Báo cáo việc làm có dấu hiệu tích cực, chứng khoán Mỹ bật tăng giữ được EMA 21 ngày

Thị trường chứng khoán đã có màn lội ngược dòng vào thứ sáu bất chấp báo cáo việc làm mạnh hơn nhiều so với dự kiến. Giờ đây, các nhà đầu tư có thể hướng tới báo cáo lạm phát mới và biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong tuần tới.

Chỉ số Nasdaq Composite hoạt động tốt nhất trong số các chỉ số chính khi nó tăng vọt 1.2% vào thứ Sáu. Điều này không ngăn được mức giảm 0.8% theo tuần nhưng đủ để giúp chỉ số thiên về công nghệ lấy lại đường trung bình động EMA 21 ngày. Chỉ số này đã đảo chiều xu hướng trong 2 trên 4 tuần qua nhưng vẫn tăng 8.2% trong năm 2024.

Chỉ số S&P 500 đóng cửa gần mức cao nhất của phiên khi ghi nhận mức tăng 1.1% trong bối cảnh việc kiểm tra đường EMA 21 ngày của chính nó cho đến nay vẫn thành công. Mặc dù giảm 1% theo tuần, chỉ số chuẩn này vẫn tăng 9.1% trong năm nay.

Số lượng cổ phiếu tăng giá vượt trội so với số cổ phiếu giảm trên cả Sàn giao dịch chứng khoán New York và Sàn giao dịch Nasdaq. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch trên cả hai sàn đều thấp hơn – đây không phải là dấu hiệu đáng khích lệ nhất vào ngày thị trường chứng khoán tăng điểm.

Chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 0.8% nhưng vẫn trải qua tuần tồi tệ nhất trong năm. Amazon (AMZN), Salesforce (CRM) và Microsoft (MSFT) nằm trong số những công ty hoạt động tốt nhất trên sàn này. Cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng, mặc dù mức tăng 0.5% của Russell 2000 không đủ để ngăn chặn mức giảm gần 3% theo tuần. Quỹ ETF Innovator IBD 50 (FFTY) đã kết thúc phiên tại đườngEMA  21 ngày nhờ mức tăng 2.2%.

Tâm điểm tuần tới là dữ liệu CPI

Báo cáo việc làm khiến các nhà đầu tư lo lắng được thở phào nhẹ nhõm. Thị trường chứng khoán phản ứng tích cực bất chấp việc nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 303,000 việc làm trong tháng 3, cao hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế là 200,000 và cao hơn so với 275,000 việc làm mới của tháng 2. Giới đầu tư có xu hướng “bò” dường như được cổ vũ bởi việc tăng trưởng tiền lương chậm lại.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư chắc chắn vẫn chưa an toàn. Báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Cục Thống kê Lao động vào thứ Tư tới đây đóng vai trò then chốt. Các nhà phân tích dự báo CPI sẽ tăng 3.5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức  trước đó là 3.2%. CPI cốt lõi dự kiến tăng 3.7% trên cơ sở hàng năm, đây sẽ là mức giảm theo chu kỳ là 0.1%. Dự kiến dữ liệu Chỉ số giá sản xuất (PPI) sẽ được công bố vào thứ Năm.

Cũng sẽ có nhiều hoạt động liên quan đến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đáng chú ý trong tuần tới. Biên bản cuộc họp mới nhất của Fed sẽ được công bố vào thứ Tư, trong khi Thống đốc Fed Michelle Bowman và Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee cũng có các bài phát biểu cùng ngày. Chủ tịch Fed Boston Susan Collins là một trong những quan chức cấp cao sẽ có bài phát biểu vào thứ Năm.

Mùa báo cáo thu nhập mới sẽ bắt đầu trong tuần tới. Giống như mọi khi, cổ phiếu ngân hàng sẽ là tâm điểm, với các ngân hàng như Wells Fargo (WFC), JPMorgan Chase (JPM) và Citigroup (C) sẽ báo cáo. Hãy chú ý đến những thông tin kinh tế vĩ mô từ những “ông lớn” tài chính này.

