Phía sau cơn sốt tỷ giá là: Lãi suất

Bài viết được đăng tải trên báo Đầu Tư Tài Chính số ra ngày 23.2.2017

(ĐTTCO)-Khi lạm phát và tỷ giá đang trong xu hướng tăng sẽ gây ra áp lực buộc lãi suất VND phải nhích theo. Hai tuần qua, một số ngân hàng thương mại cũng đã tăng nhẹ lãi suất huy động đầu vào từ 0,1-0,2% ở một số kỳ hạn.

Tỷ giá và lãi suất liên ngân hàng đồng loạt tăng vọt

Trong tuần trước, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng mạnh với biên độ từ 0,82-1,28% ở các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 1,28%, đạt mức 4,01%/năm; kỳ hạn 1 tuần tăng 1,14%, đạt 4,13%/năm; kỳ hạn 2 tuần tăng 0,82% lên mức 4,02%/năm.

Xu hướng tăng tiếp diễn trong hai ngày giao dịch đầu tiên của tuần bắt đầu ngày 20-2. Theo đó, ngày 21-2, các ngân hàng đã chào nhau mức lãi suất trên 5%, tăng khoảng 0,3-0,7% ở các kỳ hạn so với cuối tuần trước.

Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng từ đáy ngày 8-2, khoảng 1 tuần sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Đinh Dậu 2017. Nguyên nhân một phần từ việc NHNN đã hút về 177.000 tỷ đồng (qua cả kênh OMO và tín phiếu) vào khoảng giữa tháng 2-2017.

 

Việc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đột ngột tăng mạnh còn do sức ép từ tỷ giá. Từ sau Tết Đinh Dậu, xu hướng tăng giá của đồng USD trên thị trường quốc tế đã kéo theo đà tăng của tỷ giá USD/VND. Cùng với diễn biến khá nóng trên lãi suất liên ngân hàng, sáng ngày 22-2, một số ngân hàng lại tiếp tục đẩy tỷ giá lên. Tại BIDV đã đẩy lên mức giá 22.880, cao hơn so với thị trường tự do.

Lạm phát đang là một ẩn số có khả năng gây sức ép lên lãi suất trong thời gian tới. Hiện tại, số liệu lạm phát tháng 2 vẫn đang chờ Tổng Cục Thống kê công bố (dự kiến ngày 28-2). Tuy nhiên, khả năng lạm phát của Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng tăng từ nửa sau 2016, khi giá dầu trong 2 tháng đầu năm 2017 đang tăng nhiệt trở lại. Giá dầu sau khi dao động trong mức 50 USD/thùng trong suốt tháng 1 và đầu tháng 2 (đáy ngày 8-2) nay đã tăng lên vùng 54-55USD. Xu hướng tăng của giá dầu dự báo vẫn tiếp tục khi OPEC đang cho thấy những triển vọng tích cực trong việc cắt giảm sản lượng dầu.

Trong nước, Việt Nam vừa tăng giá xăng vào ngày 18-2 (xăng RON 92 tăng 504 đồng/lít lên mức 18.098 đồng/lít), yếu tố này sẽ tác động đến lạm phát trong thời gian tới.

Tự do hóa lãi suất, thêm “room”  phòng chống lạm phát

Xu hướng tăng của lạm phát, tỷ giá và lãi suất đang tạo ra sức ép trước ngày thực hiện tự do hóa lãi suất. Cụ thể, kể từ ngày 15.3.2017 các tổ chức tín dụng và khách hàng sẽ được tự do thỏa thuận về lãi suất cho vay theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN của NHNN. Quy định về trần lãi suất cũng sẽ chỉ áp dụng đối với trường hợp cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thuộc các lĩnh vực ưu tiên quy định tại Thông tư 39.

Bước gỡ bỏ trần lãi suất của NHNN phù hợp với xu thế hiện nay của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới trong việc điều chỉnh lại chính sách tiền tệ để phòng chống lạm phát. Khi lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang ở mức thấp, buộc phải có sự điều chỉnh trong chính sách tiền tệ trong bối cảnh giá dầu, giá vàng cùng tăng đang làm tăng kỳ vọng lạm phát.

