NGƯỜI DUY NHẤT Ở FED NHÌN THẤY ĐƯỢC BONG BÓNG.
Tôi đặc biết chú ý đến Jeremy Stein. Stein là một thống đốc và là thành viên của hội đồng FOMC từ tháng 5 năm 2012 đến tháng 5 năm 2014, gần như trùng nhiệm kỳ với Jon tại Fed. Stein gây ấn tượng với tôi không chỉ bằng hình ảnh của một thống đốc am hiểu sâu sắc về chính sách lãi suất bằng 0 của Fed đang tạo ra những mối nguy hiểm tiềm tàng và một bong bóng đang hình thành. Một số thành viên FOMC lúc đó, bao gồm chủ tịch Fed tại Dallas là Richard Fisher, đã nói về việc tăng lãi suất và những nguy hiểm nếu không làm như thế. Ngoài Fisher, chủ tịch Fed tại Philadelphia là Charles Plosser cũng cảm thấy cần phải làm điều này, thậm chí vì những lý do mang tính chủ nghĩa dân túy cho việc tăng lãi suất. Những lý do này một phần vì sự bất công khi lấy tiền gửi của người dân mà không hề trả cho họ khoản lãi nào nhưng các ngân hàng Phố Wall lại đang sử dụng những đồng tiền này để làm giàu cho họ thông qua công cụ mua lại cổ phiếu bằng đòn bẩy[1].
Stein là người tinh tế. Ông nhìn thấu bên trong một cơ chế. Stein hiểu về thị trường hoán đổi tài sản- là thị trường trao đổi các tài sản thế chấp dưới mức đầu tư (junk collateral) lấy một tài sản thế chấp đạt chuẩn đầu tư nhằm cho phép bên thế chấp lấy tài sản thế chấp đạt chuẩn đầu tư thực hiện các thương vụ khác- chẳng hạn như mở rộng đòn bẩy một cách bí mật. Ông hiểu rằng việc gia tăng quản lý luật pháp đang khiến cho hiện tượng phi trung gian hóa- thường được gọi là hệ thống ngân hàng bóng tối (shadow banking)- trở nên tồi tệ hơn cả năm 2008. Ông thấu hiểu rủi ro chứng khoán phái sinh nên được tính dựa theo giá trị tổng chứ không phải là giá trị ròng (net). Điều này được nhìn thấy rõ ràng trong các bài phát biểu và bài tham luận của ông. Stein nhìn thấy một bong bóng đang xuất hiện. Giờ đây, ông đã ngừng làm việc cho Fed và không còn một ai ở FOMC có thể nhìn ra điều mà Stein đã thấy.
Câu hỏi của tôi với Jon là rất thẳng thắn. Stein có vẻ như là một người mang tính cảnh báo cho nội bộ của Fed. Phân tích của ông là hoàn toàn chính xác và không hề mang tính chủ nghĩa dân túy. Stein cũng biết rằng nếu có một vụ đổ vỡ bong bóng khác xảy ra ngay sau 2008, nó sẽ phá hủy niềm tin của cả một thế hệ và phá bỏ những nổ lực của Fed từ cuộc khủng hoảng trước nhằm giúp nền kinh tế có thể trở lại trạng thái bình thường (tức nền kinh tế có thể tăng trưởng mà không cần các chính sách can thiệp bất thường để ứng cứu). Tôi ngả người về phía trước và hỏi Jon, “Liệu Yellen có nhìn thấy điều Stein đang thấy? Liệu bà ấy có tin rằng các thị trường đang ở trong tình trạng bong bóng?” Câu trả lời của Faust là: “Vẫn chưa”.
Câu trả lời này cho thấy nhiều vấn đề. Điều đó có nghĩa rằng Fed vẫn đang bám chặt lấy những mô hình kinh tế lỗi thời. Fed sẽ không cố gắng ngăn chặn bong bóng đang lớn lên, mà thay vào đó sẽ trở thành người dọn dẹp sau khi quả bóng phát nổ, điều đã trở thành thông lệ bấy lâu nay. Để hiểu hành động hiện nay của Fed, chúng ta phải quay lại với những công trình nghiên cứu lý thuyết cổ điển của Friedman và Schwartz từ thời Đại Suy Thoái. Friedman và Schwartz đã chỉ trích quyết định của Fed trong việc tăng lãi suất vào lúc mà lạm phát chưa phải là mối đe dọa, và gây nên đình trệ kinh tế vào năm 1929, được đánh dấu bởi sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào tháng 10 năm đó. Cú sụp này thường được trích dẫn như là khởi đầu cho Đại Suy Thoái. Cả Alan Greenspan và Ben Bernanke đều ủng hộ lời chỉ trích của Friedman và Schwartz. Greenspan nhận được sự tán dương khi xử lý thành công bong bóng dot-com bắt đầu từ năm 1996 và phát nổ vào năm 2000. Greenspan “lau dọn sạch sẽ đóng rác này” mà không làm tổn hại trầm trọng đến nền kinh tế hoặc không tạo ra sự lây nhiễm mang tính hệ thống. Bernanke bắt chước phương pháp của Greenspan để xử lý các bong bóng mà ông đã thể hiện trong các bài tham luận và bài phát biểu về nguyên nhân gây ra Đại Suy Thoái vào ngày 2 tháng 3 năm 2004.
Tuy nhiên, phương pháp giải quyết của Greenspan-Bernanke đối với các bong bóng là cả hai đã hiểu sai lịch sử và phủ nhận những bằng chứng thực tế trong thời gian gần đây. Fed đã làm điều ngớ ngẫn bằng việc tăng lãi suất vào năm 1928, nhưng sự ngớ ngẫn này không tạo ra một bong bóng, mà là do Fed không tuân theo quy tắc của một cuộc chơi. Nước Mỹ vẫn ở trong hệ thống bản vị vàng vào năm 1928 và nhìn thấy dòng chảy vào của vàng rất lớn từ Châu Âu. Theo quy tắc tiền tệ của hệ thống bản vị vàng, khi một quốc gia nhận dòng chảy vào của vàng thì quốc gia đó phải nới lỏng tiền tệ và tạo ra lạm phát, làm tăng giá hàng hóa xuất khẩu, làm giảm khả năng cạnh tranh (trong khi quốc gia bị thâm hụt và mất vàng sẽ có đồng tiền mất giá và hàng hóa xuất khẩu sẽ trở nên rẻ hơn, nên sẽ tiến dần đến giảm thâm hụt thương mại) và mọi chuyện sẽ cân bằng trở lại. Việc Fed tăng lãi suất làm tăng dòng chảy vàng vào Mỹ, làm giảm thanh khoản ở các quốc gia khác trên thế giới. Chính sách này hoàn toàn đi ngược lại quy tắc chính sách tiền tệ trong hệ thống bản vị vàng, và đó mới là nguyên nhân dẫn tới Đại Suy Thoái.
Cả Greenspan và Bernanke đã hiểu lầm rằng ngày nay không hệ thống bản vị vàng, cũng không có bất cứ hệ thống tiền tệ nào. Không có mốc neo tiền tệ gây nên khó khăn cho việc hoạch định chính sách, Fed phải suy nghĩ cẩn thận hơn về việc liệu chính sách của mình có phải là nguyên nhân gây ra bong bóng chứ không phải nghĩa rằng mình là người vô can. Ngày nay, các quyết định tăng lãi suất hoặc hạ lãi suất không được hướng dẫn bởi dòng chảy của vàng, mà là bởi ý thích bất chợt, và bởi mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp còn được gọi là NAIRU (the non-accelerating inflation rate of unemployment: tỷ lệ thất nghiệp không làm tăng lạm phát[2]) và đường cong Phillips.
