Một huyền thoại quản lý quỹ “chưa bao giờ thua lỗ”, cánh tay phải của Soros
Stanley Druckenmiller là một tên tuổi lừng lẫy trong thế giới của những nhà quản lý các danh mục đầu tư trị giá hàng tỷ đô la. Kiếm được tỷ suất sinh lợi gần 40% trên một danh mục đầu tư 100 triệu đô la đã đủ ấn tượng, nhưng đạt được mức tỷ suất sinh lợi đó đối với một quỹ hàng tỷ đô la thì thật không thể tin được. Trong 3 năm kể từ khi ông tiếp quản Quỹ Quantum từ người thầy và thần tượng của mình, George Soros, Druckenmiller đã đạt được lợi nhuận trung bình hàng năm trên 38% khi quản lý lượng tài sản dao động từ 2.0 tỷ đến 3.5 tỷ đô la.
Druckenmiller luôn đi trên con đường thăng tiến nhanh chóng kể từ khi ông quyết định từ bỏ con đường học vấn sau đại học để bước vào thế giới thực. Sau chưa đầy một năm làm chuyên viên phân tích cổ phiếu cho Ngân Hàng Quốc Gia Pittsburgh, Druckenmiller đã được thăng chức làm giám đốc nghiên cứu cổ phiếu. Druckenmiller cho rằng việc thăng chức nhanh chóng này là do một giám đốc phòng ban lập dị nhưng tài giỏi. Tuy nhiên, người ta nghi ngờ rằng còn có nhiều thứ khác, đặc biệt là khi nhìn vào những thành tích sau đó của Druckenmiller. Ít hơn một năm sau, khi người đứng đầu bộ phận tuyển dụng Druckenmiller rời ngân hàng, Druckenmiller lại được thăng chức để đảm nhận vị trí đó, một lần nữa vượt qua hàng loạt cấp quản lý kỳ cựu đang tranh giành cùng một vị trí. Hai năm sau, vào năm 1980, ở độ tuổi trẻ trung 28, Druckenmiller rời ngân hàng để thành lập công ty quản lý tiền bạc của riêng mình, Duquesne Capital Management.
Năm 1986, Druckenmiller được Dreyfus chiêu mộ làm nhà quản lý quỹ. Trong thỏa thuận, Dreyfus cho phép Druckenmiller tiếp tục quản lý Quỹ Duquesne của riêng ông. Vào thời điểm gia nhập Dreyfus, phong cách quản lý của Druckenmiller đã chuyển từ phương pháp thông thường là nắm giữ một danh mục cổ phiếu sang một chiến lược đa dạng bao gồm trái phiếu, tiền tệ và cổ phiếu, với sự linh hoạt trong việc giao dịch trên bất kỳ thị trường nào trong số này, theo cả hướng mua và bán khống.
Dreyfus rất ấn tượng với phương pháp tiếp cận thị trường bẩm sinh của Druckenmiller đến mức công ty đã phát triển một vài quỹ dựa trên ông, trong đó nổi bật nhất là Quỹ Đầu tư Chiến lược Năng Động (Strategic Aggressive Investing Fund), quỹ này từng là quỹ hoạt động tốt nhất trong ngành kể từ ngày thành lập (tháng 3 năm 1987) cho đến khi Druckenmiller rời Dreyfus vào tháng 8 năm 1988.
Sự nổi tiếng của Druckenmiller tại Dreyfus ban đầu là một điều tốt đẹp. Cuối cùng, ông thấy mình đang quản lý 7 quỹ tại Dreyfus, bên cạnh Quỹ Duquesne của riêng ông. Áp lực từ tất cả các hoạt động này và mong muốn làm việc với Soros, người mà Druckenmiller coi là nhà đầu tư vĩ đại nhất thời đại, khiến ông rời Dreyfus để đến Soros Management. Ngay sau đó, Soros giao quyền quản lý quỹ của mình cho Druckenmiller, khi Soros rời đi để theo đuổi mục tiêu giúp chuyển đổi các nền kinh tế đóng cửa của Đông Âu và Liên Xô cũ.
Chỉ số đo lường hiệu suất dài hạn nhất của Druckenmiller trên thị trường là quỹ Duquesne của riêng ông. Kể từ khi thành lập vào năm 1980, quỹ đã đạt trung bình 37% hàng năm. Druckenmiller nhấn mạnh rằng những năm đầu hoạt động của Duquesne không liên quan trực tiếp, vì cấu trúc của quỹ đã thay đổi hoàn toàn vào giữa năm 1986 để phù hợp với cách tiếp cận giao dịch linh hoạt mà ông đang sử dụng. Tính từ thời điểm thay đổi này, lợi nhuận hàng năm trung bình của Druckenmiller đạt 45%.
Những bài học từ huyền thoại giao dịch “chưa bao giờ thua lỗ”: Stanley Druckenmiller.
Bí Mật Để Trở Nên Xuất Chúng: Bảo Toàn Vốn Chặt Chẽ và Có Vài Cú Thắng Lớn.
Theo Druckenmiller, một nhà giao dịch thành công, muốn có thành tích vượt trội cần hai yếu tố chính: bảo toàn vốn và đánh những cú “home run“. Yếu tố thứ nhất đã được nhiều người biết đến, nhưng yếu tố thứ hai lại ít được chú ý hơn.
