Sau phiên FTD, thị trường duy trì đà tăng điểm dù bị chậm lại. Một phiên tăng điểm với thanh khoản thấp hơn cho thấy vẫn còn nhiều điểm yếu mà bên bò tót sẽ phải cố gắng cải thiện. Ngoài nhóm công nghệ và bán lẻ đang tăng giá khá tốt, phần lớn các leader cũ vẫn đang chật vật sau khi bị phân phối mạnh vào đầu tháng 4. Một sự tiếp cận thận trọng với thị trường là điều nên làm.
THIẾU SỨC BẬT TỪ LỢI NHUẬN QUÝ 1, THỊ TRƯỜNG CHƯA CHO THẤY NHÓM NGÀNH DẪN DẮT.
Giành lại MA50 ngày sau khi bị đánh mất đường trung bình di động quan trọng từ giữa tháng 4, chỉ số VN-Index đang cố gắng sửa chữa những thiệt hại. Nhưng nên nhớ lượng cung treo lơ lửng từ vùng giá tháng 3 và tháng 4, tương ứng 1,230 -1,280 điểm là rất lớn.
Trong khi bị bán tháo, gãy MA50 ngày với thanh khoản lớn đột biến thì sự tăng giá trở lại với thanh khoản thấp như hiện nay vẫn cho thấy sự chật vật của dòng tiền.
Thanh khoản hôm nay giảm hơn so với phiên trước cho thấy điều đó. Một thị trường tăng giá nên cần sự hỗ trợ bởi dòng tiền, thể hiện việc thanh khoản tăng dần.
Ngay cả khi FTD (Bùng Nổ Theo Đà) đã xuất hiện vào phiên ngày 6/5/2024, và triển vọng thị trường đã được cải thiện lên đèn xanh, nhưng không có nghĩa các nhà giao dịch mạnh mẽ quay trở lại thị trường. Một ngày FTD thực sự nên đưa chỉ số vượt qua MA50 ngày và giữ trên nó.
Với lượng cung treo lơ lửng trên đầu, đặc biệt ở vùng 1,280, thì sự tăng điểm gấp gáp trong 2 tuần qua đi kèm thanh khoản thấp là không đủ cho một thị trường bò tót khỏe mạnh.
Triển vọng thị trường có thể bị hạ trở lại, nếu mức đáy 1,224 bị phá thủng, tương ứng đánh mất EMA 21 ngày.
Trên đồ thị kỹ thuật, VN-Index đang quay trở lại kiểm tra đường xu hướng trung hạn quan trọng từ đáy tháng 11/2023 đến nay. Sau khi đã bị phá thủng, việc kiểm tra lại đường xu hướng tăng trung hạn sẽ tiêu tốn nhiều thời gian và năng lượng.
Đà tăng của TTCK không nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ nào từ bức tranh kết quả kinh doanh Q 1.2024. Theo dữ liệu của Fiintrade, tổng lợi nhuận sau thuế Q1.2024 của 1036 doanh nghiệp (97% vốn hóa toàn thị trường) +21.5% yoy, thấp hơn đang skể so với mức tăng +56.6% yoy.
Mặc dù con số +21% yoy, tạm chấp nhận được so với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận dự phóng cả năm 2024 là trên +17%, nhưng đà tăng lợi nhuận bị yếu đi từ nền thấp quý 4.2022 và quý 1.2023 cho thấy khả năng tạo ra lợi nhuận vẫn khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế yếu.
Vietnam Bond Yield đi ngang và giữ ở mức 2.8%. Vùng dao động của lợi suất trái phiếu 10 năm từ đầu tháng 4 đến nay là 2.8%-2.92%.
Chưa có sự cải thiện rõ nét nào trong vấn đề tỷ giá. Tỷ giá tự do chỉ giảm nhẹ 20 đồng và ở mức 25,770 ở chiều bán ra. Tỷ giá niêm yết tại Vietcombank là 25,445 đồng (bán ra). Tình hình tỷ giá của Việt Nam chỉ đang tạm chững lại chứ chưa phải là đã hạ nhiệt.
Theo WiGroup, SBV đã bán ra khoảng 700 triệu đôla để can thiệp tỷ giá. Nguồn lực của SBV là không nhiều để can thiệp mạnh tay, dù tỷ giá vẫn được dự báo tăng
Trở lại với thị trường chứng khoán, độ rộng thị trường chưa được cải thiện mạnh mẽ khi VN-Index trở lại MA50 ngày. Hôm nay, số cổ phiếu tăng gấp 1.4 lần số cổ phiếu giảm, nhưng các thước đo khác chưa cho thấy bức tranh được cải thiện.
Chỉ mới 35% cổ phiếu giành lại được MA50 ngày. Vào đầu tháng 4, khi thị trường còn giữ trên MA50 ngày, tệ nhất cũng có đến 50% số lượng cổ phiếu nằm trên MA50 ngày.
Danh sách New High có cải thiện nhẹ trong 2 tuần qua, nhưng vẫn đang trên đà bị thu hẹp..
Vấn đề quan trọng hơn là thị trường thiếu dòng dẫn dắt rõ ràng. Trong khi nhóm công nghệ như FPT, VGI đang tăng giá kéo dài từ nền giá, đồng thời nhóm bán lẻ như MWG tăng giá kéo dài, thì các leader ngân hàng, chứng khoán, bất động sản KCN vẫn đang khó khăn trong việc giành lại MA50 ngày để sửa lại nền giá.
TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG TỪ TỪ- ĐIỂM MUA QNS
Mặc dù một ngày FTD trong thị trường tăng giá bình thường có thể đem tới tỷ trọng cổ phiếu 20%-40%, và dần tăng lên khi điều kiện cải thiện, nhưng Elibook Team vẫn khởi động thăm dò một cách nhỏ giọt.
Hôm nay, cổ phiếu QNS được khuyến nghị mua thăm dò với tỷ trọng 7% NAV.