Những bằng chứng thực tiễn cho thấy phương pháp xử lý của Alan Greenspan đối với bong bóng dot-com không còn thích hợp về sau. Cách thức lau dọn của Greenspan là giữ cho lãi suất ở mức quá thấp và quá lâu, là căn nguyên trực tiếp dẫn tới bong bóng nhà đất và sụp đổ tài chính 2008. Chính sách lãi suất bằng 0 của Bernanke (và được tiếp tục bởi Yellen) từ năm 2008-2015 đang lặp lại sai lầm của Greenspan với tiềm năng dẫn tới một thảm họa khác.
Điều nên làm là phân tích xem bong bóng này có phải là một mối nguy hiểm mang tính tự phát. Vấn đề là liệu bong bóng này được tạo ra bởi nợ hay là không. Bong bóng dot-com bị thổi phồng lên bởi cái mà Greenspan đã gọi trước đó là “Lạc quan Tếu (Irrational Exuberance[3]), chứ không phải là do nợ và có tổn hại đôi chút đến nền kinh tế vĩ mô khi bong bóng bị vỡ mặc dù nhà đầu tư gặp phải thua lỗ. Ngược lại, bong bóng nợ dưới chuẩn hoàn toàn là do nợ và các chứng khoán phái sinh, tạo ra một đợt đình trệ kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại Suy Thoái. Tất cả các bong bóng không phải đều giống nhau. Stein hiểu rõ điều này.
Khi hiểu tính năng động bên trong một bong bóng, chúng ta biết rằng đòn bẩy mới là thước đo quan trọng hơn nợ. Đòn bẩy bao gồm cả chứng khoán phái sinh bên cạnh các khoản vay nợ truyền thống. Đây là điều cho thấy cặp mắt tinh tường của Stein. Bernanke và Yellen không chỉ không phân biệt được sự khác nhau giữa bong bóng gây ra bởi nợ và bong bóng KHÔNG tạo ra bởi nợ, mà còn không hiểu rằng chứng khoán phái sinh chính là một dạng của nợ. Các bong bóng tài sản mới vẫn tiếp tục mở rộng trong năm 2016 theo một cách tồi tệ- đó là gây ra bởi nợ và chứng khoán phái sinh. Phương pháp tiếp cận lỗi thời của Yellen hiểu lầm sự khác biệt này.
Chúng ta đã quen với việc các nhà kinh tế không có khả năng dự báo trước các đợt hoảng loạn. Một trong những ví dụ kinh điển là nhà kinh tế học nổi tiếng Irving Fisher cho rằng thị trường chứng khoán đã đạt đến “trạng thái có vẻ như trạng thái ổn định cao một cách bền vững”, một phát biểu được đưa ra vào trước ngày 28 tháng 10 năm 1928, là ngày mà thị trường chứng khoán đã sụt giảm 24% chỉ trong 2 ngày. Đợt sụp đổ này tiếp tục với việc thị trường chứng khoán giảm đến 80% từ đỉnh cao năm 1929 trước khi đạt đáy vào năm 1932. Tôi đưa ra điều này không phải là nhằm chế nhạo Fisher- là một trong những nhà kinh tế học xuất sắc nhất của thế kỷ 20- mà là để cho thấy một vấn đề, các nhà kinh tế học, đặc biệt là Fed, thường không nhìn thấy các đợt bong bóng.
Những mô hình giúp nhận diện tốt các bong bóng là lý thuyết phức hợp, lý thuyết nguyên nhân hệ quả, kinh tế học hành vi, mặc dù việc định chính xác thời điểm của các đợt sụp đổ vẫn là vấn đề nan giải. Jeremy Stein và cựu Thống Đốc Rick Mishkin sử dụng các hàm toán học đệ quy để nhận diện các rủi ro này. Tuy nhiên, câu trả lời của Faust đã phá tan hy vọng của tôi rằng Fed đang nhận diện ra rủi ro này. Trong suy nghĩ của Yellen, nền kinh tế vẫn đang bình thường. Không hề có bong bóng.
Một từ cần lưu ý khác trong câu trả lời của Faust là “Chưa”. Điều này mang lại hàm ý trong khi bong bóng đang diễn ra, vẫn còn có đủ thời gian để kiểm soát nó. Ý tưởng là các ngân hàng trung ương có thể cho xì hơi quả kinh khí cầu này một cách từ từ. Một cách nói ẩn dụ khác là bộ điều chỉnh nhiệt trong máy lạnh. Nếu ngôi nhà quá lạnh, bạn có thể chỉnh nhiệt độ lên. Nếu ngôi nhà quá nóng, bạn có thể chỉnh nhiệt độ xuống. Hiểu rộng ra là kiểm soát nền kinh tế theo một quá trình tuyến tính và có thể đảo ngược. Tất cả chỉ bằng cách điều chỉnh nút bộ chỉnh nhiệt.
Một nền kinh tế hoạt động giống như là phản ứng hạt nhân hơn là bộ chỉnh nhiệt. Các phản ứng hạt nhân cũng có thể được điều chỉnh tăng lên hoặc giảm xuống. Nhưng quá trình này không hề tuyến tính cũng không hề có khả năng đảo ngược. Khi tình trạng siêu tới hạn đã đạt đến, lõi hạt nhân sẽ nóng chảy. Không có bộ chỉnh nào có thể giúp đông cứng trở lại. Phản ứng hạt nhân là một hệ thống phức hợp, giống như thị trường vốn. Faust vô tình nói rằng Fed đang không hiểu gì về hành vi của thị trường vốn.
Ngược với bình luận của Faust về các bong bóng, Faust lưu ý các chương trình nới lỏng định lượng đang được làm mới. Faust thật thà cho biết, đánh giá bên trong nội bộ của FED, tác động của QE được xem như là “mơ hồ”. QE có vẻ như là việc nên làm, và có thể là có còn hơn không, nhưng các lợi ích của nó mang lại thì không rõ ràng.
Bernanke đã ít nhiều thừa nhận khi ông có bài phát biểu vào năm 2015. Tôi cũng đã nghe điều tương tự trong các buổi nói chuyện riêng với các thành viên của FOMC. Các thành viên thừa nhận rằng họ không biết nên làm gì sau 2008. Bernanke nói với tôi về các nghiên cứu của ông về FDR (Cục Dự Trữ Liên Bang) trong suốt Đại Suy Thoái. Cục Dự Trữ Liên Bang đã có nhiều thay đổi lớn. Bộ máy điều hành của Cục Dự Trữ Liên Bang theo đuổi một chính sách rõ ràng chứ không phải làm theo cảm tính. Một vài nghiên cứu của ông cho thấy hoạt động hiệu quả nhưng một số thì không. Một số nghiên cứu khác có tác động, nhưng là những tác động bất hợp pháp và sau đó bị gạt bỏ bởi tòa án. Điều này không phải là vấn đề. Châm ngôn của Cục Dự Trữ Liên Bang là cố gắng thử mọi biện pháp để lôi nền kinh tế thoát khỏi con đường đình trẹ. Cục Dự Trữ Liên bang đang cảm thấy rằng, trong một cuộc khủng hoảng, làm một điều gì đó tốt hơn là không làm gì. Bernanke nói với tôi ông đồng ý với điều này.
Thực sự, điều này chưa hẳn là đúng. Ở thời điểm này, tốt hơn là không làm gì chứ không phải làm để rồi chuốc lấy thất bại. Đó là bản chất của lời thề Hippocrate trong y học, được hiểu theo nghĩa là “Tôi sẽ không cảm thấy xấu hổ khi nói rằng, “tôi không biết”…Suy cho cùng, tôi không phải là Chúa Trời, và “phòng bệnh thì tốt hơn là chữa bệnh”. Ghi chép của lịch sử cho thấy một khả năng Đại Suy Thoái có thể kết thúc sớm hơn nếu không có sự không chắc chắn gây ra bởi những hành động ứng biến tức thời của Fed. Đợt đình trệ kinh tế kéo dài từ 2008 (được định nghĩa khi tăng trưởng thấp hơn đường xu hướng tăng trưởng) cũng gây ra sự không chắc chắn do những hành động ứng biến tức thời của Bernanke-Yellen. Trong điều kiện không chắc chắn, dòng vốn bị tê liệt.