Theo đó, vào tháng 9-2016, BOJ đã chuyển sang chính sách tiền tệ mới là “kiểm soát đường cong lãi suất” với cam kết giữ cho lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức quanh 0%. Công cụ này cho phép BOJ thắt chặt chính sách tiền khi lạm phát mất kiểm soát.

Tháng 12-2016, ECB cũng công bố giảm lượng QE sẽ tiến hành mua vào trong năm 2017 trước áp lực lạm phát tăng lên và đồng thời FED công bố kế hoạch 3 lần tăng lãi suất trong năm 2017. Do đó, việc NHNN Việt Nam điều chỉnh lại chính sách tiền tệ trong bối cảnh mới của thế giới là việc làm phù hợp.

Đối với Việt Nam, trần lãi suất là chốt chặn làm hạn chế khả năng sử dụng công cụ lãi suất để thắt chặt chính sách tiền tệ. Vì vậy, việc tháo bỏ trần lãi suất giúp NHNN có thêm “room” để  phòng chống lạm phát khi cần thiết.

Huy động trái phiếu chính phủ đang gặp phải nhiều áp lực

Ngày 22-2, Kho bạc Nhà nước công bố kế hoạch huy động vốn trái phiếu Chính phủ 183.300 tỷ đồng trong năm 2017. Trong đó loại trái phiếu có hạn mức huy động lớn nhất là kỳ hạn 5 năm 80.300 tỷ đồng, tiếp đến kỳ hạn 7 năm 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm 20.000 tỷ đồng, trái phiếu có kỳ hạn dài nhất 30 năm với khối lượng dự kiến huy động 15.000 tỷ đồng.

Như vậy, con số KBNN vừa công bố thấp hơn đôi chút so với mục tiêu 200.000 tỷ đồng đầu năm của Bộ Tài Chính. Trước đó, tháng 1-2017 Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính công bố mục tiêu huy động vốn 250.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước qua kênh này cho năm 2017 (năm 2016 huy động được 281.750  tỷ đồng).

Trong đó, có 34.395 tỷ đồng trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, 8.000-10.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương, còn lại hơn 200.000 tỷ đồng là trái phiếu Chính phủ do KBNN phát hành.

KBNN đặt mục tiêu huy động 65.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong quý I-2017. Trong đó tháng 1-2017, KBNN đã huy động được 10.032 tỷ đồng, đạt 60% so với mức gọi thầu. Đến ngày 9-2, thống kê cho thấy KBNN đã huy động thành công 16.847 tỷ đồng TPCP qua đấu thầu tại HNX.

Đến ngày 17-2, KBNN huy động được 20.917 tỷ đồng trái phiếu chính phủ. Như vậy, để hoàn tất kết hoạch 65-000 tỷ đồng trong quý I này, KBNN sẽ phải huy động hơn gấp đôi mức huy động hiện nay trong nửa thời gian còn lại của quý. Trong bối cảnh, lãi suất liên ngân hàng đang tăng, có thể KBNN phải điều chỉnh tăng lãi suất gọi thầu. Hiện nay, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đang ở mức 5,9%/năm là mức thấp nhất trong 7 năm qua.

 

Khả năng tăng lợi suất trái phiếu chính phủ có thể được nhìn thấy khi sử dụng công cụ phân tích kỹ thuật như sóng Elliott. Hình dưới cho thấy, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Việt Nam đang có khả năng hình thành phân kỳ với chỉ báo MACD tại đáy số 3 và số 5 hiện nay. Theo cấu trúc sóng Elliott, sau khi hoàn tất xu hướng gồm 5 sóng, xu hướng thị trường sẽ thay đổi. Với xu hướng giảm từ năm 2012 đến nay, hoàn toàn có khả năng lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm sẽ chuyển sang tăng.

Trương Minh Huy

Trả lời