Đầy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Trước tác động của đại dịch Covid-19, việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định sản xuất kinh doanh, tái thiết lập trật tự an toàn xã hội.
Tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ sở hạ tầng, cầu đường, bến bãi… cũng là yêu cầu cấp bách để đón làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư từ các quốc gia khác sang Việt Nam. Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, mức giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 7 đã có sự bứt phá khi đạt 45.653 tỷ đồng, mức cao nhất trong một tháng kể từ tháng 1/2014 đến nay.
Không còn ì ạch như 6 tháng đầu năm, cùng với việc 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) được chuyển đổi sang hình thức đầu tư công, BVSC dự báo, giải ngân vốn đầu tư công trong nửa cuối năm sẽ tăng 25 – 30% (250.000 – 280.000 tỷ đồng). Riêng đối với Bộ Giao thông và Vận tải, sẽ tập trung vào các dự án đường bộ cao tốc, đặt mục tiêu đạt 85% kế hoạch giải ngân đến tháng 11 và hoàn thành 100% kế hoạch vào cuối năm.
Doanh nghiệp thép hưởng lợi
Vốn đầu tư công sẽ tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt thông qua các dự án lớn. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu nhiều địa phương, cũng như các tập đoàn kinh tế phối hợp giải quyết vướng mắc trong công tác giải ngân đầu tư công, đặc biệt là giải phóng mặt bằng các dự án đường cao tốc tuyến Bắc – Nam.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị thành lập tổ công tác đặc biệt để giám sát kiểm tra tiến độ giải ngân của các dự án, chú trọng các dự án trọng điểm mang tính cấp bách như cao tốc Bắc – Nam phía Đông, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành..
Với chuyển động này, các doanh nghiệp xây dựng, xây lắp, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng sẽ là những đơn vị hưởng lợi sớm.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, khoảng 40% vốn đầu tư công sẽ được giải ngân tại 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, và việc xây dựng sẽ cần đến khoảng 8.900 tỷ đồng nhựa đường, 7.600 tỷ đồng thép xây dựng và 3.800 tỷ đồng xi măng. Ước tính, chi phí cho nhựa đường, thép xây dựng và xi măng sẽ cần lần lượt 22.300 tỷ đồng, 19.100 tỷ đồng và 9.500 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành trên đã đưa ra kỳ vọng tăng trưởng hết sức khả quan trong năm 2020. Tập đoàn Hòa Phát (HPG) năm 2020 đặt kế hoạch doanh thu 86.000 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2019 và lợi nhuận sau thuế khoảng 9.000 tỷ đồng, tăng gần 19% so với số thực hiện của năm trước.
Kế hoạch này hoàn toàn khả thi khi Hòa Phát là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực thép xây dựng. Thị phần thép xây dựng Hòa Phát đã đạt 31%, dẫn đầu cả nước và đã vươn lên dẫn đầu về sản lượng bán hàng ở thị trường miền Nam. Doanh nghiệp tự tin sẽ soán ngôi Formosa, trở thành doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam từ năm 2021.
Đẩy mạnh đầu tư công được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt hạ tầng, vực dậy nền kinh tế, tạo triển vọng hồi phục và phát triển cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong nhiều năm tới.
“Đẩy mạnh đầu tư công phần nào giúp thép Hòa Phát tiêu thụ tốt trong tháng 7”
Thúc đẩy giải ngân đầu tư công là kích thích mua sắm công, tạo tài sản cố định cho xã hội và nền kinh tế thông qua xây dựng các công trình hạ tầng, cơ sở vật chất cho phát triển… là chủ trương rất đúng đắn trong bối cảnh kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Việc này có ý nghĩa không chỉ cho giai đoạn đang có dịch mà còn phục vụ mục tiêu, tầm nhìn tăng trưởng dài hạn. Tôi cho rằng, đẩy mạnh đầu tư công có tác động thiết thực, là biện pháp cần thiết nhằm đạt mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Nếu việc đầu tư công được giải ngân nhiều vào các công trình hạ tầng, cầu cống đường xá thì sản phẩm thép của Hòa Phát sẽ được hưởng lợi. Thực tế, việc giải ngân đầu tư công những tháng gần đây đã được cải thiện, phần nào giúp Thép Hòa Phát tiêu thụ tốt hơn trong thời gian gần đây. Tháng 7 vừa qua, thép xây dựng Hòa Phát đạt sản lượng bán hàng 300.000 tấn, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 19% so với tháng 6. Sản lượng thép xuất khẩu là 53.500 tấn, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ. Ngoài thép thành phẩm, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường 1 triệu tấn phôi thép, phục vụ sản xuất thép xây dựng, riêng tháng 7 là 169.000 tấn.
Năm 2020, Hòa Phát đặt mục tiêu đạt hơn 3 triệu tấn thép xây dựng. Chúng tôi hy vọng từ nay đến cuối năm, Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, giải quyết các điểm nghẽn của các dự án lớn…
Với sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Tập đoàn Hòa Phát tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế đã được Đại hội đồng cổ đông năm 2020 thông qua, với doanh thu 86.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 9.000 tỷ đồng.