[1] Người dịch: “Mua lại cổ phiếu bằng cách sử dụng đòn bẩy” là hình thức công thức tăng vay nợ và sau đó sử dụng khoản tiền này để mua lại cổ phiếu của chính công ty mình. Đây là một hình thức quản trị tài chính phổ biến tại Mỹ sau khủng hoảng năm 2008 vì các CEO nhận thấy cần phải hỗ trợ cho giá cổ phiếu.
[2] Người dịch: còn được hiểu là tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên.
[3] Thuật ngữ kinh tế “Lạc Quan Tếu”: Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên bởi nguyên chủ tịch cục dự trữ liên bang Mỹ Alan Greenspan. Ông dùng từ ngữ này để mô tả một trạng thái của thị trường khi mà nhà đầu tư hi vọng quá mức vào tương lai tươi sáng của nền kinh tế mà không cân nhắc đến những nguy cơ có thể gây ra sự suy trầm của nền kinh tế. Điều này đã dẫn đến việc nhà đầu tư ném tiền thổi lên trái bóng đầu tư trong các lĩnh vực nhạy cảm như: chứng khóan, bất động sản, ngoại hối, thương phẩm… khiến cho nguy cơ bể bóng là khó tránh khỏi khi họ tháo chạy khỏi thị trường theo tâm lý bầy đàn bởi một lý do tiêu cực nào đó. (Nguồn: Saga).
SỨC MẠNH CỦA VÀNG
Khi quan sát các đợt sụp đổ của thị trường, thậm chí khi nhìn qua thấu kính của lý thuyết phức hợp, có một điều bất hợp lý là các nhà đầu tư không quan tâm đến việc tại sao những điều tồi tệ này kết thúc, mà chỉ muốn khi khi nào sẽ kết thúc. Lòng tham đóng một vai trò quan trọng. Các nhà đầu tư có thể tán thành rằng các thị trường vốn sẽ sụp đổ, nhưng họ lại không ở chung đường với bạn. Thực sự, một số nhà đầu tư đã từng nói với tôi, “tôi biết các chứng khoán đang ở trong tình trạng bong bóng, nhưng lợi nhuận của nó mang lại quá hấp dẫn. Hãy báo cho tôi vào ngày trước khi diễn ra đợt sụp đổ; tôi sẽ bán mọi thứ, cầm tiền mặt đi mua vàng và giữ lại một số ít lợi nhuận. Đây là số điện thoại của tôi.”
Câu trả lời hợp lý nhất cho những loại câu hỏi này là không ai biết chính xác khi nào cuộc sụp đổ sẽ diễn ra. Bản chất của lý thuyết phức hợp nhằm chỉ ra những thay đổi không nhìn thấy trong những điều kiện ban đầu sẽ tạo ra những thay đổi rất khác biệt trong kết quả của hệ thống. Diễn biến của thị trường tài chính không phải có dạng tuyến tính mà là một thuật toán không đơn định (nondeterministic)[1]. Có thể xuất hiện mối quan hệ nhân quả giữa các tác nhân xúc tác và sự sụp đổ. Tuy nhiên, các mối quan hệ này còn quá ít để quan sát và rất khó để định chính xác thời điểm sụp đổ. Dự đoán sự sụp đổ của thị trường tài chính cũng khó khăn giống như dự báo các cơn động đất. Đó là một sự kiện chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai và có thể ước lượng được độ lớn của nó, nhưng không ai biết chắc chắn khi nào sẽ xảy ra.
Khoa học thí nghiệm, cụ thể là thí nghiệm rót cát[2] (tương tự như cơ chế động của bông tuyết gây ra lỡ tuyết) và mô phỏng máy tính sử dụng thuật toán CA (cellular automaton- tế bào automat lượng tử)[3] nhằm tìm ra mức độ phân phối của những sự kiện hiếm. Tuy nhiên, một triệu thí nghiệm cũng không giúp bạn dự đoán được cần bao nhiêu cát để gây ra sụp đổ.
Sự mất ổn định của hệ thống, không phải là do xúc tác của một cá nhân nào, sẽ hủy hoại của cải của bạn. Các nhà đầu tư không nên tập trung vào những bông tuyết, mà nên thận trọng về vụ lỡ tuyết. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lại luôn bị cám dỗ tìm kiếm các bông tuyết[4].
Những bông tuyết gây chấn động dư luận nhất có thể là từ những vụ chuyển giao vàng vật chất thất bại của một số ngân hàng lớn. Đây sẽ là cú sốc lớn cho thị trường giống như những vụ vỡ nợ của các quỹ thế chấp vào năm 2007. Cơn hoảng loạn mua vàng sẽ diễn ra, giá vàng sẽ bắt tăng vọt, và các thị trường tài chính khác sẽ rơi vào hoảng loạn khi dự báo các đợt chuyển giao vàng vật chất khác cũng sẽ thất bại.
Vàng là loại tài sản ít được hiểu đúng đắn nhất trên thế giới. Sự hiểu nhầm nảy sinh do vàng được giao dịch giống như một loại hàng hóa, nhưng thực tế vàng không phải là hàng hóa. Nó là tiền. Các quốc gia sở hữu hàng ngàn tấn vàng trong hầm dự trữ vàng đang tỏ ra vui mừng để tiếp tục làm mơ hồ hiểu biết của bạn. Các ngân hàng trung ương biết rõ vàng là tiền, nhưng lại không muốn để cho bạn biết sự thực này.
Tuy nhiên, sự tồn tại của 35,000 tấn vàng bên trong hầm vàng của các chính phủ, khoảng 15% tổng số vàng được khai thác cho đến hiện nay, đã cho thấy vai trò tiền tệ của vàng mặc dù các quan chức chính phủ luôn chối bỏ sự thực này. Thậm chí IMF, tổ chức đã chính thức không neo tiền tệ vào vàng vào năm 1974 cũng nắm giữ 2,800 tấn vàng. Ngân hàng Thanh Toán Quốc Tế (BIS) tại Thụy Sĩ, được xem là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương, vẫn nắm giữ 108 tấn vàng trong tài khoản của mình. Các ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính không nắm giữ đồng, nhôm, hoặc thép, mà họ chỉ sở hữu vàng. Chỉ có một lời giải thích duy nhất cho việc các ngân hàng trung ương tích trữ vàng đó là -vàng chính là tiền. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương chỉ định nghĩa các dạng tiền pháp định như đồng USD, đồng EUR mới là tiền và hoàn toàn không đề cập đến vàng. Lý do là các ngân hàng trung ương đang muốn độc quyền lũng đoạn tiền pháp định. Chưa một ngân hàng trung ương nào có thể độc quyền lũng đoạn vàng.
Một trong những kết quả của sự nhầm lẫn về bản chất của vàng là những giao dịch vàng giống như một người bị bệnh tâm thần phân liệt. Vào lúc này, các giao dịch vàng giống như vai trò của hàng hóa và phản ứng với lạm phát, giảm phát và những thay đổi trong lãi suất thực giống như các loại hàng hóa khác. Các nhà giao dịch vàng tự doanh của sàn COMEX hẳn sẽ rất vui khi bán các hợp đồng vàng gần tới ngày đáo hạn (front-month[5]), và mua lại các hợp đồng chưa tới ngày đáo hạn (back-month), thu về một khoản lợi nhuận chỉ bằng cách điều chỉnh chi phí lữu trữ và vận chuyển, được gọi là bù giá hoãn mua (contango[6]). Những người mua vàng tổ chức như SAFE, quỹ quản lý tài sản ngoại hối bí mật của Trung Quốc, thích mức giá thấp vì họ vẫn chưa mua đủ vàng cho quỹ dự trữ của mình. Một số người nắm giữ vàng khác đang chờ đợi trong tuyệt vọng trên thị trường vàng tương lai để sàn COMEX chuyển giao vàng vật chất cho họ. Không hề có đủ vàng vật chất đáp ứng cho các yêu cầu chuyển giao này; các sàn giao dịch vàng tương lai có thể phá vỡ giao ước nếu họ thấy cần thiết. Tuy nhiên, tại sao các nhà đầu tư vẫn chưa yêu cầu rút vàng vật chất? Đó là do các ngân hàng vẫn đáp ứng được thanh khoản cho bạn tại mức giá hiện tại. Không có lý do khẩn cấp gì để các nhà đầu tư nhỏ lẻ hoặc các tổ chức lớn này đang phá vỡ kênh giao dịch sinh lợi này.
