Chào bán thứ cấp hoàn toàn có thể giết chết cổ phiếu. Ban lãnh đạo sẽ theo đuổi chào bán thứ cấp vì một trong ba lý do:
- Công ty đang thiếu tiền mặt và cần bán thêm cổ phiếu huy động tiền mặt để tiếp tục hoạt động.
- Ban lãnh đạo cần thêm vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh.
- Ban lãnh đạo tin rằng giá cổ phiếu đang ở gần đỉnh và muốn tận dụng sự hưng phấn để huy động vốn.
Bằng cách bán cổ phần vào đợt chạy giá phi lý, công ty có thể chỉ cần bán lượng cổ phiếu ít hơn (pha loãng ít hơn) để huy động cùng một lượng tiền mặt. Bất kể ban lãnh đạo có nhu cầu vốn ngay lập tức hay không, họ thường tận dụng việc định giá quá cao để huy động một khoản tiền mặt lớn cho tương lai.
Vì chúng ta chỉ tập trung vào các công ty có lợi nhuận nên ta không cần quá bận tâm đến lý do số 1. Chỉ cần đảm bảo dòng tiền của công ty đủ mạnh để trang trải chi phí hoạt động trong tương lai.
Tuy nhiên, lý do số 2 và 3 là nguyên nhân đáng ngại nhất khi cổ phiếu đang bay cao. Đà của cổ phiếu thường suy yếu trước khi có thông báo về một đợt chào bán riêng lẻ hoặc chào bán thứ cấp. Nhưng tại sao đà của cổ phiếu lại suy yếu trước khi có chào bán? Nguyên nhân là vì trong quá trình cổ phiếu tăng đến trước thời điểm chào bán, ban lãnh đạo liên hệ chặt với (các) ngân hàng đầu tư để chào bán cổ phiếu mới phát hành cho khách hàng của ngân hàng. Thông tin sẽ lan tuyền trong cộng đồng ngân hàng đầu tư rằng sắp có đợt chào bán thứ cấp được công bố, vì vậy những người biết trước về việc chào bán bắt đầu bán khống cổ phiếu của công ty trên thị trường mở.
Vấn đề trở nên tồi tệ hơn với cổ đông nắm giữ cổ phiếu: các nhà đầu tư cá nhân mua trong đợt chào bán thứ cấp tham dự vào một chương trình ít được biết đến có tên là “shorting against the box” . Hầu hết mọi người cho rằng nhà đầu tư mua cổ phiếu trong đợt chào bán thứ cấp mang kỳ vọng lạc quan với công ty và muốn mua cổ phiếu với giá chiết khấu so với giá thị trường. Điều này hiếm khi đúng vì những nhà đầu tư này thực ra chẳng quan tâm giá cổ phiếu về đâu.
Về chiến lược “shorting against the box” kể trên, giả sử cổ phiếu XYZ giao dịch ở mức $40 trước khi chào bán cổ phần. Ông Cá Mập được các nhà bảo lãnh phát hành liên lạc mời tham gia vào đợt chào bán sắp tới với giá $34. Ông Cá Mập đồng ý với thỏa thuận này và cam kết mua cổ phiếu phát hành thêm XYZ trị giá $1 triệu với giá $34/cổ phần. Không lâu trước khi thông tin chào bán được công bố, ông Cá Mập bán khống $1 triệu cổ phiếu XYZ với giá bán khống khoảng $40. Ông Cá Mập lúc này được bảo hiểm đầy đủ và sẽ kiếm được lợi nhuận bất kể điều gì xảy ra với cổ phiếu.
Khi các ngân hàng đầu tư và người tham gia chào bán cổ phiếu tích lũy các vị thế bán khống vài ngày hoặc vài tuần trước khi chào bán, hành động của họ khiến giá cổ phiếu giảm xuống, ví dụ về mức $37 chẳng hạn. Vào ngày công bố, giá cổ phiếu giảm xuống gần mức giá chào bán khoảng $34.
