NHÀ ĐẦU TƯ CÁ NHÂN CÓ NHIỀU LỢI THẾ HƠN SO VỚI CÁC QUỸ ĐẦU TƯ
“Các nhà đầu tư cá nhân có nhiều lợi thế để thành công hơn cả các chuyên gia. Quy tắc số 1 là đừng nghe lời các chuyên gia.”- Nhà đầu tư huyền thoại Peter Lynch
Muốn trở thành một nhà giao dịch siêu hạng, đừng nghe lời khuyên của các chuyên gia và cũng đừng đầu tư theo cách của họ. Nếu bạn muốn đầu tư giống như một nhà quản lý quỹ, tại sao bạn không đưa tiền vào quỹ của họ? Bạn về cơ bản sẽ cùng một kết quả giống nhau mà không cần phải làm việc. Nhưng tại sao, bạn cũng không nên đầu tư vào các quỹ đầu tư chỉ số, vốn thường đánh bại hầu hết các nhà quản lý quỹ? Thực tế, để trở nên vượt trôi so với những người đồng nghiệp, hầu hết các nhà quản lý quỹ thành công phải học cách làm thế nào không đầu tư giống như các nhà quản lý quỹ khác và cố gắng đầu tư giống như các nhà giao dịch siêu hạng. Hầu hết các quỹ lớn được thiết kế để đạt được tỷ suất sinh lợi bình thường. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cá nhân có những lợi thế lớn hơn so với các nhà đầu tư tổ chức.
Ngược lại với quan điểm của nhiều người, tôi cho rằng các nhà quản lý tiền chuyên nghiệp lại không có lợi thế so với các nhà đầu tư cá nhân. Nhiều tổ chức đầu tư lớn sử dụng những nguyên tắc đầu tư sai lầm chẳng hạn như dựa trên quan điểm cá nhân, những tư duy truyền thống, cũng như cái tôi của người quản lý, trong nhiều trường hợp là cả sự ngạo mạn. Yếu điểm lớn nhất của các nhà quản lý quỹ lớn chính là quy mô của họ. Đầu tiên và trước hết, các nhà đầu tư tổ chức cần thanh khoản để mua bán với vị thế lớn. Họ phải mua đủ số cổ phiếu sao cho biến động giá có thể tạo nên tác động nhất định lên thành quả danh mục. Điều này buộc các tay chơi lớn phải chọn những công ty có số lượng cổ phiếu đang lưu hành lớn. Trong khi đó, điều ngược lại mới giúp các nhà đầu tư tạo ra tỷ suất sinh lợi lớn: đó là những công ty có lượng cổ phiếu trôi nổi khá nhỏ (small free float). [Người dịch: Trong mô hình CANSLIM của William O’Neil, chữ S thể hiện cho Cung và Cầu (Supply and Demand). Theo đó, các công ty có tỷ lệ cổ phiếu đang lưu hành thấp và vừa phải sẽ tạo nên tỷ suất sinh lợi lớn hơn so với các công ty có số lượng cổ phiếu đang lưu hành lơn. Lý do vì nguồn cung cổ phiếu càng ít, càng cần ít lực cầu để đẩy giá cổ phiếu tăng. Tất nhiên, cũng phải đủ thanh khoản để bạn tiến hành giao dịch.]
Các nhà đầu tư tổ chức gặp khó khăn khi đầu tư vào một công ty có số lượng cổ phiếu đang lưu hành nhỏ. Thậm chí nếu họ làm như thế, vấn đề thực sự là khi họ muốn bán cổ phiếu trong thị trường con gấu. Khi buộc phải thanh lý một vị thế lớn, các nhà đầu tư tổ chức càng khiến cho giá cổ phiếu giảm sâu thêm nữa vì chính lực bán của họ. Trong khi đó, một nhà đầu tư cá nhân có thể mua và bán một cách nhanh chóng, phản ứng linh hoạt với các điều kiện thị trường, do đó họ có lợi thế hơn nhiều trong việc tạo ra tỷ suất sinh lợi siêu hạng.
Một yếu điểm khác của các nhà quản lý quỹ lớn là họ chỉ được phép đầu tư trong danh sách các cổ phiếu được chấp thuận. Các nhà quản quỹ phải xin ý kiến khi muốn mua các cổ phiếu ngoài danh sách. Một tình huống bực mình nhất mà nhà quản lý gặp phải là họ phải giải trình xin ý kiến cổ đông để mua một cổ phiếu có rủi ro thấp, triển vọng tăng trưởng tốt nhưng nằm ngoài danh sách. Để giữ việc, tốt hơn hết là các nhà quản lý quỹ chỉ nên mua các cổ phiếu lớn như IBM hoặc Apple. Khi đó, nếu mọi việc trở nên tồi tệ, các cổ phiếu này sụt giảm mạnh thì chắc toàn bộ thị trường chung cũng đã giảm thê thảm. Ít nhất, các nhà quản lý quỹ cũng có cớ để đổ lỗi cho “sự xấu đi của bối cảnh thị trường chung” và họ cũng đã mua những cổ phiếu “chất lượng cao”. Một câu châm ngôn trên phố Wall là: “Bạn sẽ không bao giờ mất việc nếu như khiến khách hàng thua lỗ vì cổ phiếu IBM”.