Giá vàng sẽ phá vỡ và hướng về mức giá trị tiền tệ nội tại của nó là 10,000 USD mỗi ounce, so với mức giá hàng hóa hiện tại chỉ là 1,400 USD mỗi ounce, không phải vì các nhà giao dịch nổi loạn, mà là vì cơ chế chuyển giao giữa thị trường vàng vật chất và thị trường vàng phái sinh (trên giấy tờ sổ sách) bị phá vỡ. Sự phân kỳ giữa giá trị hàng hóa của vàng và giá trị tiền tệ thật sự của vàng sẽ hội tụ khi nhà đầu tư nhận thấy giá trị tiền tệ của vàng. Những tín hiệu này đang lộ diện.
Một tín hiệu xuất hiện vào tháng 11 năm 2014, khi giá vàng phân kỳ rất nhanh với chỉ số Thomson Reuters Continuous Commodity Index. Vàng là một thành phần trong chỉ số này và đã giao dịch với độ tương quan cao với chỉ số này trong nhiều năm. Điều này không có gì là phải ngạc nhiên: một bộ phận cấu thành của chỉ số tất nhiên sẽ bám sát theo chỉ số bao gồm nó. Nhưng vào tháng 11 năm 2014, chỉ số này bất ngờ tăng tốc giảm xuống, trong khi giá vàng lại phá vỡ đi lên. Sự phân kỳ này vẫn tồn tại cho đến năm 2016. Tháng 11 năm 2014 đánh dấu điểm mà vai trò tiền tệ của vàng đang được nhận ra lấn át suy nghĩ vàng chỉ là một loại hàng hóa.
Một tín hiệu khác ít rõ ràng hơn, nhưng cũng thú vị hơn. Vào ngày 18 tháng 7 năm 2014, tôi đã ăn tối tại một câu lạc bộ tư nhân sang trọng ở New York với một người bạn, một trong những dealer giao dịch vàng thỏi nổi tiếng trên thế giới. Bạn của tôi nói với tôi rằng, anh ấy đang rất sốc, hoàn toàn khác với những câu chuyện tôi đã nghe tại Hong Kong và Zurich.
Có đôi chút bài học khi ngồi quan sát màn hình theo dõi giá vàng. Vàng là vật chất, không phải vật phù du. Các chuyên gia về vàng vật chất bao gồm dealer, những người khai thác vàng, người tinh luyện vàng và các nhà điều hành hoạt động logistic của các hầm vàng tư nhân. Thói quen của tôi là gặp những chuyên gia về vàng mỗi khi tôi có thể.
Phòng ăn tối của câu lạc bộ không có cửa sổ và ánh sáng mờ, với các khung gỗ Dái Ngựa (mahogany) theo phong cách truyền thống và các nẹp gỗ ép mỏng. Các bức tường dày đặc các hình vẽ, chủ yếu là ảnh khỏa thân mang lại cảm giác tự do phóng túng. Câu lạc bộ này là nơi hoàn hảo để thảo luận về vàng, loại tiền truyền thống thực sự. Chúng tôi cũng thưởng thức các món hàu, cua bể và những chai rượu vang Champagne.
Người bạn dealer của tôi là nhân chứng thực khi quan sát những kết quả kỳ lạ vào năm 2009 liên quan đến HSBC, một ngân hàng quá lớn để thất bại, và là một trong những dealer vàng lớn nhất trên thế giới. HSBC kiểm soát một hầm vàng ở phố 39 phía Tây Manhattan, gần Thư Viện Quốc Gia New York. Mặt bên ngoài hầm vàng là rất khó nhận diện, được cảnh giới bửi hàng ngàn người đi bộ qua lại mỗi ngày. Có ba sàn chất tải ở phố 38 mà các xe hơi bọc thép có thể đến để ký gửi và nhận các thỏi vàng. Một sàn chất tải có một chiếc xe hơi bọc thép hai trục thường xuyên qua lại như con thoi với hầm vàng Brink lớn hơn tại cảng hàng không JFK ở Queens. Từ cảng hàng không JFK, vàng được vận chuyển đi khắp nơi trên thế giới đến những nơi như Thụy Sĩ hoặc Thượng Hải.
Phía sau những cánh cửa của sàn chất tải là phòng đếm vàng. Các dealer giao dịch ít vàng có thể đi bộ đến với một vài đồng tiền vàng hoặc vài thỏi vàng trong túi bưu kiện. Phòng đếm vàng được che chắn bằng kính chống đạn. Điều này cho phép các dealer khi ở trong phòng đếm vàng có thể quan sát các hoạt động diễn ra quanh họ. Bạn tôi lúc đó đang ở trong phòng đếm vàng để gửi 100 ounce đồng tiền vàng. Anh ấy quan sát thấy nhiều vụ vận chuyển vàng lớn hơn với những thỏi vàng 400 ounce đang được dỡ tải ở sàn chất tải kế bên. Anh ấy nói châm chọc với nhân viên phòng đếm vàng. “Này, tôi sẽ giao dịch những đồng tiền vàng này để lấy những thỏi vàng ở đằng kia.” Người nhân viên nhìn chằm chằm vào bạn tôi và nói, với giọng nhỏ nhẹ, “Ông đừng làm như thế; những đồng tiền vàng này còn đáng giá hơn,” như thể hàm ý rằng những thỏi vàng kia là “chỉ là đồ giả mạo”.
Ngay sau câu chuyện kì lạ này, HSBC đột ngột thông báo chấm dứt hoạt động kinh doanh cất giữ vàng cho tất cả các khách hàng lớn. Những tài khoản nhỏ và trung bình được gọi đến và khách hàng nhận lấy những đồng tiền vàng của họ. Nhiều nhân viên hỗ trợ bị sa thải, bao gồm người nhân viên phòng đếm vàng mà đã cảnh báo bạn tôi về những thỏi vàng giả. Một người phụ nữ luôn đứng đầu danh sách khách hàng gửi vàng lớn nhất trong hơn 20 năm, Stephanie Schiffman, đã chết ngay trước đó trên giường ngủ của cô ấy.
Câu chuyện vẫn chưa dừng lại đó. Không lâu sau, Trung Quốc xác định có một tàu vận tải chứa đầy các thỏi vàng giả, lớp sơn bên ngoài của vàng cho biết là đã nhận từ HSBC. Ngân hàng này là một trong những trung gian của giao dịch. Nguồn gốc của số thỏi vàng giả này không được tiết lộ cho phía Trung Quốc. Người Trung Quốc đã yêu cầu chuyển giao vàng thật cho họ, và phía HSBC ngay lập tức đáp ứng. Toàn bộ câu chuyện trên nhanh chóng rơi vào quên lãng. Từ năm 2009, Trung Quốc mở rộng đột ngột hoạt động khai thác, khả năng tinh luyện vàng và hiện nay đang ít phụ thuộc vào nguồn cung vàng từ Phương Tây. Trung Quốc cũng bảo vệ chính mình bằng việc khẳng định những thỏi vàng 400 ounce cũ được mua từ nguồn gốc Phương Tây và được luyện lại ở Thụy Sĩ thành những thỏi vàng 1 kg có độ nguyên chất cao hơn. Thật vô nghĩa khi số thỏi vàng giả này được đem đi tinh luyện lại vì vụ lừa đảo được phát hiện ngay sau khi số vàng này đã được nấu chảy. Thực ra, số vàng thỏi 400 ounce giả vẫn được để lại ở Phương Tây.
