TĂNG GIÁ CUỐI PHIÊN, THANH KHOẢN TĂNG CAO ĐỘT BIẾN. LIỆU MA200 NGÀY CÓ VƯỢT QUA?

Trader nên thận trọng khi dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào các cổ phiếu ít tăng giá trong thời gian qua như bán lẻ, hóa chất. Thanh khoản ở HOSE vượt mức 16 nghìn tỷ đồng. Đây là lần thứ ba trong năm 2023, chỉ số VN-Index chạm vào mức thanh khoản này. Trong hai lần trước, chỉ số VN-Index trùng với đỉnh tháng 1 và tháng 4, còn lần này, chỉ số VN-Index thoát sắc đỏ nhờ lực mua cuối phiên và chạm vào MA200 ngày. Rủi ro trần nợ công của Mỹ vẫn cần được theo dõi khi Quốc Hội Mỹ sẽ bỏ phiếu vào ngày thứ 4 (giờ Mỹ, tương ứng ngày thứ 5 theo giờ Việt Nam).

CỔ PHIẾU BÁN LẺ NỔI SÓNG

 Thông tin việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% được kỳ vọng sớm được phê duyệt vào đầu tháng 6, trong kỳ họp của Quốc Hội, giúp các cổ phiếu bán lẻ sôi động. DGW +4.5%, MWG +1.8%, PET +3.5%, HAX +3.5%. Đây là nhóm cổ phiếu Laggard (đội sổ) trong thời gian qua khi tiệm cận về đáy thấp nhất lịch sử.

Điều này là do kết quả kinh doanh quý 2 vẫn được kỳ vọng kém tích cực. Phần lớn các doanh nghiệp bán lẻ kỳ vọng mọi thứ sẽ tích cực từ quý 3. Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bán lẻ có khả năng đã tạo đáy vào quý 1 và đang có dấu hiệu hồi phục chậm chạm.

Theo CTCK BSC, doanh thu tháng 4 của MWG tăng +23.5% so với tháng 3 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tháng 5. Doanh số tăng nhờ TGDĐ và ĐMX tăng +20% so với tháng trước, đặc biệt các mặt hàng điện máy tăng do thời tiết nắng nóng. Doanh thu của BHX cũng tăng nhẹ +3% so với tháng 3. Doanh thu trên mỗi cửa hàng cũng tăng nhẹ +3.6% so với tháng trước.

MWG là người khởi đầu cuộc chiến về giá, với khẩu hiệu “giá quá rẻ”. Đây không phải là một biện pháp tạm thời mà là một chiến lược lâu dài. Công ty đang cố gắng giảm tồn kho để bảo vệ dòng tiền, chấp nhận hy sinh cả lợi nhuận. Biểu đồ dưới cho thấy, số ngày tồn kho của MWG giảm trong khi các doanh nghiệp khác đang tăng lên. Đáng chú ý, TGDĐ của MWG vẫn có biên lợi nhuận dương trong khi FPT Shop đã âm (lỗ).

MWG đang cho thấy sự cải thiện rõ rệt trong biên lợi nhuận EBITDA của BHX và thu hẹp mức lỗ từ -13% xuống còn -6%. Điều này lo do doanh thu trên mỗi cửa hàng tăng, biên lợi nhuận gộp tăng từ 25% lên 26% nhờ các thực phẩm hàng tươi.

Team NĐT CANSLIM giữ nguyên quan điểm quý 1.2023 là đáy lợi nhuận của MWG. Một số dự phóng năm 2023 của các CTCK cho thấy lợi nhuận năm nay có thể giảm -30% đến -50%. Lạc quan nhất là BSC với dự phóng lợi nhuận ròng năm 2023 của MWG vào khoảng 2,815 tỷ đồng (giảm -31%) và bắt đầu phục hồi mạnh vào năm 2024 (+70%, đạt, 4798 tỷ đồng). CTCK SSI cũng có dự phóng gần tương tự với lợi nhuận ròng giảm -27%, vào khoảng 3,000 tỷ và sau đó tăng mạnh +50% vào năm 2024 lên mức 4,561 tỷ đồng.

Trong khi đó, HSC dự phóng lợi nhuận ròng năm 2023 sẽ giảm mạnh -50% xuống còn quanh 2,000 tỷ đồng và tăng gấp đôi trở lại mức 4,930 tỷ vào năm 2024.

Lợi nhuận đã tạo đáy quý 1 nhưng sự phục hồi sẽ diễn ra chậm chạp. Thứ nhất, lãi suất sẽ giảm từ từ và cần thêm thời gian để ngấm. Thứ hai, cầu tiêu dùng sẽ phải đến ít nhất quý 3.2023 mới bắt đầu phục hồi. Đây là câu chuyện chung cho nhiều cổ phiếu bán lẻ khác như DGW, FRT, MSN hay PET, hay HAX mà chúng tôi theo dõi.