Các nhà đầu tư tổ chức nói chung thường xây dựng một danh mục đầu tư được đa dạng hóa qua nhiều cổ phiếu và ngành. Đây chính là kết quả của việc họ cần thanh khoản và niềm tin đa dạng hóa sẽ giúp làm giảm thiểu rủi ro. Phần lớn các nhà quản lý quỹ ít nhất một lần từng phải giải ngân vốn trong điều kiện thị trường cực kỳ tệ hại. Việc bán cổ phiếu để chuyển sang nắm giữ tiền mặt là hành động không chấp nhận được. Hầu hết các quỹ tương hổ không bao giờ nắm giữ nhiều hơn 5%-10% tiền mặt trong quỹ. Các nhà quản trị luôn bị so sánh với các chỉ số chuẩn như S&P 500. Nếu các nhà quản lý quỹ bị chỉ số chuẩn đánh bại trong một thời gian dài, các nhà đầu tư sẽ rời khỏi quỹ và nhà quản lý quỹ sẽ mất việc.
Ngược lại, các nhà đầu tư các nhân có thể phản ứng với những diễn biến bất ngờ của xu hướng. Họ không cần phải xin ý kiến chấp thuận của bất cứ ai và cũng không có nghĩa vụ phải đa dạng hóa danh mục. Với công nghệ ngày nay, hầu hết các nhà giao dịch, kể cả chuyên nghiệp và nghiệp dư, đều sử dụng các công cụ gần như giống nhau. Sân chơi đang trở nên bằng phẳng hơn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cá nhân có lợi thế rất lớn so với nhà đầu tư tổ chức ở tính linh hoạt. Các nhà đầu tư cá nhân có thể tập trung danh mục vào một danh sách nhỏ các cổ phiếu tốt với mức rủi ro thấp (vì các nhà đầu tư cá nhân sử dụng lệnh dừng lỗ). Các nhà đầu tư cá nhân cũng không chịu áp lực buộc phải giải ngân và giao dịch thường xuyên. Do đó, họ có thể kiên nhẫn chờ đợi những thời cơ tốt nhất.
Hầu hết mục tiêu của các nhà quản lý quỹ là an toàn hơn là theo đuổi tỷ suất sinh lợi siêu hạng. Họ sẽ được xem là thành công nêu như thị trường chung giảm 40% nhưng danh mục của họ chỉ giảm 32%. Đây là một ví dụ mà họ nói họ đang đánh bại thị trường! Nếu bạn nghĩ phương pháp đầu tư của các quỹ là an toàn hoặc ít rủi ro, tôi nghĩ bạn nên nhìn lại thành tích của họ trong các thị trường con gấu. [Người dịch: vô cùng tệ! Ví dụ nhiều quỹ đầu tư đã lỗ nhiều hơn thị trường chung trong cuộc khủng hoảng 2008.]
Đối với các quỹ đầu tư lớn, quy mô lớn làm giảm độ chính xác: việc phải mở và đóng vị thế lớn mà không ảnh hưởng đến giá thực sự là bài toán khó. Đây là sự bất lợi kỹ thuật buộc các nhà quản lý quỹ phải tìm kiếm các nguồn thông tin nội bộ. Mặc dù phương pháp giao dịch tất nhiên sẽ đóng vai trò quan trọng đối với mọi nhà giao dịch, nhưng ngay cả khi sử dụng cùng một phương pháp, các nhà giao dịch cá nhân vẫn hiệu quả hơn so với các nhà đầu tư tổ chức.
Lời kết là nếu bạn muốn có thành quả giao dịch như một quỹ tương hổ, hay đầu tư như một nhà quản lý quỹ, tốt nhất hãy đưa tiền cho họ đầu tư giúp bạn. Bạn không cần phải làm việc mà vẫn có kết quả tương tự. Nhưng nếu bạn muốn có thành tích giao dịch siêu hạng, bạn phải đầu tư theo cách của các nhà giao dịch siêu hạng.
Cuộc cạnh tranh giữa các gã đầu tư chuyên nghiệp và trader cá nhân giống như Rùa Và Thỏ. Thỏ tuy chạy nhanh hơn (vốn lớn, thông tin nhanh nhạy) nhưng cũng có nhiều bất lợi.
BẠN CÓ THỂ BẮT ĐẦU VỚI SỐ VỐN NHỎ
“Những ý tưởng mới đều đòi hỏi sự hy sinh. Mọi người có thể châm biếm hoặc những người có thẩm quyền sẽ gạt bỏ nó”.