Giao dịch trên thị trường phái sinh vàng được hỗ trợ bằng việc lưu trữ vàng vật chất nhưng nó đang bị thiếu hụt. Vụ làm giả vàng của Trung Quốc cho thấy triệu chứng căng thẳng của thị trường vàng vật chất. Người bạn dealer của tôi cho rằng phía cung vàng vật chất đang bị thắt lại đến mức nguy hiểm. Những lệnh 10 tấn hoặc cao hơn rất khó đáp ứng. Luật Mỹ yêu cầu vàng vật chất khi bán kỳ hạn sẽ được chuyển giao trong vòng 28 ngày. Những giao dịch như vậy được phân loại thành các hợp đồng tương lai, điều hoàn toàn phi pháp trừ khi chúng được giao dịch trên sàn giao dịch tương lai được pháp luật công nhận. Trong bối cảnh thị trường thiếu hụt vàng vật chất, luật này gần như bị lờ đi khi các dealer nhận thấy rất khó để hoàn tất việc chuyển giao vàng vật chất trong vòng 28 ngày. Chính phủ Mỹ cho thấy không có lợi ích gì để buộc các nhà đầu tư tuân theo luật này. Những vụ bán vàng kỳ hạn phi pháp nên được đưa vào báo cáo trong các hợp đồng mở (open interest[7]) của các sàn giao dịch tương lai nhằm giúp nhà đầu tư nhận thấy kim tự tháp đảo ngược của thị trường vàng phái sinh đang được tựa vào một nguồn cung vàng vật chất đang dần ít đi.
Thị trường vàng vật chất làm nền tảng cho thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách có dạng kim tự tháp ngược bằng số lượng nguồn cung vàng vật chất sẵn có (floating). Nguồn cung vàng vật chất sẵn có hoàn toàn khác với tổng nguồn cung vàng. Nguồn cung vàng vật chất sẵn có bao gồm số lượng vàng sẵn sàng để chuyển giao ngay lập tức cho hoạt động của dealer. Tổng nguồn cung vàng vật chất bao gồm tất cả vàng vật chất trên thế giới. Hầu hết vàng được cất giữ trong các hầm vàng tư nhân hoặc được làm nữ trang. Nó không sẵn sàng để hỗ trợ cho hoạt động giao dịch của thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách. Đây là sự khác biệt quan trọng. Phần lớn số vàng trên không sẵn sàng để hỗ trợ cho hoạt động giao dịch. Sự khác biệt giữa lượng cung vàng vật chất sẵn có cho hoạt động giao dịch và tổng nguồn cung vàng vật chất lý giải trực tiếp tại sao những vụ chuyển giao vàng vật chất thất bại sẽ dẫn đến cơn sốt hoảng loạn mua vàng.
Vàng đang nằm trong các ngân hàng trung ương Phương Tây, IMF (Tổ chức tiền tệ quốc tế), và BIS (Ngân hàng thanh toán quốc tế) là một phần của nguồn cung vàng vật chất sẵn có cho hoạt động giao dịch. Một khi có được vàng từ hoạt động cho thuê tài chính vàng vật chất của các ngân hàng kinh doanh kim loại quý, số vàng này sẽ được sử dụng để bán kỳ hạn theo dạng vàng không chỉ định (unallocated). Thuật ngữ “vàng không chỉ định” là một cách nói giảm nói tránh. Điều này có nghĩa là người mua đã có một hợp đồng sở hữu vàng trên giấy tờ sổ sách với một mức giá nhất định, nhưng thực tế không hề sở hữu được vàng vật chất. 1 tấn vàng của người Đức, được gửi tại Cục Dự Trữ Liên Bang tại New York, được sử dụng cho thuê tài chính cho Goldman Sachs ở Luân Đôn thông qua trung gian là BIS, có thể dùng để hỗ trợ cho 10 tấn vàng được bán kỳ hạn trên thị trường tương lai. Mỗi người mua trong số 10 tấn vàng này tin tưởng rằng mình đang sở hữu vàng. Nhưng kỳ thực, chỉ có 1 tấn vàng vật chất hỗ trợ cho 10 tấn vàng vật chất. Thậm chí 1 tấn vàng vật chất ban đầu được cho thuê tài chính, có thể đã bị người cho thuê rút ra khỏi thị trường.
Khi vàng của các ngân hàng trung ương Phương Tây bị bán cho Trung Quốc và được vận chuyển tới Thượng Hải, số vàng này sẽ được cất giữ vĩnh viễn trong hầm vàng của quốc gia này và sẽ không bao giờ hỗ trợ cho hoạt động giao dịch. Tổng lượng cung vàng vật chất có thể không đổi, nhưng lượng cung vàng vật chất sẵn có hỗ trợ cho hoạt động giao dịch lại đang cạn dần. Điều này cũng đúng khi những quốc gia như Hà Lan hoặc Đức yêu cầu rút lại vàng đang gửi tại Cục Dự Trữ Liên Bang tại New York về các hầm vàng ở Amsterdam và Frankfurt. Về mặt pháp lý, số vàng này có thể đã được người Đức và người Hà Lan cho thuê tài chính, nhưng không hề có thị trường cho thuê tài chính vàng được quản lý chặt chẽ ở cả hai quốc gia này. Cho thuê tài chính vàng chủ yếu tập trung ở Luân Đôn và New York, là những quốc gia có luật thương mại rõ ràng và các án lệ pháp lý mang lại độ tin cậy cao cho các bên tham gia giao dịch rằng hợp đồng giao dịch sẽ được tuân thủ. Vì thế, yêu cầu rút vàng ký gửi của Châu Âu tại Mỹ sẽ làm giảm lượng cung vàng vật chất sẵn có hỗ trợ cho hoạt động giao dịch.
Lượng cung vàng vật chất sẵn có hỗ trợ cho hoạt động giao dịch cũng đang cạn dần khi các nhà đầu tư đang ngày càng có nhu cầu chuyển số lượng vàng của họ từ hầm vàng của các ngân hàng UBS hoặc Credit Suisse đến các hầm vàng tư nhân tại Loomis hoặc Brink’s. Vàng tại các hầm vàng của ngân hàng là sẵn sàng cho hoạt động cho thuê tài chính hoặc nhiều vụ bán vàng không chỉ định trong khi số vàng tại các hầm vàng tư nhân thì không hề tham gia các giao dịch này. Xu hướng chuyển dịch vàng từ hầm vàng ngân hàng sang tư nhân đã được các nhà điều hành hầm vàng tư nhân xác nhận với tôi.
Một lỗi khác trên thị trường vàng vật chất là những thay đổi phi pháp của những thỏi vàng được chỉ định. Một vài người mua sở hữu vàng dưới dạng chỉ định, có nghĩa rằng họ đã được khắc rõ tước hiệu trên những thỏi vàng. Các thỏi vàng 400-ounce đạt chuẩn để chuyển giao luôn có tên công ty luyện vàng, tên công ty kiểm định vàng, trọng lượng chi tiết (có thể nhiều hơn hoặc thấp hơn một chút so với 400 ounce), ngày thỏi vàng này được đúc, độ nguyên chất (thường dao động từ 99.5% đến 99.9%), và một dãy số seri. Dựa trên những nhãn mác này, mỗi thỏi vàng là riêng biệt. Nhưng vàng nguyên chất có thể bị pha trộn được, và đó là một trong những đặc điểm hấp dẫn của vàng. Tôi đã nghe vô số câu chuyện các nhà đầu tư vàng, những người yêu cầu chuyển giao vàng vật chất, chỉ nhận được những thỏi vàng với các ngày đúc và nhãn mác khác nhau. Điều này có nghĩa rằng số thỏi vàng gốc đã bị sửa nhãn. Sự thực là đây chỉ là số vàng thay thế nhãn mác chữ không phải bị làm giả. Nhưng sự thay thế nhãn mác này chứng tỏ vàng vật chất đang bị khan hiếm.
