm đâu, 95% đấy.
NHỮNG TÍN HIỆU BÁN KHÁC
Những yếu tố sau không hẳn là tín hiệu để bạn bán cổ phiếu ngay lập tức, nhưng nếu bạn thấy chúng thì nên cẩn thận cân nhắc tiềm năng còn lại trong cổ phiếu.
6 – BÁN KHI BÁO CHÍ RA BÀI TUNG HÔ
Trong quá trình cổ phiếu còn mạnh mẽ và vẫn đang tăng lên cao hơn, bạn muốn câu chuyện về cổ phiếu không quá nổi tiếng và càng bí mật càng tốt. Hay nhất là chỉ có bạn và một số ít người khác đã nghe nói về cổ phiếu bí mật này. Nếu bỗng dưng, cổ phiếu được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông quốc gia như Fortune hay Forbes, thì cổ phiếu đó lập tức trò thành cổ phiếu “giao dịch đông đúc”. Khi thấy cổ phiếu của bạn xuất hiện trong ấn phẩm lớn sau một thời gian dài tăng giá thì đó là tín hiệu bán rõ ràng nhất bạn có thể có.
Năm 2011, CVD Equipment Corp. (CVV) đã có một nhịp tăng lớn. Sản phẩm graphene của công ty được quảng cáo là có tiềm năng siêu đẳng trong tất cả các loại ứng dụng. Các nhà đầu tư háo hức nhảy vào câu chuyện này (câu chuyện đầu tư siêu đẳng!). Ngay cả khi cổ phiếu đã tăng giá 700% trong một năm, dường như vẫn không ai biết về cổ phiếu này. CVV có một đội ngũ ban lãnh đạo rất cẩn trọng, không bao giờ ăn to nói lớn. Thông cáo báo chí rất hiếm.
Cú tăng giá hoàn hảo như mơ trong một năm của CVV lên đến đỉnh điểm với mức tăng 80% trong hai tuần vào tháng 9 năm 2011. Trong tuần đầu tiên của tháng 9, Bloomberg phát hành một bài bào hoành tráng về công ty, công nghệ của nó, cũng như hàng tá ứng dụng của loại chất ít được biết đến mang tên graphene. Qua một đêm, bảng tin thảo luận về cổ phiếu này tràn ngập các nhà đầu tư mới. Bỗng dưng, người người nhà nhà trở thành chuyên gia về graphene.
Cổ phiếu đạt đỉnh ở đỉnh cao mọi thời đại trong vòng một hoặc hai ngày từ khi bài viết được phát hành. Sau đó, nó giảm từ $19.50 xuống còn $12 trong vòng 2 tuần! Đây chính là một chỉ báo bán rất mạnh.
7 – BÁN KHI DIỄN ĐÀN HÔ HÀO ĐẦY HƯNG PHẤN VỀ CỔ PHIẾU
“Trên đời có một sự thật căn bản: nhiều điều ‘ai cũng biết’ hóa ra lại sai”.
Jim Rogers
Một chủ đề lặp đi lặp lại trong cuốn sách này là đưa ra quyết định mua và bán dựa trên cảm xúc, thể hiện trên mẫu hình biểu đồ hoặc theo kiểu khác. Diễn đàn về cổ phiếu thể hiện rất rõ cảm xúc chung của nhà đầu tư dành cho cổ phiếu này. Nếu giọng điệu trên diễn đàn chuyển từ tông trầm lắng, thiên về cung cấp thông tin, thông minh sang trạng thái hô hào và thiên về đầu cơ, hãy bắt đầu đặt câu hỏi về tiềm năng còn lại trong vị thế của bạn. Vâng, tôi hiểu các nhịp tăng giá lớn nhất, các nhịp tăng theo kiểu parabol xuất hiện trong các giai đoạn bảng tin thảo luận về cổ phiếu hưng phấn mạnh mẽ, nhưng các trường hợp như vậy chỉ là ngoại lệ chứ không phải quy tắc bất biến. Nếu “người người nhà nhà” đều nghĩ cổ phiếu của bạn sẽ tăng lên $100 thì hãy cân nhắc cẩn thận.
8 – BÁN KHI CÔNG TY MỞ RỘNG MẠNH NĂNG LỰC SẢN XUẤT KINH DOANH
Việc này mới nghe đã thấy ngược đời, nhưng lý do như sau. Khi một công ty quyết định tăng công suất, họ sẽ lấy tiền lãi từ bảng cân đối kế toán để mua nhà xưởng và thiết bị mới. Như chúng ta đã biết, cơ chế của thị trường là chạy theo kỳ vọng tương lai, tập trung cao độ vào biên lợi nhuận. Một công ty hoạt động 100% công suất nên có tỷ suất lợi nhuận ở mức tốt dựa trên lợi thế kinh tế nhờ quy mô .
