Con bò liên tục bị gấu vã vào mặt, và điều này là không hề tốt, đặc biệt là những đòn đánh xuất hiện vào cuối phiên giao dịch. Nó cho thấy, các tay chơi lớn đang lợi dụng sự tăng giá để chốt lãi, đặc biệt ở nhóm “bank, chứng, thép”. Nếu muốn giữ chân dòng tiền, thị trường cần phải xoay tua sang các nhóm ngành mới. Hôm nay, nhóm xuất khẩu đang cố gắng làm điều này.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN HÔM NAY
“Ngân hàng, chứng khoán, thép” được gọi vui là “bằng chứng thép” đã kéo thị trường tăng giá vào đầu phiên. HPG đã có lúc tăng giá hơn 3%, tương tự nhóm ngân hàng hay chứng khoán cũng có sự tăng giá mạnh như SSI hay BID…Nhưng sau 14h, lượng cung chốt lãi đổ vào thị trường khiến hàng loạt cổ phiếu quay đầu giảm mạnh với khối lượng lớn. Tầm sau 14h là mốc thời gian cần quan sát vì đây là thời điểm mà các tay chơi lớn thường hành động. Kể từ khi giao dịch theo T+2.5, và kịch bản thị trường trong thời gian gần đây thường biến động trong biên độ hẹp đầu phiên, và hướng đi của thị trường chỉ được quyết định sau 14h.
Cổ phiếu HPG tưởng chừng như phiên hôm nay sẽ có điểm breakout mẫu hình đảo chiều Vai Đầu Vai Ngược thì lượng cung chốt lãi khiến cổ phiếu nay quay đầu giảm -1.96%. Thanh khoản thấp hơn so với phiên giao dịch ngày hôm trước và vẫn nằm trên EMA 21 ngày là một hy vọng để xem phản ứng của HPG trong phiên giao dịch ngày mai. Thị trường bò tót không thích các phiên giảm mạnh nối liền liên tục.
Chỉ số VN-Index đóng cửa giảm -1.34% với khối lượng cao hơn phiên giao dịch trước tạo ra một ngày phân phối mạnh. Đây là ngày phân phối thứ ba, xuất hiện trong khoảng thời gian chưa đầy 10 phiên giao dịch, tạo ra rủi ro cho thị trường. Mật độ phân phối quá dày là dấu hiệu nguy hiểm, điều đã từng diễn ra vào giai đoạn tháng 9.2022, trước khi thị trường chung sập mạnh một lần nữa.
Lúc này, mặc dù VN-Index vẫn giữ trên EMA 21 ngày và cả MA50 ngày, nhưng khoảng cách với EMA 21 ngày trở nên rất mong manh. Nếu thị trường tiếp tục có thêm ngày phân phối nữa hoặc phá lủng các mức hỗ trợ quan trọng này, đây là thời điểm nên hạ tỷ trọng danh mục bằng cách chốt lãi hoặc cắt lỗ nhanh. Mất cả đường trung bình đi động quan trọng trên có thể dẫn tới hạ triển vọng thị trường.
Nên nhớ, phản ứng xấu của thị trường xuất hiện ngay sau cuộc họp FOMC, cho thấy tác động từ giọng điệu diều hâu của chủ tịch FED đang tạo ra rủi ro lớn. Hồi tháng 9, chất xúc tác giảm giá cho thị trường cũng chính là giọng điệu diều hâu của FED.
Chỉ số USD Index đang có dấu hiệu tăng trở lại trong vài phiên gần đây, và nước ngoài đã giảm hoạt động mua ròng. Có thời điểm trong phiên, nước ngoài đã bán ròng, mặc dù chốt phiên hôm nay cũng mua ròng nhẹ hơn 100 tỷ đồng. Sự thiếu vắng bàn tay hỗ trợ của nhà đầu tư nước ngoài là nguyên nhân khiến cho cầu yếu. Dòng tiền nội vì thế cũng quay sang chốt lãi dòng bank, chứng thép, vốn đã tăng +50% đến +70% trong hơn 1 tháng qua.