Tất cả những xu hướng trên- sự cạn kiệt của kho vàng của sàn giao dịch COMEX, yêu cầu rút lại vàng ký gửi của người Châu Âu, việc mua đứt vàng của Trung Quốc, xu hướng nổi lên của các hầm vàng tư nhân, các hoạt động thay thế nhãn mác vàng phi pháp, đang lớn dần lên. Kết quả là thị trường phái sinh vàng có dạng kim tự tháp đảo ngược đang dựa trên một nguồn cung vàng vật chất sẵn có cho hoạt động giao dịch ngày càng nhỏ hơn. Sự thiếu hụt, trì hoãn, và lừa đảo trong các vụ chuyển giao vàng vật chất đang xuất hiện. Nhưng hiện tại, những biểu hiện bất thường này vẫn đang bị các thành viên tham gia thị trường lờ đi.
Khi sự khan hiếm vàng vật chất đang dần lộ rõ, một giai đoạn chuyển dịch xuất hiện. Những ai đã được khắc rõ tước hiệu lên những thỏi vàng, nhưng không hề sở hữu vàng vật chất, bắt đầu yêu cầu được nhận lại vàng. Xu hướng này đang được nhận thấy trong các yêu cầu rút vàng gần đây của Đức và Hà Lan. Yêu cầu nhận lại vàng vật chất cũng xuất hiện Cục Dự Trữ Liên Bang ở New York dựa trên các báo cáo ký gửi vàng. Vào năm 2014, số vàng được ký gửi tại Fed giảm 177.64 tấn, một nữa số vàng bị rút trên diễn ra chỉ trong vòng 2 tháng, là tháng 10 và tháng 11 năm 2014. Xu hướng bị rút vàng diễn ra theo một chiều, khong có tháng nào số vàng ký gửi tăng lên. Xu hướng rút vàng này diễn ra trong cùng thời điểm có sự phân kỳ giữa giá vàng với chỉ số giá hàng hóa. Sự phân kỳ này cho thấy vàng là tiền và nguồn cung vàng đang thiếu hụt.
Những xu hướng này chỉ được các chuyên gia và giới kinh doanh vàng nhận thấy. Công chúng nói chung và các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ không được cảnh báo về những biểu hiện này. Sự thiếu hụt nguồn cung vàng vật chất so với các hợp đồng giao dịch phái sinh, và sự căng thăng của các bên tham gia hợp đồng trong việc chuyển giao vàng vật chất thất bại, đã kích hoạt một làn sóng tháo chạy giống như làn sóng tháo chạy thường gặp ở hệ thống ngân hàng- ngoại trừ việc mọi người đang đổ xô đi mua vàng.
Diễn biến của hệ thống vàng hiện nay giống như điều đã diễn ra trên thị trường vàng từ năm 1968 đến 1971, khi các quốc gia Châu Âu đổ xô đổi đôla sang vàng tại hầm vàng Fort Knox, buộc Tổng Thống Nixon phải đóng cửa sổ vàng[8] vào ngày 15 tháng 8 năm 1971. Ngày nay, không hề có một mức giá cố định nào cho vàng, và vàng không đến từ hầm vàng Fort Knox, mà là từ Cục Dự Trữ Liên Bang và các quỹ ETF. Tuy nhiên, bản chất của hệ thống vẫn tương tự.
Thời cơ sẽ trở nên chín muồi khi một vụ chuyển giao vàng vật chất thất bại được công bố đại chúng. Lúc này, những người sở hữu vàng dưới dang giấy tờ sổ sách sẽ muốn có vàng vật chất bằng mọi giá. Giá vàng sẽ bắn vọt khi những bên trung gian sẽ đổ xô mua số lượng vàng vật chất khan hiếm nhằm thực hiện cho các vụ chuyển giao vàng được cam kết trước đó. Các tổ chức trước đây không quan tâm đến vàng sẽ bất ngờ muốn có vàng cũng như tăng tỷ trọng sở hữu vàng trong danh mục đầu tư, điều làm tăng động lực của xu hướng tăng. Kết quả cuối cùng là một kế hoạch ice-nine cho vàng. Các sàn vàng sẽ bị ngừng giao dịch. Các hợp đồng sẽ bị kết thúc và được thanh toán bằng đồng USD theo mức giá đóng cửa gần nhất. Những người tham gia hợp đồng sẽ bỏ mất cơ hội nhận lấy khoản lãi từ việc giá vàng vật chất tăng giá sau đó và quyền tiếp cận thị trường vàng vật chất. Những ai không có vàng sẽ không thể có vàng dù ở mức giá nào đi chăng nữa.
Hệ thống tài chính sẽ gặp may nếu như cơn sốt hoảng loạn mua vàng được chế ngự và không lây lan sang các thị trường vốn khác. Nhưng điều này có vẻ như khó có thể xảy ra. Tình trạng kiệt quệ tài chính là căn bệnh lây nhiễm. Thậm chí ngay cả khi cơ sốt hoảng loạn mua vàng được tạm thời chế ngự, điều này không có nghĩa các thị trường vốn sẽ được bình yên. Sẽ có nhiều vụ lỡ tuyết khác.
ĐỘNG ĐẤT 2018
Những hình ảnh ẩn dụ về động đất và lỡ tuyết rất hữu ích để mô tả tính động (dynamic) của cuộc đổ vỡ tài chính, nhưng các tính động này còn sâu sắc hơn cả các phép ẩn dụ này. Tính động của hệ thống phức hợp và các mô hình toán học được sử dụng nhằm mô tả các thảm họa tự nhiên và thảm họa trên thị trường tài chính là như nhau. Trong các phép ẩn dụ trên, chúng ta có thể còn thời gian để quan sát. Các vụ nổ hạt nhân diễn ra trong nano giây. Các trận động đất diễn ra trong vài phút. Các cơn sóng thần diễn ra trong vài giờ. Những siêu bão có thể diễn ra trong vài ngày và sự suy yếu của nó diễn ra trong vài tuần. Khoảng thời gian diễn ra tùy thuộc vào quy mô hệ thống mà tính động diễn ra. Sụp đổ thị trường tài chính giống như một siêu tân tinh có thể diễn ra trong vài năm, hoặc nếu là một siêu tân tinh thực sự có thể diễn ra trong cả ngàn năm. Điều này không phải vì sự kiện này có tính động thấp mà là quy mô của hệ thống là rất lớn.
Một vụ sụp đổ thị trường tài chính có thể diễn ra chậm chạp ví dụ như sự sụt giảm của đồng Bảng Anh và sự nổi lên của đồng Đôla trong vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu. Hội nghị Bretton Wood diễn ra vào ngày 27 tháng 12 năm 1945 chỉ là một ngày thuận tiện để đánh dấu mốc đồng Đôla chính thức phế ngôi Đồng Bảng Anh. Điều này dựa trên một trật tự tiền tệ mới theo thỏa thuận của hội nghị Bretton Woods vào tháng 7 năm 1944, xác lập vai trò đặc biệt của đồng đôla làm mốc neo với vàng cho phép các đồng tiền khác neo vào đồng đôla, và hạn chế các hành vi phá giá tiền tệ dưới sự giám sát của IMF.
Nhưng quá trình thay đổi này diễn ra từ 30 năm trước, vào tháng 11 năm 1914. Đó là khi dòng chảy của vàng giữa Mỹ và Anh Quốc chỉ chảy vào Mỹ. Chỉ xuất hiện một dòng chảy vàng lớn vào Anh Quốc xảy ra vào ngày 29 tháng 7 năm 1914, khi Anh Quốc đầu tư vào vàng để tài trợ cho Thế Chiến Thứ Nhất. Mỹ không có lựa chọn nào là phải chở vàng tới Anh theo quy tắc của trò chơi (Người dịch: hệ thống bản vị vàng). Dòng chảy vàng xuất phát từ Mỹ này là do Jack Morgan và các cộng sự trong công ty J.P.Morgan & Company thực hienj.