Đứng trên góc độ nhà quản lý quỹ, Druckenmiller cho rằng, để thực sự xuất sắc, bạn cần tận dụng tối đa những tình huống thuận lợi. Đó là lúc bạn nên mạnh dạn “đạp ga” chứ không nên nghỉ ngơi trên chiến thắng. Một thành tích tốt được tạo ra bởi việc tránh những năm thua lỗ và đạt được một vài năm lợi nhuận cao (tỷ suất sinh lợi đạt hai hoặc ba chữ số). Trong từng giao dịch cụ thể, cú đánh” home run” có nghĩa là sử dụng đòn bẩy trong những trường hợp hiếm hoi khi bạn tự tin cao độ. Như Druckenmiller nói, “cần có lòng dũng cảm để làm “con lợn” (tức là tham lam khi thị trường thuận lợi)”.
Một bài học quan trọng khác rút ra từ bài phỏng vấn là nếu phạm sai lầm, hãy hành động ngay lập tức! Druckenmiller từng mắc sai lầm nghiêm trọng khi chuyển từ vị thế bán khống sang mua 130% vị thế (tức có sử dụng margin), đúng ngày trước vụ sập đổ thị trường vào ngày thứ hai đen tói 19/10/1987. Tuy nhiên, ông vẫn kết thúc tháng đó với chút lợi nhuận. Làm thế nào ư? Khi nhận ra mình sai lầm, ông đã thanh lý toàn bộ vị thế mua ngay trong giờ giao dịch đầu tiên của ngày 19/10, và thực sự chuyển sang bán khống trở lại. Nếu ông cố chấp bảo vệ vị thế ban đầu hoặc chần chừ chờ thị trường hồi phục, ông sẽ phải chịu một khoản lỗ khổng lồ. Thay vào đó, ông đã kiếm được một khoản lợi nhỏ. Khả năng chấp nhận sự thật khó chịu (ví dụ như hành động của thị trường hoặc các sự kiện trái ngược với vị thế của bạn) và phản ứng quyết đoán, không do dự là dấu hiệu của một nhà giao dịch giỏi.
Mặc dù Druckenmiller sử dụng phân tích định giá và xem nó là quan trọng trong việc đánh giá mức độ của một đợt chuyển động giá tiềm năng trong tương lai, nhưng ông nhấn mạnh rằng phương pháp này không thể dùng để định thời điểm thị trường. Những công cụ chính mà Druckenmiller áp dụng để định thời điểm của thị trường chung là phân tích thanh khoản và phân tích kỹ thuật.
Khi đánh giá từng cổ phiếu riêng lẻ, Druckenmiller nhớ lại lời khuyên của người sếp đầu tiên, người đã khiến ông nhận ra rằng, bước đầu tiên trong bất kỳ phân tích nào là xác định các yếu tố khiến một cổ phiếu cụ thể tăng hoặc giảm. Các yếu tố cụ thể đó sẽ khác nhau đối với từng phân khúc thị trường, và đôi khi thậm chí trong từng lĩnh vực.
Phong cách giao dịch của Druckenmiller hoàn toàn trái ngược với các nguyên tắc quản lý quỹ truyền thống. Không có lý do logic nào để một nhà đầu tư (hoặc quản lý quỹ) gần như hoàn toàn “tất tay (all in)” cổ phiếu mọi lúc. Nếu phân tích của nhà đầu tư cho thấy khả năng thị trường sắp đi xuống, họ nên chuyển hoàn toàn sang tiền mặt và thậm chí có thể là vị thế bán khống ròng. Hãy nhớ sự thất vọng của Druckenmiller khi trở nên cực kỳ bi quan vào giữa năm 1981, hoàn toàn chính xác trong dự báo của mình, nhưng vẫn mất tiền, bởi vì lúc đó, ông vẫn tin rằng một nhà quản lý cổ phiếu phải luôn ở vị thế mua ròng. Không có nghi ngờ gì, lợi nhuận dài hạn của Druckenmiller sẽ giảm đáng kể và mức drawdown của ông sẽ lớn hơn nhiều nếu ông chỉ giới hạn bản thân ở phía mua của thị trường chứng khoán. Sự linh hoạt trong phong cách của Druckenmiller – bán khống, mua và cả đa dạng hóa sang các thị trường lớn khác trên toàn cầu (ví dụ như trái phiếu và ngoại tệ) – rõ ràng là một yếu tố then chốt trong thành công của ông. Trong cờ vua, quân hậu – có thể di chuyển theo mọi hướng – là một quân mạnh hơn nhiều so với con tốt, chỉ có thể di chuyển về phía trước.
Một sự thật cơ bản về thị trường (hay có lẽ chính xác hơn là một sự thật cơ bản về bản chất con người) là bạn không thể thắng nếu buộc phải thắng. Việc Druckenmiller lao vào hợp đồng tương lai T-Bill trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm cứu công ty của mình khỏi sự phá sản tài chính là một ví dụ điển hình. Mặc dù ông đã mua hợp đồng tương lai T-Bill trong vòng một tuần kể từ mức đáy thấp nhất mọi thời đại (bạn không thể chọn một giao dịch nào tốt hơn thế nhiều), nhưng ông ấy vẫn thua sạch tiền. Việc buộc phải thắng đã giết chế giao dịch – trong trường hợp này, thông qua đòn bẩy quá mức và thiếu kế hoạch. Thị trường là một ông chủ nghiêm khắc hiếm khi tha thứ cho sự bất cẩn nào liên quan đến các giao dịch xuất phát từ sự tuyệt vọng.
Bạn đọc có thể tìm hiểu chi tiết trong cuốn sách “New Market Wizards”- Những Phù Thủy Mới Trên Thị Trường Tài Chính