Bên gấu vẫn còn rất mạnh để bẻ gãy những đòn phản công lúc này của bò. Tin đồn vẫn lan truyền và nhà đầu tư vẫn e sợ.
TRUYỀN THÔNG CHÍNH THỐNG PHẢN BÁC TIN ĐỒN.
Mỗi một quốc gia hay thị trường có những cách riêng trong việc lan truyền thông tin ra thị trường chứng khoán. Vào lúc này, tin đồn đang là đặc sản của thị trường và nó hoàn toàn có đất để sống khi rất nhiều lần “đồn là đúng”.
Chúng tôi không bình luận về tín chính xác của nguồn tin, dù nó đã được doanh nghiệp và truyền thông chính thức phản bác, thì nó cũng khiến cho nhà đầu tư hoang mang sợ hãi vào lúc này.
Vào hôm nay, cô hotgirl xinh đẹp Lý Nhã Kỳ phản bác tin đồn trên báo Thanh Niên về việc mình bị bắt[1]. Hay CTCK VNDirect (mã VND) phản bác tin đồn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp của Trung Nam.[2] Trước đó, Novaland (mã NVL) hay Nam Long (mã NLG) cũng phản bác các tin đồn về lãnh đạo hay ngừng thi công dự án Aquacity và Izumi tại Đồng Nai. Ngay cả Vingroup cũng không thoát được tin đồn.
Bất luận tin đồn đúng hay sai, thì hôm nay mã cổ phiếu VND vẫn tiếp tục dư sàn ngày thứ hai liên tiếp, là cổ phiếu đứng thứ ba trong nguyên nhân kéo thị trường đi xuống. Các cổ phiếu bất động sản gần như sàn cứng, như DIG, CEO, HDG, DXG…bởi lo ngại về vấn đề đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, VHM và VIC lần lượt giảm -2.5% và -2.3% là yếu tố chính đẩy thị trường đi xuống.
Các tin đồn thường sẽ được phản ánh vào trong hành động giá và vì thế nhà giao dịch nên tập trung quan sát nó là cách tốt nhất để nhà giao dịch phản ứng. Ngoài ra, nếu được thì các nhà giao dịch trong trường hợp cho phép nên tiến hành kiểm tra tính chính xác của nguồn tin, tránh bị cảnh tranh tối tranh sáng gây ảnh hưởng đến tâm lý giao dịch.
Các tin đồn đang khiến niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán suy yếu.
Xem thêm:
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN NGÀY HÔM NAY
ChỈ số VN-Index vẫn chưa thể lấy lại mốc 1,000 điểm. Ngay cả khi TTCK Mỹ đã tăng điểm ba phiên liên tiếp và quay trở lại xu hướng tăng, nhờ những thông tin tích cực về triển vọng lãi suất của FED thì thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn bị đè nặng bởi lực bán.
Số lượng mã cổ phiếu nằm sàn vẫn còn nhiều, cụ thể có 56 mã trên sàn HoSE, bằng gần 1/3 số mã tăng. Độ rộng thị trường nghiêng về phía bán với số lượng mã giảm gấp 1.5 lần số mã tăng.
Không dễ để chặn lại cú đánh của gấu khi nhà đầu tư vẫn thiếu niềm tin vào thị trường. Xu hướng giảm giá xuất hiện từ đầu phiên và duy trì sắc đỏ trong suốt phần lớn phiên giao dịch. Nhờ nỗ lực của một số cổ phiếu ngân hàng, và cổ phiếu công nghệ tốt như FPT mới giúp thị trường tránh phiên giảm sâu.
Chỉ số VN-Index đóng cửa giảm -0.44% với thanh khoản thấp hơn phiên trước. Biên độ giao dịch hôm nay nằm trọn trong ngày hôm trước, hình thành một inside bar, thể hiện sự lưỡng lự của các nhà đầu tư. Vào lúc này, thanh khoản thấp với biên độ hẹp là khá tốt nhằm chặn lại đà giảm mạnh của ngày sáu tuần trước và thứ hai đầu tuần.
Đừng đỏi hỏi thanh khoản cao vào lúc này. Quá trình tạo đáy đi kèm với thanh khoản thấp, sự chán nản của nhà đầu tư. Thanh khoản càng thấp cho thấy nguồn cung yếu dần.
Trên biểu đồ tuần, tôi đã giải thích sự mở rộng của biên độ giá trong các tuần giảm giá với thanh khoản thấp tạo nên sự thiếu đồng bộ của xu hướng giảm. Nó cho thấy xu hướng giảm này đang dần mất đi động lực. Xem minh họa trong bài youtube ở trên.
Đây là ngày nỗ lực hồi phục thứ hai của chỉ số VN-Index và một khi đáy 962 của ngày thứ tư không bị phá thủng, chúng ta vẫn kỳ vọng vào một đợt nỗ lực hồi phục mới.
Đã có dấu hiệu phân kỳ dương giữa chỉ số Vn-Index và chỉ báo RSI, mang tới hy vọng phục hồi.
Chúng tôi cho rằng, khả năng thị trường vẫn khá yếu trong vài phiên tới và thanh khoản sẽ thấp khi nhà đầu tư chờ đợi tin tức quan trọng từ cuộc họp FOMC vào ngày 1 và 2 tháng 11 bên Mỹ. Ngoài ra là dữ liệu quan trọng Non Farm Payroll vào cuối tuần ngày 4.11.2022. Xem bình luận về dữ liệu lao động này ở đây: https://elibook.vn/2022/10/21/lieu-khoang-khac-fed-pivot-co-xuat-hien-vao-thang-12-day-la-bang-chung.html/
QUỐC HỘI THẢO LUẬN LUẬT DẦU KHÍ
Ngày 25 tháng 10, kỳ hop thứ tư của Quốc Hội khóa XV thảo luận hai dự án luật quan trọng là Luật Thanh Tra (sửa đổi) và Luật Dầu Khí (sửa đổi).