Đến tháng 11 năm 1914, quá trình thanh toán này hoàn tất, và thị trường thương phiếu ngắn hạn đã ổn định trở lại. Lúc này, cán cân thương mại, dòng chảy vốn của Anh Quốc bắt đầu ổn định. Anh Quốc nhận ra nhu cầu lớn nhập khẩu thực phẩm, bông, phương tiện phục vụ chiến tranh từ Mỹ. Một khi các rào cản vận chuyển đã được giải quyết, Mỹ đã xuất khẩu một lượng lớn hàng hóa đến Anh. Theo quy tắc của trò chơi, thặng dư thương mại của Mỹ phải được thanh toán bằng vàng. Đây là giai đoạn bắt đầu cho sự tích lũy quy mô lớn lượng vàng của Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ.
Vai trò của đồng Bảng Anh từ năm 1914 đến năm 1944 là chỉ còn là vẻ bề ngoài. Thực tế, Luân Đôn vẫn là trung tâm tài chính, đồng Bảng Anh vẫn là đồng tiền dự trữ, nhưng nó chỉ còn đúng với các thị trường thuộc địa Anh của đế chế Anh Quốc, và chịu sự đe doa mạnh mẽ của các ngân hàng thân Anh của J.P.Morgan. Học giả Barry Eichengreen đã sáng suốt gọi đây là giai đoạn chuyển tiếp và nhìn thấy cuộc chiến giữa đồng Bảng Anh và đồng Đôla trong vai trò tiền tệ dự trữ toàn cầu trong cuốn sách của mình Golden Fetters (Chiếc Gông Vàng).
Đồng Bảng Anh trên thực tế đã mất vị trí đồng tiền dự trữ vào năm 1914, nhưng thế giới vẫn chưa nhận ra mãi cho đến năm 1944. 30 năm không phải là một nano giây. Tuy nhiên, sự sụp đổ của đồng Bảng Anh vẫn được xem là một quá trình động diễn ra không ngừng. Những người bên trong ngân hàng Morgan đã biết điều này và họ tích lũy vàng mỗi ngày. Có lẽ đồng Đôla ngày hôm nay đã mất vị thế thống trị, nhưng chỉ được một số người nội bộ bên trong nhận ra, các nhà đầu tư vẫn chưa nhận thấy thực tế này vì vẻ bề ngoài của đế chế Hoa Kỳ vẫn còn tồn tại.
Các nhà sử học tương lai có thể nhìn lại ngày 18 tháng 9 năm 2008, như là ngày mà ngôi vương của đồng Đôla bị phế truất. Fed đã in tiền ồ ạt để dập tắt đám cháy từ Lehman Brothers, AIG và Goldman Sachs. Cùng lúc đó, Trung Quốc bắt đầu nhận được dòng chảy lớn của vàng, không phải vì các quy tắc trong hệ thống bản vị vàng, mà là bằng những hoạt động mua ngầm thông qua các cơ quan bí mật và cơ quan tình báo. Ảo tưởng về sức mạnh của đồng Đôla vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, thế giới bên dưới ông vua Đôla đã thay đổi.
Mặc dù khó có thể chỉ ra chính xác cực điểm của bối cảnh này, nhưng chúng ta có thể biết cuộc khủng hoảng này diễn ra như thế nào. Đợt sụp đổ diễn ra theo các giai đoạn, qua nhiều năm, và bao gồm cả những thời gian vắng lặng khi tất cả các còi báo động đã tắt, nhưng sau đó quả bom sẽ còn nổ ra mạnh hơ.
Tính phức hợp trong hệ thống tiếp tục nuôi dưỡng và sản sinh ra sự sụp đổ trong hệ thống đó. Tại sao người dân Châu Âu không nhận thấy một cuộc sụp đổ toàn diện diễn ra trong gần nghìn năm từ sự sụp đổ của Đế Chế Roma đến thời kỳ Phục Hưng? Câu trả lời là không hề có Châu Âu nào trong hệ thống đó. Vùng đất Châu Âu lúc này chỉ là những vương quốc nhỏ lẻ, lãnh địa của các ông hoàng và văn hóa cướp bóc của người Viking được liên kết yếu ớt với nhau. Có chiến tranh, xung đột, văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật nhưng không hề có một hệ thống Châu Âu ở quy mô lớn.
Chỉ khi có sự nổi lên của trung tâm chính trị tập trung như Pháp, Thụy Điển, Nga và Anh Quốc vào thế kỷ 16 mới tạo nên một hệ thống có tính động. Các chức năng nhạy cảm tăng lên dẫn đến ba cuộc sụp đổ lớn mang tính hệ thống- Cuộc Chiến 30 năm, Chiến Tranh Napoleon, và những cuộc chiến tranh thế giới ở thế kỷ 20. Mỗi cuộc sụp đổ được theo sau bởi những nổ lực ổn định hóa trở lại hệ thống với những quy tắc mới được thiết lập. Giải pháp cho Cuộc Chiến 30 năm là Hiệp Ước Hòa Bình Westphalia vào năm 1648, tạo nên mô hình nhà nước hiện đại và cái thiêng liêng gọi là raison d’État (lợi ích quốc gia). Giải pháp cho cuộc chiến Napoleon là Đạo Luật Cuối Cùng (Final Act) của quốc hội Viên (Áo) vào ngày 9 tháng 6 năm 1815. Đạo Luật Cuối Cùng làm giảm sức mạnh của Pháp, nhưng không hướng đến trừng phạt nước Pháp. Quốc Hôi của Viên đã thiết lập nền tảng cho quy tắc ngoại giao hiện đại và duy trì cán cân sức mạnh trong quan hệ quốc tế. Giai đoạn tương đối ổn định, hòa bình và thịnh vượng sau đạo luật của Quốc Hội Viên được gọi là Hòa Hợp Quyền Lực Châu Âu (Concert of Europe).
Hệ quả của thế chiến Thứ Nhất không tạo ra một hệ thống ổn định như đã xuất hiện trong năm 1648 và 1815. Hiệp ước Hòa Bình được kí kết tại Versailes vào ngày 28 tháng 6 năm 1919, có khuynh hướng chính trị trừng phạt Đức và nền kinh tế của họ. Hiệp ước này đã châm ngòi cho siêu lạm phát và đình trệ kinh tế và cũng là nguyên nhân tạo ra Thé Chiến Thứ Hai. Chỉ đến khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, với sự xuất hiện của hàng loạt thỏa thuận vào năm 1944 và 1945, bao gồm hệ thống Bretton Woods, và Hiến Chương Liên Hợp Quốc, sự ổn định mới xuất hiện trở lại tạo nên một trật tự thế giới mới được dẫn đầu bởi Hoa Kỳ và Liên Bang Xô Viết.
Sự khác biệt giữa một nghìn năm từ năm 500 sau công nguyên đến năm 1500, và năm trăm năm kể từ năm 1500, mô tả tầm quan trọng của quy mô hệ thống. Các vương quốc nổi lên và lụi tàn trong Thời Kỳ Phục Hưng, nhưng không để lại thảm họa to lớn nào. Những xung đột chính trị diễn ra trong những phòng kín của một con tàu, và độ nhạy của mạng lưới thấp làm giảm bớt sự lây nhiễm ảnh hưởng kinh tế và chính trị. Nhưng từ năm 1500, quy mô và độ nhạy của hệ thống tăng lên dẫn đến những xung đột lớn hơn theo cấp độ hàm số mũ, chính xác là điều mà lý thuyết phức hợp dự báo.