-Thẩm phán nổi tiếng Charles Brower
Khi nỗ lực làm điều gì đó, bạn sẽ gặp phải những người hoài nghi. Sẽ có rất nhiều cho rằng, bạn không thể làm được. Nếu bạn không có nhiều tiền, họ sẽ nói bạn sẽ không có đủ vốn để giao dịch, vì thế đừng cố gắng vô ích. Thật vớ vẫn! Tôi ở đây để nói cho bạn rằng, bạn có thể trở nên giàu có từ thị trường chứng khoán thậm chí với số vốn nhỏ. Trừ khi bạn đã thành công trong nghề nghiệp chuyên môn của mình (trở thành một bác sĩ nổi tiếng, một nhà đầu tư bất động sản giàu có, ca sĩ hoặc diễn viên có tên tuổi…), bạn có thể không có nhiều tiền cho hoạt động giao dịch, và nếu bạn chỉ là chàng trai trẻ mới rời ghế trường đại học, chắc hẳn bạn không có nhiều vốn liếng. Đừng nản chí. Bạn có thể bắt đầu bằng số tiền nhỏ, giống như tôi đã làm.
Một người bạn của tôi đã rơi vào hội chứng những người hoài nghi cách đây không lâu khi anh ta muốn học cách giao dịch cổ phiếu. Vì anh ta là bạn thân, tôi để cho anh ấy đến thăm văn phòng của tôi mỗi ngày và ngồi cạnh tôi để học hỏi kinh nghiệm. Giao dịch với tài khoản tương đối nhỏ, anh bắt đầu hiểu ra làm thế nào để giao dịch bền vững và quản trị rủi ro. Sau khi đã nhuần nhuyễn, bạn tôi quyết định giao dịch ở nhà một mình. Một ngày nọ, tôi nghe anh ấy nói rằng, anh ta đã ngừng giao dịch. Tôi ngạc nhiên vì anh ta đã bắt đầu giao dịch khá tốt. Khi hỏi anh ta về nguyên nhân từ bỏ, anh ấy nói với tôi rằng, một người bạn khác đã nói anh ấy không thể làm giàu vì tài khoản giao dịch quá nhỏ và anh ấy đang lãng phí thời gian. Nản chí, người bạn của tôi đã từ bỏ.
Michael Dell bắt đầu bán máy tính trong ký túc xá đại học. Sau đó, vào năm 1984, ông sáng lập nên công ty Dell Computer Corporation chỉ với số vốn 1,000 đôla. Dell sau đó trở thành công ty bán máy tính cá nhân lớn nhất thế giới. Tôi bắt đầu giao dịch chỉ với vài nghìn đôla, và chỉ sau vài năm, số tiền này đã trở thành hơn 160,000 đôla. Một năm sau đó, đó là nửa triệu đôla. Khi có trong tay một khoản vốn kha khá, tôi có thể biến nó thành một cơ ngơi giàu có. Những gì xảy ra sau đó đã trở thành lịch sử.
Michael Dell về thăm ký túc xá, nơi ông khởi nghiệp, xây dựng đế chế máy tính.
Tôi không phải là người duy nhất trở thành nhà giao dịch siêu hạng với số nhỏ. David Ryan – người đã ba lần liên tiếp đạt giải quán quân Nhà Vô Địch Đầu Tư Hoa Kỳ với tỷ suất sinh lợi ba con số mỗi năm, bắt đầu với số vốn chỉ 20,000 đôla vào năm 1982. Khi đọc về câu chuyện của David Ryan vào những năm 1980 đã thôi thúc tôi trở thành nhà giao dịch siêu hạng và bản thân tôi cũng đã giành giải quán quân Nhà Vô Địch Đầu Tư Hoa Kỳ.
Vẫn còn rất nhiều người đã bắt đầu bằng số vốn nhỏ và cuối cùng trở nên giàu có[1]. Điều chúng ta thường hay mắc phải là bị những người khác thuyết phục rằng chúng ta không thể làm được. Nên nhớ, những người nói không thể làm được chính là vì họ cũng không làm được.
“Thời gian của các bạn là có hạn, nên đừng phí phạm bằng cách sống cuộc đời của người khác. Đừng rơi vào bẫy của sự độc đoán, giáo điều của người khác. Đừng để những ý kiến ồn ào xung quanh đánh chìm tiếng nói bên trong bạn. Và quan trọng nhất, hãy có dũng cảm để đi theo tiếng gọi của trái tim và linh tính. Chúng biết bạn thực sự muốn gì. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu thôi” (người dịch trích lời của Steven Jobs).
[1] Người dịch: Tôi có thể kể ra một số ví dụ: Bắt đầu vào năm 1999, Dan Zanger bắt đầu với 10,000 đôla và biến thành 42 triệu đôla trong 18 tháng. William O’Neil bắt đầu vào năm 1862-1963 với tài khoản chỉ 5,000 đôla và sau đó biến thành 200,000 đôla. Sau đó, ông bắt đầu trở nên thành công hơn khi sáng lập Investor Business Daily và công ty đầu tư Investor.com. Nicolas Darvas bắt đầu với tài khoản 100,000 đôla và biến nó thành hơn 2 triệu đôla sau 4 năm.