Khi một công ty bổ sung công suất mới ở mức độ đáng kể, phần lớn công suất mới sẽ nằm im trong nhiều tháng, nhiều quý hoặc thậm chí nhiều năm. Các khoản tiền mặt cũ không còn sinh lãi và phần tài sản tạo ra công suất/năng lực mới đòi hỏi phải tăng chi phí, do đó lợi nhuận có xu hướng bị ảnh hưởng.
Một số cổ phiếu trong quá khứ của tôi đã công bố mở rộng công suất có thể kể đến Spartan Motors (SPAR), Xyratex (XRTX), Fuwei Films (FFHL), Keytronic (KTCC) và CVD Equipment (CVV). Việc mở rộng đã làm dừng đà tăng của cổ phiếu. Các cổ phiếu tốt nhất có tỷ suất sử dụng công suất gia tăng một cách đều đặn từ quý này sang quý khác. Chứ không phải ngược lại, mở rộng một cách đột ngột.
9 – BÁN NẾU BẠN THẤY MÌNH NHƯ THIÊN TÀI ĐẦU TƯ
Quy tắc này rất đơn giản. Cảm giác đánh lừa tất cả. Tất cả chúng ta đều có những mùa xuân tuyệt đẹp trong đời, khi mọi thứ đều thuận buồm xuôi gió. Bạn nhìn vào gương và thấy sao mình khôi ngô tuấn tú hẳn so với tuần trước. Mỗi chàng trai hay cô gái bạn đi qua đều trầm trồ nhìn bạn. Mọi cổ phiếu của bạn đều tăng vùn vụt. Mọi cổ phiếu bạn khuyến nghị cho bạn bè đều đã có những bước tăng giá lớn. Như thể mọi thứ bạn chạm vào đều biến thành vàng. Bạn tỏa ra tự tin từ từng lỗ chân lông.
Khi tất cả những điều này xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn, đầu óc bạn trở nên cực kỳ ảo ưởng! Điều này xảy ra với tôi rất nhiều lần rồi. Đây chính xác là những lúc mọi thứ có thể và dễ quay đầu đột ngột.
Bạn có trách nhiệm phải mài giũa Trí tuệ Cảm xúc của chính mình, lùi lại một bước để nhận ra trạng thái cảm xúc của mình đang quá hưng phấn. Khi cảm xúc đạt đến mức độ như vậy, có lẽ đã đến thời điểm bạn nên hạ bớt tỷ trọng và trở lại đầu tư khi mọi thứ lắng xuống.
10 – BÁN KHI BÁO CÁO KẾT QUẢ KINH DOANH MẬP MỜ
Như đã thảo luận ở phần trước, một số công ty làm báo cáo kết quả kinh doanh một cách mập mờ. Thay vì báo cáo hàng quý điển hình công bố 3 tháng một lần, với kết quả kinh doanh tác bạch từng quý, thì ban lãnh đạo lại gộp chung lại thành báo cáo 6, 9 hoặc 12 tháng. Thậm chí lắm lúc, ban lãnh đạo còn tính đến các khoản phí “một lần” hay “lợi nhuận một lần”, kiểu hạch toán thế này có thể gây nhiều khó khăn trong việc tính toán EPS thực sự. Những khoản lợi nhuận hay chi phí một lần này có thể phát sinh từ việc bán chứng khoán đầu tư, ghi giảm chi phí hoạt động khi sa thải nhân viên, đóng cửa nhà máy, tồn kho quá hạn, v.v. .
Một công ty mạnh có thể báo cáo lợi nhuận một lần để tạm thời tăng thu nhập trên mỗi cổ phần. Đây không phải là tín hiệu để bán ra ngay lập tức, nhưng nguyên tắc cơ bản của tôi là xem xét cẩn thận loại tin tức này bởi vì ban lãnh đạo có thể đang tìm cách tăng thu nhập một cách giả tạo trong ngắn hạn. Một yếu tố khác phải cân nhắc là thu nhập trong tương lai khó có thể đạt con số ấn tượng khi đem so sánh với con số tăng cao giả tạo này.
Nếu báo cáo thu nhập khó hiểu và cần nhiều thời gian để giải mã, khả năng cao các nhà giao dịch khác cũng sẽ thấy khó hiểu và sẽ đầu tư tiền vào chỗ khác. Nếu báo cáo có vẻ đáng ngờ, đừng dại đâm đầu vào.
