Tính đến ngày 27/9, 40% của hàng MWG và 15% cửa hàng PNJ tại Hà Nội đã đón khách trở lại. Theo giới phân tích, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ đã chạm đáy và bắt đầu bước vào nhịp phục hồi khi các biện pháp giãn cách dần được nới lỏng.
40% của hàng MWG và 15% cửa hàng PNJ tại Hà Nội đón khách trở lại
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết các công ty bán lẻ hàng không thiết yếu dần mở cửa trở lại các cửa hàng ở Hà Nội khi thành phố nới lỏng các hạn chế về giãn cách xã hội.
Cụ thể, UBND Thành phố Hà Nội đã thông báo kể từ ngày 28/9/2021, thành phố sẽ cho phép trở lại các hoạt động thể thao ngoài trời (nhưng không tập trung quá 10 người) và mở cửa trở lại các trung tâm thương mại (tuy nhiên, các địa điểm ăn uống chỉ phục vụ khách mua mang đi) cũng như may mặc, thời trang và cửa hàng mỹ phẩm.
Với các nới lỏng này, các doanh nghiệp bán lẻ như Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Thế giới Di động (MWG) đã bắt đầu mở lại các cửa hàng tại Hà Nội.
Theo VCSC, tính đến ngày 27/9, đã có khoảng 40% trong số 250 cửa hàng TGDD và DMX tại Hà Nội (khoảng 9% tổng số cửa hàng TGDD và DMX) đang hoạt động mặc dù chỉ có thể có tối đa 10 người cùng một thời điểm bên trong cửa hàng. Trong khi đó, 42% cửa hàng TGDD và DMX tại Hà Nội hiện chỉ được phép phục vụ các đơn hàng trực tuyến và 18% cửa hàng còn lại vẫn đang đóng cửa.
PNJ cũng đã mở lại 3 cửa hàng tại Hà Nội vào ngày 27/9 và dự kiến sẽ tiếp tục mở thêm các cửa hàng khác trong vài ngày tới. Tính chung cả 3 cửa hàng này, hiện có 4 cửa hàng PNJ đang hoạt động tại Hà Nội trong tổng số 26 cửa hàng vàng tại Hà Nội (chiếm khoảng 8% tổng số cửa hàng vàng của PNJ).
Theo PNJ, hiện tại, các cửa hàng đang hoạt động chỉ có thể có tối đa 20 người (bao gồm cả nhân viên của PNJ) tại một thời điểm. Với lưu lượng cửa hàng thông thường, hạn chế này đủ để các cửa hàng này hoạt động ở điều kiện gần như bình thường.
VCSC cho rằng diễn biến tích cực này tái khẳng định quan điểm MWG và PNJ sẽ bắt đầu có những cải thiện về kinh doanh trong quý 4/2021 cùng với khả năng nới lỏng các hạn chế về giãn cách xã hội.
Kết quả kinh doanh của MWG và PNJ đã chạm đáy?
Trong tháng 8, việc áp dụng nghiêm ngặt các quy định giãn cách đã làm phần lớn cửa hàng của MWG và PNJ phải tạm đóng cửa, khiến kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề.
MWG gọi tháng 8 là giai đoạn “thử thách chưa từng có’’ khi khoảng 2.000 điểm bán của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh trên toàn quốc phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng. Các cửa hàng này chiếm 70% về số lượng và đóng góp hơn 80% giá trị doanh thu của hai chuỗi trong điều kiện bình thường. Do đó, tháng 8 cũng là tháng kinh doanh thấp điểm nhất MWG từ đầu năm với 6.500 tỷ đồng doanh thu và 222 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
So với tháng trước, doanh thu giảm gần một phần ba trong khi lợi nhuận chạm mức thấp nhất kể từ đầu năm. Tính từ tháng 5, doanh nghiệp này đã có 4 tháng liên tiếp sụt giảm doanh thu và lợi nhuận.
Trầm trọng hơn MWG, PNJ ghi nhận mức lỗ sau thuế 78 tỷ đồng trong tháng 8 và đánh dấu tháng thua lỗ thứ hai liên tiếp khi công ty này. Trước đó, PNJ ghi nhận lỗ ròng 32 tỷ đồng trong tháng 7.
Theo PNJ, kết quả kinh doanh đi xuống do phải tạm đóng hơn 270 cửa hàng trên toàn hệ thống trong hầu hết thời gian của tháng để thực hiện việc giãn cách xã hội. Theo đó, doanh thu thuần PNJ trong tháng 8 giảm gần 87% so với cùng kỳ năm trước, xuống 162 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ có thể đã chạm đáy và bắt đầu bước vào nhịp phục hồi khi các biện pháp giãn cách dần được nới lỏng.
Không chỉ tại Hà Nội, kể từ ngày 16/9, TP. Hồ Chí Minh đã nới lỏng các chính sách giãn cách xã hội ở một số quận (ví dụ người dân ở Quận 7, Củ Chi và Huyện Cần Giờ được phép mua sắm tại các cửa hàng bách hóa). Các tỉnh phía Nam khác cũng đã áp dụng các biện pháp nhẹ hơn như một số huyện ở Long An, Tiền Giang, Đồng Nai và tỉnh Bến Tre chuyển từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15 về các biện pháp giãn cách xã hội.
Giới phân tích nhận định, một khi việc tiêm chủng được đẩy nhanh tiến độ và giãn cách xã hội dần được dỡ bỏ, các cửa hàng mở cửa trở lại sẽ khiến bức tranh ngành bán lẻ tươi sáng hơn.
SSI Research cho rằng việc sớm mở cửa trở lại các cửa hàng Điện Máy Xanh/Thế Giới Di Động có thể đạt doanh thu ổn định trong mùa cao điểm cuối năm. Đồng thời, quá trình hợp nhất thị trường có thể sẽ tăng tốc trong thời kỳ đại dịch, vì các cửa hàng tư nhân nhỏ hơn sẽ gặp khó khăn để tồn tại. Việc giành được thị phần sẽ giúp MWG đạt được mức tăng trưởng vượt trội sau đại dịch so với các đối thủ cạnh tranh trong năm 2022.
Với PNJ, trong báo cáo phân tích cuối tháng 8, VCSC cho rằng hoạt động kinh doanh của ‘’ông trùm’’ kim hoàn này sẽ chạm đáy trong quý III và bắt đầu phục hồi vào quý IV.
VCSC cũng đánh giá những khó khăn hiện tại chỉ là ngắn hạn và dự báo doanh số bán hàng tại các cửa hàng hiện hữu sẽ giảm với tốc độ hai chữ số vào năm nay nhưng sẽ tăng hai chữ số giai đoạn năm 2022-2023.
Nhóm phân tích dự phóng doanh thu bán lẻ quý III giảm khoảng 70% trước khi hoạt động kinh doanh bắt đầu cải thiện trong quý IV khi doanh thu bán lẻ chỉ còn giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ 90% số cửa hàng sẽ hoạt động trở lại trước cuối năm 2021.
Kỳ vọng về sự hồi phục của ngành bán lẻ đã được phản ánh phần nào trên thị trường chứng khoán khi cả PNJ và MWG đều có nhịp tăng khá mạnh trong những ngày gần đây. Tính từ cuối tháng 9, thị giá MWG đã tăng trên 14% trong khi cổ phiếu PNJ cũng có tỷ suất sinh lời hơn 8%.
(Nguồn: VietnambusinessInsider)