Vì các nhà đầu tư trong đợt chào bán cổ phiếu vừa Long vừa Short cổ phiếu với số lượng bằng nhau ở các mức giá khác nhau, họ được đảm bảo lợi nhuận khoảng 18% khi thoát khỏi vị thế. Để làm thỏa thuận ngon ăn hơn, cũng có thể có chứng quyền đi kèm với cổ phiếu (tương tự như quyền chọn cho người sở hữu quyền mua thêm cổ phiếu ở một mức giá nhất định). Các nhà đầu tư trong đợt chào bán có thể được yêu cầu giữ cổ phiếu trong 6 tháng trở lên, nhưng trong bất kỳ kịch bản nào, họ vẫn kiếm được lợi nhuận lớn mà không có rủi ro.
Sau một đợt chào bán thứ cấp, các nhà giao dịch theo đà thường chạy khỏi cổ phiếu trong khi những người bán khống có xu hướng đổ xô vào cổ phiếu khiến giá giảm hơn nữa. Ban lãnh đạo có thể dùng lượng tiền mặt mới cho tài sản như dây chuyền sản xuất mới, làm tăng chi phí cố định. Số lượng cổ phiếu tăng và chi phí cố định tăng có thể làm giảm lợi nhuận trong ngắn hạn.
Bài học từ câu chuyện này là cố gắng xác định xem công ty có đủ tiền mặt cho các hoạt động trong tương lai hay không và liệu nó có thể cần tiền mặt để tài trợ cho việc mở rộng sản xuất kinh doanh hay không. Đối với các cổ phiếu đã công bố chào bán cổ phiếu, nguyên tắc của tôi là đợi ít nhất 6 tháng trước khi vào mua.
BÁN THẲNG TAY KHI CÓ PHÁT HÀNH THỨ CẤP/ RIÊNG LẺ
Nếu cổ phiếu của bạn thông báo một đợt chào bán thứ cấp hoặc chào bán riêng lẻ, hãy chạy nhanh nhất có thể. Công việc của ban lãnh đạo là phát hành chào bán cổ phiếu với giá cao nhất có thể. Ở mức giá chào bán, các giám đốc điều hành (dòng tiền thông minh THỰC SỰ) không đánh giá cổ phiếu còn có thể tăng cao hơn nhiều trong tương lai. Tôi không quan tâm số tiền thu được từ chào bán cổ phiếu được dùng làm gì; cho dù là để công ty “phát triển cực đại” hay “chiếm lĩnh thị trường”!
Bất kể ban lãnh đạo đao to búa lớn ra sao, việc bạn cần làm đơn giản là bán cổ phiếu và tìm cơ hội khác. Bạn đang bơi ngược dòng nước xiết khi lượng hàng trôi nổi tăng lên, chi phí gia tăng, một lượng lớn người bán khống, mọi thứ đều chống lại bạn. Ngay cả khi chưa tính đến những vấn đề trên, điều tiên quyết là trên thực tế, việc phát hành thêm cổ phiếu khiến những nhà đầu tư theo đà tăng trưởng và hàng tỷ đô hỏa lực của họ rời khỏi cổ phiếu. Không có dòng tiền thông minh đồng hành, có rất ít lý do để sở hữu một cổ phiếu trong ít nhất sáu tháng sau khi chào bán.
Nhiều cổ phiếu tôi đã nắm giữ hoặc theo dõi sát trong những năm qua đã công bố phát hành thứ cấp. Tôi nhớ nhất là OVEN, PEIX, MITK, MNGGF, NDAQ, TRMM, CVV, OMRI và WPRT. Không cổ phiếu nào trong số này có hiệu suất tốt trong sáu tháng sau khi chào bán.
Trong chương 11, sách Combo Làm Giàu Từ Chứng Khoán, O'Neil thậm chí đã từng cảnh báo những doanh nghiệp phát hành cổ phiếu quá mức là một trong những dấu hiệu để bán.
CASE VIỆT NAM
Ở việt nam, hãy thận trọng khi một số cá mập, hoặc một số công ty tài chính tăng vốn. Năm 2021, một ví dụ điển hình là các CTCK như SSI, VND tăng vốn xong thì thị trường bị đạp mạnh. Là những công ty chứng khoán lâu năm, am hiểu chu kỳ thị trường, thời điểm các CTCK tăng vốn thành công là thời điểm nhà đầu tư nên thận trọng