OPEC+ đã hủy bỏ cuộc họp chính thức tại Vienna vào tuần tới, chuyển sang hình thức họp trực tuyến qua video. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy các thành viên đã đạt được sự đồng thuận rộng rãi về việc duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu hiện có.
Các thành viên của liên minh dầu mỏ mở rộng này sẽ họp trực tuyến thay vì gặp mặt trực tiếp vào ngày 2 tháng 6 để quyết định chính sách sản xuất cho nửa cuối năm.
Không có lý do chính thức nào được đưa ra cho sự thay đổi này, mặc dù một số nguồn tin thân cận với các đại biểu cho rằng lo ngại về sức khỏe của Quốc vương Salman 88 tuổi của Saudi Arabia có thể là một phần nguyên nhân.
Bộ trưởng năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman, người chủ trì OPEC, là con trai của Quốc vương. Nhóm này chỉ tổ chức hai cuộc họp trực tiếp kể từ khi đại dịch Covid bắt đầu.
22 thành viên của OPEC+, dẫn đầu bởi Saudi Arabia và Nga, đã thực hiện một sự thay đổi tương tự vào tháng 11 năm ngoái, sau những tranh chấp với các thành viên châu Phi về hạn ngạch, cuối cùng dẫn đến việc Angola rời khỏi nhóm.
Lần này, các cuộc thảo luận được dự đoán sẽ diễn ra suôn sẻ hơn. Hầu hết các nhà phân tích dự đoán các thành viên OPEC sẽ duy trì mức cắt giảm tự nguyện 2.2 triệu thùng/ngày lần thứ hai, dự kiến hết hạn vào cuối tháng 6, nhằm hỗ trợ giá dầu trước sản lượng tăng của Mỹ và tình hình kinh tế không chắc chắn ở Trung Quốc.
Mức cắt giảm tự nguyện được đưa ra vào tháng 11 năm 2023, bổ sung thêm vào mức cắt giảm sản lượng 3.6 triệu thùng/ngày, đã giảm sản lượng dầu thô của nhóm khoảng 5.8 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5% nguồn cung toàn cầu, kể từ tháng 11 năm 2022.
“Tôi nghĩ họ sẽ duy trì mức cắt giảm“, một người thân cận với một số đại biểu OPEC cho biết. “Tôi đã nghe điều đó trực tiếp và gián tiếp từ hai thành viên”, người này nói thêm.
Giá dầu Brent chuẩn đang ở gần mức thấp nhất ba tháng, được giao dịch chỉ hơn 81 USD/thùng vào hôm qua.
“Không giữ được mức giá 90 USD – mức giá ưa thích của hầu hết các nhà sản xuất OPEC+ – [có nghĩa là] việc kéo dài mức cắt giảm sản lượng hiện tại tại cuộc họp tháng 6 sẽ là kết quả có khả năng xảy ra nhất“, Ole Hansen, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank cho biết.
Mức cắt giảm bắt đầu từ tháng 11 năm 2022 trước sự phản đối gay gắt của Mỹ, đã giúp hỗ trợ giá cả trong 18 tháng qua nhưng khiến Saudi Arabia, nước đã cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, phải gánh chịu phần lớn chi phí.
Christyan Malek, Giám đốc chiến lược năng lượng toàn cầu tại JPMorgan, cho biết triển vọng về cung cầu hạn chế khả năng OPEC+ tăng sản lượng từ tháng 7, đồng thời cho biết nhóm này có nhiều khả năng sẽ tiến hành rà soát năng lực sản xuất cơ bản của các thành viên vào cuối tháng 6, và sau đó đưa ra quyết định.
Trên đồ thị kỹ thuật, giá dầu có khả năng hồi về 80 đôla nếu như chạm đáy.