Hòa Hợp Quyền Lực Châu Âu sụp đổ trong khoảng 60 năm sau khi ra đời ở Viên. Đức và Italia không hòa hợp với nhau, điều xảy ra vào năm 1871, dẫn đến sự gia tăng độ nhạy và quy mô của hệ thống. Độ nhạy chính trị được phóng đại bởi mạng lưới kinh tế và được hun đúc bởi các phát minh và mở rộng của điện thoại di động, tàu hơi nước, hệ thống điện, và nhiều sáng kiến khác. Sự phức tạp của hệ thống tăng lên làm nảy sinh những vụ khủng hoảng sâu sắc. Sự sụp đổ của Đế Chế Ottoman, chiến tranh Nga-Nhật vào năm 1905, và cuộc khủng hoảng Balkan vào năm 1912, dẫn tới phá hủy cấu trúc của Châu Âu và sự sụp đổ của các đế chế từ năm 1915 đến 1945. Thế Chiến Thứ Nhất và Thứ Hai là góc nhìn tốt, và sẽ được xem xét bởi những nhà sử học tương lai, như là một sự sụp đổ hệ thống có quy mô lớn của Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Anh Quốc.
Thế bây giờ chúng ta đang ở đâu? Các cuộc khủng hoảng tài chính đang dần xuất hiện ở trung tâm của hệ thống phức hợp có tính động. Các cuộc khủng hoảng năm 1998 và 2008 chỉ mới giống như sự xung đột của Nga, Đức-Nga và các cuộc chiến tranh Balkans vào những năm 1870 đến 1912. Chúng chỉ mới là những cảnh báo- những thảm họa phía trước còn vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Đây không phải là sự phỏng đoán, đó là kết quả mong đợi của hệ thống có tính động. Kết quả này là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm giảm bớt tác động bằng việc tạo ra các ngân hàng nhỏ hơn, ít hoạt động phái sinh hơn, ít đòn bẩy hơn và có lẽ là phải dựa vào vàng. Không có phương thuốc nào trong bối cảnh này, hệ thống đã bị thất bại.
[1] Người dịch: Thuật toán không đơn định là một thuật toán có một hoặc nhiều điểm lựa chọn, mà tại đó có nhiều hướng đi tiếp theo khác nhau nhưng không đươc chỉ rõ hướng nào sẽ được chọn. Mỗi thực thi cụ thể của một thuật toán như vậy chọn lấy một hướng mối khi gặp một điểm lựa chọn. (Nguồn: wikipedia).
[2] Người dịch: thí nghiệm rót cát (sand pile experiment) là một phương pháp trong xây dựng nhằm kiểm tra độ chặt của mặt đường và nền.
[3] Người dịch: CA là một mô hình toán học rời rạc được sử dụng trong nghiên cứu lý thuyết máy tính, toán học, vật lý, khoa học lý thuyết phức hợp, sinh học lý thuyết và các mô hình hóa cấu trúc vi mô. Ý tưởng này được khởi đầu bởi nhà vật lý S.wolfram trong cuốn sách “Celluar automata and complexity”.
[4] Người dịch: Đây là cách nói ẩn dụ của tác giả. Việc hiểu rõ cơ chế hình thành các vụ lỡ tuyết từ các bông tuyết là quan trọng để hiểu ẩn ý của tác giả. Hơi nước hoặc sương muối kết hợp với tinh thể tuyết tạo nên sương muối. Sương muối nặng sẽ lắng động tạo thành bông tuyết. Bông tuyết tạo ra các lớp tuyết không ổn định. Các lớp tuyết không ổn định khi tạo thành những độ dốc nhất định và tác động khác sẽ tạo nên các vụ sụt lỡ tuyết.
[5] Người dịch: Với hợp đồng futures còn nhiều thời gian sau mới đáo hạn, người ta dùng thuật ngữ Back Contracts. Loại hợp đồng này còn được gọi là Back months hay Distant contracts – nghĩa là hợp đồng còn nhiều tháng nữa mới đáo hạn, ngược lại với Front contracts – hợp đồng gần đến ngày đáo hạn.
[6] Người dịch: Giá bù hoãn mua (contango) là tình huống trong đó giá tương lai (hay giá kỳ hạn) của một hàng hóa cao hơn giá giao ngay được dự kiến trong tương lai cho hàng hóa đó. Trong thị trường ở tình trạng bù hoãn mua, các nhà phòng hộ (các nhà sản xuất/các nhà sử dụng hàng hóa) hay các nhà cơ lợi/nhà đầu cơ (các nhà đầu tư phi thương mại) “tự nguyện trả nhiều hơn cho hàng hóa ở thời điểm nhất định nào đó trong tương lai so với giá dự kiến thực tế của hàng hóa. Điều này là có thể vì mong muốn của người ta trong việc trả một khoản phụ phí để có được hàng hóa đó trong tương lai thay vì trả các chi phí lưu giữ và tích trữ của việc mua ngay hàng hóa đó”..(Nguồn: wikipedia) Ví dụ, nếu một nhà giao dịch đang có một hợp đồng tương lai với giá 100 USD. Hợp đồng này đáo hạn trong 1 năm. Nếu giá giao ngay của tương lai được kỳ vọng ở mức 70 USD, thị trường đang ở trong tình trạng contango.
[7] Người dịch: hợp đồng mở là tổng số hợp đồng mở vị thế mà chưa thanh lý hoặc chưa đến hạn giao đối với thị trường kỳ hạn hoặc/và thị trường quyền chọn.
[8] Người dịch: Cửa sổ vàng (Gold Window) là một th Người dịch: Cửa sổ vàng (Gold Window) là một thuật ngữ xuất hiện trong hệ thống tiền tệ Bretton Wood. Theo hệ thống này, giá vàng được cố định ở mức 35 USD mỗi ounce. Thỏa thuận này không tác động đến các khu vực độc lập khác, nơi vàng vẫn được giao dịch như một loại hàng hóa kim loại. Do đó, thị trường tự do vẫn tồn tại. Để duy trì hệ thống Bretton Wood, phải khiến cho giá vàng trên thị trường tự do dao động gần với mức 35 USD mỗi ounce. Nếu có chênh lệch lớn giữa mức chính thức 35 USD và thị trường tự do, đó gọi là cửa sổ vàng (gold window). Khi có cửa sổ vàng, các quốc gia dưới áp lực của Mỹ phải tiến hành bán vàng vật chất ra khi giá trên thị trường tự do vượt quá nhiều mức 35 USD và mua vàng khi giá trên thị trường tự do thấp hơn nhiều so với mức 35 USD. Vào năm 1971, Nixon tuyên bố đóng cửa sổ vàng, tức hủy cơ chế tác động lên thị trường vàng tự do, gián tiếp phá bỏ hệ thống bản vị vàng.uật ngữ xuất hiện trong hệ thống tiền tệ Bretton Wood. Theo hệ thống này, giá vàng được cố định ở mức 35 USD mỗi ounce. Thỏa thuận này không tác động đến các khu vực độc lập khác, nơi vàng vẫn được giao dịch như một loại hàng hóa kim loại. Do đó, thị trường tự do vẫn tồn tại. Để duy trì hệ thống Bretton Wood, phải khiến cho giá vàng trên thị trường tự do dao động gần với mức 35 USD mỗi ounce. Nếu có chênh lệch lớn giữa mức chính thức 35 USD và thị trường tự do, đó gọi là cửa sổ vàng (gold window). Khi có cửa sổ vàng, các quốc gia dưới áp lực của Mỹ phải tiến hành bán vàng vật chất ra khi giá trên thị trường tự do vượt quá nhiều mức 35 USD và mua vàng khi giá trên thị trường tự do thấp hơn nhiều so với mức 35 USD. Vào năm 1971, Nixon tuyên bố đóng cửa sổ vàng, tức hủy cơ chế tác động lên thị trường vàng tự do, gián tiếp phá bỏ hệ thống bản vị vàng.
Xem lại phần 2