Team NĐT CANSLIM khuyến nghị trader theo phương pháp CANSLIM nên hạn chế bắt các mã cổ phiếu bán lẻ thời điểm này vì dòng tiền vào chưa đủ mạnh. Sự tăng giá vì thế khó kéo dài. Mặc dù chúng tôi cho rằng, định giá của nhiều cổ phiếu bán lẻ như MWG, FRT hay HAX đang ở mức thấp nhưng đây không phải là các cổ phiếu tăng trưởng.

Trong ngắn hạn, giá các cổ phiếu bán lẻ có thể hồi phục sau khi chạm vào các mức hỗ trợ mạnh.

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN HÔM NAY

 Trader nên tập trung vào dòng tiền. Câu chuyện bây giờ là nhóm chứng khoán và bất động sản, là hai ngành đang được hưởng lợi nhờ kỳ vọng lãi suất giảm. Khi các leader đầu ngành bắt đầu chạm kháng cự, và dòng tiền chuyển hướng sang các cổ phiếu penny hoặc đội sổ (laggard) thì nên cẩn trọng.

Cổ phiếu BSI, leader ngành chứng khoán, hôm nay tăng +6.8%, và vượt qua vùng kháng cự 31,000-32,000 của đỉnh tháng 6 và tháng 8 năm 2022. Tuy nhiên, sau một năm giảm giá mạnh như 2022, lượng cung treo lơ lửng trên đầu vẫn còn lớn.

DTD, leader ngành BĐS KCN, tăng +9.6%. Câu chuyện tương tự như BSI với lượng cung treo lơ lửng trên đầu lớn. Xem thêm bình luận trên kênh youtube

PVS tiếp tục +2.3%, một vài cổ phiếu vẫn tăng giá sau điểm breakout như HDG +4.3% và VOS +2.2%.

Tâm điểm sự chú ý vẫn là các cổ phiếu penny trong bất động sản như VC7 tím, VC3 tím, EVG tím, HD6 +6.64%…

Chỉ số VN-Index có sắc đỏ chủ đạo trong suốt phần lớn phiên giao dịch nhưng nhờ lực tăng cuối phiên đã giúp chỉ số này tăng nhẹ +0.29%. Thanh khoản tăng mạnh lên mức 16,000 tỷ trên sàn HOSE. Từ đầu năm tới nay, đây là mức thanh khoản thuộc top cao, và hai lần trước trùng với đỉnh tháng 2 và tháng 4.

Quan điểm của tôi cho rằng, mức thanh khoản này sẽ là cản trên và dòng tiền khó có thể vào thêm để hướng tới thanh khoản cao hơn như 18 hay 20 nghìn tỷ. Dùng một lượng tiền lớn nhưng chỉ kéo thị trường tăng nhẹ, và lại lan ra các cổ phiếu laggard như bán lẻ, hóa chất (DGC, DPM…) thì nhà đầu tư nên cẩn trọng có thể thị trường đang đi vào đoạn cuối của một nhịp tăng. Nhịp tăng này bắt đầu từ tháng 3 và tháng 4, nơi admin khuyến nghị mua.

Thời điểm hiện tại, admin nghiêng về hướng, thị trường tăng giá thì cứ rỉa hàng ra chốt lãi dần dần. Team cho chốt lãi STB, FPT một phần trong ngày hôm nay.

Ngày mai, ngày phân phối 21/04/2023 sẽ bị loại bỏ theo nguyên tắc thời gian. Trong khi đó, ngày phân phối 25/4/2023 cũng đang chờ đợi xóa theo nguyên tắc thời gian và tăng giá 5%.

Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Việt Nam hôm nay giảm mạnh 79 điểm cơ bản, đóng cửa ở mức 3.28%. Lợi suất trái phiếu chính phủ giảm sau khi chạm vào kháng cự MA50 ngày.

TIÊU ĐIỂM CỔ PHIẾU HAX

 Sau kết quả kinh doanh quý 1 thảm hại chỉ vỏn vẹn 4 tỷ đồng, một số CTCK chỉ giảm nhẹ kỳ vọng lợi nhuận của HAX. Ví dụ CTCK VDSC vẫn đưa ra mức lợi nhuận ròng 236 tỷ cho năm 2023, do kỳ vọng nửa sau năm 2023 sẽ bù lại.  So với dự phóng trước đó của VDSC, lợi nhuận ròng của HAX chỉ giảm nhẹ -6.3%, do doanh số chỉ giảm nhẹ -5.7%.

 

Trả lời