Vấn đề của thị trường lúc này là phải có dòng cổ phiếu khác quay sang giữ thị trường nếu như con bò muốn tiếp tục sống sót. Trong một thị trường tăng giá, con bò tồn tại bằng cách liên tục xoay tua đổi trụ để kéo thị trường. Nhưng lần này, nỗ lực của VRE +4.2% và MSN +1.6% ngay tại MA50 ngày và EMA 21 ngày của chính nó vẫn không đủ để giữ thị trường. Thị trường đang cần các dòng khác thay thế cho bank chứng thép để giữ chân dòng tiền ở lại. Dòng nào có thể kéo thị trường được thì phải chờ thị trường trả lời trong các phiên tiếp theo.
Độ rộng của thị trường hôm nay nghiêng về phe bán với số cổ phiếu giảm gấp 1.6 lần số cổ phiếu tăng. Nhưng rõ ràng, thị trường đang ngắm đến các trụ bank, chứng, thép để chốt lãi. Chỉ số VN-30 giảm 1.3% trong khi HNX-Index chỉ giảm nhẹ 0.35%.
CHỜ ĐỢI ĐỢT HỒI PHỤC ÔNG GIÀ NÔ EN ?
TTCK thế giới không lạ gì với đợt hồi phục ông già Nô En, thường bắt đầu vào 5 ngày giao dịch cuối cùng của năm, sau lễ Nô En và 2 ngày giao dịch đầu tiên của năm mới. Thống kê của Team NĐT CANSLIM từ năm 2006 đến nay cho thấy, xác suất để xảy ra đợt hồi phục ông già Nô En chỉ khoảng 50% đối với chỉ số VN-Index, và thường xuất hiện nhiều nhất trong một xu hướng tăng hoặc kết thúc của thị trường con gấu.
Trong bản tin bình luận trên kênh Youtube vào cuối tuần, Team NĐT CANSLIM đã cho rằng, xu hướng của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực theo thế giới sau cuộc họp FOMC, tức tuần này. Tuy nhiên, khả năng sẽ giảm bớt thiệt hại vào sau Nô En.
Chúng tôi cho rằng, giọng điệu diều hâu của FED có thể giúp USD phục hồi ngắn hạn sau khi USD Index đã nằm dưới MA200 ngày và điều này ảnh hưởng đến việc giảm mua ròng của khối ngoại tại Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng chính của USD Index vẫn là giảm giá đến tháng 3/2023, và chúng tôi kỳ vọng vào tuần cuối cùng của năm 2022 có lực kéo của khối ngoại. Hơn nữa, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do cũng đã kéo về sát mức tâm lý 24,000, là mốc khó giảm thêm nữa trong ngắn hạn. Chúng tôi cho rằng, các diễn biến trên thị trường tỷ giá đang có tương quan khá chặt với hoạt động mua ròng của khối ngoại.
Team NĐT CANSLIM cho rằng thị trường không lặp lại kịch bản tiêu cực như hồi tháng 9/2022. Vietnam Bond Yield kỳ hạn 10 năm của Việt Nam vẫn giảm đi ngang trong phiên giao dịch hôm nay, và tiếp tục giảm nhẹ sau cuộc họp FOMC là đứng ở mức 5.12%. Rõ ràng, các nhà giao dịch trên thị trường trái phiếu không tỏ ra quá sợ hãi bởi FED.
Xem thêm:
NHÓM XUẤT KHẨU TRỞ LẠI- TIÊU ĐIỂM VCS
Chúng tôi nhận thấy độ rộng của thị trường vẫn chưa bị tổn hại đáng kể khi số lượng cổ phiếu nằm trên MA50 ngày vẫn nhiều hơn so với số lượng cổ phiếu nằm dưới MA50 ngày mà chúng tôi đang quan sát.
Hôm nay, các cổ phiếu nghiêng về xuất khẩu vẫn giữ được sự tăng giá tốt. Ví dụ như PTB +4.75% và giành lại MA50 ngày. Hay ANV cũng tăng hơn +3% và giành lại MA50 ngày. Đặc biệt VCS tăng trần, tạo điểm mua Gap Up, trùng với breakout mẫu hình đảo chiều Vai Đầu Vai.
- Còn tiếp, theo dõi qua zalo 0977.697.420 của Team NĐT CANSLIM