11 – BÁN KHI CÔNG TY CHUYỂN LỖ THUẾ
Nếu một công ty bị thua lỗ trong một thời gian dài, thì khoản lỗ tính thuế phát sinh sẽ được chuyển toàn bộ và liên tục trở thành tài sản trên bảng cân đối kế toán được gọi là “giá trị được khấu trừ chuyển sang các năm sau của khoản lỗ tính thuế” (tax-loss carry-forwards) . Ví dụ một công ty thua lỗ 50 triệu đô la trong 3 năm. Cuối cùng, khi công ty bắt đầu thu được lợi nhuận, họ sẽ không phải đóng thuế cho khoản lợi nhuận 50 triệu đô la đầu tiên. Trong giai đoạn này, công ty sẽ khấu trừ rất ít nếu có bất kỳ chi phí thuế thu nhập nào trên báo cáo kết quả kinh doanh do được chuyển lỗ thuế.
Trong ngắn hạn, cách hạch toán này làm tăng EPS một cách giả tạo và có thể khiến nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng công ty sinh ra lợi nhuận cao hơn thực tế. Một khi công ty xác định rằng họ sẽ có lãi liên tục và đều đặn trong thời gian tới (điều này có thể xảy ra trong nhiều quý sau khi công ty chuyển sang có lãi), công ty sẽ đảo ngược việc chuyển lỗ thuế của mình thành một khoản tiền lớn. Kết quả cuối cùng là tạo ra khoản lãi lớn một lần trên báo cáo kết quả kinh doanh, từ đó có thể tạo ra con số EPS khổng lồ.
Như bạn đã biết, tôi không phải người hâm mộ kiểu lợi nhuận một lần. Chúng phá hỏng quá trình tăng tiến lợi nhuận theo thời gian của công ty và khiến cho việc so sánh ở các giai đoạn trong tương lai trở nên khó khăn. Phần tồi tệ nhất của khai báo kế toán kiểu này là công ty sẽ bắt đầu bị khấu trừ chi phí thuế trong các giai đoạn ở tương lai. Kết quả là giảm lợi nhuận trên mỗi cổ phần trong tương lai. Khi các nhà đầu tư xét đến tương lai, họ sẽ bán khi biết rằng lợi nhuận quá lớn trên mỗi cổ phần hiện đã là quá khứ.
12 – BÁN KHI CỘNG ĐỒNG ĐẦU TƯ HƯNG PHẤN TRƯỚC KHI RA KẾT QUẢ KINH DOANH
Tôi rất ủng hộ việc bán khi có “cú bơm kết quả kinh doanh” (“earning pumps”). Kết quả kinh doanh tích cực đến mức kinh ngạc tạo ra lực đẩy mua vào khổng lồ. Ngược lại, nếu một cổ phiếu đang duy trì xu hướng tăng cao hơn trong thời gian sắp ra kết quả kinh doanh và mọi người trên tàu đều dự báo kết quả kinh doanh cực kỳ lạc quan, một khi tin ra, bao nhiêu hưng phấn sẽ xẹp xuống và cổ phiếu có thể bị bán tháo rồi giảm giá đáng kể. Tôi không muốn thấy cả cộng đồng mạng lạc quan thái quá về kết quả kinh doanh sắp được công bố - nó báo hiệu giông tố chực chờ phía trước.
13 – BÁN CÔNG TY NÀO BA HOA CHÍCH CHÒE!
Hãy chú ý đến thay đổi trong đặc điểm công ty ở khía cạnh thông báo tin tức. Một công ty cẩn trọng, bình thường chỉ thông cáo báo chí một hoặc hai lần mỗi quý, đột nhiên thông cáo tới một hoặc hai lần mỗi tuần thì đây chính là báo động đỏ theo quan điểm của tôi. Chúng ta nên cẩn trọng trước bất kỳ công ty nào bắt đầu phát hành thông cáo báo chí khoe khoang về một khách hàng mới TIỀM NĂNG hoặc cơ hội thị trường tỷ đô TIỀM NĂNG.
Công ty càng “khoe khoang khoác lác” với công chúng có nghĩa là công ty không còn thứ gì ý nghĩa để báo cáo. Ban lãnh đạo có thể đang cố gắng đẩy giá và thanh khoản của cổ phiếu trước khi bí mật bán ra hoặc chào bán cổ phần tăng vốn.
Một công ty vững mạnh sẽ không bao giờ công bố các hợp đồng với khách hàng TIỀM NĂNG. Các công ty vững mạnh thậm chí sẽ không bao giờ công bố các hợp đồng đã ký trừ khi khách hàng mới đó chiếm tỷ lệ lớn trong doanh thu. Một công ty vững mạnh có thể cho ta vài thông tin gợi ý về khách hàng mới trong báo cáo hàng quý hoặc trong cuộc gọi hội nghị hàng quý, nhưng họ sẽ hiếm khi tiết lộ trực tiếp tên khách hàng.