Các nhà đầu tư hy vọng Luật Dầu Khí (sửa đổi) sẽ sớm được thông qua nhằm cởi trói cho việc triển khai các dự án đầu tư lớn như Lô B-Ô Môn. Theo kỳ vọng của một số công ty chứng khoán, dự án Lô B- Ô Môn có thể được thông qua vào cuối quý IV hoặc vào đầu năm 2023 (CTCK VCSC). Trong báo cáo tháng 10, CTCK SSI cho rằng khó có thể đạt được Quyết Định Đầu Tư Cuối Cùng trước năm 2023, còn CTCK BVSC thì lạc quan hơn cho rằng vẫn có cơ hội vào Quý 4/2022.
Các mã cổ phiếu dầu khí ở thượng tầng như GAS, PVD, PVS đang ngóng dự án Lô B-Ô Môn, có quy mô hơn 10 tỷ đôla trong bối cảnh đang thiếu việc làm khiến lợi nhuận sụt giảm trong vài năm qua.
Trong phiên giao dịch ngày hôm nay, PVD nằm sàn trong khi PVS chỉ giảm nhẹ -0.9%. Cả hai cổ phiếu đều nằm dưới các đường trung bình di động MA50 ngày và M200 ngày. Trong đó, PVD sau khi mất mốc MA50 ngày với khối lượng khủng vào thứ sáu tuần trước đang chịu áp lực giảm giá trong ngắn hạn. PVD từng có nền giá Chiếc Cốc Tay Cầm với điểm phá vỡ vào tháng 9 nhưng đã thất bại khi thị trường chung sụt giảm sâu. Do đó, PVD có khả năng sẽ phải xây lại nền giá mới.
PVD được quỹ Dragon Capital gom mạnh từ tháng 7 năm nay và được giới đầu tư kỳ vọng sẽ có kết quả kinh doanh lạc quan hơn trong nửa cuối năm 2022 và 2023 khi giá cho thuê giàn khoan tăng 15%-30%.
Trong khi đó PVS chỉ giảm nhẹ và đang kiểm tra vùng hỗ trợ từ tháng 5 đến nay tại vùng giá 20,000.
Cả PVD và PVS vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh quý 3. Trong đó, PVS được SSI Research dự đoán có lợi nhuận quý 3 tương tự như các quý trước. Trong khi đó, BVCS cũng đồng ý quan điểm này với khả năng lợi nhuận nửa sau năm 2022 không có nhiều đột biến. Dự báo cả năm 2022 là 514 tỷ, giảm -14.5% yoy. Tuy nhiên, nếu dự án Lô B- Ô Môn sớm được thông qua, kỳ vọng PVS sẽ quay trở lại mức lợi nhuận nghìn tỷ như thời kỳ đỉnh cao. Xem thêm:
HY VỌNG NÀO CHO NỖ LỰC HỒI PHỤC CỦA PHÍA BÒ?
Tỷ giá tự do tiếp tục leo thang lên mức mới 25,400 trong ngày hôm nay. Sự sốt nóng của tỷ giá là một trong những nguyên nhân khác khiến giới đầu tư chứng khoán lo ngại.
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Việt Nam tiếp tục tăng nhẹ lên mức 5.17%, và gần tiệm cận đỉnh cao 5.18% vào đầu tháng.
Một số ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay sau động thái nâng lãi suất cơ bản của NHNN. Theo ghi nhận của chúng tôi, đã có ngân hàng đưa ra lãi suất cho vay 13%/năm.
Việt Nam chỉ có thể chống đỡ cơn bão tỷ giá lãi suất chứ không thể tự mình hóa giải. Mọi việc vẫn ngóng chờ FED trong cuộc họp tháng 11 này, diễn ra vào ngày 1-2 tháng 11 theo giờ Mỹ, tức Việt Nam sẽ nhận tin vào sáng ngày 3 tháng 11.
Tin tốt là lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm và chỉ số USD Index đã giảm nhiệt trong ngày hôm qua. Trong bài bình luận trên kênh youtube, chúng tôi đã cho thấy USD Index đang kéo về MA50 ngày. Nếu thủng đường này, thì đó là dấu hiệu cho thấy USD Index có thể điều chỉnh sâu về vùng 105 hoặc thậm chí 100. Đó là cơ hội cho sự hồi phục của thị trường chứng khoán toàn cầu trong đó có Việt Nam.
Chúng tôi vẫn giữ quan điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể xuất phát muộn trong đợt sóng tăng này do ảnh hưởng của những tin đồn mấy ngày gần đây. Tất nhiên, trader cần sự xác nhận của ngày FTD có thể xuất hiện từ ngày 4-ngày 7, nhiều khả năng phải sau ngày 7 vì phải chờ diễn biến FOMC.
Phố Wall có câu: “FED không làm thất vọng Phố Wall”. Việc FED cố tình để rò rĩ thông tin làm chậm quá trình tăng lãi suất đang dọn đường cho dư luận và từ đó không làm cho phố Wall phải thất vọng. Cũng giống như đợt hồi phục tháng 7 và tháng 8, thị trường một lần nữa kỳ vọng vào khả năng FED có giọng điệu bồ câu trong cuộc họp FOMC.
[1] https://thanhnien.vn/ly-nha-ky-bac-tin-don-bi-bat-post1514551.html?fbclid=IwAR2EmDpa7Yq6yQnqeH1KQIS69F4eytJz8762M9KnSXrasLroPs_G7PhbyII
[2] https://vietstock.vn/2022/10/vndirect-len-tieng-ve-nhung-tin-don-737-1012135.htm