Tesla đang làm tổn thương ngành xe điện

Mặc dù tất cả các ngành trong S&P 500 đều đóng cửa cao hơn vào thứ Sáu, nhưng ngành dịch vụ truyền thông, công nghiệp và công nghệ là những lĩnh vực hoạt động tốt nhất. Ngược lại, các ngành tiêu dùng thiết yếu và tiện ích phòng thủ lại tụt hậu.

Một lần nữa, hiệu suất tương đối của các nhóm ngành theo Investor’s Business Daily đã cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về diễn biến của thị trường chứng khoán ngày hôm nay. Các nhóm cổ phiếu khai thác vàng, công ty bảo trì tòa nhà, nhà sản xuất máy móc khai thác mỏ và phim ảnh nằm trong số những nhóm hoạt động mạnh nhất. Ngược lại, các công ty truyền hình cáp, các công ty cung cấp nước, nhà bán buôn thực phẩm và cổ phiếu phần mềm cơ sở dữ liệu nằm trong số những nhóm tụt hậu lớn nhất trên thị trường chứng khoán. Các nhà sản xuất ô tô cũng hoạt động yếu, bị ảnh hưởng bởi các báo cáo rằng gã khổng lồ Tesla (TSLA) đã hủy bỏ kế hoạch sản xuất xe giá rẻ cho thị trường đại chúng.

Phân tích chi tiết báo cáo NFP

Báo cáo việc làm tháng 3 cho thấy số lượng tuyển dụng vượt xa mong đợi, với việc các nhà tuyển dụng bổ sung 303.000 vị trí bảng lương, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm. Sau báo cáo việc làm, S&P 500 tăng nhẹ vào phiên mở cửa của thứ Sáu, khi cổ phiếu tìm cách phục hồi sau đợt bán tháo mạnh của thứ Năm do lo ngại về triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed.

Điểm nhấn và điểm chưa đạt của báo cáo việc làm

  • Tổng số việc làm tăng thêm 303,000 vượt xa dự báo 200,000 của Phố Wall, theo Econoday.
  • Các nhà tuyển dụng tư nhân đã tạo thêm 232,000 việc làm, cao hơn dự báo 170,000.
  • Số việc làm của chính phủ tăng 71,000.
  • Số liệu việc làm được tuyển dụng trong tháng 1 và tháng 2 được điều chỉnh tăng tổng cộng 22,.000 việc làm.
  • Số việc làm tăng thêm trong khu vực tư nhân trung bình là 212,000 việc mỗi tháng trong ba tháng qua, trong khi tổng số việc làm được tuyển dụng trung bình là 276,000 việc.
  • Thu nhập trung bình theo giờ tăng 0.3% trong tháng 3, trong khi mức tăng lương 12 tháng giảm xuống 4.1%. Điều này khớp với dự báo, nhưng chỉ do làm tròn số. Nếu không tính tròn, thu nhập trung bình theo giờ tăng 0.347% so với tháng trước và 4.14% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát tiền lương đã chậm lại ở mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2021, giúp kiềm chế lạm phát, nhưng vẫn cần có thêm tiến triển.
  • Việc tuyển dụng mạnh mẽ và mức tăng lương hàng tháng vững chắc diễn ra khi thời gian làm việc trung bình kéo dài trở lại 34.4 giờ, sau khi bị cắt giảm đầu năm do thời tiết. Sự kết hợp đó đã thúc đẩy tổng mức lương hàng tuần tăng 0,8% cho tất cả người lao động Mỹ, tương đương với mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 1 năm 2023. Đây là tín hiệu tích cực cho triển vọng chi tiêu.

Sau báo cáo việc làm tháng 3, thị trường đang dự báo 57% khả năng cắt giảm lãi suất vào cuộc họp của Fed vào ngày 12 tháng 6, giảm so với mức 64% trước khi có dữ liệu mới nhất, theo trang FedWatch của CME Group. Khả năng cắt giảm lãi suất vào cuộc họp ngày 31 tháng 7 là 76%, giảm so với mức 80%. Trong cả năm 2024, thị trường đang dự báo lãi suất mục tiêu của Fed vào cuối năm là 4.7%, tăng so với mức 4.66% trước báo cáo việc làm. Điều đó có nghĩa khả năng 57.5% Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất ba lần, mỗi lần 0,25%.

Trả lời