14 – MUA TIN ĐỒN VÀ BÁN TIN THẬT
Nếu bạn mua cổ phiếu bởi vì công ty sẽ phát hành một số sản phẩm sáng tạo mạnh mẽ trong bốn tháng tới và xu hướng cổ phiếu đã tăng cao trong suốt bốn tháng trước ngày phát hành sản phẩm mới, hãy tìm cách chốt lãi vào ngày phát hành hoặc an toàn hơn hết là sớm hơn vài ngày. Như chúng ta đã thảo luận ở phần trước, cơ chế của thị trường là kỳ vọng vào tương lai. Thị trường nhìn về tương lai, tương lai và chỉ tương lai mà thôi. Một khi tương lai đến, lợi thế của bạn biến mất. Hãy bán khi tin đồn trở thành sự thật, bạn thân mến.
15 – BÁN KHI CỔ PHIẾU ĐƯỢC QUẢNG CÁO
Đây là trường hợp cực kỳ hiếm, nhưng đôi khi bạn sẽ thấy công ty thúc đẩy giá cổ phiếu nhiều hơn tập trung thúc đẩy sản phẩm. Một công ty không bao giờ nên quảng cáo cổ phiếu của chính mình. Nếu công ty vững mạnh, cổ phiếu sẽ tự phát triển tương ứng, chấm hết. Thành công của ban lãnh đạo trong việc tiếp thị sản phẩm chính là động lực tối thượng giúp cho giá cổ phiếu tăng lên.
Vài năm một lần, các công ty như LJ International (JADE) hoặc Sponge Tech (SPNG) đến hẹn lại lên quảng cáo cổ phiếu của mình rầm rộ. Vài năm trước, tôi nhớ JADE quảng cáo cổ phiếu trên CNBC. Sponge Tech đã quảng cáo mã cổ phiếu của mình ở khắp mọi nơi, kể cả trên các biểu ngữ trong công viên bóng chày trên khắp các giải đấu lớn. Tuy tôi không thể chứng thực nhưng gần đây có người còn kể với tôi họ quảng cáo cổ phiếu trên CNBC. Giá mà tôi có thể kể với bạn những gì tôi biết về Sponge Tech! Công ty ấy là một trò đùa đến nực cười ngay từ lúc thành lập. Một người bạn thân của tôi biết bộ mặt thật về công ty hết sức bịp bợm này. Tôi không thể tin SEC để sự gian dối ấy lặp đi lặp lại suốt thời gian quá dài. Cổ phiếu này cuối cùng bị hủy niêm yết và SEC đã đưa ra cáo buộc chống lại họ vì cả đống hoạt động treo đầu dê bán thịt chó.
16 – BÁN KHI CÔNG TY THÔNG BÁO “THAY ĐỔI CHIẾN LƯỢC”
Nếu nghiên cứu chuyên sâu, bạn sẽ không bao giờ mua một cổ phiếu khi họ thông báo như vậy, nhưng nhiều công ty phát hành thông cáo báo chí rằng họ đã thuê một ngân hàng đầu tư để hỗ trợ “Thay Đổi Chiến Lược”. Đây là cách nói hoa mỹ cho biết họ đang tự bán mình và ngân hàng đầu tư đang tích cực tìm cách bán công ty cho bên nào trả giá cao nhất. Cơ sở lý luận của công ty thường là nó bị “định giá thấp.”
Phải công nhận khi nghe những tin tức như vậy, các nhà đầu tư hăng hái hẳn. “Còn tin tức gì tuyệt vời hơn!”, “Cổ phiếu này có giá trị gấp ba lần giá hiện tại, GE chắc chắn sẽ mua cổ phiếu đúng giá trị thực cho xem!” Vân vân mây mây. Sự hưng phấn trên các hội nhóm này có thể kéo dài khá lâu. Tôi đã thấy hàng chục thông báo “thay đổi chiến lược” kiểu này trong nhiều năm qua.
Và ngạc nhiên chưa, nếu bộ nhớ của tôi không có gì nhầm lẫn thì không một công ty nào trong số này được mua hết. Tác dụng duy nhất của một thông báo như vậy là đánh dấu sự khởi đầu của vòng xoáy tử thần cho công ty. “Thay đổi chiến lược” duy nhất mà ngân hàng đầu tư phát triển là một đợt chào bán thứ cấp hay một “phá sản chiến lược”. Câu cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh – hãy chạy nhanh nhất có thể nếu bạn thấy thứ thông báo lố bịch như vậy từ một công ty.
BẠN THOÁT RA NHƯ THẾ NÀO?
Khi cổ phiếu lóe lên một vài tín hiệu bán, bạn thoát ra như thế nào? Hãy té cho nhanh.